Pages

5/10/09

XIN LỄ MISA CỨU CÁC LINH HỒN LUYỆN NGỤC

Phương thế 8:
Giáo hội dâng lễ Misa như Chúa Kitô đã dạy để "loan truyền Chúa đã chịu chết và tuyên xưng Chúa đã sống lại cho tới khi Chúa lại đến" (Lời tung hô sau truyền phép).

Thánh lễ cũng được dâng lên để thờ phượng Chúa, tạ ơn Chúa, đền bù tội lỗi nhân loại và cầu xin ơn phúc cho Giáo hội và thế giới (Giáo lý Công Giáo).

Chủ tế đích thực và Lễ vật dâng lên trong Thánh lễ để "tôn vinh Danh Chúa, mưu ích cho chúng con cùng toàn thể Hội Thánh Người" (Lời Tiền tụng Thánh lễ) là chính Chúa Kitô Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian.

Công Đồng Trentô dạy rằng, "Thánh lễ Misa không những ca tụng Chúa, mà còn là lễ đền tội cho người sống và cho người đã qua đời" (Khóa 22, chương 2). "Lạy Chúa, xin nhớ đến tôi tớ nam nữ mà Chúa đã gọi ra khỏi thế gian, xin ban cho kẻ đã chết như Con Chúa, thì cũng được sống lại như Người" (Lời Tiền tụng Thánh lễ).

* Thánh Benađô thuật truyện về Thánh Malaki, Tổng Giám Mục Armagh, nước Ireland đã dâng nhiều Thánh lễ cho linh hồn chị mình. Tưởng thế là đủ, ngài không dâng nữa. Ba mươi ngày sau, ngài nghe tiếng chị khóc trong phòng mặc áo lễ. Bà than rằng, bà "đã chờ 30 ngày mà không được giúp đỡ". Ngài tiếp tục dâng lễ cầu cho chị rồi thấy chị mặc đồ đen. Ngài lại tiếp tục dâng lễ cầu cho chị tới khi thấy chị vào Thiên đàng cùng với một số rất đông linh hồn đước giải thoát trong ngày hôm ấy (Charity p.199).

* Thánh Nicholas thành Tolentino thấy vô vàn linh hồn Luyện ngục ở trong một cánh đồng hợp nhau lại van xin ngài dâng lễ cầu cho họ. Sau 8 ngày dâng lễ, ngài được biết các linh hồn ấy đã được giải thoát khỏi Luyện ngục (Charity p.204).

* Thánh Antôn Padua kể rằng Chân phúc Gioan Alverina một lần dâng Thánh lễ vào ngày lễ Các Thánh. Sau khi truyền phép, ngài cầm Mình Thánh Chúa trong tay và khẩn khoản nài xin Chúa bởi công nghiệp Chúa Giêsu xin cứu các linh hồn Luyện ngục. Ngài được thấy một số rất đông linh hồn từ Luyện ngục bay lên như những tia sáng phát ra từ lò lửa về hướng Thiên đàng (Charity p.204).

* Theo Thánh Tôma Aquinô: "Khi Linh mục dâng lễ cầu cho linh hồn nào, dù ngài đọc bài lễ kính Đức Mẹ, lễ kính các Thánh, lễ cầu hồn hay bài lễ nào đi nữa, thì công phúc của Thánh lễ cũng như nhau. Nhưng nếu ngài đọc bài lễ cầu hồn thì công phúc được đặc biệt hơn, bởi Giáo hội đã dọn riêng những lời cầu nguyện và bài đọc chỉ cho người quá cố" (Charity p.215).

* Thánh Vincentê Ferier, một linh mục rất nổi tiếng Dòng thánh Đaminh đã giảng nhiều lần về chân lý Tòa Chúa phán xét. Ngài có một cô em khá cứng lòng, chẳng hề lay động trước lời giảng và gương thánh thiện của anh. Tâm hồn cô em này đầy ắp tinh thần thế tục, bị nhiễm độc về các thú vui ở đời, và bước đi trên con đường diệt vong. Trong khí đó, thánh Vincentê tha thiết cầu cho em được ơn trở lại, sau cùng lời cầu của ngài đã được nhận lời. Cơn bệnh chín chết một sống kéo đến với cô cứng đầu này. Giờ chết gần tới, cô được ơn sám hối chân thành và xưng thú hết tội lỗi. Chết được ít ngày, cô hiện ra với thánh Vincentê anh khi ngài đang dâng thánh lễ, mình quấn đầy lửa bừng bừng và là miếng mồi của các hình phạt. Bà nói:"Ôi anh ơi, em bị luận phạt chịu cực hình trong Luyện ngục đến ngày tận thế, nhưng anh có thể giúp em, xin anh dâng cho em 30 thánh lễ, như thế em có thể hy vọng được kết quả hạnh phúc nhất". Thánh nhân lập tức thu xếp để dâng cho em các thánh lễ như em xin. Ngày thứ ba mươi, cô em lại hiện ra, nhưng lần này có các thiên thần vây quanh và cô hớn hở đi về Thiên đàng. Ôi thánh lễ Misa có giá trị vô cùng, đã giải cứu linh hồn sau ba mươi ngày thay cho hàng bao thế kỷ (Purgatory p. 96-97).

* Có người như ông Pasqualigo còn chủ trương rằng THÁNH LỄ HÁT cầu cho người đã chết lại gia tăng hiệu quả đặc biệt hơn nữa, bởi không những có Linh mục mà có cả giáo dân cũng thông phần hợp lời cầu nguyện cách trọng thể hơn (Charity p.222). Giáo hội đặt ra những lời ca hát không phải để cộng đoàn vui vẻ, hay cá nhân người xin lễ tự hào, mà để những lời van xin làm vui lòng Chúa hơn và ý chỉ xin lễ dễ được chấp nhận hơn.

Người ta cũng có thể xin dâng lễ để CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI CÒN SỐNG VÀ CHO CHÍNH MÌNH. Thánh Leonard Maurice khuyên người ta dâng Thánh lễ cầu cho mình khi còn sống, tốt hơn là sau khi qua đời, bởi những lý do sau đây:

1. Dâng lễ khi còn sống, chính mình được tham dự để xin ơn phúc.

2. Dâng lễ cầu cho mình khi còn sống, nếu là kẻ có tội, hy vọng sẽ được lòng thương xót Chúa ban ơn ăn năn xưng thú đền bù, dù mình không đáng. Chết rồi và đã xuống Hỏa ngục thì không còn cứu vãn cách nào nữa, dù có dâng cả ngàn lễ cũng không đổi được số phận đời đời.

3. Dâng lễ cầu cho mình khi còn sống để xin ơn chết lành, sẽ được Chúa phù hộ trong giờ chết nhờ ơn phúc Thánh lễ.

4. Dâng lễ cầu cho mình khi còn sống, ơn phúc vẫn còn, và nếu có phải vào Luyện ngục, ngày giờ trong ấy sẽ được rút vắn hơn. Chết rồi mới được dâng lễ cầu cho thì linh hồn đã phải đợi chờ khốn khổ.

5. Dâng lễ cầu cho chính mình khi còn sống làm vinh Danh Chúa hơn. Khi dâng lên Chúa tiền bạc Chúa đã ban cho, ta được công từ bỏ của cải. Chết rồi tiền bạc về tay con cái họ hàng, mấy ai lo cứu giúp ta, đâu họ có cảm thấy nỗi khổ sở nóng nảy của ta mà cứu giúp mau chóng.

6. Dâng lễ cầu cho mình khi còn sống, nếu mình có ơn nghĩa Chúa thì được phần thưởng gấp đôi, vừa được tha phạt Luyện ngục, vừa được công thưởng Thiên đàng. Chết rồi mới xin thì chỉ được tha phạt Luyện ngục, không được gia tăng công thưởng Thiên đàng.

Cuối cùng chúng ta nên biết rằng, một Thánh lễ dâng cầu cho ta khi còn sống được tha hình phạt của ta nhiều hơn là dâng nhiều Thánh lễ sau khi ta chết, bởi nếu ta làm mất lòng ai mà xin lỗi ngay thì dễ được tha hơn là chần chừ để phải xin lỗi và đền bù trước tòa án. Một lời bào chữa trước tòa án tốn phí bao nhiêu tiền bạc rồi.

Chúng ta phạm đến Chúa nhiều cách, nếu chúng ta biết đền bù bằng việc lành phúc đức, việc từ thiện bác ái, nhất là nhờ công nghiệp Chúa Giêsu qua Thánh lễ thì nợ nần chúng ta được tẩy xóa. Chờ đến trước tòa án Chúa mới xin đền thì hình phạt lại nặng nề hơn.

* Thánh Anselmo dạy: "Sốt sắng dâng một Thánh lễ khi còn sống, lợi ích hơn cả ngàn Thánh lễ khi đã qua đời" (Charity p.226). Chính Chúa Giêsu dạy: "Hãy làm việc khi trời còn sáng, tối rồi ai thấy đường đâu mà làm" (Ga 4,4).

* Trong các thánh lễ chỉ cho người quá cố, có thánh lễ gọi là "Lễ Ba mươi." Lễ ba mươi hay ba mươi lễ dâng liên tiếp còn gọi là "Lễ Gregoriô". Lễ này được nói tới trong cuốn sách Đối thoại của người như sau: Có một tu sĩ tên là Giuttô, đã giữ lại cho mình ba đồng tiền vàng. Đó là điều lỗi nặng phạm lời khấn khó nghèo thầy đã tuyên khấn. Nhà dòng đã khám thấy, và thầy bị phạt "dứt phép thông công". Đang khi bị hình phạt tuyệt thông này, thầy Giuttô đã qua đời. Cha viện trưởng (sau này chính là Đức Giáo hoàng Gregôriô) muốn để các thầy dòng khác kinh sợ về hình phạt tội tham lam trong đời sống tu trì, đã không cất hình phạt tuyệt thông cho thầy Giuttô. Thầy Giuttô được chôn xa nghĩa trang nhà dòng, và ba đồng tiền vàng kia người ta vứt trên mộ thầy, trong khi các thầy dòng khác lặp lại lời xưa thánh Phêrô đã nói với tên phù thủy Simon: Ngươi hãy chết với tiền bạc của ngươi.

Sau một thời gian, cha viện trưởng thấy rằng hình phạt thầy Giuttô như vậy đã đủ, người cảm kích thương linh hồn thầy Giuttô, đã tìm thầy quản lý nói cách tha thiết rằng: "Từ khi người anh em chúng ta qua đời, thầy đã phải cực hình trong Luyện ngục, trong tinh thần đức ái, chúng ta phải tìm cách cứu giúp. Xin thầy liệu cách xin dâng 30 thánh lễ liên tiếp chỉ cho thầy Giuttô, không ngày nào được cách quãng". Thầy quản lý vâng lời ngay. Ba mươi thánh lễ liên tiếp đã được dâng lên. Sau ba mươi ngày, thầy Giuttô hiện ra cùng thầy bạn là Copiosô nói rằng: Anh bạn thân yêu ơi, chúc tụng Chúa, hôm nay tôi được tha thứ và được nhận vào nước Thiên đàng cùng với các thánh". Kể từ đó, thói quen đạo đức dâng ba mươi thánh lễ liên tiếp cầu cho linh hồn đã qua đời được thiết lập và lan tràn trong Giáo hội, nhất là tại nước Ý, nước Anh và nhiều nước khác (Purgatory p. 212).

* Cũng có nơi khác kể rằng: Khi thánh Grêgôriô còn là Bề trên tu viện Bênêđictô. Một thày dòng trong tu viện ngài qua đời, các thầy tìm ra 6 cái Mẹ thầy qua đời đã giữ làm của riêng trái với luật dòng. Thầy qua đời bị phạt không được an táng theo lễ nghi. Thánh Grêgôriô bởi lòng thương linh hồn người quá cố, đã ra lệnh dâng cho thầy 30 lễ liên tiếp. Sau ba mươi ngày, thầy dòng qua đời hiện về với một thầy bạn nói rằng mình bị khổ trong Luyện ngục, nhưng đã được tha để về Thiên đàng. Khi lên ngôi giáo hoàng, thánh Grêgôriô cổ động trong Giáo hội việc dâng 30 lễ liên tiếp cho linh hồn đã qua đời. Các Đức Giáo hoàng kế tiếp cũng đã ban nhiều ân xá cho việc xin lễ như trên. (Trích Tạp chí Fatima Findings tháng 11/1989).

Ước gì các dòng có tục lệ dâng 30 lễ cầu cho linh hồn anh chị em dòng đã qua đời để linh hồn quá cố chóng được hưởng phúc trường sinh bên cạnh Cha nhân từ, Mẹ nhân ái và cộng đoàn các thánh.

RƯỚC LỄ CỨU CÁC LINH HỒN LUYỆN NGỤC

Bởi lòng yêu thương các linh hồn, trước khi chịu chết chuộc tội, Chúa Giêsu đã lập Bí tích Mình Thánh để ở lại yên ủi dẫn dắt chúng ta về trời. Ngài cho phép chúng ta được rước Ngài như của ăn uống để nên một với chúng ta trong tình yêu.

Thánh Têrêxa Chúa Hài Đồng đã nói: "Lạy Chúa, không phải bởi thích ở trong bình vàng bình bạc mà Chúa ở lại trần gian, nhưng chính là bởi Chúa muốn ở trong tâm hồn các bạn của Chúa".

Chúng ta hãy năng cầu nguyện với Chúa trong tâm hồn mình, và cầu xin Chúa giải thoát các linh hồn Luyện ngục.

Giáo lý Công đồng Trentô dạy hai cách rước lễ:

1. Rước lễ cách Bí tích trong mầu nhiệm Thánh Thể.

2. Rước lễ cách thiêng liêng bởi giục lòng tin cậy kính mến ước ao rước Chúa Giêsu vào lòng.

Luật Giáo hội ngày nay ban phép cho giáo dân mọi ngày được Rước Lễ cách Bí tích hay rước lễ thật một lần, nếu dự thêm lễ nữa được rước lễ thêm lần nữa (GL.917) và một lần thứ ba nếu rước lễ như của ăn đàng khi gần chết (GL.921,2).

Rước lễ thiêng liêng bao nhiêu lần trong một ngày cũng được.

Rước lễ sinh muôn vàn ơn ích, bởi được kết hợp Chúa và kết hợp với nhau trong Giáo hội, được xóa bỏ các tội nhẹ và thêm ơn thánh hóa, được thêm sức chống trả chước cám dỗ và sửa nết xấu, nhất là được bảo đảm sự sống đời đời.

* Một lần thánh Raymunđô dâng lễ có bà thánh Catarina Siena tham dự. Sau khi truyền phép, bà khát khao rước Chúa quá sức, nên khi Thánh Raymunđô bẻ Mình Thánh và bỏ phần nhỏ vào chén Máu Thánh, Ngài thấy nửa kia biến đâu mất. Hoảng sợ ngài quay tìm chung quanh xem Mình Thánh rơi chô nào, nhưng Thánh Catarina thưa rằng: "Chúa đang ngự trong miệng con." Bởi bà bị bệnh hay ói, nên không được phép rước Chúa. Bà khát khao, bà không thể chịu bệnh nếu thiếu Mình Thánh Chúa, nên Chúa đã làm phép lạ để đến với bà.

* Chân phúc Angela thú nhận, bà không thể chịu những nỗi khổ trên đời, nếu Chúa Giêsu không dạy cách Rước lễ thiêng liêng.

* Bà Đáng kính Gioanna Thánh giá được Chúa phán rằng: "Mỗi khi bà rước lễ thiêng liêng, Chúa ban ơn cho bà như khi bà rước lễ thật vậy".

Giáo hội cũng ban ân xá cho những ai rước lễ thiêng liêng (Tông huấn Ân xá số 15 của Đức Giáo hoàng Phaolô 6).

Việc rước Mình Thánh Chúa còn sinh ơn ích cứu rỗi các linh hồn trong Luyện ngục.

* Thánh nữ Gêtruđê cứu rất nhiều linh hồn Luyện ngục, bà thánh thích nhất là những ngày được rước lễ. Thời đó giáo dân chưa được phép rước lễ hằng ngày. Một lần Chúa phán với Thánh nữ: "Làm sao Cha từ chối lời con cầu xin cho các linh hồn Luyện ngục trong những ngày con rước lễ được, bởi con là bạn trăm năm của Cha".

* Khi thánh nữ Mađalena de Pazzi thấy linh hồn em mình đang chịu đau khổ trong Luyện ngục, bà cảm kích, chan hòa nước mắt kêu than: " Ôi linh hồn khốn cực chừng nào, ôi hình khổ dữ dằn chừng nào, sao người ta không hiểu điều đó và không chịu vác thánh giá mình khi còn sống ở đời này? Em ơi, sao khi còn sống em không nghe lời chị khuyên và bây giờ em nóng lòng muốn chị nghe lời em van xin. Em xin chị điều gì đây? Bà thánh lắng nghe đếm tới số 107, bà nói lớn, đó là 107 lần Rước lễ mà em tôi xin phải không? Được, chị sẽ Rước lễ, nhưng than ôi, thời gian dài chừng nào. Lạy Chúa tôi, nếu Chúa cho phép, chị sẽ xuống Luyện ngục để giải thoát em, và tránh cho những người khác khỏi phải xuống nơi này".

* Cha Đáng kính Lui Blosio thuật truyện một linh hồn Luyện ngục quanh mình đầy lửa nóng rát rúa quá sức hiện về với ngài lúc giáo dân rước lễ và nài xin rằng: "Xin ngài bởi lòng kính mến Chúa và lòng thương các linh hồn làm ơn rước lễ chỉ cho tôi một lần, nhưng dọn mình thật sốt sắng trước khi rước lễ, có như vậy, tôi sẽ được ra khỏi chốn nóng nảy đau đớn tôi đang chịu bởi tội thờ ơ với Bí tích Mình Thánh Chúa khi còn sống". Cha Đáng kính Lui đã sốt sắng rước lễ chỉ cho linh hồn ấy, và ngài đã thấy linh hồn bay vào Thiên đàng.

Chúng ta hãy siêng năng và sốt sắng dọn linh hồn bằng lòng tin cậy kính mến, khiêm nhường, nhất là cậy nhờ Đức Mẹ giúp ta dọn mình và cảm ơn Chúa để được nhiều ơn phúc cứu rỗi các linh hồn Luyện ngục.

DỰ LỄ MISA CỨU CÁC LINH HỒN LUYỆN NGỤC

Phương thế 6:
Chúa Giêsu phán với Thánh nữ Getruđê rằng:

"Vào giờ chết, Cha sẽ sai nhiều Thánh đến an ủi giúp đỡ những ai siêng năng sốt sắng tham dự Thánh lễ khi còn sống".

Trong Thánh lễ, Giáo hội dâng nhiều lời cầu nguyện cho hàng Giáo phẩm và các tín hữu trên thế giới, cho những ai đang dự lễ, những ai dâng của lễ và những người đang an nghỉ trong Chúa Kitô chờ ngày sống lại. (Charity p. 186).

Công đồng Trentô xác quyết rằng, "Các tín hữu còn sống có thể cầu nguyện cứu giúp các linh hồn Luyện ngục, nhưng lời cầu nguyện giá trị nhất chính là Thánh lễ Misa".

Công đồng còn dạy thêm rằng: "Thánh lễ Misa ngày nay Linh mục thay Chúa dâng trên bàn thờ không đổ máu, cũng chính là Thánh lễ hy sinh xưa Chúa Kitô dâng mình trên bàn thờ thập giá với máu đổ chan hòa. Thánh lễ hy sinh này đền bù mọi tội lỗi, mà không phải chỉ đền bù cầu khẩn cho người sống, mà còn được dâng lên để đển bù cầu khẩn cho những người đã chết trong Chúa Kitô nhưng chưa được thanh tẩy vẹn toàn. Đây là thói lành từ thời các thánh Tông đồ truyền lại" (D. 940).

* Thánh Tôma Aquinô cũng dạy rằng, "Không có hy sinh nào giải cứu các linh hồn Luyện ngục bằng hy sinh của Thánh lễ Misa".

* Thánh Chrisôtômô viết: "Khi lễ Misa được cử hành ở trần gian, các Thánh trên trời xuống mở cửa Luyện ngục".

* Thánh Augustinô viết: "Chúng ta không thể nghi ngờ rằng, những lời cầu nguyện của Giáo hội, thánh lễ Misa, việc chia sẻ của bố thí chỉ cho các người đã qua đời có sức cứu các linh hồn này lắm, có sức làm cho Thiên Chúa cư xử nhân từ với họ hơn là tội họ đáng phạt. Đó là những điều thường thực hành trong Giáo hội, những thực hành có từ thời các giáo phụ ban đầu, từ các tông đồ" (Purgatory p. 195).

* Thánh nữ Monica, Mẹ thánh Augutinô, khi sắp chết chỉ xin các con nhớ tới Mẹ nơi bàn thờ. Thánh Augutinô đã viết điều này trong sách "Tự thuật". Ngài xin các độc giả cùng nhớ tới Mẹ ngài khi dâng lễ.

Truyện:

Thánh nữ Isave Hoàng hậu nước Bồ có một công chúa tên là Constance qua đời đột ngột. Công chúa đã được hiện về với một thầy ẩn tu ở tỉnh Santarem. Thầy vội chạy đi tìm thánh nữ báo tin công chúa của người hiện đang bị giam phạt ở tầng sâu trong Luyện ngục, và còn phải giam ở đó lâu dài, chịu những hình phạt khủng khiếp. Nhưng công chúa sẽ được giải thoát, nếu có linh mục dâng thánh lễ chỉ cho linh hồn công chúa trong vòng một năm. Khi nghe thế, các cận thần quanh thánh nữ hoàng hậu phì cười, cho là ông thầy điên, ăn nói xằng bậy. Nhưng thánh nữ quay sang hỏi đức vua, đức vua trả lời: ông tin điều đó là đúng. Linh mục Ferdinand Mendez được mời dâng lễ cho công chúa hằng ngày.

Sau một năm, công chúa đã hiện về sáng láng cùng Mẹ nói rằng: "Mẹ ơi, hôm nay con được ra khỏi Luyện ngục để vào Thiên đàng". Cảm động vô ngần, thánh nữ Isave vội đi vào nhà thờ dâng lời cảm tạ Chúa. Thánh nữ đi tìm cha Mendez, ngài nói, hôm qua ngài đã dâng xong 365 thánh lễ như đã được chỉ định. Thánh Isave hiểu là Chúa đã giữ lời hứa với thầy ẩn sĩ. Thánh nữ đã phân phát nhiều của cải cho người nghèo khó để tạ ơn Chúa.

* Thánh Benađô kể: Có một tu sĩ đã chết hiện về với một anh em dòng của người, cảm ơn đã cứu mình khỏi bị giam lâu trong Luyện ngục. Khi hỏi bởi lý do nào mà được giải cứu, linh hồn ấy chỉ về phía bàn thờ nói rằng, "Đây chính là "khí giới ơn thánh" cứu rỗi chúng tôi".

* Thánh Gioan Vianey xứ Ars bên nước Pháp, một hôm kể trong lớp giáo lý truyện sau: Chắc các con còn nhớ, một lần cha đã kể về một linh mục thánh thiện, có lẽ được Chúa cho biết bạn ngài đang bị giam trong Luyện ngục. Linh mục ấy muốn cứu người bạn. Ngài nghĩ rằng không có gì cứu nhanh hơn là Thánh lễ Misa, nên ngài lo liệu dâng lễ sớm. Trước khi dâng lễ, ngài thưa với Chúa đơn sơ như trẻ nhỏ nói với cha mẹ rằng: "Lạy Cha chí thánh hằng có đời đời, con xin đánh đổi như sau: Cha đang giữ linh hồn bạn con trong Luyện ngục, còn con có thể đổi tấm bánh nên Mình Thánh Chúa Giêsu, bây giờ xin Cha tha cho bạn con ra khỏi Luyện ngục, và con sẽ dâng cho Cha mọi công nghiệp Chúa Giêsu Con Cha đã chịu nạn chịu chết". Sau khi truyền phép, ngài nâng Mình Thánh Chúa lên, ngài đã thấy linh hồn bạn ngài lên Thiên đàng.

* Thánh Laurensô Justianô nhận xét rằng: "Một Thánh lễ Misa có giá trị cứu rỗi hơn mọi việc đền tội của cả thế giới. Bỏ lên hai đĩa cân, một bên là Thánh lễ, bên kia là các việc đền tội ăn chay bố thí của chúng ta xem bên nào nặng hơn?"

* Á thánh Henry Suso và linh mục bạn, khi cả hai còn sống đã làm lời đoan kết với nhau rằng:

"Nếu ai chết trước thì người còn sống sẽ dâng mọi tuần hai thánh lễ trong đủ một năm cầu cho người chết trước". Sau ít năm, cha bạn qua đời, Thánh Suso ngày nào cũng cầu nguyện rất sốt sắng, lại thêm ăn chay và những việc đền tội khác, bởi chưa thể dâng lễ cầu cho cha bạn ngay như đã hứa. Sau ít ngày, cha bạn hiện về với vẻ mặt buồn bã trách móc nặng lời rằng: "Ôi ông bạn bất trung, sao ông không giữ lời hứa đã đoan kết với tôi ngày trước?" Thánh Suso trả lời rằng mình đã cầu nguyện và dâng rất nhiều hy sinh hãm mình, nhưng người chết nói: "Lời cầu của ông rất đẹp lòng Chúa, nhưng không có hiệu lực giải cứu tôi. Rồi người đó đập bàn la lên: "Máu! Máu! Những linh hồn đau khổ như chúng tôi cần máu, Máu Chúa Giêsu dâng lên trong Thánh lễ cầu cho chúng tôi sẽ giải thoát chúng tôi khỏi cực hình, nếu ông dâng lễ như đã hứa với tôi thì tôi đã được giải thoát khỏi Luyện ngục cực dữ rồi, bởi ông chậm trễ mà tôi còn chịu khổ, hãy dâng lễ cầu cho tôi, những lễ ông đã hứa với tôi" (Charity p. 191).

* Thánh Giêronimô dạy rằng, " Các linh hồn trong Luyện ngục được giải thoát ngay khi linh mục dâng lễ cầu cho họ và các giáo dân xin lễ hoặc dự lễ cầu cho họ."

Chúng ta hãy sắp xếp thời giờ, siêng năng và sốt sắng tham dự Thánh lễ hằng ngày hoặc nhiều ngày trong tuần để cầu cho các linh hồn. Đó là việc quan trọng, thánh thiện tôn vinh danh Chúa, ích lợi cho phần rỗi ta, và cứu rỗi các linh hồn đang đau khổ trong Luyện ngục.