Pages

9/8/09

Hiệu lực cầu nguyện

Từ khi đi Bát Nhã qua một chuyến du lịch thiền hồi năm ngoái, mình mới trực tiếp "thọ giáo" pháp thiền của Làng mai đã nghe bấy lâu. Khi trở về cảm thấy "nghiền" và bắt đầu tìm đọc những cuốn sách của sư ông viết, như: Ý nghĩa của sự sống, Trái tim của Bụt, An lạc từng bước chân, Đường xưa mây trắng,... và bây giờ là "Hiệu lực cầu nguyện". Thật tình cờ đang trong lúc cần tìm hiểu về cầu nguyện thì được 1 người bạn trong nhóm tăng thân Xuân Phong gửi link download cuốn sách này.Thật là hay và đúng lúc, cái này gọi là "cơ duyên" nà. Tôi đã nghe xong đến phần 2 mà thấy đã quá nên up cuốn audio-book lên đây share với mọi người.

Sự thực mà nói, ai trong chúng ta dù ko có tôn giáo cũng có ít nhứt một lần cầu những điều tốt lành đến với mình hay người thân Hồi đi học, tôi cũng hay cầu cho ra đề thi ra trúng tủ, hoặc cầu cho cô giáo đừng kêu tên mình trong buổi "kiểm tra miệng", rồi cầu cho thi đậu trường mình yêu thích nà, khi ra trường rồi thì cầu có được việc làm như ý, khi có việc làm như ý rồi thì cầu tăng lương nà... có thể tôi là người may mắn, vì dù sớm hay muộn đa số những lời cầu nguyện đó đã thành sự thực.

Giờ đây một lần nữa tôi lại cần đến sức mạnh của cầu nguyện, thật may mắn là lần này tôi có thêm phần "lý thuyết" để thực tập. Hiệu lực cầu nguyện của Thiền sư Thích Nhất Hạnh thực sự đã trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi bấy lâu bị ức chế:

- Cầu nguyện là gì? Cầu nguyện cái gì? Cầu nguyện ai? Cầu nguyện như thế nào?
- Cầu nguyện có hiệu lực không?
- Nếu không có hiệu lực thì vì thiếu lòng tin hay thiếu tình thương yêu? Cái gì quy định hiệu lực của cầu nguyện?
- Vậy cầu nguyện như thế nào để có hiệu lực?....

Có một điều chú ý khi tôi nghe sư ông nhắc đến nhiều lần vai trò của một dạng "năng lượng tình thương" trong cầu nguyện, điều này tôi thấy rất gần với khái niệm "năng lượng" của Nhân Điện. (có dịp tôi sẽ quay lại chủ đề này sau.) Điều thứ hai là sư ông còn trích dẩn và giải thích việc cầu nguyện không chỉ của đạo Bụt mà qua tôn giáo khác nữa như Công Giáo và Ki-Tô Giáo. Điều thứ ba lôi cuốn tôi là sư ông cũng có bày cho chúng ta cầu nguyện những người đang sống nữa, nghe thật lạ !?

Và đây là vài lời giới thiệu cuốn sách cóp bên vinabook dìa..



Cũng như một loạt các cuốn sách khác đã được xuất bản tại Việt Nam của ông, với Hiệu lực của cầu nguyện, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đi được vào trái tim người đọc với những câu trả lời cho những câu hỏi thường ngày nhất, nhưng là những câu hỏi khó khăn nhất trong cuộc sống con người. Nếu bạn có chút Tây học, bạn sẽ nhận ra ngay: Thích Nhất Hạnh đã dùng khoa học truyền thông của Tây phương để truyền tải thành công những thông điệp tưởng chừng rất khó của Đạo Phật, rốt cục không phải để bạn thuộc lòng giáo lý, mà để bạn thực hành và tự giúp mình trong cuộc sống. Bạn làm được theo lời ông khuyên vì ông nói bạn hiểu.

Đọc “Trái tim của Bụt” của ông, bạn có thể hiểu rằng thì ra Đạo Phật dạy kỹ năng sống. Với “Hiệu lực của cầu nguyện”, bạn sẽ học thêm được một kỹ năng mới: cầu nguyện, một điều mà nếu không có một chút tâm linh, bạn sẽ bỏ qua mất dễ dàng. Bạn sẽ hiểu thêm một điều: bạn đi làm để kiếm tiền nuôi gia đình hằng ngày thì hàng ngày bạn cũng cần cầu nguyện. Bạn nói chuyện với bản, với Chúa, với Bụt, với người thân đã mất và cả những người đang sống…những người có thể gửi năng lượng cho bạn. Bạn sẽ hiểu có tha lực và có tự lực, và cả hai đều giúp cho cuộc sống của bạn nếu bạn biết cách cầu nguyện!

Phải Cầu Nguyện Thế Nào Cho Đẹp Lòng Chúa?

Hỏi: trong Phúc Âm Chúa Giêsu nói " ai muốn theo Ta, phải bỏ mình và vác thập giá theo Ta.."

Như vậy cầu xin Chúa cho khỏi bệnh tật và mọi gian nan khốn khó ở đời thì có trái với lời dạy trên của Chúa và có tội hay không ?

Trả lời:

Căn cứ vào kinh Lậy Cha mà Chúa Giêsu dạy các Tông Đồ xưa, chúng ta thấy gì ?



Trước hết, Chúa nói cho chúng ta biết:

1- chúng ta có một CHA ở trên trời

2- Vì thế, chúng ta phải nguyện xin trước hết cho danh CHA cả sáng, cho Vương Quốc của Cha được lan rộng và nhất là cho thánh Ý Cha được thực hiện dưới đất cũng như trên trời.

3- Sau cùng ,chúng ta xin CHA ban cho những nhu cầu cần thiết như cơm ăn áo mặc. để sống ,hạnh phúc ở đời này.

.Như vậy cầu xin cho được an vui, mạnh khỏe, có công ăn việc làm và khỏi bệnh tật là điều đẹp lòng Chúa, vì là con người, chúng ta phải cần những nhu cầu ấy bao lâu còn sống trên trần thế này.

Trong tinh thần cầu nguyện trên đây , chúng ta đọc thấy nhan nhản trong Kinh Thánh những lời cầu nguyện có nội dung ca ngợi, cảm ta và cầu xin Chúa thương cứu giúp như sau:.

a- Cầu xin Ca ngợi( prayer of praises):

Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa

Câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi

Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa

Xin các bạn nghèo hãy nghe tôi nói mà vui lên

Hãy cùng tôi ngợi khen ĐỨC CHÚA

Ta đồng thanh tán tụng danh Người.." ( Tv 34 :2-4)

b-Cầu nguyện tạ ơn ( Prayer of Thanksgivíng)

Chúc tụng Chúa vì Người nghe tiếng tôi khẩn nguyện

Chúa là sức mạnh, là khiên mộc chở che tôi

Lòng tôi đặt tin tưởng nơi Người

Tôi đã được Người thương trợ giúp

Nên lòng tôi vui mừng hoan hỉ, cất cao tiếng hát tạ ơn Người" ( Tv 28:6-7)

b- Cầu nguyện xin ơn ( prayer of petitions)

Lậy Chúa, xin đoái thương, này con đang kiệt sức

Chữa lành cho con ,vì gân cốt rã rời

Tòan thân con rã rời quá đỗi

Mà lậy Chúa, Chúa còn trì hõan đến bao giờ ?

Lậy Chúa xin trở lại mà giải thóat con

Cứu độ con, vì Ngài nhân hậu" ( Tv 6:2-5)

Trong khi đi rao giảng Tin Mừng cứu độ, Chúa Giêsu cũng đã chữa lành cho biết bao người bệnh tật như đui, mù, què, câm điếc, , phong cùi, ..cũng như làm phép lạ biến bánh ra nhiều để cho hàng ngàn người đói ăn no nê. Điều này cho thấy,Chúa đã quan tâm đến nhu cầu thể lý của con người, ngoài nhu cầu thiêng liêng là cần được cứu rỗi.. Vầ để thỏa mãn những nhu cầu đó, Chúa Giếsu đã dạy câc Tông Đồ phải cầu xin với Chúa Cha nhân danh Người như sau:

" Thật, Thầy bảo thật anh em

Anh em mà xin Chúa Cha điều gì , thì Người sẽ ban cho anh em

Vì danh Thầy´ (Ga 16:23)

Phải cầu xin Chúa CHA vì Người là nguồn ban phát mọi ơn lành và, phúc lộc tối cần cho con người sống vui và hạnh phúc ở đời này và nhất là được cứu rỗi để sống đời đời trên Thiên Quốc. mai sau.

Như thế , cầu nguyện là một nhu cầu tối cần thiết cho những ai có niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng giầu tình thương và vô cùng nhân hậu. Phải cầu xin Người vì chúng ta thiếu thốn mọi sự, và nhất là không có đủ sức để đứng vững trước mọi thù địch đe dọa niềm tin có Thiên Chúa và hy vọng được sống hạnh phúc với Người. Đó là lý do vì sao Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ xưa " Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được." ( Ga 15:5) Không có Thầy .nghĩa là không có ơn Chúa phù giúp thì ta không thể đứng vững và thăng tiến trong đời sống tin, cậy , mến, cũng như được an vui ,,mạnh khỏe khỏe và may lành trong trần thế. này.

Nhưng khi Chúa nói :" Ai muốn theo Thầy ,phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo" ( Mt 16:24), chúng ta phải hiểu thế nào ?

Trước hết, nói đến thập giá là nói đến sự đau khổ mà bản chất con người không ai muốn chấp nhận. Nhưng đau khổ thập giá lại là phuơng tiện cứu độ hữu hiệu nhất mà Chúa Giêsu đã vui lòng chấp nhận để đền tội thay cho cả nhân loại trong chương trình cứu chuộc loài người của Thiên Chúa. Vì thế, muốn dự phần vinh quang phục sinh với Chúa Kitô, tức là được sống hạnh phúc đời đời với Chúa trên Thiên Quốc thì chúng ta cũng phải chia sẻ phần nào sự đau khổ của Người.

Tuy nhiên, nói chia sẻ đau khổ với Chúa, vác thập giá theo Người không có nghĩa là phải xin Chúa trao cho thập giá để vác, nhiều khốn khó để chịu. mà chủ yếu là phải vui lòng chấp nhận những thánh giá mà Chúa muốn gửi đến hay tha phép cho xảy ra trong cuộc đời của mỗi người chúng ta.. Nói rõ hơn, khi gặp phải những gian nan khốn khó mà mình không mong muốn nhưng không tránh được như bệnh tật, nghèo khó, thất nghiệp, bất công , .v.v thi phải coi đó như những khổ giá mà Chúa muốn chia sẻ để cho ta được dự phần đau khổ với Chúa hầu được thông phần vinh quang với Người. Nhưng cầu xin Chúa giúp cho có sức chịu đựng và vượt qua những khó khăn ,đau khổ này lại là điều phải lẽ và đẹp lòng Chúa vì Người nhân hậu và vui thích đuợc ban ơn cho ta..Nói khác đi. Chúa không cấm chúng ta cầu xin Chúa cho mình hay cho người thân được khỏi bệnh tật, được có công ăn việc làm tốt, ,đươc thành đạt trong học hành,v.v Mặt khác, Chúa cũng không mong muốn chúng ta "anh hùng" xin Người gửi những đau khổ tinh thần và thể xác cho ta chịu để lập công.

Chính Chúa Giê su cũng không tự nguyện vác thập giá xưa kia. Khi đối diện với đau khổ này trong đêm Người bị nộp vì Giuđa phản bội, Chúa Giêsu đã thống thiết cầu xin cùng Chúa Cha như sau: " Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo Ý Cha" (Lc 22:42)

Lời cầu nguyện trên đây của Chúa Giêsu chính là khuôn vàng thước ngọc cho chúng ta bắt chước mỗi khi chúng ta muốn xin Chúa bất cứ ơn gì cho mình và cho người khác.Và cách cầu nguyên này chắc chắn đẹp lòng Chúa nhất vì chúng ta không xin theo ý riêng mình mà xin theo ý CHA trên trời như Chúa Giêsu đã xin..

Tóm lại, cầu xin Chúa ban cho những nhu cầu cần thiết như cơm ăn, áo mặc, sức khóe và bình an là điều tự nhiên không có gì sai trái, hay thiếu đạo đức.Điều quan trọng là phải xin cho được vâng theo Thánh Ý Chúa trong mọi sự mà thôi.

LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Năm bước để cầu nguyện tốt hơn

Cầu nguyện giúp chúng ta nhận biết và yêu mến Thiên Chúa hơn. Nhờ cầu nguyện chúng ta càng ngày càng trở nên loại người mà chúng ta muốn thực sự trở nên: một người biết yêu thương, hoà nhập, có lòng thương xót, biết tha thứ và vui vẻ.

Nhờ cầu nguyện mà chúng ta tìm thấy ý nghĩa, sức mạnh và những chỉ dẫn cho cuộc sống chúng ta. Đây là 5 yếu tố mà bạn có thể thực hiện giúp bạn trong hành trình này.

1. Nài xin Thiên Chúa

Trở thành một người cầu nguyện không phải là chuyện mà chúng ta gặt hái được nhờ nỗ lực căng thẳng của chúng ta. Tôi nhớ đến một câu chuyện từ các giáo phụ sa mạc, vào thời đầu các ẩn sĩ Kitô giáo, những người đã sống trong sa mạc Ai-cập và Pa-lét-tin, minh hoạ cho điều này. Một đan sĩ trẻ hỏi Sư Phụ cao niên: "Con cần bao lâu để có thể có được sự giác ngộ ?" Tôn Sư trả lời, "Năm năm." Đan sĩ trẻ hỏi tiếp: "Nhưng nếu con làm việc chăm chỉ, cật lực thực sự thì sao?" Sư Phụ trả lời: "Mười năm."

Cầu nguyện là ân huệ Thiên Chúa ban cho chúng ta. Chúng ta không bao giờ được quên điều đó. Nhưng lại là một ân huệ mà Thiên Chúa khao khát ban tặng. Nó cũng là ân huệ mà chúng ta có thể làm cho mình hầu chắc đón nhận được. Chúng ta có thể bắt đầu đơn giản bằng việc nài xin Thiên Chúa ban cho ơn thích cầu nguyện. Nguyện vọng của chúng ta không cần dài dòng hay cầu kỳ. Bạn hãy quy hướng trái tim về với Thiên Chúa và nói điều gì đó đại loại thế này : "Chúa thân mến, con thực sự muốn biết Chúa rõ hơn. Xin giúp con trở thành một người cầu nguyện nhiều hơn nữa. Nếu có sự gì đó mà con có thể làm để giúp con có được điều này, thì xin cho con biết. Amen." Thật là tốt lành khi xin Thiên Chúa những điều như thế. Cuối cùng, "Kinh Lạy Cha," lời kinh mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta, là một phần liệt kê những thỉnh cầu của ta đối với Thiên Chúa. Thêm vào việc cầu nguyện danh sách các nhu cầu ấy đối với tôi là điều rất bõ công.

2. Chầm chậm và để ý đến những điều nài xin

Chúng ta sống trong một thời kỳ đặc tính hoá bởi công việc, thời kỳ của tốc độ. Do đó, nhiều người trong chúng ta cứ chạy loanh quanh như một thứ chuột sóc hiếu động! Bạn có thể thấy mình quá bận rộn và vội vã. Công việc như thế làm cho ta mất kiên nhẫn. Cần phải thành thật với bản thân. Phải chăng bạn đã từng mất kiên nhẫn vì lò vi-ba hay máy tính của bạn chạy "quá chậm"? Phải chăng bạn căng thẳng đứng xếp hàng chờ, tại đèn đỏ, hay khi một người bạn trễ mất có 5 phút thôi?

Vào thế kỷ thứ 19, các sử gia nói rằng, khi người ta du lịch bằng xe ngựa, thì chả có gì là bất thường đối với loại xe ngựa bốn bánh mà trễ mất hai hay ba ngày. Các hành khách chỉ phải ngồi đợi xem ngựa đến thôi. Bạn tưởng tượng người ta có thể kiên nhẫn được như thế vào ngày hôm nay không? Không. Hôm nay chúng ta mệt mỏi vô cùng nếu máy bay của chúng ta-chỉ bay hết 900 dặm trong hai giờ-đến trễ có 20 phút!

Thật khó trở thành một người cầu nguyện nếu chúng ta cứ chạy loanh quanh, đa nhiệm hay bận tâm với 101 thứ cần phải giải quyết. Điều duy nhất chúng ta phải làm để có thể ham thích cầu nguyện là hãy thong thả. Hãy thử điều này : Thay vì nhai ngấu nghiến thức ăn, thì bạn hãy thưởng thức từng miếng một. Thay vì chạy ùa ra ngoài đường, thì bạn hãy tản bộ cách thong thả. Nếu bạn phải chờ đợi điều gì đó hay chờ ai, thì hãy bỏ đi cám dỗ tìm cách lấp đầy thời gian bằng công việc. Đúng ra, hãy tận dụng những giây phút ngắn ngủi này để ngày càng nhận biết thế giới quanh bạn và bên trong bạn.

Cầu nguyện khởi đầu bằng sự chú tâm. Và sự chăm chú ấy là cái mà chúng ta có thể gieo cấy được. Chúng ta bắt đầu bằng cách lưu ý tới những điều nho nhỏ : đường đi của anh mặt trời chiếu xuyên qua cửa sổ, tiếng hót líu lo của loài chim cổ đỏ trong cây sồi, hương thơm của cục xà-bông trong tay bạn, nhịp đều đặn của hơi thở. Chậm rãi và tập trung là sự sống còn cho việc cầu nguyện, vì chúng gia tăng khả năng nhận ra dấu vết của Thiên Chúa trong đời sống thường ngày của chúng ta.

3. Bắt đầu cầu nguyện

Tác giả E. L. Doctorow lần kia đã nói: "Lên phương án để viết là không viết gì cả. Nói với người ta về việc viết là không viết gì cả. Viết là viết." Chúng ta có thể nói tương tự như thế về cầu nguyện. Lên chương trình để cầu nguyện là không cầu nguyện gì cả. Nói với người ta về cầu nguyện là không cầu nguyện. Cầu nguyện là cầu nguyện. Thực chất, cầu nguyện là cuộc đối thoại với Thiên Chúa.

Tôi thường bắt đầu viêc cầu nguyện của tôi bằng cách kể cho Thiên Chúa là tôi sẽ đi đến đâu vào thời điểm đặc biệt này: "Lạy Chúa, hôm nay con cảm thấy tuyệt vời....Lạy Chúa, con mệt đừ... Lạy Chúa Giêsu, con buồn quá và con không biết tại sao... Lạy Chúa Giêsu, con con buồn quá và con thực sự biết tại sao... Lạy Chúa, con rất bối rối về chuyện này chuyện kia... Lạy Chúa, con thực sự muốn điên lên." Trong cầu nguyện, điều đó thường là tốt để khởi sự đúng chúng ta đang ở đâu và xuất phát từ nơi đó.

Một câu châm ngôn nói rằng: "Nếu bạn quá bận rộn không thể cầu nguyện, là do bạn quá bận rộn." Điều này có nghĩa là chúng ta phải dành thời giờ cho việc cầu nguyện trong ngày như chúng ta lên thời khoá biểu cho những hoạt động quan trọng khác. Chúng ta đừng chờ đợi tìm ra thời giờ để cầu nguyện hay chỉ cầu nguyện khi chúng ta cảm thấy thích cầu nguyện. Nếu làm như thế, có lẽ chúng ta sẽ cầu nguyện rất ít. Không, nếu muốn trở thành những người cầu nguyện, chúng ta phải cầu nguyện mỗi ngày.

Thời gian nào trong ngày làm việc là tốt nhất? Có lẽ buổi sáng là thời gian lý tưởng trước khi những chuyện khác ập đến. Hay có thể bạn thích một cuộc cầu nguyện bộc phát hơn giữa ngày, hay vào buổi chiều khi ngày đang tắt dần. Dù bạn chọn thời điểm nào, thì cầu nguyện phải là một ưu tiên đối với bạn-vì Thiên Chúa là quan trọng đối với bạn, vì bạn hết sức khát khao có một tương quan riêng tư với Đức Giêsu, vì bạn thực sự cần Thiên Chúa.

Tôi đã nói cầu nguyện là đối thoại với Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là con đường hai chiều. Trong cầu nguyện chúng ta nói với Thiên Chúa, nhưng chúng ta cũng cho Thiên Chúa cơ hội để trò chuyện với chúng ta. Vì thế đôi khi chúng ta dùng những lời nói khi chúng ta cầu nguyện; còn những lúc khác thì không. Thomas Merton, một đan sĩ Tra-pít nổi tiếng lần kia đã nói với một người bạn thôi không cố gắng cầu nguyện nữa. Ngài nói: "Một trái táo chín thế nào? Nó chỉ ngồi dưới ánh mặt trời."

4. Tìm kiếm sự trợ giúp

Có nhiều nguồn tuyệt vời bên ngoài có thể giúp chúng ta cầu nguyện. Có vô số sách, chẳng hạn, đã được viết về cầu nguyện. (tôi biết, vì tôi cũng đã viết một số quyển!) những tạp chí về cầu nguyện như Sống Đức Tin, Sống với Đức Kitô, và Magnificat, đưa ra những suy tư ngắn gọn cho mỗi ngày trong năm. Và đừng quên một số trang web về cầu nguyện....

Chúng ta cũng có thể nhận được sự trợ giúp nhờ lời cầu nguyện từ kẻ khác. Nói chuyện với bè bạn về cầu nguyện có thể rất hữu ích. Quả thật cầu nguyện với họ thì vẫn tốt hơn. Liên kết (khởi sự) việc học Lời Chúa theo nhóm hay một câu lạc bộ sách vở thiêng liêng giúp ích cho nhiều người. Một số cá nhân thậm chí đi tìm một vị linh hướng, một người mà họ có thể thường xuyên gặp gỡ để chia sẻ những kinh nghiệm và đời sống thường ngày của họ. Những vị linh hướng có thể là linh mục, tu sĩ nam nữ hay các giáo dân nam nữ là những người không chỉ có kinh nghiệm trong cầu nguyện mà còn có những kỹ năng để hướng dẫn kẻ khác.

5. Trải nghiệm

Có nhiều cách thức khác nhau để cầu nguyện. Thử nghiệm những hình thức cầu nguyện khác nhau có thể là lành mạnh. Một số người thích cầu nguyện bằng chuỗi Mân-côi; người khác thích đọc Thánh Vịnh. Số khác lại thích đọc một đoạn lời Chúa mỗi ngày và suy niệm trên bản văn ấy. Người khác thấy việc nghe nhạc là hữu ích. Một số cầu nguyện trong khi đi hay chạy bộ; có người lại thích ngồi hay quì gối. Bạn cũng có thể cần thử Các Giờ Kinh Phụng Vụ, hay những hình thức suy niệm khác.

Trong nỗi khao khát thích cầu nguyện nhiều hơn nữa, điều tốt nhất cần phải nhớ, cuối cùng, cầu nguyện là phương tiện, chứ tự nó không phải là cùng đích. Chúng ta cầu nguyện không chỉ vì chúng ta yêu mến cầu nguyện. Chúng ta cầu nguyện vì chúng ta yêu mến Thiên Chúa. Và cầu nguyện là một trong những đường lối chủ yếu dẫn chúng ta đến việc nhận biết và yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn. Nhờ cầu nguyện chúng ta tìm thấy ý nghĩa, sức mạnh, và những định hướng cho cuộc đời chúng ta. Chúng ta ngày càng trở thành loại người mà chúng ta thực sự muốn trở thành : một con người của yêu thương, của sự hoà nhập, có lòng thương xót, tha thứ và niềm vui.

Melannie Svoboda S.N.D

(Chị nguyên là Giám tỉnh Notre Dame ở Chardon, Ohio. Chị cũng là tác giả một số sách như: Khi Mưa gió Lên tiếng, Trong Tình yêu Kiên định (In Steadfast Love).... Hiện chị vẫn viết, hướng dẫn các cuộc tĩnh tâm, và thuyết trình.

Antôn Vũ Hữu Lệ (dịch)