Pages

9/8/09

ĐỌC KINH VÀ CẦU NGUYỆN

Nhận Xét Trên Thực Tế Về Đọc Kinh

Đa số chúng ta tin rằng đọc kinh tức là cầu nguyện. Điều này chỉ đúng khi ta ý thức mình đang cầu nguyện chứ không phải đang “đọc lời” kinh. Tuy vậy ý thức mình đang cầu nguyện đòi hỏi một trình độ, nó không đơn giản chút nào. Tôi xin phép quan sát một số dạng đọc kinh tiêu biểu.

Có lẽ đa số chúng ta không quen giữ tâm an trú trong tĩnh lặng. Chúng ta cần kinh nguyện lấp đầy khoảng trống để khỏi suy nghĩ. Trong nhà thờ, trước thánh lễ, cả cộng đoàn chia bè đọc kinh. Hầu như mọi người chỉ để ý đến lối đọc ngân nga còn nội dung của kinh không phải là chủ điểm. Trong kinh có câu “Lạy Chúa tôi, tôi sấp mình trước mặt Chúa tôi” nhưng mọi người vẫn đứng hoặc ngồi. Lại có câu “Để nước mắt thống hối làm của ăn đêm ngày cho con..” lời kinh thật thắm thiết, nhưng có vẻ không phải như vậy. Nhiều lần mọi người đang lần chuỗi thì bị một ông “chức sắc” át giọng để đọc “lịch trong tuần”. Vài bà vớt vát đọc hết kinh Kính Mừng dở dang, âm thanh lịm dần rồi cũng im. Có khi cộng đoàn đọc hết kinh mà “cụ” vẫn chưa “ra”, mọi người chuyển qua đọc sách bổn. Chẳng hạn “Đạo Đức Chúa Trời có 10 điều răn. Thứ nhất…” hay “Hội Thánh có 6 điều răn. Thứ nhất…” Đối với cá nhân tôi cũng vậy, bà nội tôi vừa quét sân vừa đọc kinh. Khi có con gà chạy ngang qua, cụ ngừng chổi quát đôi câu rồi lại đọc tiếp. Mỗi lần ăn cơm, ông nội tôi đọc kinh “Lạy Cha”. Cụ đọc một mình lầm rầm trong miệng, đến mấy chữ cuối thì cụ la to “…cho khỏi sự dữ”. Cả nhà chỉ chờ thế là đồng loạt hô lên: “Amen”. Với tính chuộng đọc kinh, chúng ta tìm ra đủ loại kinh để thích ứng cho mọi hoàn cảnh, chả cần mất công tìm lời cầu nguyện.

Tinh thần đọc kinh là cầu nguyện còn thể hiện trong sự giáo dục. Chúng ta ưa khuyến khích con em học thuộc kinh hơn là hướng dẫn chúng cầu nguyện. Nhiều kinh chúng chẳng hiểu, chúng tụng kinh như cách trả bài học thuộc lòng, một phản xạ của trí nhớ. Một nhà tâm lý học cho biết trong một “ca” bệnh lý của ông có một chú bé. Cậu này không thể đọc kinh “Lạy Cha” vì mỗi lần đọc chữ “cha” là cậu nghĩ đến người cha bạo hành của mình. Không ngờ tâm lý trẻ thơ lại có sự khủng hoảng sai lạc đến vậy. Điều đó chưa bao giờ được người lớn thẩm xét một cách nghiêm chỉnh. Nhiều bậc “bề trên” nghiêm chỉnh dùng kinh nguyện làm phương cách cải huấn tâm hồn. Khi một kẻ “bề dưới” phạm lỗi, bậc bề trên bắt sám hối bằng cách đọc một chuỗi kinh. Đôi khi còn phải quì gối mà lần chuỗi. Vô tình kinh nguyện trở thành một khổ hình. Công Giáo chúng ta có truyền thống sau khi xưng tội “phải” đọc một số kinh, gọi là “việc đền tội”. Ý niệm này ít hay nhiều đã tạo ra tâm trạng đọc kinh là một án phạt. Tâm lý chung không ai thích bị phạt nặng, cho nên chúng ta thích gặp cha “dễ”, để khỏi “bị” đọc kinh nhiều. Nếu không ý thức tội được tha không phải do việc trao đổi một số kinh mà có, chúng ta đã hiểu sai ơn tha tội.

Nền tảng kinh nguyện dựa vào cảm xúc lo lắng hơn là tôn thờ Thiên Chúa. Chúng ta có khuynh hướng cầu với các thánh, nhiều hơn với Thiên Chúa, để xin phúc lợi . Những sinh hoạt thu hút hằng chục ngàn người là những cuộc hành hương Đức Mẹ, đại hội Thánh Mẫu, và viếng linh địa của các thánh. Kinh cầu các thánh Martin, Vinh Sơn, Jude, cha Trương Bửu Diệp được truyền đi khắp nơi qua mục rao rặt trên báo chí và trên “Nét”. Thông thường bản kinh có ghi thêm câu. “Ai đọc kinh này 9 lần mỗi ngày, 9 ngày liên tiếp sẽ được toại nguyện.” Có khi lại kèm theo lời hù dọa “Ai không truyền cho người khác đọc sẽ gặp tai nạn.” Người ta có thể hiểu rằng Kitô hữu chạy tới Đức Mẹ, tới các thánh vì ai cũng có nhu cầu muốn tránh khỏi tai họa. Xin đừng có mặc cảm khi cầu nguyện cho nhu cầu này. Nhưng nếu chỉ vì vậy mà cầu nguyện, tôi e rằng, vô tình chúng ta lại đi chứng minh cho tư tưởng của những tay tổ chống Chúa như Freud và Jung. Freud cho rằng tôn giáo chỉ mang đến sự sợ hãi trong tâm trí con người. Jung nhận định vì đời sống khổ đau nên tôn giáo mới có cớ phát sinh. Đó lại là những điều mà Giáo Hội phủ nhận.

Hãy Nâng Đọc Kinh Lên Tầng Cầu Nguyện

Kinh là những bài soạn sẵn giúp ta nói ra những lời đúng với giáo lý của đạo, vì vậy kinh nguyện có giá trị rất lớn. Một số kinh đặc biệt còn đem lại ơn ân xá cho người tụng. Tuy nhiên nếu không ý thức “đang cầu nguyện”, ta ngưng đọng ở tầng đọc lời, kinh trở nên một chuỗi âm thanh vô hồn. Một kinh nếu được lập đi lập lại nhiều lần hằng ngày có thể trở thành một bài “đọc lời” máy móc. Lời kinh thốt ra do phản xạ của trí nhớ. Miệng đọc trơn tru nhưng trí óc vẩn vơ ở nơi khác, ta thường gọi là tình trạng “lo ra”. Nếu không biết mình đang nói gì, sao gọi là cầu nguyện. Không những kinh không chuyên chở được tâm nguyện mà còn vô ân phước. Cầu nguyện là một tên gọi khác của suy niệm trực tiếp. Khi đọc kinh, ta phải suy niệm trực tiếp vào điều ta đang nói. Suy niệm là một thành tố không thể thiếu trong khi đọc kinh. Ý thức này phản ảnh giáo huấn: “Con hãy thờ phương Thiên Chúa hết mình, hết tâm hồn, hết trí khôn.” Đức Mẹ cũng khuyên, “Các con đừng chỉ đọc chuỗi Mân Côi, nhưng hãy cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi với cả trái tim.” Tiến sĩ Wayne W. Dyer nói, “Cầu nguyện là cuộc tiến hóa tâm linh. Lúc đó tâm linh ta nối kết với Thần Khí, nhờ đó Thần Khí cho ta một nguồn sống mới.” Khi có suy niệm, dù ta đọc những kinh soạn sẵn không hợp với cảnh, dù lời kinh nói “sấp mình xuống” nhưng ta không thể sấp mình, tất cả không thành vấn đề. Tâm linh thiêng liêng của ta đã thể hiện tất cả những việc đó. Vì vậy người bất toại nằm liệt giường, người tù biệt giam vẫn có thể dự thánh lễ và rước Mình Thánh Chúa một cách thiêng liêng, dù không có ai viếng thăm. Bởi vì mọi suy niệm đều hiện hữu thực sự trong thế giới tâm linh.

Cũng có những trường hợp thiếu vắng yếu tố suy niệm trực tiếp. Chẳng hạn con cháu đọc kinh chung mỗi tối, hay vào thời giáo dân dự thánh lễ cử hành bằng tiếng Latinh. Lũ trẻ chả hiểu người lớn tụng cái gì và giáo dân cũng chả hiểu linh mục đọc cái gì. Không hẹn mà cả Tây lẫn Đông cùng gặp nhau trong vấn đề này. Pierre Teihart de Chardin, nhà nhân chủng học Pháp, và Phùng Hữu Lan, vị học giả Trung Hoa, đều cho rằng: bất cứ cách thế phụng vụ nào hợp với tình cảm của con người đều có giá trị tôn giáo chân thực. Có thể người cầu nguyện chưa thấu hiểu lời kinh, nhưng hành vi tôn kính làm trọn vẹn cho chính người cầu nguyện. Như vậy giá trị tôn vinh Thiên Chúa cũng nằm ở tấm lòng biểu lộ sự tôn kính. Dầu vậy, lòng tôn kính cũng chỉ trở thành cầu nguyện khi ta đồng hóa với ý thức đang cầu nguyện.

Không Hề Có Phương Pháp Cầu Nguyện Chung Cho Mọi Người

Chúng ta có khuynh hướng học cách cầu nguyện của một vị thánh nổi tiếng cho chắc ăn. Để giúp đại chúng biết cách cầu nguyện, một số vị có lòng quảng bá những phương thức cầu nguyện của thánh Inhã, của thánh Bênêđitô… Gần đây nhiều vị khổ công tìm ra con đường linh đạo của các bậc chân phước. Những đóng góp đó rất hữu ích, nhưng vẫn có nhiều người cảm thấy chúng vô cảm với tâm hồn của mình. Giáo sư Shannon tự thú, từ hồi còn là chủng sinh đến lúc thụ phong linh mục, ông không biết cầu nguyện. Ông đã theo học các khóa về giáo lý, tư tưởng các thánh, và tham cứu rất nhiều sách luận về cầu nguyện. Ông vẫn thấy tâm hồn trống rỗng khi cầu nguyện. Sau nhờ suy niệm câu nói của thánh Phaolô: “Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải. Chính Chúa Thánh Thần đã cầu khẩn thay cho chúng ta bằng những lời tha thiết khôn tả.” (Rm 8:26-27), Shannon nghiệm ra mình đã phí công bao lâu lo tìm phương pháp cầu nguyện. Bởi vì không hề có phương pháp cầu nguyện nào hoàn toàn đúng cho ông. Sự thật mỗi thánh đều có lời nguyện riêng hợp với tâm trạng và ước vọng của họ. Chẳng hạn Đức Mẹ có kinh Ca Ngợi (Magnificat), thánh Phanxicô có kinh Hòa Bình. Chúng ta khó có được một tác phẩm tuyệt vời như thế, nhưng chúng ta cũng có thể tự soạn riêng một bản kinh hợp cho tâm ước của mình.

Cầu nguyện không là đặc ân dành riêng cho những vị thông thái biết lựa lời, có phương pháp, nhưng cho tất cả mọi người. Cầu nguyện là trạng thái tự mặc khải , tự chứng, tự thăng tiến của cá thể. Vì động năng chính là tự thức nên không bị hạn hẹp vào một kiến thức, một lối nhìn, một phương thức nào, dù đó là khuôn mẫu cao quí. Không thể có phương pháp cầu nguyện như một nguyên lý khoa học. Cầu nguyện tự chính nó là sự khôn ngoan hướng tới siêu việt (Dyer). Cầu nguyện không có gượng ép, không có hình thức ràng buộc, không có không khí tạo cảm xúc giả tạo. Cầu nguyện là sự nối kết rất riêng tư trong ý chí tự do giữa ta và Thiên Chúa của mình. “Tôi biết Thiên Chúa hiện hữu, tôi tin vào Thiên Chúa, vì vậy tôi cầu nguyện.” (Giáo Hoàng Gioan Phaolô II). Thật thế, điều quan trọng nhất của cầu nguyện là ý thức Thiên Chúa đang có mặt. Ngoài ra hãy để Chúa Thánh Thần chuyển lời cầu nguyện thay cho chúng ta.

Đức Giêsu Đã Cầu Nguyện Như Thế Nào

Dù có đào xới Phúc Âm để biết cách suy tư và cầu nguyện của Đức Giêsu, chúng ta cũng không thể lập lại y như Người. Tuy nhiên chúng ta có thể nhìn ra khung cảnh cầu nguyện của Người. Khi Tông Đồ Philíp xin Đức Giêsu cho biết Chúa Cha ở đâu, Người đáp: “Ngươi không biết Ta ở trong Cha và Cha ở trong ta hay sao?” (Ga 14:8-10). Như vậy khi Đức Giêsu cầu nguyện, Người không hướng tới một Đấng ở bên ngoài. Chúa Cha luôn luôn ở trong tâm hồn của Người, cũng như trong tâm hồn của từng người chúng ta. Vì vậy Đức Giêsu, cũng như chúng ta, chỉ cần lắng tâm là có thể cầu nguyện bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Tuy nhiên Đức Giêsu đã vào sa mạc để tìm một khung cảnh yên tĩnh để cầu nguyện. Người cũng đã vào đền thờ như về “nhà Cha” (Ga 2:16) để cầu nguyện. Suy từ nơi cầu nguyện ấy, chúng ta rút ra hai khung cảnh: cầu nguyện trong sa mạc và cầu nguyện trong đền thờ.

Cầu nguyện trong sa mạc là cầu nguyện trong tĩnh lặng. Tĩnh lặng cả về khung cảnh lẫn tâm hồn. Đức Giêsu dậy rằng: “Khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng kín cửa lại mà cầu nguyện với Cha ngươi, là Đấng hiện diện ở nơi ẩn kín” (Mt 6:6). Cầu nguyện trong tĩnh lặng là phần rất quan trọng cho mọi tôn giáo. Tất cả các vị thánh đều phải trải qua kinh nghiệm đơn độc trong những hình thức khác nhau như nhập thất, cấm phòng, tĩnh tâm…để chuyển hóa tâm linh. Đơn độc là giai đoạn cá nhân thoát khỏi mọi quyền lực cõi thế, khỏi mọi hình thức lễ nghi. Chân thân bộc lộ một cách mãnh liệt đức giản dị, khiêm nhường, yêu thương, và lòng quy thuận vào Thiên Chúa. Lối cầu nguyện này cần thiết cho mọi tâm linh Kitô hữu. Cầu nguyện trong tĩnh lặng cũng thường dẫn tới chiêm niệm và thiền định, tức lối cầu nguyện vượt ra khỏi phương tiện ngôn ngữ. (xin đọc Thinh Lặng: Cầu Nguyện Tập Trung, Maranatha số 51).

Cầu nguyện trong đền thờ là cầu nguyện với cộng đồng. Đức Giêsu hứa rằng: “Nơi nào có hai hay ba người tụ lại vì danh ta, thì Ta ở giữa chúng.” (Mt 18:20). Ý tưởng cầu nguyện với cộng đồng được biểu lộ trong bản kinh đầu tiên của Kitô Giáo là kinh “Lạy Cha”. Trong kinh này chúng ta thấy 2 điểm nói về cộng đồng. Thứ nhất là ý tưởng vâng Ý Cha. Cầu nguyện là ý thức chúng ta thuộc về Đấng Cha chung. Đồng thời chúng ta hiểu rằng sống đạo là đời sống trong cộng đồng. Thứ hai là ý tưởng tha thứ cho nhau. Cầu nguyện không phải là cầu cho riêng mình mà còn là cầu cho người khác. Một nghĩa cử nổi tiếng là lời cầu của Abraham với Thiên Chúa về số phận thành Sôđôm. Abraham mặc cả với Thiên Chúa về số lượng người tốt lành sống trong thành Sôđôm, để xin Thiên Chúa đừng phá hủy thành này. Cầu nguyện với người và cho người là phương cách Thiên Chúa mời gọi chúng ta chia sẻ sự sáng tạo và yêu thương với Người. Chúng ta cầu nguyện cho nhau vì chúng ta cần đến nhau. “Chúng Ta” không phải chỉ là những Kitô hữu đang sống, nhưng gồm cả những người vô tôn giáo và những người đã qua đời.

Như vậy những ai có khả năng cầu nguyện trong đơn độc vẫn cần cầu nguyện với cộng đồng. Trái lại những ai thích dựa vào trợ lực của cộng đồng, cũng cần phải dám đứng một mình đơn độc với Thiên Chúa. Khi ta có thể tự đối diện Thiên Chúa để phơi bày tâm tư, ta đã biểu lộ vinh quang của Người.

Hội Thánh Cầu Nguyện Như Thế Nào

Chúng ta có thể học hỏi cách Giáo Hội cầu nguyện qua thánh lễ Misa. Giáo Hội nắm vững giáo lý dựa trên căn bản thần học: thờ phượng Thiên Chúa và tôn kính các thánh. Giáo Hội luôn luôn chỉ cầu nguyện với Thiên Chúa là nguồn duy nhất của mọi ơn, là chân lý tối thượng của mọi sự. Bao giờ lời cầu nguyện cũng dâng lên Chúa Cha, qua công nghiệp của Chúa Con, với sự thông hiệp của Chúa Thánh Thần. Nghĩa là Thiên Chúa có Ba Ngôi, nhưng chỉ có một Thiên Chúa. Đối với các thánh, Giáo Hội xác nhận họ là môn đồ của Đức Giêsu, họ “đứng về phía” loài người như “đấng trung gian” để cầu nguyện hỗ trợ cho loài người. Vì vậy kinh nguyện các thánh thường có câu tiêu chuẩn mẫu: “qua trung gian thánh… chúng con xin Chúa..”, hay: “vì công nghiệp của Chúa Giêsu…” Giáo lý “các thánh là đấng trung gian” được biểu lộ rõ ràng trong kinh “Kính Mừng” qua câu: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng tôi là kẻ có tội.” Đức Maria, dù là Mẹ Thiên Chúa, cao trọng vô cùng trên các thánh và thiên thần trên Thiên Đàng, nhưng vẫn không thể thay thế Thiên Chúa. Suy ra chúng ta nên xin các thánh phù hộ, nhưng không bao giờ được quên chính Thiên Chúa mới là Đấng ban ơn cho chúng ta.

Giáo Hội muốn chúng ta hiểu: cầu nguyện là cách sống đạo. Kitô hữu cầu nguyện vì đó là vinh danh Thiên Chúa. Cầu nguyện là nhận ra Thiên Chúa để Người biểu lộ tình thương trên mặt đất. Cầu nguyện cho những người vô tôn giáo. Cầu nguyện cho những người có tội. Cầu nguyện cho những người qua đời. Cầu nguyện cho những nhu cầu của đời sống. Trong bất cứ mục đích và hình thức nào, chúng ta hãy vượt khỏi tầng thức đọc kinh, để cầu nguyện được thể hiện trong ý thức hiến dâng và cảm tạ.

Bằng cầu nguyện chúng ta đã nối kết với Thiên Chúa như cành nho gắn với cây nho để có sự sống. Từ đó cầu nguyện trong đơn độc trở thành hơi thở thầm kín của lẽ sống. Cầu nguyện với cộng đồng để chúng ta thấy nhau là anh chị em. Ai tin vào Thiên Chúa ắt sẽ phải cầu nguyện cho mình, cho người, và cầu nguyện thay cho những người không tin có Thiên Chúa●

cầu nguyện

Một lá thư được viết nguệch ngoạc của một đứa trẻ gởi vào bưu điện, và địa chỉ gởi tới là Chúa. Nhân viên bưu điện lấy làm lạ liền mở ra đọc. Thư viết rằng : "Chúa thân mến, con là Tommy, con sáu tuổi. Ba con đã chết và mẹ con phải cực khổ để nuôi sáu anh em con. Xin Chúa cho chúng con 300 đồng nhé".

Đọc thư xong, anh nhân viên bưu điện rất xúc động và đưa cho các bạn đồng nghiệp xem. Họ quyết định quyên góp để giúp gia đình cậu bé. Số tiền tổng cộng là 100 đồng, và họ gởi tới địa chỉ cậu bé.

Vài tuần sau, họ nhận được lá thư thứ hai. Họ cũng mở ra đọc, thư viết như sau : " Lần tới, xin Chúa có thể gởi trực tiếp cho gia đình con, vì gởi qua bưu điện, họ giữ lại 200 đồng !"

* * *

Nghe xong câu chuyện, chúng ta phải bật cười vì sự ngây ngô của cậu bé, nhưng liền sau đó chúng ta lại cảm thấy hổ thẹn vì thấy bóng dáng mình thấp thoáng trong hình ảnh cậu bé : Chúng ta cầu nguyện và muốn được Chúa đáp lời tức thì theo yêu cầu chúng ta đề ra, nếu Người chậm đáp ứng hoặc đáp ứng chưa đủ "chỉ tiêu" chúng ta đưa ra, thì chúng ta lại khó chịu, và cũng chẳng thèm cám ơn Người.

Chúa Giêsu dạy các môn đệ : "Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí" (Lc 18,1). Người muốn chúng ta hãy liên lỉ cầu nguyện và cầu nguyện cách kiên trì. Như Môsê quì giang tay suốt ngày cầu nguyện cho dân Do thái thắng trận, như bà goá suốt bao ngày tháng cầu xin quan toà minh xét cho bà, như thánh Mônica ròng rã 20 năm trường cầu nguyện cho người con là Augúttinô trở lại, chúng ta hãy cầu nguyện liên tục và bền chí, không hề nhàm chán, cả khi xem ra Chúa ngoảnh mặt làm ngơ.

Chúng ta không nên tìm kiếm hiệu quả tức thì. Chúa sẽ đáp lời chúng ta lúc nào và cách thức nào có lợi nhất cho chúng ta, theo như thánh ý nhiệm mầu của Người. Thời gian Chúa nhậm lời có thể sẽ lâu hơn chúng ta tưởng, cách thức Người ban ơn có thể sẽ khác với ước nguyện của chúng ta, nhưng bao giờ cũng là lúc thích hợp nhất cho linh hồn chúng ta, bao giờ cũng là cách hữu hiệu nhất cho hạnh phúc vĩnh cửu của mỗi người chúng ta.

Thường chúng ta lầm tưởng rằng, hơn ai hết chúng ta là người biết rõ những điều mình cần xin. Nhưng thánh Phaolô dạy : "Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, chính Thánh Thần sẽ cầu thay nguyện giúp chúng ta theo đúng ý Thiên Chúa" (Rm 8,21-27). Vì thế, Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen viết : "Pytago đã cấm môn sinh của ông không được cầu nguyện cho chính họ vì họ không biết điều gì là lợi ích cả". Khôn ngoan hơn, Socrates dạy môn đồ của ông chỉ xin những điều tốt lành, vì lẽ Thiên Chúa biết tường tận những gì là lợi ích cho mình. Dốt nát và yếu đuối nên chúng ta phải xin Thánh Thần soi sáng để chúng ta làm đẹp lòng Chúa trong lúc an bình cũng như khi xao xuyến.

Như thế, cầu nguyện không phải là việc xin ơn này ơn nọ, theo óc vụ lợi của chúng ta, cầu nguyện không phải là việc tránh né bổn phận để Thiên Chúa làm tất cả, cầu nguyện cũng không phải là việc liệt kê ước muốn để mong chờ Chúa thực hiện. Nhưng cầu nguyện đích thực chính là việc thực hành Đức Tin, nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa để đối thoại với Người, van xin Người tiếp tục ban ơn để chúng ta đủ sức thực hiện thánh ý Người. Thấu hiểu sự yếu đuối của con người nên Chúa Giêsu than thở : "Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng ?" (Lc 18,8). Vậy, cầu nguyện không phải là độc thoại mà là đối thoại liên lỉ và kiên trì với Thiên Chúa trong Đức Tin để trung thành với Chúa cho tới khi Người lại đến.

* * *

Tóm lại, lời cầu nguyện có năng lực rất to lớn nhưng muốn nhận được năng lực ấy, chúng ta phải kiên trì cầu nguyện, không nên trông mong kết quả lời cầu xảy đến tức khắc, bởi vì kết quả ấy sẽ đến theo cách thế và theo thời gian tùy Chúa muốn.

Chúng ta hãy kết thúc bằng một suy tư về cầu nguyện:

"Tôi cầu nguyện vì tôi là một Kitô hữu, và để làm tròn bổn phận người Kitô hữu, tôi cần Chúa giúp đỡ.

Tôi cầu nguyện vì trong đời sống tôi có sự hỗn loạn, và để làm điều hay lẽ phải, tôi cần ánh sáng Ngài soi dẫn.

Tôi cầu nguyện vì tôi cần phải đưa ra những quyết định, mà không phải lúc nào tôi cũng sáng suốt để chọn lựa, vì thế tôi cần được Ngài hướng dẫn.

Tôi cầu nguyện vì tôi có những nỗi hoài nghi, và để lớn mạnh trong đức tin, tôi cần Ngài trợ giúp.

Tôi cầu nguyện vì đa số những gì tôi có là do Ngài ban cho, vì thế tôi phải dâng lời cảm tạ.

Tôi cầu nguyện là vì Chúa Giêsu đã từng cầu nguyện cùng Cha Ngài và nếu Chúa Giêsu cho rằng điều đó là quan trọng thì tôi cũng bắt chước Ngài làm theo như thế. Amen

Hải Vân (theo R.Veritas)

Hãy Cầu Nguyện Cho Con Cái Mình

Bạn có một người mẹ cầu nguyện cho bạn không? Nếu có, chắc hẳn đó là lý do tại sao bạn xem tờ báo này ngay lúc này đây. Nhờ người mẹ của bạn, bạn có sự đói khát thuộc linh trong lòng. Tôi không thể nào nói với bạn có bao nhiêu người đã đi lên tòa giảng ở nhà thờ của tôi, khóc lóc và nói rằng: “tôi đã sống trong tội lỗi nhưng tôi biết rằng trong bao nhiêu năm qua mẹ tôi đã cầu nguyện cho tôi. Mỗi khi tôi nghĩ đến điều này, tôi thấy bị cáo trách. Tôi không thể chịu đựng được nữa. Tôi phải làm hòa với Đức-Chúa-Trời. Lời cầu nguyện của người mẹ sẽ theo đuỗi con cái của mình cho đến suốt cuộc đời.
Bạn có thể bảo vệ con cái mình khi chúng còn nhỏ nhưng cuối cùng chúng sẽ lìa tổ. Ai sẽ lo lắng cho chúng khi chúng vào đại học hay rời xa nhà ?Ai sẽ khiến chúng phải chịu trách nhiệm và nhắc nhở chúng về những nguyện tắc của Chúa? Điều tuyệt diệu của sự cầu nguyện là khi bạn nói chuyên với Cha trên trời bạn có thể đi cùng với con bạn bất cứ nơi đâu. Qua lời cầu nguyện, bạn có thể ảnh hưởng trên bất cứ người nào, ở bất cứ nơi đâu.

Ngoài việc bảo vệ gia đình bạn bằng một hàng rào thuộc linh, một đời sống cầu nguyện năng động sẽ khích lệ đời sống cầu nguyện của con cái bạn, không có một nguyện tắc nào mà bạn dạy con cái sẽ có thể ảnh hưởng sâu xa trên cuộc sống chúng như vậy. Làm cách nào bạn dạy con cái cầu nguyện? Thật đơn giản.Hãy cầu nguyện trước mặt chúng, và để chúng nghe bạn,nhắc tên chúng với Chúa.Tôi lớn lên với một người mẹ luôn cầu nguyện, và tôi vẫn còn nhớ tiếng nói của bà khi bà cầu nguyện cho tôi.

Con cái của bạn biết giọng nói của bạn như thế nào khi bạn cầu nguyện với Cha Thiêng-Thượng không? Chúng có biết bạn như thế nào khi bạn quỳ gối, nhắm mắt để cầu nguyện không?. Chúng có cảm nhận được thế nào là ở trong sự hiện diện của Đấng Christ không?

Tôi tin rằng điều hiệu quả nhất và ảnh hưởng lâu bền nhất mà một người mẹ có thể làm là trung tín cầu nguyên cho con cái của mình. Tôi đã gặp nhiều bà mẹ là những mẫu mực đáng qúi về lẽ thật này, và tôi có thể nói với bạn rằng không có quyền lực nào trên mặt đất này có thể mạnh bằng lời cầu nguyện của một người mẹ tin kính yêu thương con cái của mình.

N.Y.H chuyển ngữ theo “pray theirnames” by Charles Stanley