Pages

9/8/09

CẦU NGUYỆN NHƯ CHÚA DẠY

Khi còn tại thế, Chúa Giêsu đã sống đời cầu nguyện để được hiệp nhất với Thiên Chúa Cha. Khi lên mười hai tuổi, người ta thấy Chúa lên Ðền thờ cầu nguyện cùng với Mẹ Maria và thánh Giuse (Lc 2:46). Chúa Giêsu còn vào hội đường Nadarét cầu nguyện và đọc sách thánh (Lc 4:16-19). Trước khi bắt đầu cuộc sống công khai, Chúa đi vào hoang địa để ăn chay và cầu nguyện suốt bốn mươi ngày (Lc 4:2). Người ta còn thấy Chúa cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-ni, xin với Chúa Cha cho khỏi uống chén đắng, nghĩa là khỏi chịu khổ hình, nhưng xin theo ý Chúa Cha (Lc 22:41-42). Trên thánh giá Chúa cầu nguyện xin Chúa Cha tha thứ cho những người đóng đinh mình vì họ không biết việc họ làm (Lc 23:34). Trước khi dùng bữa hoặc làm phép lạ, người ta cũng thấy Chúa cầu nguyện (Lc 9:16; Lc 22:17, 19; Lc 24:30).

Cầu nguyện là một đề tài mà thánh sử Luca ưa thích. Trong Phúc âm hôm nay, thánh Luca ghi lại có lần Chúa đang cầu nguyện đâu đó – có lẽ trên núi Ôliu – thì một trong số các môn đệ đến xin Chúa dạy cầu nguyện. Chúa dạy họ cầu nguyện vắn tắt, mà không cần dài dòng văn tự và dùng từ ngữ giản dị và thân mật để xưng hô với Thiên Chúa là Abba, nghĩa là Cha. Người Do thái không bao giờ dám gọi Thiên Chúa là cha của họ trong khi cầu nguyện. Abba theo từ ngữ Aram mà Chúa xử dụng, dịch ra Việt ngữ là bố, có lẽ đúng nghĩa, gần gũi và thân mật hơn là cha. Như vậy Chúa muốn ta đặt tín thác vào Chúa như trẻ thơ tín thác vào bố mẹ, bất luật tuổi tác hay giáo dục.

Kinh Lạy Cha theo Phúc âm thánh Luca, hơi khác kinh Lạy Cha được ghi lại trong Phúc âm thánh Mát-thêu. Kinh Lạy Cha trong Phúc âm thánh Mát-thêu có bảy điều thỉnh nguyện: xin cho danh Chúa được tỏ hiện; cho nước Chúa được lan rộng; cho được vâng theo theo ý Chúa; xin Chúa ban lương thực hằng ngày; xin Chúa tha tội cho ta như ta tha thứ lỗi lầm của tha nhân; xin Chúa giữ gìn ta khỏi sa chước cám dỗ; và xin Chúa cứu ta khỏi mọi sự dữ. Còn kinh Lạy Cha theo Phúc âm thánh Luca, thì có năm điều thỉnh nguyện mà không thấy có lời xin vâng theo thánh ý Chúa Cha, cũng không thấy có lời cầu xin cho khỏi sự dữ.

Vậy thì làm sao giải thích được sự khác biệt như vậy? Thưa rằng thánh Luca không nghe lời Chúa giảng dạy, cũng không chứng kiến những phép lạ Chúa làm cách trực tiếp. Thánh Luca chỉ nghe kể lại rồi dùng sử liệu của những thánh sử khác mà ghi lại. Theo giới học giả Thánh kinh, thánh sử Luca dùng nhiều câu trong Phúc âm theo thánh Mát-cô, thứ đến là những câu trong Phúc âm thánh Mát-thêu. Số câu còn lại là sử liệu thánh Luca lấy từ nguồn khác.

Giả sử thánh sử Luca có nghe lời Chúa giảng dạy và chứng kiến phép lạ Chúa làm cách trự tiếp, thì Phúc âm theo thánh Luca vẫn có thể có những điều khác biệt với Phúc âm theo các thánh sử khác. Lí do là vì trí nhớ của các thánh sử có khác nhau, cách hành văn của mỗi thánh sử cũng khác, hoặc mỗi thánh sử có thể nhấn mạnh về lời nào đó của Chúa, hay điểm nào đó của lời Chúa, tùy theo nhu cầu của mỗi giáo đoàn thời bấy giờ cần nghe. Ðó là lí do tại sao Phúc âm thánh Gioan viết khác Phúc âm nhất lãm, và ba Phúc âm nhất lãm cũng có khác nhau một số điểm. Ðó chính là ý nghĩa của lời thánh sử Gioan khi viết: Nếu viết lại từng điều một,. . cả thế giới1 cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra (Lc 21:25).

Loài người cầu nguyện khi nhận ra nhu cầu thiếu thốn và tính cách bất toàn của mình. Khi cầu nguyện là ta nhận mình tuỳ thuộc vào Chúa và quyền năng của Người. Cuối lời dạy bảo về kinh Lạy Cha, Chúa đưa ra một ví dụ về người nài nẵng xin người bạn một ân huệ, và anh ta đã được toại nguyện vì sự kiên nhẫn nài xin. Qua ví dụ trên Chúa bảo ta cũng cần kiên nhẫn nài xin, thì Cha trên trời sẽ ban cho. Tuy nhiên trên thực tế nhiều khi ta xin mà không được hay chưa được. Như vậy thì đâu là những lí do ta xin không được và phải giải thích lí do như thế nào? Thưa là thế này:

(1) Chúa hứa ban điều người ta xin, nhưng không nhất thiết phải theo đường lối của loài
người, mà là theo đường lối của Chúa. Vì thế đôi khi ta xin ơn chữa lành phần xác, mà Chúa lại ban ơn cho khỏi bệnh phần hồn vì lợi ích thiêng liêng cho ta. (2) Chúa có thể trì hoãn việc ban ân huệ để thử lòng kiên nhẫn của ta. Ở đây ta cần noi ương tổ phụ Abraham đã năn nỉ xin Chúa cứu thành Sôđôma và Gômôra nếu tìm được năm mươi người công chính trong thành. Sau cùng ông mặc cả với Chúa để xin giảm xuống chỉ còn mười người công chính (St 18:32). Và rồi Chúa cũng cho cứu thành. (3) Chúa hứa ban điều ta xin, nhưng ta cũng phải biết cách xin và biết mình xin gì. Ở đây ta nhớ lại câu chuyện khi ông Giacôbê và Gioan xin Chúa để một người được ngồi bên tả và một người bên hữu trong Nước Chúa (Mc 10:37), Chúa bảo họ rằng họ không biết điều họ xin. Còn khi người Biệt phái xin Chúa làm phép lạ, Chúa đã từ chối vì họ chỉ muốn thử thách Chúa. Có người xin một linh mục kia cầu nguyện cho bà trúng số độc đắc để bà giúp việc xây nhà thờ. Việc xin trúng số độc đắc để xây nhà thờ thì chưa chắc Chúa chấp nhận vì xây nhà thờ phải là do công lao của giáo dân làm ra thì mới qúi. (4) Chúa hứa ban điều ta xin, nhưng ta cũng phải biết xin cho danh Chúa được cả sáng và cho Nưóc Chúa trị đến như trong Kinh Lạy Cha ta đọc hằng ngày. Khi ta xin Chúa điều gì, Chúa cũng có thể muốn ta làm điều gì trước đã để tỏ ra ta có đức tin và có thiện chí. Chúa có thể muốn ta dành nhiều thời giờ hơn cho việc cầu nguyện và thờ phưọng, nhiều thời giờ hơn cho gia đình, cho việc hoạt động tông đồ, cho việc bác ái xã hội. (5) Một trong những yếu điểm khi cầu nguyện là ta thường xin xỏ quá nhiều cho cá nhân và cho gia đình mà không phục vụ giúp đỡ tha nhân thì làm sao ta mong Chúa quảng đại ban ơn, khi ta chỉ quan tâm dến mình mà thôi?

Chúa dạy ta phải kiên tâm và nhẫn nại cầu nguyện, nhưng không nhất thiết là lúc nào ta cũng phải cầu nguyện theo một cách thế với những kinh nguyện giống nhau. Muốn cho lời cầu nguyện được sống động và chân thành, ta phải nhận thức rằng có những kinh nguyện có thể đánh động tâm hồn ta lúc này, mà lúc khác ta lại cảm thấy khô khan. Vậy để cho lời cầu nguyện được sống động, ta cần thay đổi chiến thuật cầu nguyện và cách thế cầu nguyện. Có khi ta cần lần chuỗi, đọc những kinh có sẵn trong sách kinh, có khi ta cần cầu nguyện riêng một mình, có lúc cầu nguyện với gia đình, có khi với cộng đoàn dân Chúa nơi thánh đường. Có khi ta cầu nguyện nhỏ tiếng, có khi lớn tiếng, có khi chỉ cần ngồi đó chiêm ngắm, hay để cho nước mắt trào ra. Ðó cũng là cách thế cầu nguyện.

Phúc âm hôm nay dạy ta xin cho được trở thành những người có tâm hồn cầu nguyện. Người có tâm hồn cầu nguyện là người ý thức được sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống: lúc ăn, lúc ngủ, khi làm việc, lúc giải trí... cũng như sự hiện diện của Chúa quanh mình: vạn vật, cỏ cây, hoa lá.. Lập đi lặp lại mấy lời ca tụng Chúa vắn tắt như: Lạy Chúa Ba ngôi, Chúa đáng chúc tụng, ngợi khen và tôn thờ.., hoặc lặp đi lặp lại lời kêu cầu: Giêsu Maria Giuse, xin ba Ðấng giúp con cũng là cầu nguyện. Có những người sợ làm như vậy là kêu tên cực trọng vô ý vô tứ. Ðó không phải là kêu tên cực trọng vô ý vô tứ, nhưng là kêu có ý có tứ, với dụng ý cầu xin. Hôm nay cùng các môn đệ xưa xin Chúa dạy ta cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con cầu nguyện, để lời cầu nguyện của con được như hương thơm bay lên trước tôn nhan Chúa, làm đẹp lòng Chúa và được Chúa chấp nhận.

Lời cầu nguyện xin cho được có tâm hồn cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, vị tôn sư tuyệt vời!
Xin dạy con biết cầu nguyện,
như Chúa đã dạy các tông đồ xưa.
Xin cho con biết nhận thức rằng
cầu nguyện là hơi thở của tâm hồn,
là lời ca tụng và tôn vinh danh Chúa,
là việc nói lên nhu cầu tuỳ thuộc vào Chúa
và nhu cầu thiếu thốn và bất toàn của con.
Xin ban cho con điều con khẩn nguyện. Amen.

Thế Nào Là Cầu Nguyện?

Một chàng thanh niên nọ khao khát sống đời tận hiến và cầu nguyện, đến nỗi anh đã xa lánh tất cả mọi người và mọi sự, để đến gõ cửa một đan viện nọ... Anh được vị tu viện trưởng chấp nhận tức khắc.


Trong những ngày đầu, anh quan sát cách sống của các tu sĩ: Sau những giờ cầu nguyện lâu dài, tất cả mọi người đều bắt tay vào công việc: người thì cày cuốc, người thì gặt hái, người thì miệt mài trong công tác dịch thuật. Thấy thế, chàng thanh niên đâm ra thất vọng. Anh đến trình bày ý nghĩ của mình với đan viện phụ như sau: "Thưa cha bề trên, con cứ tưởng ở đây chúng ta chỉ có một sinh hoạt duy nhất đó là cầu nguyện. Ðằng này, con lại thấy các thầy phải vất vả lo cho những nhu cầu vật chất quá nhiều". Vị tu viện trưởng mỉm cười gật đầu và nói với anh: "Có lẽ con có lý... Nếu con cảm thấy việc làm tay chân không cần thiết, thì con cứ vào phòng đóng cửa lại và tiếp tục cầu nguyện".

Nghe thế, chàng thanh niên hớn hở trở về phòng đóng cửa lại và cầu nguyện. Chỉ sau vài giờ cầu nguyện, anh cảm thấy mệt mỏi, bụng anh cũng cảm thấy cồn cào vì đã đến giờ ăn trưa. Nhưng chờ mãi mà vẫn không thấy ai đến gọi anh vào nhà cơm, người thanh niên mới đến hỏi vị đan viện phụ: "Thưa bề trên, hình như hôm nay các thầy không dùng bữa?". Cha bề trên mỉm cười đáp: "Các thầy đã ăn cả rồi". "Thế sao không ai đến gọi con đi ăn cả?", người thanh niên hỏi. Cha bề trên mới trả lời: "Sáng nay con đã chẳng đến nói với cha là chúng ta chỉ có một sinh hoạt duy nhất là cầu nguyện đó sao? Cha nghĩ rằng các thầy khác lao động nhiều cho nên cần phải có ăn uống, ngủ nghỉ. Còn con, con muốn sống như các thiên thần, nghĩa là không làm việc, không ăn uống mà chỉ biết suốt ngày cầu nguyện, cho nên cha đã dặn các thầy là đừng đến gọi con dùng bữa".

Nghe thế, người thanh niên chợt hiểu được thế nào là sống tận hiến, thế nào là cầu nguyện. Con người không chỉ cầu nguyện bằng nhữg giây phút ưu biệt dành cho Chúa, mà còn bằng cả những sinh hoạt từng ngày như làm việc, ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí... Cầu nguyện chính là tìm thấy Thánh ý Chúa và Nước Ngài trong cuộc sống mỗi ngày.

Mùa Vọng là mùa thức tỉnh.

Chúng ta cảm thấy được thôi thúc để dành nhiều thì giờ cho việc cầu nguyện hơn. Thánh Kinh nói: Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ trong sáu ngày, ngày thứ 7, Ngài nghỉ ngơi: đó cũng là hình ảnh của đời người. Cuộc sống là một chuỗi làm việc xen lẫn với nghỉ ngơi. Có một thì giờ cho tất cả mọi sự, có một thì giờ để ngủ nghỉ... Có những giây phút ưu biệt trong ngày dành cho việc cầu nguyện, có những thời gian ưu biệt trong năm dành cho việc cầu nguyện. Thời gian ưu biệt ấy không có mục đích nào khác hơn là để giúp cho con người được tỉnh thức hơn, được sẵn sàng hơn, được tươi mát hơn để gặp gỡ Chúa trong từng phút giây của cuộc sống, trong mọi sinh hoạt hằng ngày.

Cuộc sống cần có tổ chức, cần có những ngăn kéo, nhưng những ngăn kéo ấy phải được thông thương với nhau. Ngăn kéo của sự cầu nguyện phải được liên kết với ngăn kéo của những sinh hoạt hằng ngày. Ngăn kéo của những sinh hoạt hằng ngày phải được nối liền với ngăn kéo của sự cầu nguyện.

Tổ chức cuộc sống như thế tức là biến tất cả cuộc sống thành một lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện triền miên ấy có những phách mạnh dành cho những giây phút thân mật chuyện vãn với Chúa, nhưng những phách mạnh ấy chỉ được làm nổi bật nhờ những âm thầm gặp gỡ Ngài trong từng sinh hoạt, trong từng biến cố của cuộc sống.

Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài

0 nhận xét:

Đăng nhận xét