Pages

24/9/09

Người Chiến Sĩ Của Chúa Giê-xu Christ

Tác gỉa : Danyun


Mọi người trong làng đều biết và bàn về điều đó, nhưng không có ai thực sự có thể nghĩ được rằng nó lại là sự thật: Quỳnh Lưu đã tin Chúa! Các bà ngoài chợ và cánh đàn ông trong những quán nước chè đều bàn tán và đặt câu hỏi rằng liệu Quỳnh Lưu có thể trở thành con người mới được không. Hầu hết chẳng ai tin điều đó. Vì từ xưa đến nay, mọi người vẫn biết Quỳnh Lưu là một kẻ không làm nên trò trống gì. Anh ta trông bảnh bao, cao ráo, có gương mặt đẹp trai và ăn nói văn hoa, nhưng lại không thích làm việc. Từ thời còn trai trẻ, anh ta đã chạy theo đuôi các cô gái, và cũng khá đào hoa. Không ai có thể hiểu được, anh đã thu nhập lối sống phóng đãng và sự suy đồi đạo đức này từ đâu, vì anh cũng giống như những bạn bè cùng trang lứa khác. Lớn lên trong một gia đình nông dân chất phác. Nhưng những giá trị mà gia đình anh và xã hội coi trọng đều vô nghĩa đối với anh. Anh chạy theo cách sống gấp, và mặc dù anh đã làm cho nhiều cặp vợ chồng đổ vỡ và nhiều người bị bất hạnh, nhưng anh cũng không thể chấm dứt được.

Nhưng bỗng nhiên, vào mùa giáng sinh 1971, Quỳnh Lưu trở nên một con người mới. Anh đã cắt đứt hoàn toàn với đời sống cũ và nhập cuộc hết lòng với Chúa Giê-xu. Khi anh muốn được báp-tem để bày tỏ công khai về đức tin mình, lúc đó là vào tháng mười hai. Con sông chảy qua vùng anh đã bị đóng băng. Một vài Cơ-đốc nhân lớn tuổi khuyên hoặc là làm báp-tem bằng chậu nước ở nhà, hoặc là nếu anh một mực muốn làm báp-tem trước nơi thanh thiên bạch nhật và được nhận chìm xuống nước, thì phải chờ đến mùa xuân năm sau. Nhưng Quỳnh Lưu không thể chờ được. Bây giờ Giê-xu là Chúa của đời sống anh và mọi người cần biết và thấy điều đó, anh không muốn đánh mất thời gian. Cho nên, những Cơ-đốc nhân đã đem theo chiếc cuốc và xà beng ra bờ sông và chọc một lỗ thủng xuống dưới lớp băng. Quỳnh Lưu cùng với hai mục sư khác cùng xuống nước và họ báp-tem cho anh trong danh Cha, Con và Đức Thánh Linh, như Kinh thánh đã dạy. Khi Quỳnh Lưu vừa lên khỏi nước, thì mỗi sợi tóc anh đã đóng băng và quần áo anh, sau một lúc đã đông cứng lại như áo giáp. Cố gắng lắm, những anh em mới có thể giải phóng anh ra khỏi bộ quần áo cứng như đá đó. Lúc vừa vào trong chỗ ấm áp, họ dự một buổi thờ phượng Chúa có tiệc thánh, và đây là lần đầu tiên Quỳnh Lưu được dự. Trong lúc dự tiệc thánh, Đức Thánh Linh hiện ra như lửa giáng trên Quỳnh Lưu và một số anh em. Một niềm vui đầy dẫy họ, như chưa hề lần nào như vậy. Họ nhảy múa và ca ngợi Đức Chúa Trời và bắt đầu nói tiếng mới, như Đức Chúa Trời cho họ nói.

Ba tháng sau đó, Đức Chúa Trời nói rõ ràng với Quỳnh Lưu và ủy thác cho anh trọng trách rao truyền tin lành của Chúa Giê-xu. Kể từ lúc đó, anh thường hay được mời giảng cho các nhóm tư gia, và mặc dù anh không có sự đào tạo thần học nào, nhưng những lời nói của anh đầy dẫy quyền phép và sự phục vụ của anh để lại những dấu vết lâu bền, bởi vì Đức Thánh Linh cùng làm việc và xác nhận anh. Anh sống trong sự tin tưởng vào Cha thiên thượng bằng một đức tin con trẻ và hoàn toàn lệ thuộc vào quyền năng và sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh. Đức Chúa Trời hài lòng về điều đó và anh là một dụng cụ hữu ích trong tay Đức Chúa Trời.

Một ngày kia, trong khi anh cùng với một nhóm con cái Chúa đi thăm viếng một nhà riêng, thì công an bao vây xung quanh nhà. Họ hung hăng xông vào buổi nhóm và ngắt quảng buổi thờ phượng và đòi mỗi người phải khai trình họ tên và bị ghi biên bản. Quỳnh Lưu đứng dậy ngay và nói lớn tiếng, không sợ hãi: “Tôi là Quỳnh Lưu người ở ngôi làng bên sông, nằm dưới chân núi Đa-ly.”

Những con cái Chúa khác có vẻ sợ hình phạt, vì họ không giám ngo ngoe gì. Công an còn biết làm gì hơn là bắt nhốt tất cả những người có mặt? Họ bị trói chặt, chỉ Quỳnh Lưu là không bị trói, nhưng anh cũng phải lên đồn. Hình phạt dành cho tất cả là: Mười ngày đi học tập cải tạo. Có nghĩa là ban ngày họ phải làm việc nặng nhọc về thân thể, và ban đêm, người ta đưa cho báo và những tạp chí nói về chính sách đảng, về nền tảng, mục tiêu và phương tiện của Đảng để đọc.

Mặc dù Quỳnh Lưu trong những ngày này cũng mệt mỏi rã rời như các Cơ-đốc nhân khác, nhưng công việc nặng nhọc đó không tấn công được tinh thần anh. Anh tận dụng mỗi cơ hội để cầu nguyện và vui mừng với những người khác về Đức Chúa Trời mình. Kết quả là những Cơ-đốc nhân khác trong thời gian cải tạo này trên thực tế đã làm quen với Chúa Giê-xu một cách mới mẻ và hiến dâng hết tấm lòng cho Đức Chúa Trời. Quỳnh Lưu hăng say với Đức Chúa Trời, đến nỗi có thể truyền đạt lại những ý định của Ngài, khiến cho xung quanh anh không ai mà không bị thu hút. Sau đó, anh phát hiện ra là ở chỗ cải tạo này sự kiểm soát không nghiêm ngặt lắm. Đêm đêm, khi những người cai quản trại đã ngủ, anh trèo tường đi thăm viếng những con cái Chúa ở trong nhà mình. Anh động viên những người lúc đó bị giam chung với mình cũng hãy làm như vậy. Nên hằng đêm, những Cơ-đốc nhân sau khi làm việc và đọc xong những bài nghị quyết, đã lũ lượt kéo đi và giảng tin lành ở những ngôi nhà vùng lân cận. Lúc trời sáng thì họ trở về trại, và không ai biết gì hết.

Trong những ngày này, có nhiều mục sư và những người lãnh đạo thuộc linh từ những vùng lân cận đang ở trong nhà anh, họ phải trốn tránh vì có lệnh truy nã. Anh đã có những thời gian quí giá ban đêm với những con người anh dũng và dày dạn này, học từ nơi họ, phục vụ họ và cũng có những buổi thờ phượng Chúa kỳ diệu, nhiều niềm vui ngự trị, vì họ được nếm trải sự hiện diện của Đức Thánh Linh.

Vào ngày thứ mười, khi khóa cải tạo chấm dứt, tất cả các người tham dự đều được đặt cùng một câu hỏi: Họ đã học tập được những gì. Những người có trách nhiệm đã tập trung lại ở phòng học và tuyên bố “Tất cả những ai đã học và tiếp thu tốt được phép về nhà, còn ai chưa hiểu chính sách của nhà nước phải ở đây thêm một vài ngày nữa.” Quỳnh Lưu đứng lên và phát biểu đầu tiên: “Tôi đã học xong và hiểu hết tất cả.” Câu trả lời là được lắm, vậy xin anh hãy giải thích cho chúng tôi, anh đã học những gì.”

Quỳnh Lưu bắt đầu không hề lưỡng lự: “trong mười ngày vừa rồi được học tập và suy nghĩ, tôi đã hiểu rõ hơn, trước khi Chúa Giê-xu thay đổi tôi, tôi là một người như thế nào. Con người tự nhiên chỉ yêu được những người đàng hoàng, bạn bè, những người trông đẹp mã, có khả năng hay quyền thế và giàu sang. Chỉ Chúa Giê-xu đến trần gian để yêu những người xấu xa, hư mất và độc ác. Thậm chí, Ngài yêu cả kẻ thù mình. Tình yêu Ngài đã đạt đến mức Ngài đã chết thế cho kẻ thù mình. Bởi vì Ngài yêu mỗi người trong chúng ta, nên Ngài mong muốn mỗi chúng ta quay khỏi con đường gian ác, để Ngài có thể ban cho những kẻ yêu mến Ngài sự sống đời đời. Nhưng ai không tin Ngài, phải ởtrong sự tối tăm đời đời không có Đức Chúa Trời...” Ông cán bộ ngắt lời anh Đang nói say sưa “Được rồi, anh hãy chấm dứt cho và dọn đồ đạc mà đi đi.”

Một năm trôi qua. Trong lúc đó không những dân chúng đã thấy rằng Quỳnh Lưu thực sự là một người mới, bây giờ có một đời sống hoàn toàn khác. Cả văn phòng và những người đội trưởng thấy anh là một người làm việc tốt. Anh cởi mở, thẳng thắn, thành thật, và không thiên vị. Anh thành công trong mọi lĩnh vực, cả trong sản xuất và trong sự giao tiếp với những bạn cùng làm việc và với cấp trên. Anh luôn luôn có thể truyền đạt, dàn xếp và thúc đẩy thành tích của các công nhân cao hơn. Vì anh có nhiều khả năng như vậy, nên anh đã được đề bạt làm đội trưởng đội sản xuất. Nhưng Quỳnh Lưu xem nhiệm vụ chính của mình là đối với các Cơ-đốc nhân và Hội thánh, nên anh đã từ chối sự vinh dự đó. Ba lần anh được đề nghị như vậy. Cuối cùng anh được Đức Chúa Trời thuyết phục rằng có thể một Cơ-đốc nhân làm đội trưởng sẽ tốt hơn, bởi vì anh sẽ có nhiều ảnh hưởng hơn, và anh sẽ bày tỏ cho mọi người về đời sống Cơ-đốc trong hằng ngày và cả đội sẽ được phước qua anh. Anh quyết định nhận lấy trọng trách đó.

Anh trở thành một người quản lý theo nguyên tắc Kinh thánh. Đức Chúa Trời ban ơn cho anh có thể quên mình vì công việc và những người dưới quyền mình còn hơn là để bảo vệ quyền lợi cá nhân. Tất cả mọi người đều tôn trọng anh và tất nhiên, những sự chỉ dẫn của anh đều được thi hành. Trong thời gian rãnh rỗi anh vẫn tiếp tục giảng giải cho mọi người về Kinh thánh, cùng cầu nguyện với họ, và chỉ cho tất cả những người có mối quan tâm đến Thượng đế, con đường đến với Chúa Giê-xu. Bởi vì anh đầu tư nhiều tình yêu, chăm lo cho mọi người và vận dụng hết sự sáng tạo của mình để làm tốt cho họ, nên anh đã đánh thức trong nhiều người sự quan tâm về đức tin của anh. chẳng bao lâu, tất cả hàng xóm và đa số những người trong đội anh đều tin Chúa. Quỳnh Lưu thường tổ chức những buổi nhóm để các Cơ-đốc nhân nhóm lại và thờ phượng Chúa.

Cùng lúc đó, công việc của những công nhân trong đội anh càng tốt hơn. Thành tích của họ vượt mọi năng suất và kế hoạch. Những công nhân là con cái Chúa giúp đỡ những công nhân ở ba đội khác, để cho họ hoàn thành được định mức giao phó. Trước đây, điều đó hoàn toàn khác. Các tổ sản xuất này luôn luôn tranh giành và chống chế lẫn nhau. Nhưng kể từ khi Quỳnh Lưu đã làm đội trưởng đội hai, thì tình hình hoàn toàn thay đổi. Những công nhân đã hiểu nhau và cùng nhau sản xuất nhiều hơn, và tất cả đều tuân phục dưới sự chỉ đạo của Quỳnh Lưu.

Ngoài ra, gia đình Quỳnh Lưu trong lúc đó cũng đã tin Chúa, đã được Đức Chúa Trời chúc phước một cách đặc biệt bằng sự hiếu khách. Nhà họ lúc nào cũng đầy người. Trong vùng đó, không có nhiều mục sư. Một vùng rộng lớn gồm mười tám huyện lỵ, chỉ có mười người lãnh đạo thuộc linh, họ phải lo thức ăn thuộc linh cho nhiều Hội thánh nhỏ khác nhau. Mười con người này sống một thời gian dài trong nhà Quỳnh Lưu, ở đó họ khích lệ nhau cùng cầu nguyện, trao đổi kinh nghiệm và ẩn núp, vì công an an ninh đang truy lùng họ.

Đó là một thời gian khó khăn gian khổ cho nhà thờ tư gia. Họ luôn luôn bị công an an ninh theo dõi, những buổi thờ phượng bị cấm, nhà cửa bị lục soát, các con cái Chúa bị đe dọa và bị nhụt chí bằng nhiều biện pháp. Những người lãnh đạo bị lùng bắt. Bởi vì Quỳnh Lưu là đội truỏng đã được đảng bộ nhà máy tín nhiệm, nên nhà anh là một nơi khá an toàn. Nhiều người lãnh đạo và những nhân sự nòng cốt bị công an tìm, đều đến trốn ở nhà anh. Không những họ đến từ những huyện lân cận, mà còn ở các tỉnh xa gần xung quanh đó. Cảm tạ Chúa chúng ta vì sự gìn giữ của Ngài vì những người đó ở trong nhà của Quỳnh Lưu suốt cả tháng và sau đó lại trở về địa phương mình an toàn không bị công an để ý.

Trong những tuần lễ này, lương thực rất ít ỏi. Gia đình Quỳnh Lưu chỉ ăn một bữa trongngày để còn có đồ ăn dành cho khách. Đức Chúa Trời là Đấng đã chăm sóc cho Ê-li cũng đã lo liệu cho Quỳnh Lưu. Bởi vì anh và gia đình vâng lời Đức Chúa Trời, vì họ đã thật hiếu khách và thích phục vụ người khác, nên Đức Chúa Trời cũng chú ý để họ không bị thiếu thốn gì. Có những điều kỳ lạ xảy ra trong bếp của Quỳnh Lưu trong những ngày ấy.

Một ngày kia, có hai Cơ-đốc nhân từ rất xa đến thăm nhà anh. Quỳnh Lưu rất muốn tiếp đón và thết đãi họ, nhưng nhà anh chỉ còn lại một ít bột. Anh bèn làm một ít bánh bao, loại bánh đơn giản điển hình thường hay ăn ở Trung Quốc. Nhưng anh ngạc nhiên khi lấy bột nhồi ra để nặn bánh thì có nhiều đến nỗi đủ cho tất cả mọi người ăn. Cuối cùng, vẫn còn thừa lại hai tô lớn.

Một lần, em gái Quỳnh Lưu lấy một thúng gạo để xay bột, cuối cùng cô được số bột nhiều gấp đôi lúc đầu: Hai thúng bột đầy tràn. Có nhiều phép lạ đã xảy ra trong nhà của Quỳnh Lưu theo cách đó. Ở trong nhà họ chỉ có một cái chảo duy nhất, nếu họ dùng nó để nấu, chỉ đủ cho cùng lắm sáu người ăn. Nếu họ có từ mười người trở lên là những mục sư và nhân sự đến thăm, thì nhà họ có trên hai mươi người. Và họ luôn luôn ăn no, mà vẫn còn thừa lại một ít. Đã nhiều năm mọi người thờ phượng Chúa trong nhà của Quỳnh Lưu, đôi khi có đến bốn mươi, năm mươi, thậm chí cả trên trăm người nhóm lại. Quỳnh Lưu cũng dùng cái chảo của mình để nấu cho mọi người, và bất kỳ lúc nào anh nấu mọi người cũng đều được ăn no.

Vào tháng tám, 1973, có người đến công an an ninh tại địa phương báo tin trong nhà Quỳnh Lưu có những người lãnh đạo thuộc linh đến thăm hàng ngày. Công an phản ứng ngay. Lập tức, bảy người công an chạy xe máy đến, bao vây nhà Quỳnh Lưu và lục soát tất cả. Nhưng cảm tạ Chúa, Quỳnh Lưu đã được Đức Thánh Linh báo trước và trước khi công an đến, anh đã kịp đưa những người khách đi trốn. Cuộc truy tìm không kết quả, công an phải ra về tay không.

Nhưng mối nghi ngờ đã bị giật dây. Quỳnh Lưu đã bị đưa lên công an phỏng vấn: “Ngoài gia đình anh, có những ai sống trong nhà anh nữa không?”

“Có, nếu có ai đi qua làng chúng tôi và đến đêm không có mái nhà để ngủ, thì chúng tôi không đành lòng để cho họ chịu vậy.” Anh trả lời thận trọng.

“Nhưng những người cư trú tại nhà anh là những người thuộc hạng nào, họ tên gì, họ từ đâu đến và đi đâu?”

Quỳnh Lưu tươi cười và nói “Ôi, từ lâu nay đã có rất nhiều người đến trong gia đình tôi, và làm sao tôi có thể nhớ hết tên họ được?”

Nhưng công an an ninh vặn hỏi tiếp tục: “Anh muốn cho rằng anh hoàn toàn không biết gì về những người này sao? Làm sao tôi có thể tin được?”

Quỳnh Lưu lại cười và nhún vai: “Không biết, các ông hãy đến mà tìm.”

Cuộc phỏng vấn còn kéo dài rất lâu, nhưng không dẫn đến kết quả nào. Những người bên công an giận dữ, vì Quỳnh Lưu không khai gì cả, rốt cuộc họ thả Quỳnh Lưu ra kèm theo những lời đe dọa và cảnh cáo.

Kể từ lúc đó, công an luôn luôn lảng vảng nơi nhà Quỳnh Lưu. Việc đó kéo dài bảy mươi bốn ngày. Đồng thời hàng ngày, Quỳnh Lưu bị gọi lên hỏi cung, bắt anh phải suy nghĩ và thú nhận về tội lỗi. Nhưng họ không moi được gì từ anh. Và cũng không có bằng chứng gì để chống lại anh. Sau thời gian kiểm soát đặc biệt đó, cuối cùng họ nói với anh: “Chúng tôi đã quan sát thời gian lâu, và thấy anh không phải là không trung thực. Anh không làm gì sai, không chống lại luật pháp và luôn luôn làm việc gương mẫu với tư cách là đội trưởng đội sản xuất. Sai lầm duy nhất của anh là anh thật cứng đầu cứng cổ, giữ sự mê tín dị đoan của mình.” Quỳnh Lưu tươi cười đáp lại: “Nếu như tôi không tin Chúa Giê-xu, thì tôi còn là một người cứng đầu cứng cổ, khó trị hơn nhiều, và chắc các ông cũng không hài lòng về việc làm của tôi”.

Nhưng nửa năm sau vào tháng tư, 1974, Quỳnh Lưu bị bắt. Lý do là mối liên lạc của anh với một mục sư ở một tỉnh khác đã bị lộ ra. Vào ngày trước khi anh bị bắt, trong lúc đang làm việc, Quỳnh Lưu nghe một tiếng nói bên trong nói với anh: “Con trai ta, con đường tiếp theo sẽ đưa con qua một thung lũng tối tăm, nhưng ở đó, con sẽ nhìn thấy sự vinh hiển ta”. Lập tức Quỳnh Lưu gác công việc lại, tìm một chỗ kín đáo và khóc, anh thưa với Chúa: “Chúa ơi, con sẵn sàng đi con đường đó. Con cám ơn Ngài, vì Ngài đã chịu thay cho con và bây giờ vẫn còn chịu thay cho con. Xin hãy ban cho con sức lực để con có thể bền bỉ và trung tín với Ngài.”

Quỳnh Lưu là người đầu tiên ở thành phố 'F' bị bắt. Ít lâu sau anh Minh cũng bị bắt. Sau khi họ bị giam ba tháng, Quỳnh Lưu có một giấc mơ: Anh thấy một người tóc râu bạc phơcầm quyển sách mở trong tay dến với anh. Ông mở hộp mực ra và chấm ngón tay Quỳnh Lưu vào đó rồi in lên quyển sách, ông nói 'Hai mươi mốt tháng'”.

Khi vừa tỉnh lại, anh kể cho Minh giấc mơ đó nhưng anh Minh không thể tin được: “Hai mươi mốt tháng ư? Không, tôi không thể tin được, không bao giờ. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ còn ở đây chùng ba hay bốn tháng thôi, lâu nhất là năm tháng nhưng chắc chắn không lâu hơn.” Kể từ lúc đó, Quỳnh Lưu đếm những ngày để kiểm tra giấc mơ xem. Nhưng những tháng cứ trôi qua, anh không còn hào hứng đếm nữa và sau một năm anh thôi không đếm nữa. Sau đó, án giam của anh bị tăng lên một năm. Đến khi anh được thả ra, anh đếm lại và đúng là hai mươi mốt tháng kể từ ngày có giấc mơ đó.

Tình trạng ở trại giam rất tàn bạo. Nhà tù khét tiếng trong dân chúng, nhưng trên thực tế còn tệ hơn thế nữa. Những tù nhân không những bị tra tấn đánh đập tàn bạo mà họ còn được cho ăn quá ít. Cái đói là người bạn đồng hành thường xuyên của những tù nhân. Một cảnh diễn ra hằng ngày là những tù nhân đi dạo trong sân nhà tù úa đến bãi cỏ để ăn cỏ. Thường có những tù nhân vì đói quá hóa cuồng đã ăn phân của mình, vì thế mà bị bệnh hay bị điên. Một người đàn ông bị điên vì đói, đã xé áo của mình mà ăn. Trong thời gian ngắn ông đã ăn hết nửa cái áo mình. Hậu quả là kể từ đó ông chỉ đi ngoài ra máu, và chịu đau đớn đến nỗi ông đã ngất đi. Đến tối, thường thường có trên mười tù nhân bị ngất xỉu vì đói.

Trong vòng hai mươi mốt tháng này, Quỳnh Lưu luôn luôn bị tra khảo, có khi đến hai lần trong ngày. Có nhiều cán bộ cấp cao của công an an ninh không những từ tỉnh nhà, mà còn từ các tỉnh lân cận. Mỗi lần anh bị gọi lên văn phòng của công an an ninh và phải quì gối suốt thời gian đó. Nếu anh không trả lời theo yêu cầu những kẻ hỏi cung thì anh bị tra tấn đánh đập. Nhiều tháng liền anh đã phải chịu đựng sự đau đớn thân thể như vậy mỗi ngày. Vào tháng giêng 1976, có phiên tòa xét xử chính thức đối với trường hợp của Quỳnh Lưu. Anh bị trói và bị đưa ra tòa. Lời tuyên án: Hai năm tù. Vào cùng ngày đó, ngay sau phiên tòa có một buổi 'đấu tố' được tổ chức. Nhiều người đã đến xem. Quân đội nhân dân bảo vệ toàn khu vực bằng vũ khí trang bị trong tay. Nhiều công an an ninh đứng vây quanh có súng lục đã lên nòng chĩa vào những tù nhân. Không thiếu những binh lính có súng máy chực sẵn.

Quỳnh Lưu bị đưa ra trước công chúng như một tên tội phạm hình sự, họ đọc lên những tội có thể của anh, để bị bêu xấu và nhạo báng làm một gương điển hình. Những khán giả cũng hùa theo. Các học sinh và sinh viên ném đá và nhổ vào người anh. Toàn bộ sự việc thật đáng sợ và kinh khiếp, cuộc đấu tố đã không bị trật mục tiêu. Ai đã từng có lần bị đứng trên khán đài này, thì sau khi được thả ra sẽ mãi mãi bị hàng xóm và bà con khinh bỉ.

Đối với những tù nhân khác, buổi đấu tố này thật là kinh khủng. Nếu họ nhận ra những gương mặt thân quen trong đám đông là họ gục đầu xuống và ước gì có thể đâm đầu xuống đất được. Nhưng súng ống chĩa vào họ, bắt họ phải bước lên khán đài. Chỉ có Quỳnh Lưu là khác thường. Anh bước lên khán đài với phong thái của một người chiến thắng, bước tiến lên phía trước, để nhận phần thưởng. Anh bước lên bực thang đầy sự bình tĩnh và tin cậy Đức Chúa Trời. Trong tay anh cầm một khẩu hiệu có hàng chữ lớn: “Quỳnh Lưu, một kẻ phản cách mạng, đội lốt tôn giáo và mê tín dị đoan”. Nhưng rõ ràng là Quỳnh Lưu hãnh diện về lời kết án mà anh đang mang lên giữa khán đài này, anh căng rộng và giương cao cho tất cả mọi người đều nhìn thấy. Anh nhìn thẳng vào mặt mọi người và mỉm cười với họ. Trong lúc đó, anh cũng phát hiện ra bố mẹ và anh chị em trong đoàn người. Nhưng anh không vì thế mà buồn và không hề xấu hổ, hơn thế nữa, nụ cười của anh đối với họ còn rạng rỡ và mật thiết hơn nhiều vì tình yêu đối với Chúa Giêxu mà chịu đau thương và bị xã hội thù ghét, đều đó đối với anh là một vinh dự. Tất nhiên gia đình anh rất bình tĩnh khi họ nhận thấy sự bình tĩnh của anh.

Mấy ngày sau đó, anh được đem đến trại cải tạo. Không lâu sau, anh Minh cũng bị đưa đến đó. Cả hai rất vui mừng vì ở nơi tối tăm xa lạ này họ lại được ở bên nhau. Họ thường cầu nguyện chung và động viên lẫn nhau. Việc hàng ngày của Quỳnh Lưu là xúc than đổ vào một lò lớn. Công việc rất nặng nhọc, nhưng tình yêu của anh đối với Đức Chúa Trời và với mọi người làm cho anh không biết mệt mỏi. Anh cũng giống như Giê-rê-mi nói: Một ngọn lửa cháy trong các chi thể tôi. Những bức tường của trại cải tạo lao động không thể kìm hãm anh được. Vào buổi tối khi anh trở về chỗ nghỉ và cởi bộ quần áo đen lao động ra, tắm rửa và mặc vào bộ thường phục, mà anh mang từ nhà theo. Sau đó, anh lẻn ra khỏi trại! Đêm đêm anh tổ chức những buổi nhóm trong những nhà ở vùng lân cận để kể cho mọi người về Chúa Giê-xu và cùng thờ phượng Chúa với họ. Thỉnh thoảng, anh đi đến những vùng cách đó mười lăm cây số. Đoạn đường này tất nhiên anh luôn luôn đi bộ. Và có nhiều người đến để nghe anh nói. Vào sáng sớm hôm sau, anh lại trở về đúng lúc trước khi những người quản lý phát hiện ra sự vắng mặt của anh. Giả sử họ có bắt được anh, thì hình phạt chắc chắn sẽ tăng lên một hay hai năm, và chắc tháng đầu tiên anh phải ở trong xà-lim cách ly. Nhưng Đức Chúa Trời đã bảo vệ anh và anh Minh, là người sau đó cũng nhập cuộc với anh.

Công an an ninh bây giờ tuy đã bắt và kết án Quỳnh Lưu, nhưng mục đích chính của họ chưa thực hiện được: Họ vẫn còn chưa biết gì về những mục sư đang bị truy nã, ở các tỉnh khác nhau, đã sống trong nhà Quỳnh Lưu. Dẫu họ có thể phỏng đoán một số điều, nhưng cho đến nay họ chưa hề moi được gì từ Quỳnh Lưu hay gia đình anh. Cho nên họ tiến hành một biện pháp không bình thường. Hai năm liền, công an an ninh đã sống trong nhà của Quỳnh Lưu, trong khi anh ở trong trại cải tạo. Gia đình có sáu người đó bị tra khảo thường xuyên. Những công an rất hung bạo và đê tiện khi đối xử với họ. Họ đem bố mẹ Quỳnh Lưu và anh chị em của anh đến đồn công an đều đặn, để đánh đập họ ở đó. Nhưng mặc dù bị sự tấn công ồ ạt đó, thì sự bảo vệ của Đức Chúa Trời trên gia đình vẫn mạnh hơn. Không ai trong số họ hé răng dù chỉ một lời.

Em gái Quỳnh Lưu lại bị đưa lên đồn tra khảo. Cô con gái vừa đi khỏi là người mẹ đã quì gối xuống và cầu nguyện với Đức Chúa Trời, cầu xin Ngài ban cho cô sức mạnh và sự anh dũng để cô không khai lời nào và không cảm thấy đau đớn. Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện, Ngài ban cho cô gái trẻ nhiều sức mạnh siêu nhiên, và cô đã im lặng không hé môi một lời nào. Người cán bộ giận dữ đến nỗi dùng báng súng lục đánh vào cằm và môi cô, cho đến khi phần lớn những cái răng của cô bị gãy và rơi ra ngoài. Trong lúc đó người mẹ đang cầu nguyện không thôi cho cô. Cuối cùng, cả miệng cô là một vết thương bê bết máu. Nhưng cô không nói một tiếng. Người mẹ cầu nguyện, cho đến khi con gái được thả ra vào lúc rạng sáng.

Năm 1978, Quỳnh Lưu được thả về. Nhưng một cảnh tượng đau lòng đang chờ đợi anh: Các Hội thánh trong quê hương anh, ở phía nam tỉnh Hà-nam (Henan), ở trong tình trạng tan nát. Có nhiều người lãnh đạo lão thành và trung kiên của Hội thánh trong lúc đó đã bị đi tù. Vậy nên Hội thánh đã bị mất những cột trụ của mình. Những con cái Chúa còn lại lo sợ và không đủ can đảm để thay thế người lãnh đạo và đứng vào vị trí của họ. Những Hội thánh tư gia không còn họp nhóm nữa. Những Cơ-đốc nhân hoang mang đầy lo sợ, đến nỗi họ không thể có một đời sống bình thường được. Họ thường phải tính đến trường hợp là công an có thể ập đến, và sự sợ hãi đã làm tê liệt không những đời sống đức tin của họ mà còn cả những sinh hoạt hàng ngày của họ. Và trong hoàn cảnh tuyệt vọng đó, không có ai an ủi hay khích lệ họ. Họ thật sự như bầy chiên không có người chăn, nên sự có mặt của Quỳnh Lưu rất cần thiết. Anh kinh hoàng về tình trạng của Hội thánh, và hầu như anh không thể tin được rằng mới có hai năm thôi mà Hội thánh đã phải chịu sự thất bại như vậy. Anh đau đớn khi thấy tinh thần anh chị em mình bị nhụt chí.

Nên sau khi Quỳnh Lưu được thả ra, anh lập tức lên đường thăm viếng các anh chị em và gây dựng họ. Anh đã đi bằng xe đạp đến từng nhà con cái Chúa mà anh biết, nhắc nhở và an ủi họ. Trước hết anh động viên họ hãy trở lại nhóm thờ phượng. Với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, anh tìm cách châm ngòi tình yêu của Chúa trong họ một cách mới. Anh cầu nguyện với họ để họ được mạnh mẽ và có thể tự cầu nguyện được. Anh thường đi cả đêm bằng xe đạp, trong lúc trời oi bức hay lạnh giá, dù mệt mỏi hay nguy hiểm, để đến từ nhà này sang nhà khác, làng này sang làng khác và thăm viếng tất cả các Cơ-đốc nhân.Trong khi đạp xe, anh có nhiều thời gian để suy gẫm. Ý tưởng cứ xoay quanh trong tâm trí anh về tình trạng tang thương của các Hội thánh. Sau đó, anh chạy xe sang bên lề đường, thả bộ một vài bước ra cánh đồng, quì gối xuống và kêu than với Chúa về nỗi đau mình.

Nhưng công việc đó không bao lâu đã đem lại bông trái. Hội thánh đã đáp ứng với tiếng nói của Đức Thánh Linh và họ đã tiếp nhận tất cả những gì Quỳnh Lưu nói. Những Cơđốc nhân cho phép tình yêu đối với Chúa Giê-xu được châm ngòi trở lại, và Đức Thánh Linh đã đưa dắt nhiều người đến với buổi thờ phượng, và sau một thời gian ngắn, người ta có thể nói về sự phấn hưng tràn khắp phía nam tỉnh Hà-nam. Những buổi nhóm Quỳnh Lưu mời được mọi người đến rất đông. Đức Chúa Trời đã ban cho anh sức mạnh thân thể và sự xức dầu của Đức Thánh Linh, và những bài giảng của anh luôn luôn có những tiếng khóc kèm theo của những người nghe, họ từ bỏ đời sống cũ và đến gần Đức Chúa Trời.

Vào một đêm anh ở Wanhe để giảng ở ngoài trời. Ngoài thành phố là một sườn đồi, ở đó mọi người có thể ngồi trên cỏ và tất cả đều nhìn thấy anh. Có khoảng hai nghìn người đã đến và nghe anh. Đức Thánh Linh đã vận hành mạnh mẽ, và nhiều người lần đầu tiên đã hiểu được sự nhân từ bác ái của Đức Chúa Trời. Nhiều người đã quyết định tin nhận Giêxu làm Chúa của đời sống mình và mở lòng một cách mới cho Ngài. Quỳnh Lưu đã bắt đầu giảng lúc sáu giờ chiều và đến mười một giờ. Anh muốn kết thúc buổi thờ phượng, vì anh nghĩ rằng mọi người muốn về nghỉ. Nhưng tất cả đều ngồi lại. Nên anh đã nói tiếp đến một giờ sáng. Hàng nghìn người đã ngồi im, không động đậy hàng tiếng đồng hồ ở bên sườn đồi, hầu như người ta không thể nghe được một tiếng ho. Không ai đứng dậy hay đi đi lại lại. Chỉ nghe thấy giọng của Quỳnh Lưu. Và mọi người còn muốn nghe nhiều hơn về Đức Chúa Trời nhân từ và đáng yêu này. Và Quỳnh Lưu càng hăng say khi được nói về Đức Chúa Trời mình. Trong những lúc đó, anh không khi nào mệt mỏi, và những đề tài cũng không hề cạn. Cuối cùng, buổi thờ phượng này kéo dài đến buổi sáng hôm sau.

Chẳng bao lâu, các Hội thánh trong vùng được thăm viếng. Quỳnh Lưu lần lượt thăm viếng họ và được Đức Thánh Linh soi dẫn, anh đã cử ra những người lãnh đạo thuộc linh mới. Vào đầu năm 1983, Đức Thánh Linh đã nói với Quỳnh Lưu và chỉ cho anh rằng, hãy cùng với một nhóm gồm những thanh niên Cơ-đốc đến một tỉnh nọ và để bắt đầu ở đó một công việc mới, và công việc đó sẽ gây ra sự ảnh hưởng lớn.

Chỉ sau một thời gian ngắn, anh và đội của anh đã bị công an đuổi bắt. Họ đã bị bắt cùng với những Cơ-đốc nhân khác và bị đánh đập dã man. Tổng cọng có hai trăm Cơ-đốc nhân phải tham gia khóa cải tạo đó. Tám người trong số họ bị kết án tù.

Sau đợt cải tạo, Quỳnh Lưu lại được thả ra, nhưng từ lúc đó anh phải sống trốn tránh. Anh vẫn truyền giảng khắp mọi nơi như vậy, anh phải luôn luôn đổi chỗ ở và phải chú ý để dọc đường không bị bắt, vì anh có trong danh sách truy nã.

Công an bị lúng túng. Họ không thể hiểu nổi tại sao họ lại không bắt được con người này.

Nhằm đưa anh vào tròng, chúng đã biệt phái nhiều lính chuyên nghiệp đến sống ở làng của anh dưới chân núi Đa-ly. Họ sống tại địa phương hai năm và tìm cách đánh hơi chỗ ở của người của Đức Chúa Trời này. Trong khi đó, Quỳnh Lưu cùng với một vài người trong đội và vài Cơ-đốc nhân khác, là những người có trong danh sách truy nã của công an, ngủ ở bất kỳ chỗ nào, miễn là không ở nhà. Họ đã ngủ nhiều đêm ở mương rãnh, ở rừng rậm hay ngoài đồng trống. Chỉ khi nào trời mưa, họ mới cùng lắm ngủ trong nhà dân.

Có một lần công an đoán là Quỳnh Lưu sẽ về nhà. Họ đã huy động tổng lực, nhiều sĩ quan cao cấp chỉ huy cuộc săn bắt, một lực lượng lớn quân đội nhân dân và nhiều súng ống đạn dược và roi điện, để làm sao bắt được anh. Họ đến bằng nhiều xe cộ, nhưng để xe ở đằng xa hầu không làm động tĩnh Quỳnh Lưu.

Họ bò đến nhà anh như những con mèo rình mồi. Mỗi người đều có cây đèn pin ba nấc phát sáng cực mạnh trong tay, để sau đó sẽ bật sáng lên trước nhà và trong sân. Khi họ đã đến gần thì chia thành ba toán. Toán thứ nhất kiểm soát tất cả những con đường và ngõ ngách đến ngôi nhà, toán thứ hai canh gác các bức tường xung quanh nhà và toán thứ ba xông thẳng vào cửa chính để bắt Quỳnh Lưu. Nhưng mọi nổ lực đó đều thành công cốc.

Quỳnh Lưu lúc đó đang ở trên một ngọn đồi cách không xa nhà anh, từ đó anh có thể quan sát được. Anh thấy quân lính trườn bò đến căn nhà, và anh cũng nghe thấy tiếng nói. Anh quan sát thấy gia đình anh bị hỏi cung, chúng đã lùng sục anh cả đêm, và cuối cùng giận dữ phải rút quân.

Trong những năm đó, vợ của Quỳnh Lưu không được nhẹ nhàng chút nào. Không những cô phải gánh trách nhiệm cho cả gia đình, vì không có Quỳnh Lưu ở nhà, mà còn công an vẫn đều đặn đến tìm cô. Kết quả là căn nhà bị bới tung và con cái thì khiếp sợ, bản thân cô bị đánh đập và hành hạ. Nhưng Chúa Giê-xu luôn luôn ở gần bên cô và ban cho cô nhiều sức lực và sự dạn dĩ, để chịu đựng được những sự tấn công đó. Bất kỳ khi nào những con cái Chúa gặp cô, cô không bao giờ buồn rầu, nhưng lúc nào cô cũng tuôn tràn một niềm vui kỳ lạ của Chúa ban cho. Nhu cầu của cô là an ủi và khích lệ người khác, để họ được mạnh mẽ và không lìa bỏ đức tin, mà giữ một tinh thần tỉnh thức và sống trong sự tương giao mật thiết với Đức Chúa Trời. Cũng vào năm 1983 đó, chính phủ ra chỉ thị thanh trừng hàng loạt 'tà giáo la hét'. Và tất cả các nhà thờ phải trải qua một thời gian bị bắt bớ gian khổ. Công an tuyên bố rằng Quỳnh Lưu, anh Minh chị Bài và một số những người khác là những người lãnh đạo của 'tà giáo la hét' và đã ra lệnh bắt giam họ. Trung ương đề ra con số những người lãnh đạo cần phải bị bắt, thì đối với chính quyền địa phương là quá ít ỏi, nên chính quyền địa phương đã tăng con số đó lên gấp đôi. Và ngoài ra họ nói rằng ở thành phố 'F' đã có mười bốn người bị tử hình. Đó là một thời gian rất nguy nan cho Quỳnh Lưu và nhóm thanh niên Cơ-đốc của anh. Thỉnh thoảng dường như họ không thấy mặt trời, họ luôn luôn sống chui nhủi và phải tính đến trường hợp bị bắt và bị tử hình, giống như lúc nào cũng có đám mây đen phủ trên họ vậy. Công an an ninh đã tuyên bố công khai rằng, họ sẽ không chừa một biện pháp nào để bắt Quỳnh Lưu và nhóm của anh và kết án tử hình. Nên họ đã ngày đêm phải chạy trốn, nhưng Đức Chúa Trời đã bảo vệ họ an toàn, hầu cho họ thoát khỏi công an, mặc dù họ đã nhiều lần bị phát hiện và bị bao vây.

Nhưng dưới những hoàn cảnh đó, họ cũng không ngừng thăm viếng các Cơ-đốc nhân, tổ chức những buổi nhóm giảng về nước Đức Chúa Trời và cầu nguyện với họ. Họ trải từ làng này qua làng khác, từ huyện này sang huyện khác, luôn luôn sẵn sàng loan báo về tình yêu Chúa Giê-xu, về sự chết và sự sống lại của Ngài. Trong những tuần lễ đó, họ bị túng thiếu đến nỗi họ không có tiền. Nên họ đã đi bộ, và có những đoạn đường đến hai ba trăm cây số hay còn dài hơn. Nếu họ khát, thì họ uống nước sông, nhưng nếu họ đói, thì không có nhiều khả năng. Những tuần lễ trôi qua, cái đói càng dữ dội, những bước chân họ càng trở nên nặng nề. Họ ngủ dưới những chiếc xe đậu bên đường, hoặc dưới những xe máy cày trong cánh đồng. Vào một buổi tối có một trận tuyết rơi mạnh và nhiệt độ hạ xuống nhanh chóng, họ run rẩy vì lạnh và ngủ là điều không thể nghĩ đến. Một vài chị em đã lấy tấm bạt của chiếc xe tải ở bên đường và cuộn mình vào đó. Đó là cách duy nhất để vượt qua cái đêm lạnh giá đó.

Có một thanh niên trong đội không có quần, và vì họ không có tiền để mua, anh đã phải sống thiếu quần trong năm tháng. Những người khác không có tiền để cắt tóc, một vài người đã để tóc rất dài, năm năm họ không cắt tóc. Họ thực sự là một cảnh tượng bi đát cho những ai trông thấy.

Quỳnh Lưu và các bạn của mình đã sống hai năm như vậy. Sau đó đến một thời gian Đức Chúa Trời đã cho phép anh bị kẻ thù bắt. Quỳnh Lưu cùng với một Cơ-đốc nhân ở thành phố 'F' ra bến xe buýt và chờ xe. Trong lúc anh chờ, anh nhận thấy ánh mắt theo dõi của một người đi đường và người đó vội vàng tách khỏi đám đông. Quỳnh Lưu biết rằng người đàn ông đó đã nhận ra anh. Nhưng anh chỉ nói với người đi theo rằng anh hãy đi chuyến đầu, trong khi anh chờ chuyến thứ hai.

Người kia đi khỏi, mấy chốc sau đó Quỳnh Lưu đã lên chuyến xe thứ hai. Khi xe vừa chạy khỏi bến xe buýt mười cây số, có nhiều chiếc xe công an bật đèn xanh, còi báo động kêu inh ỏi, vượt chiếc xe khách và ra hiệu cho họ dừng lại. Một toán công an lên xe và bắt đầu kiểm tra chứng minh thư từng người. Khi họ đến chỗ Quỳnh Lưu, họ hỏi rằng: “Anh từ đâu đến và anh tên gì?”

Quỳnh Lưu bình tĩnh trả lời: “Tôi là Quỳnh Lưu ở vùng núi Đa-ly.”

Lập tức anh bị lôi ra khỏi xe buýt và công an đã vây xung quanh anh, thay nhau chửi bới: “Vậy là chúng tao đã bắt được mày rồi! Bây giờ thì đừng hòng mà chạy trốn. Trong suốt thời gian qua, mày đã tuột khỏi tay chúng tao, và mày đã chạy giỏi. Nhưng cuối cùng chúng tao đã dài hơi hơn. Bây giờ mày có thể tìm mọi cách, nhưng không thoát khỏi tay chúng tao nữa đâu. Lần này chúng tao sẽ khoét vài lỗ thủng tròn tròn trên người mày.”

Quỳnh Lưu không bị nao núng. Anh tươi cười đáp lại: “Các ông không cần làm cho tôi dựng tóc gáy làm gì. Vì trên thực tế, hôm nay chúng tôi có thể chạy khỏi các ông được, nếu như tôi muốn. Tôi đã biết là thế nào các ông cũng sẽ đến. Các ông không thể làm gì được ngoại trừ trường hợp Đức Chúa Trời của tôi cho phép.” chúng không nói được một lời nào. Sau khi chúng đã truy tìm anh hàng năm ròng, chúng nghĩ rằng anh sẽ giãy dụa chống cự. Nhưng chúng không ngờ được phản ứng của anh. Chúng sững sờ, rồi đột nhiên nói bằng giọng lịch sự: “Thôi được, hôm nay anh có muốn bị trói không?”

Quỳnh Lưu bình tĩnh trả lời: “Thôi thì hãy trói đi”. Chúng trói Quỳnh Lưu vào chiếc xe
máy và chạy đi. Trên đường, Quỳnh Lưu gặp một nữ tín đồ, đang đứng ở lề đường và
quan sát những xe máy chạy qua. Anh gọi với cô: “Hãy về nhà và nói với mọi người là tôi
đã bị bắt.”

Khi họ đến đồn công an trung tâm, thì đã có nhiều công an đứng dưới đường để nhìn xem
tên tội phạm khét tiếng đã bị truy nã từ lâu nay. Ngay cả người chỉ huy công an an ninh cũng có mặt dưới đường. Một sĩ quan cao cấp đã nói với Quỳnh Lưu, trong khi họ vào trong sân: “Chắc ông là một nhân vật quan trọng. Đến cả thượng cấp của chúng tôi và cục
trưởng cũng xuống dưới đường để đón anh.” Viên công an hỏi cấp trên của mình “Tôi
phải đem Quỳnh Lưu đi đâu?” Người kia trả lời rất chậm chạp, dường như muốn thưởng
thức từng lời, và trong khi đó ông đưa một ánh mắt căm thù sang Quỳnh Lưu nói: “Xin
anh hãy đưa Quỳnh Lưu đến Nan-lao.”

Khi Quỳnh Lưu nghe thấy, anh cũng hoảng. Vì đó là nhà tù khét tiếng nhất mà anh biết,
có tiếng là nơi tàn bạo nhất trong toàn tỉnh. Không ở đâu tù nhân bị tra tấn tàn bạo như ở
đó. người ta kể rằng, ở đó tù nhân bị tội nhẹ nhất cũng bị tra tấn rất kinh khủng, bị lột trần
truồng ra trói vào một khung gỗ. Nhiều công an đánh vào đầu, bàn tay và bàn chân của
nạn nhân. Cho đến khi không còn chỗ nào không bị thương, toàn thân thể bị đẫm máu.
Sau đó chúng lấy một thanh gỗ cứng đánh vào lòng bàn tay, đầu gối và ống chân. Trên
thực tế, sự tàn bạo ở Nan-lao không thể tả hết được.

Lập tức có một phiên tòa xét xử. Các bức tường của phòng tòa án đầy những dụng cụ tra
tấn. Ông chánh án cũng là người đã xét xử anh năm 1974. Những lời đầu tiên của ông là:
“Quỳnh Lưu, vậy là anh lại có mặt ở đây.”

Quỳnh Lưu thản nhiên trả lời: “Vâng, bây giờ tôi lại đến đây.”
“Anh vẫn còn tin vào Chúa Giê-xu chứ?”
“Đầu tôi có thể rơi, máu tôi có thể đổ, nhưng tôi không bao giờ từ bỏ niềm tin vào Chúa
Giê-xu!”
“Cũng được, tôi không phản đối, nhưng hôm nay chúng ta không muốn nói về tin hay
không tin. Anh đã từng là một tù nhân của một trại lao động và đã được cải tạo ở đó.
Nhưng kể từ khi anh được thả về năm 1978, rõ ràng là tư duy của anh không thay đổi gì.
Thậm tệ hơn, anh đã bắt đầu đi theo những hoạt động phản cách mạng. Chúng tôi đã điều
tra và đã thu thập một số lượng lớn những bằng chứng về anh. Hôm nay chỉ còn một cách
là anh phải thú nhận trước chính phủ về những tội phạm của mình và xin chúng tôi đối xử
khoan hồng với anh. Bằng chẳng vậy sẽ có điều không tốt đẹp chờ đợi anh.”

Sau những lời đó, những tên công an đứng lên hàng loạt, cặp mắt long sòng sọc, nhìn
Quỳnh Lưu, chỉ còn đợi một cái ra hiệu của quan tòa là xong. Quỳnh Lưu mỉm cười thắng
thế: “Ông không cần phải thử điều đó với tôi! Tôi đã một lần vào tù. Tôi biết đảng đối xử
như thế nào đối với những kẻ bị bắt. Ông khẳng định rằng chính sách của các ông là công
bình, lời tuyên án dựa trên luật pháp và bằng chứng, và công an không biết tra tấn là gì.
Nhưng ngay trước mắt chúng ta đây, những cái gì đang treo ở đó? Thưa quí ông, đáng tiếc
hôm nay tôi phải nói thẳng một điều: “Không phải tôi là người phạm pháp, nhưng các
ông là những người phạm pháp. Nếu các ông có lý do gì chống lại tôi, xin gãy chỉ ra
những bằng chứng!”

Quyền phép Đức Chúa Trời mạnh mẽ trên Quỳnh Lưu. Những lời của anh đầy quyềnnăng, được nói bởi Đức Thánh Linh, nó làm đau lỗ tai những người kết án anh. Ông quantòa không biết đáp lại lời nào. Ông im lặng hồi lâu và nhìn ra phía trước cách tư lự. Sau đó, ông hít thở sâu và giải thích bằng giọng lí nhí “Cuộc thẩm tra hôm nay đến đây là chấm dứt. Nếu ông về xà lim, hãy suy nghĩ kỹ càng, trong bảy ngày nữa, chúng tôi sẽ tiếp tục.”

Quỳnh Lưu lại bị giải đi và bị đưa vào trong khu nhà tù phía sau. Người cai ngục mở cửa ra và đẩy Quỳnh Lưu vào. Anh chưa kịp nhìn thấy gì, thì có một mùi hôi thối kinh khủng xâm chiếm anh, làm anh ngạt thở và muốn lộn mửa. Sao đó một khung cảnh khác đập vào anh, làm anh choáng váng. Xà-lim thì nhỏ mà có đến bốn mươi người ở trong đó. Đa số trước đó đã bị đánh thập tử nhất sinh, họ trông thật dễ sợ. Nhiều người bị thiếu dinh dưỡng đến nỗi không còn tỉnh táo nữa. Vài người vật lộn để sống, những người khác nhất định muốn chết. Trên các gương mặt đầy sự bỏ cuộc và sự vô vọng chiếm ngự bầu không khí. Vài người tìm cách tự sát, bằng cách đập đầu vào tường, nhưng họ chỉ bị thương, chứ họ không chết được.

Khi anh bước vào xà-lim, Đức Thánh Linh đã đặt trong lòng anh một tình yêu và sự thương xót đối với những người này. Một gánh nặng đè nặng trên anh và anh bắt đầu cầu nguyện cho những người này. Mọi cái khác đối với anh dường như không quan trọng, ngày và đêm anh kêu cầu Đức Chúa Trời, xin Ngài đổ xuống ân điển và sự giải cứu cho những con người này và để họ nhìn biết Đức Chúa Trời. Sau đó, anh bắt đầu kể cho những con người đáng thương này về Chúa Giê-xu, và tất cả họ đều thích thú khi thấy có một Đức Chúa Trời yêu thương họ. Chỉ trừ vài ba người ngoại lệ, còn tất cả bốn mươi người đó đều tiếp nhận Giê-xu làm Chúa của mình. Đức Chúa Trời đã chữa lành trái tim và thân thể của họ và niềm vui đã tràn vào xà-lim. Thậm chí, sau đó có vài người được thả ra, họ đã vào tù để thăm Quỳnh Lưu. Đức Chúa Trời đã làm một phép lạ lớn lao trên đời sống những con người này và Quỳnh Lưu tạ ơn Chúa vì anh đã vào xà-lim này, dù có phải chịu nhiều sự tra tấn đánh đập.

Sau đó, có một phép lạ khác xảy ra: sau ba tháng Quỳnh Lưu được thả ra! Thật ra, anh phải bị tử hình, nhưng giờ thì thậm chí anh cũng không bị kết án nữa. Chính Đức Chúa Trời đã làm cho các kế hoạch của công an và pháp lý ra hư không, vì không có gì có thể ngăn trở họ giết con người mà họ đã truy tìm từ lâu này.

Vào ngày anh được thả ra, có hai cán bộ cấp trên của nhà tù đến trực tiếp với Quỳnh Lưu. Người cai ngục mở cửa ra, và bằng tất cả uy lực họ la to vào trong xà-lim: “Quỳnh Lưu ở đâu?” Có câu trả lời đáp lại ngay không lưỡng lự “Tôi ở đây.”

“Tại sao anh ở đây?”

“Bởi vì tôi tin Chúa Giê-xu.”

Khi người quản lý nhà tù thấy sự điềm tĩnh và vui vẻ trong giọng nói của Quỳnh Lưu, thì ông giận điên người. Dường như toàn bộ quyền lực và sự ngăm dọa đều dội ngược khỏicon người này. Ông không thể hiểu được điều đó. Ông nghiến răng nguyền rủa “Tao thật căm thù mày! Nếu tao có thể bắn mày, thì điều đó không làm vơi đi sự căm thù của tao đối với mày. Tao sẽ khoét lỗ mày bằng súng máy.”

Quỳnh Lưu bình thản nhìn thẳng vào mắt ông ta và nhẹ nhàng nói: “Thôi xin ông đừngmất bình tĩnh thế! Ông phải nên mừng mới phải, vì ông đã tìm cách bắt được tôi làm tù nhân của ông. Dẫu sao tôi cũng là cái để ông kiếm cơm.”

Hắn lồng lộn giận dữ, muốn nhảy bổ vào Quỳnh Lưu, nhưng người cấp trên của hắn đã ngăn lại. Người cấp trên bình tĩnh nói với hắn, “Thôi đủ rồi, xin ông đừng mệt người làm gì với con người này. Sự mê tín của Quỳnh Lưu đã cứng như đá. Ngay cả ông cũng không làm gì được nữa.”

Sau đó, ông quay sang với Quỳnh Lưu: “Trường hợp của anh đối với chúng tôi là kết thúc. Anh có thể trở về nhà mình.” Đối với Quỳnh Lưu, đáng lẽ là phải bị tử hình, thì đây là một phép lạ lớn của Đức Chúa Trời.

Và ở nhà có sự bất ngờ vui mừng đang chờ đợi anh: nhà anh đầy ắp những Cơ-đốc nhân. Họ đã đến hiệp một với gia đình, để cùng cầu nguyện cho anh. Thật là vui mừng biết bao, vì anh đã được thả ra nguyên vẹn sau một thời gian bị bắt ngắn như vậy! Tất cả đều sững sốt trước sự can thiệp của Đức Chúa Trời, và đã có một buổi thờ phượng Chúa bộc phát. Quỳnh Lưu giảng về sự nhân từ của Đức Chúa Trời và tường thuật lại sự vận hành của Đức Chúa Trời trong xà-lim ra sao. Sự thờ phượng Chúa trong vui mừng đó kéo dài ba ngày ở trong nhà của Quỳnh Lưu

0 nhận xét:

Đăng nhận xét