Pages

18/5/09

CHÚA GIÊSU ĐANG SỐNG(Chương I)

Chương I:
BỆNH LAO PHỔI

Năm 1973, tôi là Giám Tỉnh dòng Thừa Sai Thánh Tâm tại Cộng hòa Đôminicana (Trung Mỹ). Tôi đã làm việc cật lực, phung phí rất nhiều sức khoẻ cho nhiệm vụ tại đó suốt 16 năm. Tôi đã mất nhiều ngày giờ lo những công việc vật chất, cất nhà thờ, chủng viện, trung tâm thăng tiến nhân phẩm, việc giáo lý. Tôi mải miết kiếm tiền, để xây dựng nhà cửa và nuôi chủng sinh.

Chúa đã cho phép tôi hoạt động đủ thứ việc như thế, và bởi làm quá sức, tôi đã lâm bệnh ngày 14-06-1973. Trong một buổi họp phong trào Gia đình Công giáo, tôi cảm thấy đau, đau quá! Người ta tức tốc chở tôi vào Trung tâm Y khoa Quốc gia. Tôi đau đớn đến nỗi tưởng không qua được đêm đó. Tôi tưởng là mình sắp chết. Tuy đã từng suy niệm nhiều về sự chết, nhưng chưa bao giờ kinh nghiệm; lần này, tôi đã cảm được và thấy không thích nó chút nào.

Khi xét nghiệm, các bác sĩ đã phát hiện là tôi bị lao phổi ác tính nặng. Thấy mình bệnh nặng như thế, tôi muốn trở về Quebec, Canada – quê hương tôi, nơi mà gia đình tôi đang sống –; nhưng không làm sao được, vì tôi quá yếu. Tôi phải chờ điều trị, bồi dưỡng 15 hôm, để có sức lên đường. Tại Canada, người ta đưa tôi vào Trung tâm Y khoa chuyên môn; ở đây, bác sĩ khám lại để xác định căn bệnh. Trong suốt tháng 07-1973, cứ hết phân tích máu, nước tiểu, xét nghiệm, rồi chiếu điện… Tất cả công việc đó đã chứng minh rõ ràng là: bệnh lao ác tính đã gây nhiều vết lở trầm trọng trong phổi tôi. Để trấn an tôi, người ta bảo rằng: sau một năm điều trị và nghỉ ngơi, tôi có thể về nhà được.

Một hôm, tôi được hai cuộc viếng thăm rất đặc biệt. Trước tiên là một linh mục, chủ nhiệm Tập San Đức Mẹ. Ông ta xin phép chụp hình tôi, để đăng một bài báo với tựa đề: “Làm thế nào sống bệnh tật của mình?”

Ông ta vừa chào tôi ra về, thì 5 giáo dân thuộc nhóm Cầu nguyện Canh Tân Đặc Sủng đến. Tại Cộng Hòa Đôminicana, tôi chế nhạo nhiều “phong trào Canh Tân” này và quả quyết: “Châu Mỹ La Tinh không cần ơn nói tiếng lạ, nhưng cần thăng tiến nhân phẩm”. Thế mà bây giờ, những người này tự nhiên đến đề nghị cầu nguyện cho tôi.

Hai cuộc thăm viếng tiêu biểu cho hai quan điểm hoàn toàn khác nhau: quan điểm thứ nhất muốn tôi chấp nhận cơn bệnh, quan điểm thứ hai muốn tôi được lành bệnh.

Với tư cách linh mục thừa sai, tôi nghĩ rằng từ chối đề nghị của họ không là một gương sáng; nên thật thà mà nói, tôi để họ cầu nguyện cho mình là vì lịch sự hơn vì tin. Tôi không thể nào tin được một lời cầu nguyện suông có thể mang lại sức khoẻ.

Còn họ thì nói với tôi đầy xác tín: “Chúng con làm những gì mà Phúc Âm đã nói: ‘Nhân danh Ta, họ sẽ đặt tay trên bệnh nhân và bệnh nhân sẽ được chữa lành’. Vì thế, chúng con sẽ cầu nguyện và Chúa sẽ chữa cha lành”.

Tức thì, họ đến sát ghế tôi đang ngồi, đặt tay trên tôi. Phần tôi, tôi chưa bao giờ thấy một sự việc như thế cả, và việc đặt tay đó làm tôi bực mình. Ngồi dưới bàn tay của họ, tôi thấy mình kỳ cục quá! Vả lại, tôi còn bực mình vì mấy người đi lại trong hành lang có thể nhìn thấy qua cửa phòng đang mở. Lúc ấy, tôi bảo họ ngưng cầu nguyện và đề nghị:

- Nếu được, chúng ta nên khép cửa lại…

Họ đáp:

- Vâng, thưa cha, được ạ!

Họ đóng cửa lại, nhưng Chúa Yêsu đã lẻn vào phòng rồi. Trong khi họ cầu nguyện, tôi cảm thấy một sức nóng ran trong phổi. Tôi tưởng chừng lại lên cơn đau và tôi sẽ chết ngay. Nhưng chính đó là sức nóng tình yêu của Chúa Yêsu đang chạm đến tôi, và đang chữa lành hai buồng phổi bệnh hoạn của tôi: “Ta sẽ làm cho con nên chứng nhân Tình Yêu của Ta”. Chúa Yêsu Hằng Sống đang đến ban cho tôi sự sống, không những cho buồng phổi, mà còn cho chức linh mục của tôi, cho cả con người của tôi.

Ba hay bốn hôm sau, tôi hoàn toàn bình phục. Tôi ăn ngon, ngủ ngon và không còn đau đớn gì cả, đúng lúc các bác sĩ bắt đầu điều trị cho tôi. Nhưng lạ thay, không một thứ thuốc nào hợp với căn bệnh mà họ đã dò định trước đấy. Vì thế, họ thử cả những thuốc chích đặc biệt dùng cho những người có cơ thể không bình thường, nhưng vẫn không có công hiệu nào.

Tôi khoẻ hẳn và muốn trở về nhà, nhưng người ta bắt buộc tôi ở lại bệnh viện, để các bác sĩ có thể rà lại toàn bộ cơ thế tôi xem căn bệnh lao đã biến đâu mất, khiến họ không sao tìm ra.

Đến cuối tháng, sau nhiều lần xét nghiệm, vị bác sĩ trưởng nói với tôi:

- Cha về nhà đi! Cha hoàn toàn bình phục rồi. Nhưng việc này thật là ngược với những lý thuyết y học của chúng tôi. Chúng tôi không biết sự gì đã xảy ra nơi cha.

Sau đó, ông nhún vai và nói tiếp:

- Cha là trường hợp độc nhất của bệnh viện này.

Tôi cười đáp:

- Ngay cả trong nhà dòng, trường hợp của tôi chắc cũng thế.

Tôi xuất viện không toa bác sĩ, không thuốc uống, thuốc chích gì cả. Lúc trở về nhà, tôi chỉ còn 50kg. Để điều trị, bệnh viện bắt tôi nhịn đói muốn chết luôn!

15 ngày sau, Tập San Đức Mẹ ra số thứ 8, trên trang 5 có đăng hình tôi chụp tại bệnh viện: tôi ngồi trên ghế bành có gắn ống dò bệnh, nét mặt buồn thiu, cặp mắt lo nghĩ. Bên dưới hình viết: “Bệnh nhân cần tập sống với căn bệnh, làm quen với những lời úp mở, những câu hỏi tọc mạch… và những ánh mắt khác thường của bạn bè”… Nhưng giờ đây, sức khoẻ của tôi đã làm cho bài báo đó ra vô nghĩa.

Chúa đã chữa tôi lành. Dù lòng tin của tôi lúc ấy quá bé nhỏ, nhỏ như hạt cải; nhưng Thiên Chúa lại quá vĩ đại, Người không xá kể gì đến sự nhỏ bé của tôi. Thiên Chúa chúng ta là thế! Vì nếu Người đối xử theo công trạng của ta, thì Người đâu phải là Thiên Chúa!

Theo cách đó, tôi cảm nhận nơi bản thân bài học căn bản đầu tiên cho tác vụ chữa bệnh của tôi sau này, là Chúa chữa chúng ta theo lòng tin chúng ta hiện có. Chỉ thế thôi! Ngài không đòi hỏi gì hơn!

Ngày 15 tháng 9, lần đầu tiên, tôi dự buổi cầu nguyện Canh Tân Đặc Sủng. Tôi không hề biết gì về việc này cả, nhưng tôi đến dự vì đã được lành bệnh, và chính những người đã cầu nguyện yêu cầu tôi đến để làm chứng điều đó.

Trong tháng 9 này, tôi bắt đầu làm việc lại đôi chút. Tôi đã biên thư xin Bề Trên cho phép tôi được dành trọn năm đó – mà lẽ ra phải nằm viện – để đi học về Canh Tân Đặc Sủng tại Canada và Hoa Kỳ. Tôi được phép và đã đến các trung tâm quan trọng nhất tại Quebec, Pittsburg, Notre Dame, Arizona.

Tôi còn nhớ, một hôm ở Los Angeles, đang lúc dâng lễ trước sự hiện diện của một người bạn và một đứa cháu, sau Phúc Âm đọc bằng tiếng Pháp, tôi muốn giảng, nhưng một điều lạ lùng đã xảy ra cho tôi. Tôi cảm thấy gò má mình nặng ra, và tôi bắt đầu nói những tiếng mà chính tôi cũng không hiểu. Đó không phải là tiếng Pháp, cũng không phải tiếng Anh, hoặc Tây Ban Nha. Khi việc đó ngưng lại, tôi quá ngạc nhiên thốt lên:

- Có phải bác đã được ơn nói tiếng lạ không?

Cháu tôi đáp lại:

- Đúng rồi, bác ạ! Bác đã nói tiếng lạ đấy!

Vậy mà tôi đã từng chế giễu ơn nói tiếng lạ! Nay Chúa lại ban cho tôi ơn ấy, ngay lúc tôi sắp giảng. Thế là tôi đã khám phá được ơn huệ tốt đẹp này của Chúa.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét