Pages

24/6/09

ĐỌC KINH TỐI CHUNG TRONG GIA ĐÌNH


Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt


Chúng tôi là Cha Mẹ trẻ tuổi của một gia đình Công Giáo. Ngay từ khi lấy nhau, cả hai chúng tôi đều thâm tín rằng, trong vấn đề giáo dục con cái, việc thông truyền Đức Tin là vấn đề quan trọng đầu tiên. Tuy nhiên chúng tôi không đề ra một nguyên tắc hay một quy luật nào phải theo. Chúng tôi muốn tránh một lối giáo dục khắt khe cứng nhắc mà chúng tôi từng có kinh nghiệm lúc tuổi còn thơ.

Với thời gian, lần lượt 4 đứa con chào đời, chúng tôi bắt đầu khám phá ra việc đọc kinh chung trong gia đình là một phương thức tuyệt hảo để thức tỉnh và xây dựng Đức Tin. Một biến cố quan trọng xảy đến cho gia đình chúng tôi. Đó là ngày đứa con trai đầu lòng lên 8 tuổi chuẩn bị rước lễ lần đầu. Một dịp tốt thúc đẩy chúng tôi quyết định đọc kinh tối chung trước khi đi ngủ. Từ đó chúng tôi thấy rằng, buổi đọc kinh tối chung trong gia đình đã trở thành những giây phút hạnh phúc. Chúng tôi đặt trọn gia đình dưới cái nhìn yêu thương của Thiên Chúa.

Tuy nhiên chúng tôi không ép buộc con cái. Đứa nào không muốn thì thôi. Nhưng tất cả đều chấp thuận tham dự. Chúng tôi đọc kinh chung trong phòng ngủ của hai vợ chồng tôi. Chúng tôi dọn một chiếc bàn nhỏ, trên đó đặt một bức ảnh Đức Mẹ bồng Chúa Hài Đồng, một bình hoa và bốn cây nến trắng. Bốn đứa con theo lượt thắp và thổi tắt bốn cây nến này. Tất cả vợ chồng và 4 đứa con ngồi trên giường. Chúng tôi bắt đầu bằng dấu Thánh Giá, rồi mỗi đứa con nói: “Con chào Chúa GIÊSU. Con xin dâng cho Chúa lòng con. Con cám ơn Chúa vì một ngày tốt đẹp đã trải qua”.

Mỗi người sau đó có thể kể ra một việc cụ thể, hoặc một niềm vui nào đó, để cám ơn Chúa. Chẳng hạn như học hành chăm chỉ nơi trường học, ăn bữa trưa ngon, ăn bánh ngọt nơi nhà ông bà v.v. Đứa con trai cả 8 tuổi của chúng tôi cầu nguyện như thế này: “Xin Chúa gìn giữ và chúc lành cho cả gia đình chúng con: cho Ba, cho Má, cho con là Antoine, cho Marie-Amélie, cho Martin, cho Clotilde, và cho tất cả những người chúng con thương nhiều nhiều, cũng như cho tất cả những ai chúng con thương ít ít. Xin Chúa giúp con sống ngoan ngoãn, không bị đau ốm và biết chia sẻ với người khác”. Rồi chúng tôi cùng đọc hoặc cùng hát một kinh LẠY CHA, kinh KÍNH MỪNG. Và chúng tôi kết thúc buổi đọc kinh bằng dấu Thánh Giá.

Buổi cầu nguyện đọc kinh tối chung với các con trong gia đình đã khơi dậy trong tôi niềm khao khát cầu nguyện. Trước đó tôi đã từng tham gia nhiều hoạt động tông đồ trong giáo xứ, nhưng không chú ý nhiều đến việc cầu nguyện. Nhưng kể từ khi tôi nghiêm chỉnh chú ý đến đời sống đạo đức của các con, tôi cũng bắt đầu ý thức sâu xa rằng, tôi cùng tiến bước với các con và cùng khám phá ra con đường thiêng liêng phải theo. Tôi cũng ý thức sâu xa rằng, cầu nguyện không phải chỉ là dành ra một thời gian cho Chúa, nhưng còn phải cố gắng sống Phúc Âm nhiều hơn. Ngoài ra mỗi giây phút trong ngày, cũng còn phải hướng lòng về với Chúa, nghĩ đến tình thương và lòng trìu mến Ngài dành cho mỗi người.

Các con tôi đã giúp tôi tìm gặp lại cái gì là thiết yếu nhất. Chúng cũng dạy tôi biết đặt trọn Đức Tin tưởng nơi Chúa, dù bất cứ điều gì xảy ra; biết yêu thương người khác và biết cám ơn Chúa về tất cả những niềm vui mà Chúa ban cho chúng ta. Tôi nhận thấy rằng, trong một xã hội như xã hội Âu Châu, thường con cái không thiếu thốn gì. Do đó, điều quan trọng là phải dạy cho chúng biết cám ơn Chúa và ghi ơn Cha Mẹ về tất cả những gì chúng nhận lãnh.

Tuy nhiên, giáo dục Đức Tin, khơi dậy Đức Tin nơi con cái không phải là chuyện dễ làm và đôi khi, không hoàn toàn tùy thuộc nơi khả năng cũng như thiện chí của các bậc Cha Mẹ. Theo thiển ý tôi, chúng ta phải luôn khẩn cầu ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Tôi luôn ghi nhớ rằng, tôi không truyền đạt Đức Tin của tôi cho con cái, nhưng tôi cố gắng giúp chúng khám phá ra Thiên Chúa và yêu mến Ngài.

Niềm mơ ước sâu xa nhất của tôi là làm thế nào để việc cầu nguyện, đọc kinh tối chung trong gia đình trước khi đi ngủ, trở thành giây phút hạnh phúc nhất trong ngày. Đó là thời gian trọn gia đình cùng chia sẻ một niềm hạnh phúc thiêng liêng, niềm hạnh phúc đến từ chính Thiên Chúa. (“PRIER”, 1+2/1984, trang 23-14).


0 nhận xét:

Đăng nhận xét