Pages

24/9/09

Tôi được chữa lành bệnh ung thư

Xin hãy cùng tôi ngợi khen cảm tạ Chúa về những ơn lành Ngài đã làm trong đời sống tôi.

Tôi mắc bịnh ung thư mũi.Theo danh từ khoa học, chứng bịnh nầy là squamous cell carcinoma of nasopharynx. Ngày 20 tháng 4 năm 1998, tôi được Bs Stephen A. Landers thuộc bệnh viện Baylor, Dallas giải phẩu hạch ung thư ở cổ, nằm bệnh viện bốn ngày, sau đó tôi trải qua tám tuần lễ chạy radiation tại Sammons Cancer Center do sự điều trị của Bác sĩ R. Pickett Scruggs đồng thời phối hợp chuyền hóa chất chemo therapy ba lần dưới sự điều trị của Bs Claude A. Denham. Bác sĩ Scruggs rất lạc quan về sự điều trị tiến triển khả quan cuả tôi, Bs Denhem muốn tôi chạy chemo therapy thêm ba lần nữa cho dứt hẳn nọc ung thư có thể lan trong ngươi. Còn Bác sĩ Landers trong lần tái khám ngày 31 tháng 7 năm 1998 đã ghi vào hồ sơ bệnh án của tôi: No more tumor. Ngày 2 tháng 9 năm 1998 sau khi chụp phim catscan lần nữa, Bác sĩ Scruggs xem phim kỹ và nói với tôi là tumor ung thư của tôi không còn nữa. Thật sung sướng biết bao khi liên tục nghe được những tin mừng nầy.

Trải qua bốn, năm tháng trị bệnh, tôi đã kinh nghiệm thể nào về cuộc chiến đấu của bản thân đối với chứng bệnh nan y. Dầu thân thể đau đớn lâu ngày nhưng tâm trạng tôi nói chung lúc nào cũng lạc quan, tin tưởng, hy vọng. Mỗi ngày thấy cơ thể biến chuyển khá hơn tôi rất mừng, lòng không ngớt cảm ơn Chúa. Ðối với người đời có thể nói tôi được chữa bệnh nhờ y khoa hiện đại, nhưng đối với một người có đức tin nơi Ðức Chúa Trời là Ðấng toàn quyền trên hết thảy mọi sự, tôi tin Chuá mới chính là Ðấng đã chữa lành bệnh cho tôi. Thực ra mọi sự chữa lành đều đến từ Chuá là Ðấng dựng nên thân xác của loài người. Chuá đã ban cho mỗi người có khả năng tự điều chỉnh, tự chữa lành. Chẳng hạn, Bác sĩ bó xương gãy, cố định xương nhưng cơ thể bệnh nhân có khả năng tự lành xương, liền xương. Ðức Chuá Trời đã ban cho loài người sự khôn ngoan để nghiên cứu phương cách bảo vệ sức khoẻ. Một trong những lãnh vực then chốt của y khoa là tìm cách giúp thêm cho khả năng tự chữa lành của cơ thể do Chuá ban cho. Vâng, Chuá có thể dùng y khoa hiện đại, Ngài cũng dùng quyền phép vô biên của Ngài để tiếp tục ban sự sống và sức khỏe cho tôi. Tôi tin nơi ý định tốt lành của Ngài đối với đời sống tôi và "giao ước của Ngài đối với tôi là giao ước bình an chứ không phải là tai họa" (Giê-rê-mi 29:11).

Suốt hơn năm, sáu tháng qua thân xác tôi, tinh thần tôi đã trải qua thử thách nặng nề. Y khoa ngày nay dù hiện đại, nhưng vẫn không giúp bệnh nhân thoát được sự đau đớn hành hạ và những phản ứng phụ (side effects) của việc điều trị. Ðể chữa bệnh ung thư, các bác sĩ đã dùng những biện pháp thật mạnh để "dĩ độc trị độc". Chạy radiation là người ta chiếu tập trung tia phóng xạ vào tumor được xác định để đốt các tế bào ung thư tại đó. Dù chạy tia phóng xạ mỗi lần một phút đến vài phút, nhưng tác động của nó đã làm cháy cả trong lẫn ngoài. Radiation làm cháy tumor ung thư nhưng cũng làm cháy các cơ quan liên hệ chung quanh. Sau vài tuần chạy radiation, hai bên má của tôi bị cháy đen, ở trong lẫn ngoài đều bị rát, cổ họng sưng lên không ăn uống gì được. Sau khi hết chạy radiation, cơ thể của tôi mới phục hồi từ từ mỗi ngày một chút, nhưng việc ăn uống thì nay tôi vẫn chưa ăn được bằng miệng. Còn chuyền hoá chất chemo therapy là đưa chất độc vào cơ thể để chận đứng sự phát triển các tế bào ung thư, nhưng hoá chất nầy là cũng làm hư hoại các tế bào lành mạnh khác của thân thể, hồng huyết cầu bị sụt giảm, tóc rụng hàng loạt, người trở nên xanh xao và sức lực yếu hẳn. Ðiều khó chịu nhất là khi chuyền hoá chất, dù bác sĩ có cho thuốc uống ngừa và trừ ói mữa, bệnh nhân vẫn không tránh khỏi. Bản thân tôi cũng vậy, mỗi lần chuyền hoá chất đều ói mữa, mệt nhọc vô cùng. Chính vì đó mà bác sĩ đã cho chuyền hoá chất từng đợt cách nhau một khoảng thời gian để cơ thể được hồi phục.

Trong suốt thời gian thử thách vừa qua tôi tìm được nhiều lý do để được an ủi và có cớ tạ ơn Chúa về ơn lành Ngài đã làm cho đời sống tôi.

Thứ nhất, là tôi được chữa bệnh ở Bệnh viện Baylor. Ðây là bệnh viện tư thuộc Giáo Hội Báp-tít. Tôi là Pastor Báp-tít nên cũng được bệnh viện chiếu cố giúp đở. Nhờ sự can thiệp của Giáo Hội Báp-tít Texas, tôi được nhận chữa bệnh khỏi phải trả tiền. Tôi tin rằng đây là một ơn đặc biệt Chúa ban cho tôi, không phải ai cũng được đặc ân như vậỵ Nếu các bác sĩ và bệnh viện không rộng rãi giúp đở, tôi không biết phải làm sao với món nợ y phí khổng lồ không bao giờ trả nỗi bởi lẽ insurance sức khoẻ của tôi đã không chịu trả đồng nào. Ðây là lý do quan trọng tôi dâng lời tạ ơn Chúa. Ngoài ra, bệnh viện Baylor Dallas rất tiện đường cho tôi từ nhà đến chữa trị. Tôi đi xe hơi trên xa lộ khoảng 15 phút là tới bệnh viện, khỏi tốn tiền đậu xe và không xa cách nhiều nếu so với việc đi chữa bệnh ở bệnh viện công Parland. Việc chữa trị tại đây mỗi lần cũng nhanh chóng, khỏi phải chờ đợi lâu.

Thứ hai, nhân dịp Bác sĩ Landers giải phẫu hạch cổ cho tôi, ông đã nhờ một Bác sĩ chuyên môn khác đặt một ống feeding tube vào bao tử của tôi. Bác sĩ chuẩn bị sẵn cả tháng trước khi tôi cần dùng đến. Và tôi thực sự cần để sống còn. Dầu không cảm biết mùi vị của thức ăn, tôi sống được là nhờ thức ăn lỏng bơm chuyền vào cơ thể qua feeding tube nầỵ Vợ tôi đã chịu khó nấu, hầm thức ăn và xay lỏng thức ăn mỗi ngày. Suốt mấy tháng điều trị, nhân dịp nghỉ hè, con gái tôi cũng đã giúp tôi rất nhiều trong việc nấu, xay thức ăn và bơm thức ăn vào bao tử của tôi. Không có feeding tube nầy tôi không biết làm sao ăn uống được. Dầu vậy từ khi chữa bệnh, tôi cũng sụt mất gần 20 pounds. Tôi suy nghĩ và thầm cảm ơn sự hiện diện và bàn tay dịu dàng của giới phụ nữ trên thế gian nầy. Ở bệnh viện hầu như bệnh nhân tiếp xúc với những nữ y tá nhiều hơn với nam bác sĩ. Hầu hết những khâu điều trị ở bệnh viện đều có bàn tay người phụ nữ can dự vào. Ở trường học nữ giáo viên có lẻ nhiều hơn nam giới. Trong gia đình người phụ nữ xứng đáng là nội tướng đảm đang.

Thứ ba, tôi sống trong tình thương của gia đình và Hội Thánh. Nghe tin tôi mắc bệnh nan y, các tôi tớ và con cái Chuá khắp nơi xa gần đã ân cần thăm hỏi, thăm viếng, cầu nguyện, cầu thay, có Hội Thánh và tín hữu gởi thư an ủi, gởi tiền giúp đở. Hằng tuần có các Pastor Mỹ và Việt trong vùng nhận lời mời đến giảng Lời Chúa tại nhà thờ thế cho tôi. Ban Chấp Hành Hội Thánh của tôi cứ động viên khích lệ để tôi yên tâm điều trị khỏi phải lo lắng gì nhiều. Một con cái Chúa thường nấu thức ăn đem đến giúp tôi, có người chuyên giúp sữa ensure, có thể nói tôi không thiếu sữa trong nhà mỗi khi tôi có cần. Hội Thánh là một đại gia đình yêu thương mà Chúa đã lập giữa thế gian nầy. Hội Thánh thờ phượng Chuá, dạy dỗ Lời Chúa, truyền bá Phúc Âm. Hội Thánh giáo dục con em chúng ta nên người đạo đức, hữu dụng cho gia đình và xã hội. Hội Thánh là "muối của đất, là ánh sáng của thế gian." Tôi thiết tưởng mọi người đều cần Hội Thánh. Người không gia nhập và sinh hoạt với Hội Thánh sẽ là người cô độc mất mát biết bao. Có người tưởng không cần Hội Thánh mình vẫn sống, đúng vậy, vì "Ðức Chuá Trời khiến mặt trời mọc lên, soi kẻ lành cùng kẻ dữ; ban mưa cho người công bình lẫn người độc ác"; nhưng chắc chắn sẽ có lúc mỗi người cần đến Hội Thánh. Ðời người ai lại không trải qua những lúc vui, lúc buồn, lúc thành công, lúc thất bại, lúc bình an, lúc hoạn nạn? Quả thật, "Sông có khúc, người có lúc."

Thứ tư, trong thời gian điều trị, tôi có nhiều thời gian để suy gẫm lời Chúa. Tôi đã lần lượt đọc và suy gẫm tất cả các sách Kinh Thánh trong Tân Ðớc. Tôi nghiên cứu đề tài: "Tại sao con cái Chúa chịu khổ nạn?" Tôi nhận được nhiều dạy dỗ quí báu từ Lời Chúa và biết chắc rằng Ðức Chúa Trời là Ðấng tốt lành. Không việc gì Ngài làm là không tốt. Sự đau khổ mà tôi và con cái Chúa đang chịu cũng nằm trong ý định tốt lành của Ngài. Chúa không hứa cất đi sự hiện diện của khổ đau nhưng Ngài hứa sẽ hiện diện với con cái Ngài trong lúc khổ đau. Vấn đề là tôi có kiên nhẫn để chờ đợi, để tin tưởng và để đầu phục ý Chúa khi Chúa cho phép khổ đau xảy đến cho đời sống mình không. Tôi đang học trong trường đau khổ và hy vọng sẽ tốt nghiệp thành công. Có lần, trong lúc cơ thể đau đớn nhiều, tôi đọc được trong Kinh Thánh một lời mà tôi nhận là lời Chúa hứa cho mình: "Ðức Giê-hô-va phán: Ta sẽ chữa lành thân thể ngươi và chữa lành vết thương ngươi" (Giê-rê-mi 30:17a). Tôi được yên ủi sâu xa nhờ Lời Hằng Sống của Chúa. Kinh Thánh có nhiều câu nói lên mục đích của những khổ đau xảy đến trong đời sống người theo Chúa. Sự đau khổ là một mầu nhiệm. Chúa Giê-xu đã chọn con đường thập tự giá là con đường đau khổ và Ngài mời gọi những người theo Ngài hằng ngày vác thập giá mình chịu khổ mà theo Ngài. Dù hiện tại không ai hiểu hết lý do cùng mục đích của khổ đau trong cuộc đời, nhưng theo tôi, mấy câu Kinh Thánh sau đây nói lên mục đích chính: "Hởi con, chớ dể ngươi sự sửa phạt của Chúa" và khi Chúa trách chớ ngã lòng. Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu. Hễ ai mà Ngài nhận làm con thì cho roi cho vọt. "Vả, cha về phần xác theo ý mình mà sửa phạt chúng ta tạm thời, nhưng Ðức Chúa Trời vì ích cho chúng ta mà sửa phạt, để khiến chúng ta được dự phần trong sự thánh khiết Ngài." "Thật các sự sửa phạt lúc đầu coi như một cớ buồn bã, chớ không phải vui mừng; nhưng về sau sanh ra bông trái công bình và bình an cho những kẻ đã chịu luyện tập như vậy" (Hê-bơ-rơ 12:5-6,10-11). Khi trải qua khổ đau mỗi con cái Chúa đều tự khắc hiểu được lý do và mục đích Chúa muốn trong đời sống của mình.

Hôm nay thân thể của tôi vẫn còn đau đớn xung quanh chỗ vết mỗ, tôi đang tập ăn lại bằng miệng, rao giảng Lời Chúa bằng giọng nói không trong như trước, nhưng tôi tin rằng bệnh tôi đã được Chúa chữa lành, tôi không lo sợ hai chữ ung thư nữa, tôi vẫn còn sống mạnh, sống dai để hầu việc Chúa, "Tôi sẽ chẳng chết đâu nhưng được sống, thuật lại công việc của Ðức Giê-hô-va" (Thi thiên 118:17).

Còn nhiều lý do khác tôi không kể hết, nhưng bấy nhiêu lý do nêu trên cũng đủ để suốt đời tôi tri ân, nhớ mãi.

Tôi nhớ một Pastor người Mỹ có kể câu chuyện khi ông còn nhỏ đã cùng các bạn bỏ học để đi câu cá. Khi bị thầy Hiệu trưởng bắt được và bị phạt đánh đòn. Trong khi chờ thầy đi lấy roi, các học trò nhỏ bàn nhau cách làm sao bị thầy đánh mà không đau. Mỗi em nói một cách, cuối cùng một em tỏ sáng kiến: "Muốn khỏi đau, mỗi lần thầy giơ roi đánh là mình áp sát người vào thầy hơn." Ðây cũng là cách mà tôi đang áp dụng để làm vơi bớt nỗi đau không thể tránh trong cuộc đời. Càng đau tôi càng gần Chúa hơn. Tôi càng gần Chúa hơn để cho bớt đau và để niềm đau trở nên có ý nghĩa hơn. Vâng, hôm nay sự đau khổ đã có ý nghĩa tích cực hơn đối với bản thân tôi.

Pastor Nguyễn Văn Huệ
Dallas, tháng 12, 1998,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét