Pages

18/5/09

CHÚA GIÊSU ĐANG SỐNG (Chương V-1)

Chương V: VIỆC CHỮA LÀNH

Có ba loại bệnh tật và mỗi loại cần cầu nguyện đặc biệt để được chữa lành:

¨ Bệnh thể xác, do nhiều nguyên nhân gây ra, cần một lời cầu nguyện chữa lành thể lý.

¨ Bệnh của con tim, do những vết thương tình cảm gây ra, cần lời cầu nguyện để chữa lành nội tâm.

¨ Bệnh tâm linh, do tội gây nên, Chúa Yêsu chữa lành thể theo lòng tin, bằng cách làm cho ta ăn năn trở lại.

Chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh về hai điểm trọng yếu này:

· Sự duy nhất của hữu thể nhân loại: dù được cấu tạo bằng ba phần: xác, hồn và tinh thần (1Th 5,23), con người là một hữu thể duy nhất không thể tách rời. Chúng ta phân chia chỉ vì tiện lợi cho việc giảng dạy thôi.

· Mối liên hệ tùy thuộc: xác, hồn và tinh thần liên kết với nhau trên những bình diện ta không thể xác định rõ, nhưng chắc chắn là chúng liên hệ tùy thuộc lẫn nhau, cái này với cái kia.

I. BỆNH THỂ XÁC VÀ CHỮA LÀNH THỂ LÝ

Trước tiên, chúng tôi không cần đào sâu đề tài chữa lành thể lý, bởi lẽ cả cuốn sách này là bằng chứng sống động của tác động “chữa lành” của Chúa. Ngoài ra, có rất nhiều bài vở và sách rất hay luận về đề tài này, do phong trào Canh Tân phổ biến.

Chúng tôi chỉ muốn làm chứng rằng Tin Mừng là chân thật ở thế kỷ này, bằng cách thêm vài suy nghĩ mà chúng tôi thấy thích hợp.

Tất cả hoạt động cứu nhân độ thế của Thiên Chúa được biểu lộ dưới hai hình thức: bằng việc làm và bằng lời nói. Thánh Luca cô đọng cách tuyệt vời hành vi của Đức Yêsu bằng câu nói này:

“Trong quyển thứ nhất, thưa Ngài Thêôphilê, tôi đã bàn về mọi điều Đức Yêsu đã làm và đã dạy” (Cv 1,1).

Công đồng Vaticanô II cho ta thấy hai mặt của hoạt động Thiên Chúa khi quả quyết: “Mặc khải thần linh thể hiện bằng hành động và lời nói, liên kết nội tại với nhau. Như hành động bày tỏ và củng cố đạo lý, thì lời nói cũng công bố hành động và giải thích chúng” (Hiến chế Lời Chúa, số 2). Cuối cùng, Công đồng cho thấy Đức Kitô Yêsu (vừa là Biến cố, vừa là lời Thiên Chúa) là sự viên mãn của Mặc khải như thế nào.

Nhiều người quả quyết rằng: điều quan trọng là chữa lành phần thiêng liêng hơn là chữa lành thể xác. Người khác lại cho rằng: việc chữa lành là phụ, đặc sủng chữa lành là không cần thiết, cái cốt yếu là đức mến.

Tôi thiết nghĩ: sự phân biệt “chính hay phụ” không thấy có trong Tân Ước. Thay vì phân biệt, tốt hơn nên hỏi Thiên Chúa có muốn chữa lành con cái Ngài không? Đành rằng đức mến là đặc sủng tuyệt hảo, tôi hoàn toàn đồng ý; nhưng ai có thể chối rằng việc chữa lành là một phương tiện tuyệt vời, qua đó, đức mến được bày tỏ ra cho người đang đau khổ? Đức mến không là chuyện trên trời dưới bể, trừu tượng, nhưng là điều cụ thể như một người bệnh được khỏi. Ơn chữa lành, tự căn bản, là một ơn huệ của lòng mến.

Trong các sách Tin Mừng, động từ “Therapeuo: chữa lành” xuất hiện 40 lần; và hơn nữa, trong 12 trường hợp, động từ “sòzò”, mà người ta thường dịch là “cứu”, cũng có nghĩa là “chữa lành”, tức là việc “cứu chuộc”, gồm cả việc “chữa lành”.

“Này con, hãy vững lòng! Lòng tin của con đã cứu (chữa) con” và người phụ nữ đã được chữa khỏi (được cứu) từ giờ đó (Mt 9,22).

Và tất cả những ai chạm tới gấu áo Chúa, đã được cứu (chữa) (Mt 14,36).

“Đừng sợ! Hãy tin mà thôi và con ông sẽ được cứu (chữa)” (Lc 8,50).

Và nhiều đoạn khác nữa, như Mc 3,4; 5,23-28; 6,56; 10,52; Yn 11,11; Cv 14,9.

Đức Yêsu, khi cứu độ, Ngài cứu toàn diện con người. Đức Yêsu không đến để cứu linh hồn mà thôi. Ngài lưu tâm đến toàn diện con người, cả hồn và xác (xem Đức Giáo Chủ Yoan Phaolô II, Thông điệp “Sứ vụ Đấng Cứu chuộc”, số 14-15 xác nhận và nhấn mạnh quan điểm này của Tin Mừng – Lời dịch giả).

1. Chúa Yêsu:

Trích dẫn các câu Kinh Thánh nói về việc chữa lành của Chúa Yêsu là điều dư thừa. Ai cũng biết rõ sách Tin Mừng, từ đầu tới cuối, là một chuỗi dài những hành vi thương xót của Chúa Yêsu: Ngài chữa lành bao người ốm liệt.

Chúng tôi chỉ muốn trình bày vài đoạn có một ý nghĩa đặc biệt. Trước hết, đoạn trình bày sứ vụ Đức Yêsu:

“Thần Khí Chúa ở trên tôi, bởi Người đã xức dầu cho tôi, Người đã sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó, ban bố ân xá cho kẻ tù đày, cho người đui mù được thấy, cho kẻ bị áp bức được giải oan, loan báo năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-29).

Chúng ta thấy sứ vụ của Đức Yêsu là cứu chữa, thể xác cũng như tâm hồn, trong cũng như ngoài; và giải phóng mọi gông xiềng làm con người thành nô lệ, cách riêng nô lệ tội lỗi (Mc 4,23-25)…

Nơi khác, Đức Yêsu còn nói: như thầy thuốc, Ngài không đến cho người khoẻ mạnh, song là cho người tật bệnh; không cho người công chính, song cho kẻ tội lỗi. Không ai có thể nghị luận về sứ vụ của Ngài. Vấn đề là nhìn nhận sự cần thiết của ơn cứu độ Ngài đem tới. Chính vì vậy, Ngài xót thương mời gọi ta hãy trông cậy nơi Ngài:

“Hãy đến với Ta, tất cả những kẻ lao đao và vác nặng, và Ta sẽ cho nghỉ ngơi lại sức” (Mt 11,28).

Tên của Ngài, theo tiếng Hipri, là “Yêshua”, có nghĩa là “Thiên Chúa cứu” (Cứu Chúa). Ngài là Sự Cứu Độ toàn diện con người, và tất cả mọi người.

2. Hội Thánh:

“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Yn 20,21).

Các Tông đồ và các môn đệ của Đức Kitô tiếp tục công cuộc cứu rỗi của Ngài trong thời gian và không gian. Họ được sai đi vừa để rao giảng, vừa để chữa lành. Họ không chỉ là những kẻ truyền bá một lời nói, nhưng còn là những kẻ mang sự cứu độ của Chúa Yêsu. Hội Thánh không chỉ là người loan truyền Tin Mừng đã cứu độ ta, nhưng còn là người mang chính ơn cứu độ ấy (là bí tích của ơn cứu độ) (Mt 10,5-8; Lc 9,16).

“Hãy chữa các kẻ ốm đau trong thành! Hãy bảo họ: Nước Thiên Chúa đã gần bên các người!” (Lc 10,9).

Và ở cuối sách Tin Mừng của Marcô, chúng ta thấy sứ vụ này không những được trao cho các tông đồ, cho các môn đệ, mà còn cho “tất cả những ai tin”:

“Hãy đi khắp thiên hạ rao giảng Tin Mừng (cho mọi loài thụ tạo! Ai tin cùng chịu Thanh tẩy sẽ được cứu). Những dấu lạ này sẽ tháp tùng các kẻ tin: nhân Danh Ta, chúng sẽ trừ quỷ, nói các tiếng lạ; chúng sẽ cầm rắn trong tay, và dẫu có uống nhằm thuốc độc cũng chẳng hại được chúng. Chúng sẽ đặt tay trên kẻ liệt lào và họ sẽ được an lành, mạnh khoẻ” (Mc 16,15-18).

Câu cuối của Tin Mừng Marcô không kết thúc Tin Mừng, mà còn kéo dài đến cả chúng ta:

“Họ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng họ hoạt động và củng cố lời bằng những phép lạ kèm theo” (Mc 16,20).

Một trong những dấu ấn để nhận rõ chân tướng một tông đồ đích thực, đó là có các dấu lạ, điềm thiêng và phép lạ (2Cr 12,12; Rm 15,19).

3. Các Dấu Lạ:

Thật lý thú, trong Tin Mừng thứ tư, Yoan không nói đến phép lạ hay chữa lành, mà nói đến “dấu lạ”. Dấu lạ luôn dẫn ta đến ý nghĩa mà nó muốn nói. Cũng như khói cho ta thấy lửa, thì một phép lạ, một việc chữa lành cho ta thấy Thiên Chúa đang có mặt đó, đang hành động và cứu chữa. Đó là những dấu chứng thấy được của hành động không thấy được từ Thiên Chúa.

Việc chữa lành là những ngọn hải đăng trỏ cho ta thấy:

· Chúa Yêsu đang sống hôm nay, và Ngài có cũng một quyền năng như ở Samari và Galilê xưa, để chữa lành các kẻ ốm liệt.

· Thiên Chúa thương ta và muốn cứu chữa toàn diện con người, cả hồn lẫn xác.

· Chúa Yêsu là Đấng Thiên Sai. Khi các môn đồ của Yoan Tẩy Giả đến hỏi Đức Yêsu có phải là “Đấng Mêssia” (Đấng Thiên Sai) không, Ngài không đáp lời, mà bắt đầu chữa lành mọi người bệnh tật (x. Mt 11,2tt; Lc 7,21-22 rõ ràng hơn).

Thường người ta không chấp nhận các phép lạ và các việc chữa lành, vì chúng đòi người ta phải chấp nhận Chúa Yêsu và các yêu sách của Ngài. Chấp nhận dấu lạ bao hàm việc nhìn nhận ý nghĩa mà dấu lạ muốn nói lên. Chính vì thế mà người ta từ chối chúng.

Sau một kỳ giảng cấm phòng, tôi trở về nhà và thuật lại những việc lạ lùng Chúa làm. Ở đấy có một linh mục người Pháp nghe tôi cách chăm chú, song vẫn không tin. Tôi kể lại cho ông nghe làm sao trong Thánh Lễ cho bệnh nhân, Chúa đã cho bà vợ của người lãnh đạo nhóm cầu nguyện nói được, và bà đã lên giữa công chúng làm chứng, đang khi từ 4 năm rưỡi nay, bà bị cấm khẩu không thốt ra tiếng.

Các việc chữa lành không minh chứng tính xác thực của đạo lý, nhưng đó là dấu Thiên Chúa ra ray cứu chữa. Người cứu chữa không phải để minh chứng Người là Thiên Chúa, nhưng Người cứu chữa vì Người là Thiên Chúa.

Mọi dấu lạ là để bày tỏ một điều gì. Đó là mục đích của những việc chữa lành mà Chúa làm. Chúng nhắc cho chúng ta – ở thời đại mà người ta tôn sùng hiệu năng và chủ nghĩa thực dụng – rằng: Thiên Chúa đang hiện diện giữa chúng ta, và có thể làm những điều lạ lùng. Chúng phô bày quyền lực của Thiên Chúa, để chúng ta phú mình hoàn toàn vào tay Người, trong hết mọi khía cạnh của cuộc sống trần thế.

Các phép lạ là những dấu chỉ, đó là điều chứng tá sau đây minh chứng:

Một chiều nọ, tôi đến thăm một viên cảnh sát, đại úy Munoz. Ông đang hấp hối trên giường bệnh, không ăn uống gì đã 50 ngày, mà chỉ uống rượu từng chập mỗi 3 giờ. Chúng tôi đã cầu nguyện cho ông, và Chúa đã giải thoát ông khỏi tật nghiện rượu cách lạ lùng.

Ông bỏ uống rượu ngay tức khắc từ hôm đó, và cũng không cần đi đến nhà thương để tẩy độc. Tôi nhớ lại lời này của sách Khôn Ngoan:

“Không phải cây cỏ hay thuốc cao sẽ làm cho lành bệnh, nhưng chính lời Ngài chữa lành mọi sự, lạy Chúa!” (Kn 16,12).

Hôm sau, ông thay thế chai rượu rhum bằng cuốn Thánh Kinh. Ông vừa đọc, vừa chảy nước mắt và nói: “Thiên Chúa thật tốt lành biết bao!”

Nhưng việc đó đã đem phiền toái đến cho tôi, vì hôm sau, có những tiếng kêu la và cãi cọ ngoài cửa nhà thờ. Các bà vợ có chồng nghiện rượu đang chen lấn nhau, và cố gắng lôi kéo các đức ông chồng đến để chúng tôi cầu nguyện cho họ. Một cảnh tượng kỳ thú, khi thấy trong nhà thờ những người nghiện rượu đông hơn ở các tửu quán.

Chúa muốn giải thoát ông cảnh sát nọ như thế, để thức tỉnh lòng tin của ông nơi Danh Ngài; những điều đó không xảy ra như vậy trong mọi trường hợp. Các bệnh nhân nào có lòng trông cậy nơi Chúa Yêsu cũng phải góp phần mình vào. Không phải tất cả cảnh sát, công an đều nghiện rượu như ông đại úy Munoz; cũng vậy, không phải tất cả những người nghiện rượu được lành bệnh một cách giống nhau.

Nhưng điều quan trọng là qua một trường hợp như của ông đại úy, niềm tin vào quyền năng cứu chữa của Thiên Chúa được tăng lên. Người là Đấng có thể đổi mới đời sống ta bằng cách nào Người muốn.

4. Phép lạ và chữa lành:

Mọi việc chữa lành không phải đều là phép lạ của Chúa. Có những bệnh được khỏi do lời cầu xin, thì không thể gọi là phép lạ. Ta chỉ coi là phép lạ khi có việc chữa lành mà tất cả y khoa đều bó tay, song Chúa thực hiện được. Trong trường hợp Chúa thúc đẩy tiến trình lành bệnh đến mau hơn chữa bằng phẫu thuật, bằng nghỉ ngơi, hoặc bằng cách nào khác, chúng ta gọi đơn giản là một sự lành bệnh. Vậy, mọi sự lành bệnh nhờ cầu nguyện không thể gọi là phép lạ.

Ở Lộ Đức, trong muôn ngàn việc khỏi bệnh đã xảy ra từ hơn một thế kỷ nay, rất ít trường hợp được chấp nhận là phép lạ, điều ấy biểu hiện trong bản thống kê sau đây:

“Từ ngày bệnh nhân Catarina Latapie được khỏi vào tháng 3 năm 1858, đến ngày bệnh nhân Serge Perrin được khỏi năm 1978, có 64 trường hợp lành bệnh được Giáo Hội xác nhận là phép lạ. Đang khi người ta không quên rằng: cho đến 1972, có đến 5.432 trường hợp khỏi bệnh được ghi trong hồ sơ lưu trữ.(*)

Một thí dụ chữa lành bởi phép lạ là trường hợp của Anita Siu de Sheffer. Chúa làm điều mà y khoa bó tay.

Trong một tai nạn xe hơi, 10 năm trước đó ở Chí Lợi, một chấn thương bộ não làm bà hoàn toàn mất vị giác và khứu giác. Vì bà thuộc thành phần xã hội khá giả, nên đã chạy chữa ở những bệnh viện khá nhất của Hoa Kỳ. Sau nhiều lần khám bệnh, chữa trị, các bác sĩ cho biết là không thể giải phẩu, vì các dây thần kinh truyền tin của những chức năng ấy quá tinh vi, nhỏ hơn sợi tóc. Họ nói rõ ràng với bà: chỉ có một phép lạ mới giúp bà khôi phục hai giác quan ấy. Bà mất hết hy vọng có thể hưởng vị ngon, ngửi lại hương thơm của nước hoa và bông hoa.

Trong một Thánh Lễ cầu cho bệnh nhân ở Chitré (Panama), Chúa thông cho chúng tôi biết nhiều lời trí tri về những gì Chúa đang làm cho cộng đoàn. Có một lời như sau:

- Ở đây, có một bà đang bị một bệnh nghiêm trọng. Bà sẽ được khỏi trong đêm nay, và ngày mai, bà sẽ làm chứng về việc hoàn toàn khỏi bệnh của mình.

Ngay hôm sau, bà Anita nhận thấy mình đã ngửi được. Tỉnh giấc, bà thưởng thức mùi hoa hồng vẫn trồng bên cửa sổ và ngửi thấy mùi cà phê từ bếp. Nhảy xuống khỏi giường, bà kể việc kỳ diệu ấy cho chồng nghe, bà ăn sáng và mắt trào lệ, khi thấy mình nếm được vị ngon của các thức ăn, lần đầu tiên từ 10 năm sau tai nạn.

Điều không bác sĩ nào ở trần gian làm được, Chúa Yêsu – Chúa Tể quyền năng vô hạn – đã làm được.

Rồi, vừa để rơi những giọt nước mắt sung sướng, bà vừa nói trước toàn thể cộng đoàn:

- Tôi có hai đứa con nhỏ, nhưng chưa bao giờ ngửi được mùi thơm của chúng. Các bà mẹ có mặt đây, các bà biết thế nào là mùi thơm của con mình. Thì đây, sáng nay, tôi đã đến gần chúng, đã hôn chúng, và tôi bắt đầu ngửi được mùi thơm của chúng.

Một chứng minh rất đẹp khác về sự chữa lành bởi phép lạ, được chính đương sự diễn tả trong một lá thư đề ngày 25-08-1981:

“Tôi bị bệnh thấp khớp cấp tính nặng (arthrite rhumatoide). Không nên lầm nó với phong thấp hay sưng khớp xương thông thường, do tuổi già và không có hậu quả nghiêm trọng. Thấp khớp của tôi do những căn nguyên bí ẩn và không thể chữa, với những đau nhức ghê gớm, liên miên, thân thể dần dần khô cứng, biến dạng, và kết cục là nằm trên xe lăn…

“Tháng 10 năm ngoái, cơn đau bắt đầu ở mắt cá, hai đầu gối, và ở cổ tay, với một sự mệt mỏi toàn thân. Nghĩ rằng nó không trầm trọng, tôi đi bác sĩ, và sau khi xét nghiệm, ông tìm ra đó là bệnh thấp khớp. Phòng xét nghiệm khuyên tôi nên đi Hoa Kỳ để điều trị… Bác sĩ chuyên khoa, Aloso Portuondo, tái xác nhận hồ sơ bệnh lý nói trên và bảo là bệnh nan y, nhưng chỉ có thể cầm chân không để cho bệnh phát triển, nhờ một loại thuốc muối kiềm vàng (sels d’or). Tuy nhiên, thuốc này lại gây phản ứng tiêu cực: khắp mình tôi nổi mề đay, rụng tóc và móng chân…, lượng máu và bạch huyết cầu trở nên bất bình thường. Chính khi đó, cha Tardif đến Paraguay. Tôi nghe cha giảng lần đầu tiên trong nhà thờ Thánh An-phong-sô. Trong buổi cầu nguyện chữa lành, tôi cảm thấy trái tim tôi như sắp nổ tung ra, nó đập mạnh đến nỗi tai tôi nghe được. Lần thứ hai, xảy ra tại nhà thờ thuộc thành phố của Đại tá Oviedo. Một lần nữa, trong buổi cầu nguyện chữa bệnh, tôi thấy toàn thân run rẩy. Lúc ấy, cha nói rằng: có hai phụ nữ bị bệnh thấp khớp được Chúa chữa lành. Cha bảo họ quỳ xuống. Thật ra, lúc đó, tôi không có can đảm làm theo, vì tôi không tin rằng cha nói đến tôi, và cũng không tin lối chữa bệnh kiểu này.

“Tôi đến dự Thánh Lễ lần thứ ba, những đau đớn của tôi đã biến mất, và tôi không còn phải uống liều thuốc nào. Mẹ tôi hỏi Sơ Marguerite Prince về ngày cha Tardif rời khỏi đây, và nhờ thế, chúng tôi đã đón gặp cha ở phi trường. Cùng với linh mục Anre Car, cha cầu nguyện ngay tại chỗ cho tôi được khỏi bệnh. Cuối cùng, cha nói với tôi:

- Con đừng nói: “Tôi đang bị bệnh thấp khớp”, nhưng hãy nói: “Tôi đã bị bệnh ấy”; vì nay con đã được khỏi.

“Các đau đớn của tôi đã hết, và tôi không còn dùng một thứ thuốc nào (lượng thuốc của tôi lúc đó là 13 liều mỗi ngày và chích muối kiềm vàng mỗi tuần).

“Tôi đi tái khám, và được xét nghiệm; kết quả là tôi đã khỏi hẳn. Bác sĩ Nicolas Breuer, một người rất có đức tin và cũng là bác sĩ săn sóc tôi ở Asuncion, nói:

- Phải công nhận rằng: ngoài khoa học ra, còn có cái gì đó siêu việt hơn, và không có gì là không thể được.

“Các bác sĩ giải thích cho tôi rằng: người bị bệnh ấy không bao giờ – dù trong giả thuyết, họ có được lành bệnh đi nữa – mất đi cái dị dạng do bệnh gây ra trên thân thể…

“Còn tôi, mọi dấu vết dị dạng ấy cũng biến mất (Chúa thương tôi đến tận mức ấy). Chỉ còn có một lời giải thích duy nhất đúng: Đó là một phép lạ của Thiên Chúa!…”

Ký tên,

Marie Thérese Galcao de Baez

Ai nghĩ rằng việc chữa lành là điều phụ trong sứ vụ của Chúa Yêsu, người ấy đã sai lầm hoàn toàn. Ai cho rằng ngày nay, người ta không cần những việc như thế, và việc cốt yếu chỉ là loan báo Tin Mừng, thì họ đã quên phương pháp mục vụ của Chúa Yêsu.(*)

Chúng ta vạch đủ mọi kế hoạch, và tìm hàng ngàn phương thế, để lôi kéo ngày càng nhiều người đã bỏ nhà thờ. Chúng ta tổ chức lễ lạc, hòa nhạc, quyên góp, chia sẻ, v.v…, và kết quả chẳng được là bao. Chúa Yêsu, Ngài chữa lành bệnh nhân và người ta kéo nhau đến đông đảo. Đông đến nỗi có lần người ta đã trèo lên nóc nhà, gỡ mái nhà của Phêrô để thả người bất toại xuống, vì không cách nào chen lách qua đám đông được.

Hôm nay, hiện tượng như vậy cũng xảy ra. Lúc Chúa Yêsu chữa bệnh, đoàn lũ người ta kéo đến đông đến nỗi sân vận động không đủ sức chứa. Chính khi ấy, chúng tôi loan báo Nước Thiên Chúa cho họ. Kết quả còn lớn hơn những phép lạ chữa lành phần xác, vì những dấu lạ của quyền năng Thiên Chúa làm, không chỉ là một màn diễn để người ta đến xem, nhưng để giúp người ta canh tân đời sống đức tin một cách hiệu nghiệm. Đó chính là điều Đức Tổng Giám Mục Tahiti nói, trong thư gởi cho cha Bề Trên Giám Tỉnh của tôi. Đây tôi sao chép trọn phần đầu thư ấy:

“Papeete, ngày 30-11-80

“Cha kính mến,

“Tôi vắng mặt khỏi giáo phận suốt thời gian cha Tardif đến đây, từ ngày 21 tháng 10 đến ngày 14 tháng 11. Khi trở về, ngày 26 tháng 11, tôi đã nhận thấy sự thay đổi mà cha đã tạo ra.

“Tôi không nói những gì cha Hubert, anh tôi, đã tả cho cha; tôi chỉ muốn nói với cha rằng:

1. Số giáo dân đi dự lễ ngày Chúa Nhật đã tăng lên đáng kể.

2. Một bầu khí đại kết đã được tạo nên.

3. Đời sống thiêng liêng nẩy nở hoặc tái sinh khắp nơi.

4. Các cuộc trở lại rất quan trọng, và các lượt xưng tội trở nên rất đông đảo.

5. Hàng giáo sĩ, các nam nữ tu sĩ… đánh giá rất cao những bài giảng của cha Tardif.

6. Nhiều cuộc hôn phối đang chuẩn bị và sẽ giúp hợp thức hóa vô số trường hợp rối vợ, rối chồng; và chắc chắn sẽ tạo nên một cuộc canh tân đời sống gia đình.

“Chưa bao giờ Giáo phận được một làn sóng đức tin mạnh như thế. Trước đây, chúng tôi tổ chức hai cuộc họp Hội Đồng Tổng giáo phận, một cuộc tổng xét Tông tòa, những cuộc tĩnh tâm do các linh mục tài đức đảm nhiệm suốt trong vòng 15 năm nay; chúng tôi đã tổ chức những cuộc biểu dương đức tin khổng lồ… Nhưng chưa bao giờ có được một kết quả trong dân chúng sâu rộng bằng kết quả của lần này.

Michel Coopenrath

Tổng Giám Mục thành Papeete”

Chúng tôi xin đơn cử một trong vô số ví dụ, về điều xảy ra tại Tahiti:

Trong Thánh Lễ cầu nguyện cho bệnh nhân, một người mù chảy nước mắt khóc vào lúc dâng Mình Thánh. Và khi ông ta chùi nước mắt, ông bắt đầu thấy. Gặp Chúa Yêsu, Sự Sáng thế gian, ông đã tìm lại được sự sáng con mắt. Sự kiện ấy gây ấn tượng mạnh nơi anh Gabilou, danh ca của Thái Bình Dương, giải nhì trong cuộc thi Eurovision. Anh đã đăng tên dự kỳ tĩnh tâm thứ hai, trong đó, anh đã hoán cải, xưng tội và rước lễ. Trong Thánh Lễ bế mạc, anh lên làm chứng rằng:

- Ở đây đã xảy ra nhiều việc chữa lành, nhưng việc lớn nhất là việc của tôi; vì Chúa đã chữa lành tâm hồn tôi. Đã 16 năm, tôi sống xa đời sống Kitô hữu, xa các Bí tích; nhưng trong cuộc tĩnh tâm này, tôi đã gặp Chúa Yêsu, và từ nay, tôi chỉ muốn sống và ca hát cho Ngài.

Anh còn lặp lại lời chứng của anh trên đài truyền hình, và sau đó, một lần nữa, tại sân vận động, trước 20.000 người. Giờ đây, anh loan truyền Tin Mừng bằng những bài thánh ca đầy ơn sủng, kêu gọi giới trẻ: Chúa Yêsu cũng là Chúa của những ca sĩ và nghệ sĩ.

Những việc chữa lành nhằm một mục tiêu rõ rệt mà ta phải lưu ý. Đức Tổng Giám Mục Brazzaville đã nêu rõ trong một thư luân lưu gởi các họ đạo trong tổng giáo khu của ngài. Chúng tôi trích một đoạn dưới đây:

“Brazzaville, ngày 07-10-83

“Chúng tôi rất hài lòng về sự giảng dạy của cha Tardif. Cha đã sử dụng đề tài kỷ niệm bách chu niên cuộc truyền bá Tin Mừng ở Congo: canh tân đức tin. Các bài giảng ấy thường có những việc chữa lành kèm theo, chữa lành thiêng liêng, tâm lý và thể xác. Quang cảnh tuyệt diệu nhất trong buổi chữa lành đó là nhìn thấy, đang lúc cầu nguyện, những bệnh nhân được khỏi, những người bất toại đứng lên đi, người câm nói được… Quả đúng là ta đang sống thời Giáo Hội sơ khai với Chúa Yêsu.

“Nhưng xin đừng ai quên mục tiêu của những dấu lạ Đức Yêsu làm, đó là những bằng chứng để thức tỉnh đức tin nơi những ai không tin, và củng cố niềm tin của những ai đã tin:

“Mắt các ngươi có phúc vì được thấy, tai các ngươi có phúc vì được nghe. Ta bảo các ngươi: nhiều vị tiên tri, nhiều người công chính đã mong thấy điều các ngươi thấy, mà đã không được; muốn nghe điều các ngươi nghe, mà đã không được nghe” (Mt 13,16-17).

“Cha Tardif đã giảng cho một Tin Mừng của sự thật, chứ không lừa dối. Được thấy các dấu lạ mà không tin, đó chính là điều mà Chúa Yêsu gọi là “tội chống lại Thánh Thần”, vì người ta từ chối sự thật… Vấn đề ấy thật trầm trọng!

“Bài giảng về quyền năng mà chúng ta đã trải qua, sẽ còn để lại dấu vết sâu đậm mà nhiều thế hệ người Congo sẽ còn nói đến lâu dài, nhưng người ta vẫn nói đến Chúa Yêsu Kitô, đến lời giảng dạy và các dấu lạ của Ngài.”

Barthelémy Batantu

Tổng Giám Mục Brazzaville”

Tôi nghĩ rằng những đoạn Thánh Kinh, và ngay cả những lời chứng của các thánh trong đời sống Giáo Hội, đã quá đủ để khỏi cần biện hộ hay đả kích các việc chữa lành. Những câu hỏi nền tảng phải là: “Tôi có tin rằng Thiên Chúa có thể chữa lành tôi không? Tôi có tin vào quyền năng chữa bệnh của Chúa Yêsu có thể ngang qua tôi mà chữa người khác không?”

Nhiều khi ta sợ những kỳ công của Thiên Chúa chỉ vì không hiểu chúng cho đủ.

Đức Giám Mục thành Sangmelima, ở Cameroun, đã có lần mời tôi giảng cấm phòng cho linh mục. Ngài mời tất cả linh mục giáo phận, nhưng một linh mục nọ nói với ngài:

- Tôi không muốn đi dự, vì ở đó, người ta chỉ nói đến các phép lạ và các phép lạ!

Đức Giám Mục đáp:

- Cứ đi, đừng sợ! Đề tài tĩnh tâm không phải là chữa bệnh, nhưng là cầu nguyện.

Linh mục ấy chấp nhận đi dự, vì Đức Giám Mục bảo đi hơn là vì xác tín. Và cuộc tĩnh tâm bắt đầu, nhưng ngày thứ ba, ông đứng lên trước mặt các linh mục khác và nói:

- Tôi bị bệnh thấp khớp dị dạng nơi bàn tay, đến nỗi không thể buộc dây giày. Hơn nữa, tôi phải nói là lúc đầu, tôi không muốn đến dự cuộc tĩnh tâm này, ngại rằng người ta chỉ nói đến phép lạ. Nhưng trong Thánh Lễ hôm qua, tôi cảm thấy nóng ran ở đôi bàn tay. Tôi muốn chúc tụng vinh quang Thiên Chúa, vì tôi đã hoàn toàn được khỏi… Đây tôi có thể cử động bàn tay…

Rồi ông cười và tiếp:

- Tôi không muốn nghe nói phép lạ, thế mà chính tôi không ngừng công bố những việc lạ lùng của Thiên Chúa!

Tất cả cử tọa đều cười và ca ngợi Thiên Chúa, đang khi vị linh mục cử động đôi bàn tay cách thoải mái giơ cho mọi người thấy.

Thái độ hợp lý của ta là phải tín thác hoàn toàn trong tay Cha yêu thương. Người có một chương trình tuyệt vời trên chúng ta.

5. Lời nguyện cho bệnh nhân:

Ngày 8 tháng 2 năm 1984, chúng tôi cử hành Thánh Lễ cầu cho sức khoẻ của các bệnh nhân sẽ đọc các trang sách này. Mời họ hãy hết lòng tin kết hợp với lời nguyện này, trong khi họ đặt tất cả mạng sống trong tay Chúa Yêsu:

Lạy Chúa Yêsu!
Chúng con tin rằng Chúa đang sống và đã sống lại,
Chúng con tin rằng Chúa thật đang hiện diện
Trong phép Mình Thánh nơi bàn thờ
Và trong mỗi con người chúng con.
Chúng con ngợi khen và thờ lạy Chúa.
Chúng con tạ ơn Ngài, lạy Chúa,
Vì đã đến với chúng con
Như Bánh hằng sống bởi trời xuống.
Chúa là sự sung mãn của cuộc sống,
Chúa là sự sống lại và sự sống,
Chúa là thầy, là sức khoẻ cho người đau ốm.

Hôm nay, chúng con muốn trình lên Chúa
Tất cả những bệnh nhân, độc giả quyển sách này,
Vì đối với Chúa, không có cách biệt,
Trong thời gian và không gian.
Chúa là Đấng hiện diện mọi nơi, mọi thời
Và Chúa biết rõ mọi người.
Giờ đây, lạy Chúa,
Chúng con xin Chúa xót thương họ.
Xin viếng thăm họ qua Tin Mừng Phúc Âm
Được công bố trong sách này,
Để tất cả mọi người nhìn biết,
Rằng Chúa đang sống trong Giáo Hội ngày nay.
Lạy Chúa Yêsu, chúng con nài van Chúa,
Xót thương những kẻ đang đau đớn trong thể xác,
Những kẻ đang đau khổ trong trái tim
Và những kẻ đang đau buồn trong tâm hồn.
Bởi vì họ đang cầu xin và đang đọc những lời chứng
Về những điều Chúa đang thực hiện,
Bởi Thần Khí của Chúa
Đang đổi mới mọi sự trên khắp địa cầu.
Hãy xót thương họ, lạy Chúa!
Ngay từ bây giờ, chúng con xin Chúa
Chúc lành cho họ và nhiều người được khỏi bệnh.
Nguyện cho đức tin họ lớn lên,
Và lòng cậy trông của họ vào Chúa được khơi dậy.
Xin cho họ mở lòng ra
Đón các việc diệu kỳ của tình yêu Chúa,
Hầu họ cũng trở nên chứng nhân của quyền năng
Và lòng thương xót Chúa.
Lay Chúa Yêsu, chúng con cầu xin Chúa,
Nhờ quyền lực những Thương Tích Thánh của Chúa,
Cậy vì Thánh Giá Chúa,
Và vì Máu châu báu Chúa đã đổ ra cho chúng con,
Hãy chữa lành thể xác họ, trái tim họ, tâm hồn họ!
Hãy ban cho họ sự sống dồi dào!
Chúng con nguyện xin Chúa,
Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Chúa,
Rất Thánh Nữ Đồng Trinh Maria,
Nữ Trinh của những nỗi thống khổ,
Mẹ đứng đó, hiện diện dưới chân thập giá của Chúa,
Mẹ, người đầu tiên đã nhìn ngắm các Vết thương Chúa,
Và là Đấng Chúa đã ban để làm Mẹ chúng con.

Hôm nay, Chúa ơi!
Chúng con xin trình lên Chúa trong lòng tin
Tất cả những bệnh nhân
Đã xin chúng con cầu nguyện cho họ
Chúng con xin Chúa làm thuyên giảm bệnh tình họ,
Và cho họ được lành.
Chúng con cầu xin Chúa,
Để vinh quang cho Cha trên trời,
Hãy chữa lành những bệnh nhân sẽ đọc sách này!
Hãy làm cho họ lớn lên trong đức tin, đức cậy,
Và cho họ được sức khoẻ,
Để cho Danh Chúa được vinh hiển;
Ngõ hầu vương quyền Chúa tiếp tục lan rộng,
Ngày càng nhiều hơn trong các tâm hồn,
Qua những dấu lạ và kỳ công của tình yêu Chúa.

Chúng con xin Chúa tất cả những sự ấy,
Lạy Chúa Yêsu, bởi vì Chúa là Yêsu!
Chúa đã tỏ cho chúng con biết rằng:
Chúa đã gánh lấy trên mình
Tất cả các bệnh tật của chúng con,
Và nhờ những Thương tích Thánh của Chúa,
Chúng con được chữa lành.
Chúa là Đấng chăn chiên tốt lành,
Và chúng con là những chiên con nhỏ bé
Trong đàn chiên của Chúa.
Chúng con tin chắc chắn
Chúa yêu thương chúng con,
Đến nỗi trước khi biết kết quả của lời cầu xin này,
Thì với đức tin, chúng con nói với Chúa
Ngay từ bây giờ rằng:

Cám ơn Chúa Yêsu,
Vì tất cả những gì Chúa sẽ làm qua cuốn sách này.
Chúng con đặt nó vào tay Chúa ngay từ hôm nay.
Hãy dìm nó trong các Thương Tích Thánh của Chúa!
Hãy bao phủ nó bằng Máu Thánh Chúa!
Và ước gì qua sứ điệp này,
Chính Trái Tim của Đấng Chăn Chiên Lành
Sẽ nói với trái tim của bao bệnh nhân đọc sách này.
Vinh quang và ngợi khen Chúa, ôi Chúa Yêsu!

(*) “Chữa lành trong sứ vụ của Giáo Hội”, trang 132, tác giả G. Seigneur, nhà xuất bản SOS, rue du Bac, Paris.
(*) Thông điệp “Sứ vụ Đấng Cứu chuộc”, số 14.

CHÚA GIÊSU ĐANG SỐNG (Chương V - 2)

II. BỆNH CỦA CON TIM VÀ VIỆC CHỮA LÀNH NỘI TÂM

Ai trong chúng ta cũng biết quá khứ của ta để lại những ảnh hưởng nặng nề trong hiện tại như thế nào. Bây giờ, chúng ta sẽ nói về những thái độ bệnh hoạn của bản thân ta và những mối quan hệ của ta với người khác, chúng vốn đã đâm rễ sâu vào những kinh nghiệm đau thương của cuộc đời ta.

Biết bao chấn thương hiện tại là do những vết thương trong quá khứ của ta gây ra. Những hậu quả tai hại thể hiện trên mặt thể lý, một số những bệnh tật thể xác có thể do những chấn thương tình cảm phát sinh. Lại có những hậu quả tai hại khác biểu hiện trên mặt tâm lý, chẳng hạn như những mặc cảm bắt nguồn từ những chấn thương tình cảm, hoặc nhiều khi từ những vết thương do lỗi lầm đời ta gây ra.

Người ta có thể khám phá thấy nhiều yếu đuối trong đời sống Kitô hữu chúng ta, bắt nguồn từ những biến cố của cuộc đời, và chúng gây thương tích sâu xa nơi ta. Những thương tích này có thể thành những kẽ nứt, qua đó, tội lỗi thâm nhập. Những tâm bệnh này, Chúa có thể chữa lành, nhờ lời cầu nguyện xin ơn chữa lành nội tâm.

Trong một trung tâm bệnh ở Montréal (Canada), có một bệnh nhân mù như một trường hợp bệnh lý kỳ lạ. Anh ta mù mà không do một nguyên nhân hiển nhiên nào, cả thần kinh, thịgiác, đồng tử và giác mạc vẫn hoàn hảo. Sau, nhờ một buổi điều trịbằng thôi miên, người ta khám phá ra nguyên nhân xuất phát từ thời thơ ấu, lúc còn ngủ cùng phòng với cha mẹ. Một đêm, cha mẹ liên hệ tình dục nồng nhiệt, nhưng cậu bé lại nghĩ rằng cha cậu đã xử sự hung bạo với mẹ cậu. Điều đó gây chấn thương sâu đậm, đến nỗi cậu nhắm mắt trước sự tấn công ấy, và trước tất cả mọi sự khác trên đời, rồi cậu hóa ra mù. Khi tìm ra nguyên nhân bệnh tình, người ta chữa anh bằng phương pháp điều trịthích hợp, và mấy tháng sau, anh lại nhìn thấy được.

Chúa Yêsu cũng làm như thế bởi lời cầu nguyện chữa bệnh nội tâm. Ngài đi đến gốc rễ của những xung đột để chữa lành. Cái lợi trước mắt là Ngài không bắt ta trả tiền, và đàng khác, Ngài hành động mau lẹ hơn tất cả các tâm lý gia và tâm bệnh gia trên thế giới này. Ngài là Đấng chữa lành những tấm lòng tan vỡvà băng bó các vết thương của họ (Tv 147,3).

Thiên Chúa chúng ta thật tuyệt vời, có khả năng đi sâu tận tiềm thức các vấn đề của ta để chữa lành và giải thoát ta. Trong Phụng vụ trước kia, có một lời nguyện rất đẹp: “Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con khỏi sự dữ quá khứ, hiện tại và tương lai!”. Chúa có thể giải thoát ta, vì Ngài không lệ thuộc vào thời gian. Lúc nào cũng là hiện tại đối với Ngài, vì Ngài vẫn luôn là một, hôm qua, hôm nay và mãi mãi.

Để làm điều này, trước hết phải vạch trần được nguyên nhân của mỗi thương tích. Không những phải ý thức về nó, nhưng phải trưng bày nó ra trong ánh sáng tình yêu của Chúa, trong một lòng tín thác hoàn toàn, và kêu xin Ngài chữa lành, nhờ lòng thương xót vô biên của Ngài.

Có những bệnh tật mà vết thương thể lý được chữa lành nhờ tắm nắng. Cũng vậy, Chúa Yêsu – Mặt Trời công lý – sẽ chữa những vết thương tâm hồn, nếu chúng ta đem tất cả bản thân mình và nhất là những thương tích ra tắm gội, phơi bày dưới những tia nắng của Trái Tim hay thương xót của Ngài. Sức ấm nóng của Trái Tim ấy sẽ thấm nhập và ta được chữa lành.

“Trên các ngươi là những kẻ kính sợ Danh ta, sẽ ló rạng mặt trời công chínnh, với những tia sáng có sức chữa lành” (Mal 3,20).

Sự ấp ủ những kỷ niệm đau buồn trong trí nhớ, sẽ phát sinh những chấn thương và những mặc cảm, trong mối quan hệ của ta với thân nhân và ngay cả với Thiên Chúa. Chính vì thế, sứ vụ chữa lành nội tâm khởi sự đánh vào phạm vi các ký ức trước tiên, bởi vì những gì ta lưu trữ trong trí nhớ – cách ý thức hay vô thức – cũng phát sinh những phản ứng nơi thể xác, nơi các cơ quan hay nơi thần kinh.

Trong bầu không khí cầu nguyện và đức tin, chúng ta giúp đương sự tìm lại được nguồn gốc những đau khổ của họ (bịgia đình hất hủi, bỏ bê, đối xử tàn tệ, bịtai nạn, thất bại, v.v…); rồi đem từng việc đã xảy ra có tính cách đau buồn ấy phơi bày dưới ánh sáng và uy danh của Chúa Yêsu. Ngài là lương y hôm qua, hôm nay và mãi mãi, sẽ chữa lành các vết thương của trí nhớ, như tia nắng mặt trời chữa lành các thương tích của thể xác ta vậy.

Chúng tôi nhân Danh Chúa Yêsu và cậy vì quyền lực các Thương Tích Thánh của Ngài (nhờ các vết thương của Ngài, ta được chữa lành), mà truyền cho bệnh tật phải được lành: “Nhân Danh Chúa Yêsu, tôi giải thoát con khỏi những sợ hãi, khắc khoải, xao xuyến và các mặc cảm, v.v… đã do các biến cố ấy gây nên.”

1. Nguồn gốc của vấn đề:

Không được lẫn lộn việc chữa lành với việc xóa bỏ các triệu chứng. Không thể để ta bịđánh lừa bởi các triệu chứng, vì chúng xuất hiện, biến dạng, đang khi vấn đề còn y nguyên đó.

Chẳng hạn, đôi khi, có người từ bỏ hút thuốc nhờ một phương pháp nào đó, nhưng sau lại ăn uống quá nhiều. Một người nghiện rượu có thể bỏ rượu, nhưng nếu anh ta không chữa lành tận gốc, anh ta sẽ rơi vào những tật xấu khác. Trong những trường hợp ấy, vấn đề chưa được giải quyết, mà chỉ chuyển vị. Cũng giống như một trái banh phồng hơi, nếu người ta ấn vào bên này, thì hơi sẽ chạy sang bên kia.

Cách chung, căn nguyên tất cả mọi bệnh tật của ta là do vết thương tình yêu, hay do thác loạn tình yêu. Chính vì thế, người ta vẫn nhắc đến việc “chữa lành con tim” – một kinh nghiệm tiêu cực về tình yêu chân thật. Vì thế, khám phá ra vấn đề hoặc gốc rễ của các xung đột thì chưa đủ, việc quan trọng hơn là phải lấp đầy chỗ trống ấy, bằng tình yêu thương xót của Chúa Yêsu.

Chúa Yêsu chữa lành tận gốc rễ. Ngài phá hủy các gút mắc chính – vốn là căn nguyên tất cả mọi chuyện rắc rối. Cái căn gốc ấy có thể khám phá được bằng hai cách: hoặc bằng đối thoại với đương sự, để khám phá ra vấn đề đã phát sinh khi nào và cách nào (một nửa công việc chữa lành vết thương tình cảm tùy ở khả năng nghe bệnh nhân tâm sự, với lòng yêu thương không phê phán); hoặc bằng sự biện phân nhờ đặc sủng.

Một người kia bịsuyễn rất nặng, mỗi lần lên cơn thì hầu như tắt thở. Qua cuộc nói chuyện với Đức Cha Alphongso Uribe Jaramillo, và nhờ tìm xem cơn suyễn bộc phát thế nào, chịmới nhớ ra rằng: trước khi sinh đứa con thứ nhì, có một chịláng giềng ác ý đã đề quyết đứa con ấy không phải là con của chồng chị. Điều đó làm chịtổn thương đến phát bệnh suyễn. Đây không phải là một căn bệnh, mà là triệu chứng của một thương tích tình cảm; nó sẽ biến mất khi nào chị khám phá ra thương tích này, để rồi cầu xin Chúa chữa lành.

Còn về việc biện phân bởi đặc sủng, trong một vài trường hợp, Chúa ban xuống một ánh sáng đặc biệt, để đi sâu vào gốc rễ của vấn đề. Chúa đến trợ giúp sự bất lực của ta, để ta khám phá căn gốc của bệnh – là điều theo sức loài người không thể làm, hoặc đòi hỏi thời gian lâu dài với nhiều phương pháp tâm lý – và để Ngài chữa lành.

Sự biện phân đặc sủng không phải là kết quả của kỹ thuật tâm lý, nhưng là một ơn đặc biệt Chúa ban xuống trong một trường hợp riêng.

Một bé gái 13 tuổi, vào nửa đêm một Chúa Nhật, bỗng giật mình thức dậy, hết sức kinh sợ và thốt lên những tiếng la thất thanh, vì thấy một người đàn ông đã lẻn vào phòng em. Sáng hôm sau, em bịmù. Vì gia đình nghèo, người ta chạy chữa qua loa cho em bằng những thứ ngoại khoa. Sau mới chạy đến y sĩ, nhưng không kết quả. Cuối cùng, họ đem em đến nhà thờ. Bởi vì tôi chẳng biết cho em thuốc men gì, tôi bắt đầu cầu nguyện, cũng không kết quả. Thế nên, tôi bắt đầu cầu nguyện trong tiếng lạ, và tôi hiểu rằng em nhỏ này không bịmù, song bịmột vết thương thuộc cảm xúc gây ra, do ấn tượng em “thấy một người đàn ông đi vào trong buồng”.

Chúng tôi xin Chúa chữa em khỏi vết thương cảm xúc; thế là 10 phút sau, em thấy được hoàn toàn như trước. Thành ra, vết thương tình cảm là gốc của các bệnh thể xác bên ngoài. Một khi căn nguyên được chữa, hậu quả cũng tiêu tan.

Người ta phải cầu nguyện, để Chúa chặt đứt những ràng buộc với quá khứ, vốn gây ảnh hưởng trên hiện tại. Rồi tiếp theo, người ta xin Chúa đổ tràn tình yêu, sự cảm thông, sự bình an cho giờ phút hiện tại hay cho những hoàn cảnh đau đớn này.

Trong cuộc tĩnh tâm ở Caracas thuộc Vénézuéla, một nữ tu kể cho chúng tôi rằng: mặc dầu rất mãn nguyện về ơn kêu gọi và công việc truyền giáo, song chịvẫn thấy chìm ngập trong một nỗi buồn vô căn cớ. Chúng tôi đã cầu nguyện cho chịđược chữa lành nội tâm, và trong lúc cầu nguyện bằng tiếng lạ, có một nữ tu khác nhìn thấy trong trí mình hình ảnh một em gái nhỏ 5 tuổi, đang khóc vì đi lạc trong rừng cây um tùm giữa tuyết sa. Người ta hỏi chịnữ tu đang bịbuồn rầu rằng: có thấy hình ảnh nói gì với chịkhông, chịtrả lời với mắt ứa lệ:

- Khi tôi còn nhỏ, một mùa đông kia, tôi ra khỏi nhà và lạc mất đường về, do tuyết rơi dầy đặc. Ba má tôi không biết tôi ở đâu mà tìm. Tôi một mình lạc lõng, đau đớn, lo sợ không bao giờ gặp ba má nữa.

Thế là chúng tôi cầu Chúa Yêsu – Đấng Chăn Chiên tốt lành – chữa vết thương tình cảm ấy, vì Chúa vẫn ở với chịtrong những ngày đau đớn này, không bao giờ bỏ chịmột mình, và không cho phép chịlạc lõng trên những nẻo đường đời. Chịấy đã được khỏi, và niềm vui đã trở về với chị, trong đời sống cũng như trong việc làm. Đối với Thiên Chúa chúng ta, mọi sự đều là hiện tại. Người chữa ta khỏi mọi thương tật, dù chúng bịchôn vùi trong quá khứ.

Việc chữa lành các kỷ niệm đau buồn là nhờ Chúa Yêsu vẫn là một, hôm nay, hôm qua và mãi mãi (Hr 13,8), và những công nghiệp cứu chuộc của sự chết và sự sống lại của Ngài vẫn luôn luôn hiện tại và hiệu nghiệm. Chính vì thế, các công nghiệp ấy đã có thể thánh hóa Đức Maria, hồi mới thụ thai trong lòng Bà Thánh Anna, làm cho Mẹ tinh sạch tội tổ tông truyền. Trong tác vụ chữa bệnh, chúng ta được hưởng công nghiệp của sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô, để lãnh những hoa quả của ơn cứu chuộc, vào một thời gian nhất định của đời ta. Khởi đầu là xác tín rằng: Chúa Yêsu – cách đây 2000 năm – đã gánh lấy những đau khổ và bệnh tật của ta. Nhờ đức tin, ta làm cho cuộc vinh thắng của Chúa Yêsu trên mọi sự dữ thành cuộc vinh thắng của ta.

Nhờ cuộc chữa lành tâm can, một niềm hy vọng loé sáng cho những ai đành cam phận sống trong những tập quán và những chấn thương. Một cánh cửa đã mở ra chữa lành cho những ai không thể đổi thay được, mặc dầu nỗ lực hết sức có thể; đồng thời, những xiềng xích trói buộc ta vào cảnh nô lệ quá khứ đã bịbẻ tung.

Chúa Yêsu đã đến, để ban sự sống và sự sống dồi dào. Ngài muốn ta được tự do, và làm ta có khả năng được tự do thoát khỏi xiềng xích đã cột ta vào một quá khứ buồn đau, hay một kinh nghiệm tai hại.

Có những người đến với Bí tích Hòa giải để xưng thú cứ mãi một thứ tội, một thứ lỗi; như thể Bí tích này chỉ để ban cho ta ơn tha tội của Thiên Chúa, chứ không làm cho ta có sức mạnh thắng được cuộc chiến với tội lỗi. Ơn chữa lành tâm can đã đến giải thoát ta khỏi những ràng buộc làm ta thành nô lệ, không cho phép ta bay tới sự kết hợp với Thiên Chúa và với sự thánh thiện.

Như vậy, phải chăng việc chữa lành tâm can hiệu nghiệm hơn Bí tích? Không phải như thế, nhưng chính trong Bí tích Hòa giải, ơn chữa lành tâm can đạt hiệu quả sâu xa nhất.

Nếu các linh mục ý thức được quyền lực chữa lành của Bí tích Hòa giải, các ngài sẽ không ngừng sử dụng nó. Linh mục nào chỉ hạn chế Bí tích ấy vào việc ban phép xá giải, không cầu nguyện cho bệnh nhân được chữa lành tâm can, thì đã giảm thiểu quyền lực của Bí tích ấy một cách đáng kể.

LờI CẦU XIN CHữA LÀNH CÁC KỶ NIệM ĐAU BUỒN

Vì chúng ta hết thảy đều mắc bệnh bởi các vết thương trong quá khứ, thì đây, một lời cầu nguyện xin ơn chữa lành nội tâm, để Chúa chữa con tim cho những ai nhìn nhận mình cần điều ấy:

Lạy Cha đầy nhân ái, Cha đầy yêu thương!
Con chúc tụng Cha, ngợi khen Cha và tạ ơn Cha,
Bởi vì Cha đã ban Đức Yêsu cho chúng con do tình yêu.
Cám ơn Cha,
Nhờ ánh sáng của Thần Khí Cha,
Chúng con hiểu rằng chính Đức Yêsu là Sự Sáng,
Là Sự Thật và là Đấng Chăn Chiên tốt lành.
Ngài đã đến để chúng con có sự sống,
Và được sự sống dồi dào.

Hôm nay, lạy Cha,
Chúng con trình lên Cha người con (trai/ gái) này,
Mà Cha đã biết tên.
Con trình lên Cha, để Cha đoái thương
Ghé mắt của Cha nhìn đến đời sống của anh/ chịấy.
Cha biết lòng anh/chị,
Và những thương tích của đời anh/chị
Cha biết điều anh/chị đã muốn làm và đã không làm
Cha biết điều anh/chị đã làm
Và điều người ta đã làm cho anh/chị
Cha biết các giới hạn, sự lầm lạc và tội lỗi của anh/chị
Những chấn thương
Và những mặc cảm của đời sống anh/chị.

Hôm nay, lạy Cha,
Chúng con van nài Cha,
Bởi lòng Cha yêu mến Đức Yêsu Kitô, Con Cha,
Xin hãy đổ tràn Thánh Thần trên người anh/chịnày,
Ngõ hầu lửa nóng tình yêu Cha chữa lành,
Thấm nhập vào tận đáy sâu thẳm con tim anh/chị.
Cha là Đấng chữa lành những vết thương
Và băng bó những cõi lòng tan vỡ.
Xin hãy chữa lành anh/chị, Chúa ơi!
Hãy vào trong tim anh/chịấy,
Như Chúa đã vào trong nhà tiệc ly cửa đóng kín
Của những môn đồ đang sợ hãi.
Chúa đã hiện ra giữa họ và nói:
“Bình an cho các con!”
Xin hãy vào trong trái tim này
Và ban sự bình an của Chúa.
Xin hãy đổ đầy vào đó tình yêu của Chúa!
Chúng con biết rằng tình yêu xua đuổi sợ hãi.
Xin Chúa hãy đi vào đời sống anh/chị
Và chữa lành con tim anh/chị.

Lạy Chúa, chúng con biết rằng Chúa sẽ làm điều ấy
Mỗi khi chúng con van nài Chúa,
Và chúng con van nài Chúa cùng với Đức Maria,
Mẹ chúng con,
Mẹ đã dự tiệc cưới ở Cana,
Khi hết rượu, Chúa đã ứng đáp lời ước nguyện của Mẹ,
Đã hóa nước thành rượu.
Xin hãy ban cho anh/chịmột quả tim đại độ,
Nhã nhặn và đầy nhân hậu.
Hãy ban cho anh/chịmột con tim mới!

Lạy Chúa, xin hãy làm nảy sinh trong người anh/chị
Những hoa quả sự hiện diện của Chúa nơi đây.
Xin hãy ban cho họ những hoa trái của Thần Khí Chúa
Là lòng mến yêu, niềm vui mừng và sự bình an!
Hãy đổ xuống trên anh/chịThần Khí các mối phúc,
Để cho anh/chịcó thể cảm nếm và tìm Chúa mỗi ngày,
Sống không bịmặc cảm hoặc chấn thương giày vò,
Bên cạnh vợ (chồng), cạnh gia đình và anh em mình.

Lạy Cha, con cảm tạ Cha,
Vì những gì Cha làm hôm nay trong đời anh/chị.
Chúng con hết lòng cảm tạ Cha,
Vì chính Cha cũng chữa lành chúng con,
Chính Cha bẻ gẫy xiềng xích trong chúng con,
Và trả lại tự do cho chúng con.
Cám ơn Chúa,
Vì chúng con là đền thờ của Thánh Thần Chúa,
Và đền thờ này không thể bịphá hủy,
Vì chính là nhà của Thiên Chúa.
Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa
Vì đức tin, tình mến Chúa đã đặt vào lòng chúng con.
Ôi, lạy Chúa! Ngài thật lớn lao!
Xin chúc tụng và ngợi khen Ngài, lạy Chúa!

2. Lời cầu nguyện:

Tôi nghĩ rằng: điều giúp ta quan tâm cầu nguyện xin ơn chữa lành cho người khác hơn cả, chính là trước đó, chúng ta đã có kinh nghiệm ấy. Trước tiên, ta hãy xin cho có lòng thương cảm. Đó là một đặc tính cốt yếu của Trái Tim từ bi Chúa Yêsu Kitô. Ngài biết chạnh lòng thương dân chúng, và vì thế, Ngài đã chữa bệnh tật và nuôi họ ăn.

Không có lòng cảm thương (tức là đau khổ với họ), lời cầu nguyện sẽ chỉ là những lời nói ngoài môi, chứ không xuất từ trong tim.

Về lời cầu nguyện chữa lành nội tâm, không có mẫu nào để làm theo. Người ta cần phải theo Chúa Yêsu – Đấng giảng dạy và chữa lành dưới tác động của Thần Khí. Tôi không có phương pháp cố định nào, chính Đức Yêsu cũng chẳng có.

Chúng tôi muốn trình bày một kinh nghiệm về cách Thiên Chúa đã dạy chúng tôi cầu nguyện thế nào cho bệnh nhân. Đây là vài phương thức may ra có thể hỗ trợ, song đừng quên rằng: Thiên Chúa có thể chỉ bảo những phương cách mới.

a/ Nhân Danh Chúa Yêsu:

Đức Kitô là Đấng trung gian độc nhất giữa Thiên Chúa và loài người, vì thế, không còn Danh nào khác được ban cho nhân loại, để nhờ đó mà được cứu vớt (1Tm 2,5; Cv 4,12). Duy mình Đức Yêsu chữa lành, giải thoát và cứu vớt. Tất cả những gì ta cầu xin nhân danh Ngài, Chúa Cha đều ban cho (Yn 16,23). Chính nhân Danh Đức Yêsu mà các bệnh nhân được khỏi (Mt 7,22; Cv 4,30).

Lời cầu xin nhân Danh Chúa Yêsu không chỉ giản lược vào việc đọc Danh Ngài ra, nhưng trước tiên đòi hỏi phải có lòng trông cậy. Khi Ngài cầu nguyện trong ta và ta trong Ngài, Chúa Cha luôn nhận lời cầu của ta.

Có nhiều người, trong lời cầu nguyện chữa bệnh, và đặc biệt lời cầu nguyện xin ơn giải thoát, thường lặp lại Thánh Danh Chúa Yêsu nhiều lần. Quả thực, Danh ấy chất chứa sức khoẻ và quyền lực, vì nó có nghĩa là “Thiên Chúa cứu”, và chúng ta chắc rằng Lời Chúa sẽ thực hiện điều mà Lời đó chứa đựng.

b/ Cậy vì Máu Chiên Con:

Người ta cầu xin (cậy vào) giá Máu châu báu của Chúa Yêsu – Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa đi tội lỗi thế gian –, để giải thoát ta khỏi quyền lực của tối tăm.

Chúng ta khấn Máu Chúa Yêsu, bởi vì mỗi lần, sau một vết thương tình cảm, một ức chế, một ám ảnh, và ngay cả một bệnh thể lý, người ta thường ấp ủ nơi mình một yếu tố tội lỗi.

Lúc ấy, ta hãy cầu xin rằng:

“Cậy vì Máu châu báu của Chúa Yêsu Kitô, tôi tuyên bố anh (chị…) được gỡkhỏi mọi ràng buộc và mọi sự dữ, vốn cản trở anh (chị…) sống sung mãn sự sống của Chúa Yêsu Kitô”.

Thư gởi tín hữu Êphêsô (1,7) xác quyết rằng:

“Nhờ Máu Chúa Kitô, chúng ta được cứu chuộc”.

Sau đây, một lời chứng được viết, trong một lá thư gửi đến chúng tôi từ Guatemala:

“Trong nhóm cầu nguyện cho bệnh nhân, con ngồi dưới thấp nên không thấy cha được, mà chỉ nghe tiếng thôi. Cứ càng nghe cha nói, con càng được đi vào thế giới tuyệt vời của Thiên Chúa đến không ngờ. Bỗng nhiên, con bắt đầu nhận thấy có một cái gì đặc biệt xảy ra. Con cảm thấy như bay lơ lửng trong không khí và mồ hôi bắt đầu ra nhiều, rồi con cảm thấy cần phải lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Đang khi đó, nước mắt con chảy đầm đìa.

“Tiếp theo là giờ cầu nguyện cho bệnh nhân. Cha đã cho chúng con suy ngắm về Thập Giá Chúa. Con hình dung rõ lắm: con thấy mình được dìm trong Máu châu báu ấy, con khóc lóc, đau buồn vì các tội lỗi đã phạm. Chúa nói với con: “Ta yêu con. Trong tất cả những giờ phút thiếu thông cảm, con hãy yên lòng vì Ta yêu con…” (giờ đây, đang khi viết, con lại khóc).

“Rồi con nhận thấy có sức ép vào bao tử. Chúa đã chữa bộ phận tiểu tiện của con; bởi vì sau khi sinh nở nhiều lần, các bộ phận nay đã bịlệch qua và bít đi.

“Suốt đêm, con thức để ngợi khen Chúa. Nhưng điều quan trọng nhất, đó là từ lúc con cảm thấy ngập tràn bởi Máu Chúa Kitô, biết bao điều kỳ diệu đã đến trong đời sống thiêng liêng của con.

Ký tên,

Virginie Diaz de Enriquez”

c/ Cậy vì các vết thương Chúa Yêsu:

Nhờ các vết thương của Chúa Yêsu, chúng ta được chữa lành các vết thương của mình. Bởi các thương tích của Ngài mà chúng ta được mạnh. Ngài đã lãnh chịu phần phạt, đánh đổi lấy bình an cho ta, và ta đã được lành bởi các roi đòn Ngài phải chịu (Ys 53,5). VịTôi Tớ của Thiên Chúa đã gánh vác lấy tất cả mọi đau đớn và bệnh tật của ta; ngõ hầu, khi đã được thoát khỏi sự sợ hãi, chúng ta có thể làm tôi Thiên Chúa trong thánh thiện và công chính suốt cả đời ta.

Vì lẽ ấy, chúng tôi có thói quen cầu nguyện cho bệnh nhân như sau:

“Cậy vì năm Dấu thương của Chúa Yêsu Kitô,
tôi tuyên bố anh (chị) được tự do,
với tự do của một người con Thiên Chúa,
đã được cứu chuộc bởi Chúa Yêsu Kitô.
Lạy Chúa Yêsu,
Bởi quyền lực của các vết thương Ngài,
Xin hãy chữa lành các vết thương trong ký ức!
Xin hãy chữa lành cội rễ của vấn đề rắc rối này!
Nó đã gây ra buồn rầu, hận thù, sợ hãi, v.v…”

d/ Cầu nguyện trong tiếng lạ:

Chúng tôi sẽ nói kỹ hơn về vấn đề này ở một chương khác. Nhưng ngay bây giờ, chúng tôi có thể quả quyết rằng: khi ta cầu nguyện trong tiếng lạ, tâm trí ta hoàn toàn sẵn sàng để Chúa tự do sử dụng, như những máng trong suốt thông ơn chữa lành.

Cầu nguyện bằng tiếng lạ là một khí cụ tuyệt diệu, có khả năng thấu suốt đến tận nơi mà loài người và khoa học không thể tới.

Trong một kỳ tĩnh tâm linh mục tại Lyon, bên Pháp, có những linh mục sẵn sàng chờ đón ơn ngôn ngữ, nhưng cũng có những vịchống đối và còn chế nhạo nữa. Trong số đó, dữ dằn nhất là một linh mục thừa sai vẫn giảng dạy tiếng ả Rập, tại một Đại học ở Phi Châu. Ngày thứ hai, vịấy đứng lên trước mặt mọi người, và viết lên bảng những dấu hiệu kỳ lạ hết sức. Rồi với giọng cảm động, ông giải thích cho chúng tôi:

- Trong lúc cầu nguyện bằng tiếng lạ hôm qua, các cha đã nói câu này bằng tiếng ả Rập: “Thiên Chúa thi thố lòng thương xót”.

Trong mọi dịp cầu nguyện bằng tiếng lạ, Thiên Chúa đều “thi thố lòng thương xót”, bởi vì “chúng ta không biết cầu xin thế nào cho phải, nên Thần Khí đến giúp sự yếu hèn của ta và chuyển cầu cho ta bằng những tiếng rên khôn tả” (Rm 8,26).

e/ Chuyển cầu của Đức Maria:

Chúng tôi sẽ bàn thêm về Mẹ sau này; ở đây muốn nhắc rằng: Đức Maria giữ một vai trò trong các yếu tố căn bản của lời cầu nguyện chữa bệnh. Đức Maria có đặc sủng chữa bệnh đến mức cao siêu nhất, vì chính Mẹ mang trong dạ Đức Yêsu – là ơn cứu độ của chúng ta –, và Mẹ đã đứng dưới chân thập tự giá, trên đó, Chiên Thiên Chúa bịtử thương do các ngỗ nghịch của ta. Lời chuyển cầu hiệu nghiệm của Đức Maria là điều ai cũng nhận thấy được, nơi bất cứ đền đài nào sùng kính Mẹ.

CHÚA GIÊSU ĐANG SỐNG (Chương V - 3)

III. BỆNH TÂM LINH VÀ VIỆC GIẢI HÒA

Linh hồn chúng ta có thể ngã bệnh, và bệnh đó còn trầm trọng hơn ung thư hay một chấn thương tâm lý.

Một ngày thứ bảy, Đức Yêsu đến hồ tắm Bethesđa, nghĩa là “Nhà thương xót”, Ngài nhìn thấy một người bất toại nằm trên chõng và bảo:

- Hãy chỗi dậy, vác chõng mà đi!

Người này bất toại đã 38 năm trường, lúc ấy được Chúa đoái thương, đã đứng dậy và bắt đầu đi. Sau đó, Thầy Yêsu tìm gặp anh ta và bảo:

- Nay anh đã được khỏi, đừng phạm tội nữa, kẻo bịhọa khốn hơn! (Yn 5,1-14).

Đức Yêsu không quả quyết rằng: nếu tái phạm tội, anh sẽ còn bịbất toại lâu hơn 38 năm, nhưng nếu cứ phạm tội thì khốn hơn 38 năm bất toại. Tội không chỉ là một bệnh tật của linh hồn, nó còn chắc chắn gây ra sự chết. Thánh Phaolô quả quyết:

“Tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rm 6,23).

Tội gây ra sự chết, bởi nó làm cho ta mất sự sống của Thiên Chúa, hay tệ hơn, mất chính Thiên Chúa, là sự sống:

“Chúng đã bỏ Ta, mạch nước nguồn sống, để tự đào cho mình những giếng nước rò rỉ, không chứa được nước” (Yer 2,13).

Tự cơ bản, tội là một sự thiếu tin cậy vào Thiên Chúa, do quá tin cậy vào mình. Chúng ta tin vào mình (tin vào những giá trị, tư tưởng, đảm bảo, tài khéo của mình…) hơn là tin vào Thiên Chúa. Quả cấm ở vườn Địa Đàng là gì, nếu không phải là con người, trước tiên, cậy vào tài năng và các phương thế của mình để vươn tới sự thành đạt, hơn là cậy vào đường lối Thiên Chúa đưa ra (bất phục tùng Thiên Chúa là thế).(*)

Tội gây tác hại cho con người hơn là cho Thiên Chúa (Cn 3,36; Yer 26,19).

“Sự ngỗ nghịch của các ngươi có làm hại Ta chăng? Không, chúng tác hại cho các ngươi, để các ngươi phải xấu hổ, thẹn thùng” (Yer 7,19).

Thiên Chúa yêu ta đến độ vì biết tác hại do tội gây ra nơi ta, Người đã ngăn cấm ta phạm tội, vì Người không muốn ta sa vòng nô lệ.

Việc chữa lành toàn diện hệ tại việc giải phóng ta khỏi kiềm tỏa của tội, xui khiến ta làm sự dữ mà ta không muốn, và cản trở ta làm sự lành mà ta dự tính.

Vậy Thiên Chúa chẳng những tha thứ tội lỗi, mà còn tăng sức mạnh giúp ta đừng phạm tội nữa.

Hơn nữa, Người biến đổi trái tim ta, để muốn và làm những gì Người truyền dạy. Không phải Người truyền khiến từ bên ngoài, nhưng là một mệnh lệnh khởi phát như thể từ chính hữu thể ta, do Chúa Thánh Thần cảm hóa. Không ai là “người” đích thực cho bằng kẻ đã được giải phóng khỏi nô lệ tội lỗi.

Thiên Chúa là Chúa của sự tha thứ (Nêh 9,17), Người luôn luôn tha thứ và tha thứ một lần cho mãi mãi; chính Người đã tha thứ hết mọi tội ta. Máu châu báu của Chúa Kitô trên thập giá là liều thuốc chữa lành ta khỏi mọi tội lỗi.

“Có thần nào giống như Ngài, Đấng cất đi mọi tội ác, Đấng bỏ qua lỗi lầm của dân Ngài? Ngài không nuôi giận mãi mãi, vì Ngài yêu chuộng nhân nghĩa. Với ta, Ngài lại chạnh thương lần lữa mà dẫm lên tội ác của ta. Mọi lỗi lầm của ta, Ngài quăng chìm đáy biển” (Mica 7,18-19).

Đối với ta, phải dùng phương thức ấy trong đức tin, bằng việc hòa giải với Thiên Chúa. Nhờ đức tin, ta nhận lấy các công nghiệp Chúa Kitô trên thập giá làm của mình. Bằng việc hoán cải, ta phát huy tối đa hoa quả việc cứu chuộc của Chúa. Chỉ cần ta xưng thú mình là tội nhân trước mặt Chúa đầy lòng thương xót là ta được thứ tha:

“Nếu ta xưng thú tội mình, thì Người là Đấng trung tín và công chính sẽ tha thứ tội lỗi cho ta, và tẩy sạch mọi điều bất nhân bất nghĩa” (1Yn 1,9).

Trong lãnh vực này, sự hòa giải đóng vai trò to lớn, vì đầy chính là bí tích của sự gặp gỡtrong niềm vui; đó là việc đứa con hoang đàng trở về nhà cha: người cha đầy thương xót sẽ cho mang vào chân ta giày mới (chức vị), mặc cho áo mới (đời sống mới) và cho đeo nhẫn đẹp (quyền thừa kế); ông còn tổ chức một bữa tiệc mừng, vì đứa con tưởng như đã chết nay lại trở về với sự sống (Lc 15,11-24).

Đức Yêsu đã sai các tông đồ đi làm cho kẻ chết sống lại (Mt 10,8), mà không ai chết cho bằng kẻ do tội đã mất sự sống của Thiên Chúa. Dẫu vậy, nhiều người vẫn chưa hiểu bí tích tốt đẹp này, còn sợ hãi và tìm trăm cớ để tránh đi xưng tội.

Có một linh mục đi phục vụ trong một làng nhỏ ở Bắc cực. Để đến làng gần nhất tìm xưng tội với một linh mục khác, ngài phải dùng một chiếc máy bay nhỏ cũ kỹ, vì không có đường bộ. Do đó, ngài thường nói: “Tôi không đi xưng tội nữa, vì nếu chỉ để xưng tội nhẹ thôi, thì tiền máy bay quả là đắt quá; còn nếu phải xưng tội trọng thì tôi không dám đi, nhỡmáy bay cũ kỹ này rớt xuống thì mình chết sao!”

Một hôm, tôi lái xe trở về làng. Vì quên để ý, tôi chạy quá tốc độ qui định. Một cảnh sát giao thông đuổi theo bằng xe môtô và chặn tôi lại. Tôi dừng xe, viên cảnh sát tiến lại gần, súng lục cầm tay. Ông tức giận vì phải đuổi theo tới 10 phút mới bắt kịp tôi. Đang lúc xét giấy, ông ấy hỏi:

- Có phải ông là ông cha Tardif nổi tiếng đó không?

Tôi đáp:

- Phải. Ông muốn xưng tội à?

Vừa nghe vậy, ông ta sợ hãi đến nỗi trả giấy tờ lại cho tôi ngay, và bảo ông ta có việc phải đi gấp. Đấy, có đủ súng oống và quyền lực, thế mà vẫn sợ xưng tội. Vì sợ, ông không lấy tiền phạt của tôi, cũng không xưng tội. Chúng ta sợ xưng tội, vì không hiểu đó là Bí tích của Tình Yêu Thiên Chúa.

Mỗi lần ta xin Chúa thứ tha, thì dù tội gì đi nữa, Ngài vẫn tha cho. Ngài không bao giờ ngạc nhiên vì tội lỗi ta. Ngài chỉ chờ chúng ta nhìn nhận tội lỗi và xin Ngài tha thứ, không tự bào chữa, không quanh co tìm cách làm giảm nhẹ tội. Chỉ có một tội mà Chúa không thể tha, đó là tội không xin Ngài tha thứ, tội mà ta không nhìn nhận tội, tội mà ta cứ tự biện hộ.

Linh mục chỉ là thừa tác viên của sự tha thứ ấy. Ngài không phải là quan tòa, không là lý hình, nhưng là máng chuyển lòng thương xót. Không có sứ mệnh nào sâu xa và hiệu nghiệm bằng sứ vụ đón tiếp người tội lỗi chìm ngập trong bùn lầy tội lụy, và đem họ đến trước cửa thiên đàng. Linh mục là người duy nhất trong xứ đạo có quyền tha tội và chủ tọa Thánh Lễ, không ai thay thế ngài được. Mỗi lần giải tội, ngài là ngôn sứ của Thiên Chúa, để nhân danh Chúa nói với ta: “Ta tha tội cho con”. Quả thật là nhân danh Thiên Chúa.

Ngoài ra, cũng như Thánh Lễ là nơi đặc tuyển để lãnh ơn chữa trịthể xác, Bí tích Giải tội là giây phút tốt nhất, để cầu nguyện cho được chữa lành nội tâm. Một linh mục kia nói lên thắc mắc của mình:

- Làm sao tôi có thể cầu nguyện từ từ cho từng người một được? Vì làm thế, tôi sẽ không còn giờ đâu mà làm việc khác.

Tôi đáp:

- Nhưng cha còn phải làm việc nào khác hơn là giải thoát những người bịức chế, và làm thừa tác viên cho sự hòa giải?

Có lẽ vịlinh mục ấy nghĩ rằng: quét sơn lại phòng họp nhà xứ là việc cần làm? Đó là bỏ việc chỉ mình ngài chứ không ai khác có thể làm được, để làm công việc mà ai cũng có thể làm thay ngài. Có những vịkhác dành nhiều giờ làm sổ sách của giáo xứ, thay vì lo rao giảng cho con chiên, bổn đạo về những kỳ công của Thiên Chúa, và giải thoát họ khỏi nô lệ và tội lỗi.