Pages

18/7/09

LÁ THƯ KHÔNG ĐỊA CHỈ

Trong niên sử Dòng Thánh Phanxicô thật lại chuyện này:
Hai tu sĩ dòng lên đường đi kính viếng một đền thờ Đức Mẹ, đến giữa một khu rừng thì trời sập tối. Vừa bối rối vừa lo sợ, 2 thầy không biết sẽ ra sao, cứ bước liều trong đêm tối, thì thấy 1 ngôi nhà ở trước mặt. Hai thầy tiến tới và sờ soạng tìm cửa. Tìm được cửa rồi, bèn gõ cửa gọi. Có tiếng từ trong vọng ra:
- Ai đó?
- Chúng tôi là hai tu sĩ nghèo, vì đêm xuống giữa rừng sâu này. Xin đến trọ nhờ để khỏi thú dữ ăn thịt.
Cửa mở. Hai thầy thấy hai tiểu đồng y phục sang trọng ra đón tiếp, chào rất lịch sự. Hai thầy hỏi xem ai là chủ nhà thì được tiểu đồng cho biết là một mệnh phụ rất hảo tâm. Hai thầy tỏ ý muốn đến chào và cảm tạ lệnh bà. Hai tiểu đồng liền dẫn hai thầy đến gặp bà chủ. Họ lên thang gác, qua những căn phòng lộng lẫy, đầy ngọc bảo sáng ngời, toả mùi thơm linh diệu. Khi tới căn phòng bà chủ ở, hai thầy gặp một mệnh phụ diễm lệ niểm nở chào và hỏi các thầy đi đâu. Hai thầy trả lời là đi kính viếng một đền thờ Đức mẹ, thì bà tiếp:
- Thật là một dịp tiện, bao giờ các thầy lên đường, tôi muốn dính gửi 1 phong thư, phong thư này sẽ giúp các thầy rất nhiều.
Khi nghe bà nói, hai thầy thấy lòng bừng bừng lửa mến Chúa, tâm hồn tràn ngập vui sướng khôn tả. Rồi các thầy từ giã bà trở về phòng ngủ. Hôm sau hai thầy đến cám ơn bà và xin từ biệt. Bà trao cho hai thầy bức thư nói tối qua. Các thầy ra đi quãng đường khá xa mới nhận ra thư bà gửi không có địa chỉ người nhận, bèn trở lại tìm, nhưng vòng đi vòng lại mấy lần mà chẳng thấy lâu đài đâu cả. Sau cùng hai thầy bàn nhau mở thư xem nói gì và gửi cho ai. Đọc xong thư mới biết rõ người nói chuyện với mình tối hôm qua chính là Đức Mẹ, trong thư Mẹ thúc dục hai thầy cứ bền vững mến yêu Đức Mẹ và đoan hứa sẽ thưởng bội hậu những việc các thầy đã làm để mến yêu Đức Mẹ, nhất là sẽ giúp đỡ giờ lâm chung. Cuối thơ có chữ ký: Mẹ là Trinh Nữ Maria.

TẠI SAO CHÚA CHỌN CON

LM. Anphong Trần Đức Phương

VietCatholic News (24 Jun 2009 02:29)

(MỪNG ‘NĂM LINH MỤC’)

Nhân dịp kỷ niệm 150 năm Cha Thánh Gioan Baotixita Maria Vianney qua đời (1859-2009), vào ngày lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu (19/6/2009), Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI đã long trọng tuyên bố khai mạc NĂM LINH MỤC. Năm Linh Mục sẽ kéo dài từ ngày 19/6/2009 đến ngày 19/6/2010, để mỗi người chúng ta có thể dành nhiều thời giờ hơn suy gẫm về sự cao trọng của Bí Tích Truyền Chức Thánh và Chức Linh Mục. Cũng là năm đặc biệt để chúng ta dâng nhiều hãm mình, hy sinh cầu nguyện xin ơn thánh hóa cho bao nhiêu linh mục đang âm thầm phục vụ Chúa và Dân Chúa cũng như toàn thể nhân loại ở khắp nơi trên thế giới. Đồng thời cũng là năm để các Linh mục cầu nguyện, suy gẫm và sống chức Linh Mục của mình trong cuộc sống bận rộn hàng ngày, trong nhiều chức vụ khác nhau mà Chúa đã trao ban. Cũng còn là năm để cổ động ơn gọi Linh Mục nơi giới trẻ.

Dù đã sống khá lâu trong cuộc đời Linh Mục, nhưng tôi vẫn luôn đặt câu hỏi “Tại Sao Chúa Chọn Con… dù con chỉ là một con người tầm thường, hèn yếu và nhiều khuyết điểm!” Đó cũng là câu hỏi có thể đặt ra với mỗi linh mục của Chúa: Tại sao Chúa đã gọi và chọn con? Cũng như tại sao Chúa đã chọn Phêrô, và các Tông Đồ, dù các Ngài cũng chỉ là những con người yếu đuối; như Phêrô đã chối Thày tới ba lần. Trong số 12 ông, lại có Giuđa bán Chúa! Tại sao Chúa chọn Phaolô, một kẻ điên cuồng chống Chúa và Giáo Hội Chúa lúc ban đầu (Công Vụ 8: 3). Tại sao Chúa đã chọn Augustinô, dù rất thông thái, nhưng lúc ban đầu là một người vô thần? Tại sao Chúa chọn Charles de Foucauld, một sĩ quan đầy tương lai trong quân đội Pháp đã ‘bỏ đạo’ và đang sống cuộc đời thác loạn? Mới đây lại chọn một đảng viên cộng sản Trung Quốc để trở nên một ‘Linh Mục chui’ với cái tên “Cha Bao”. Tại sao Chúa gọi và chọn lên chức Linh mục những người thật thông thái: những nhà bác học, khoa học, triết gia nổi danh như Gregor Mendel (1822-1844), Pierre Teihard de Chardin (1881-1955), George Lemaitre (1894-1966), Stanley L. Jaki (1924-2009), Michal Heller (1936) v.v… Trong khi cũng gọi và chọn Gioan Vianney, trí khôn rất bình thường.

Trong ‘Năm Linh Mục’, Đức Gíao Hoàng muốn chúng ta đặc biệt suy gẫm cuộc đời của cha Gioan Baotixita Maria Vianney (1786-1859) thường được gọi là Cha Sở xứ Ars (Cure d’Ars), là một Linh Mục, một Cha Xứ gương mẫu và là Bổn Mạng các Linh Mục, đặc biệt các Cha Xứ.

Cha Vianney sinh ngày 8/5/1786, trong một gia đình đạo hạnh, tại Dardilly (gần Lyon, Pháp) và lớn lên đúng vào thời kỳ Giáo Hội tại Pháp gặp những bách hại khủng khiếp do cuộc Cách Mạng Pháp (1789-1799). Cuộc Cách Mạng này khởi đầu vào lúc Vianney mới được 5 tuổi. Trong thời kỳ này, nhiều giáo sĩ và tu sĩ bị bắt đi tù đày hoặc giết chết, nhiều dòng tu, xứ đạo bị đóng cửa. Nhà thờ xứ đạo quê hương của Vianney cũng bị đóng cửa; nhưng cả gia đình vẫn kiên tâm giữ vững Đức Tin và sống đời sống đạo đức, bác ái. Khi lớn lên, Vianney có dịp gặp gỡ nhiều linh mục còn sống sót sau cuộc bách hại, và sống Đức Tin thật mạnh mẽ. Các ngài cùng chung tay xây dựng lại Giáo Hội Pháp từ những đổ nát sau cuộc Cách Mạng. Noi gương sáng của các linh mục này, Vianney cảm thấy muốn đi tu làm Linh Mục, và xin vào Chủng viện. Vì tuổi đã hơi lớn, và không được học hành nhiều, trí khôn lại hơi kém, nên Vianney đã gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tu học. Nhưng bù vào, Vianney có một Đức Tin mạnh mẽ và lòng đạo đức sâu xa. Cuối cùng nhờ ơn Chúa, Vianney cũng vượt qua được mọi trở ngại, khó khăn và chịu chức Linh Mục vào ngày 13/8/1815 tại Grenobe. Sau một thời gian lam phó xứ, Cha Vianney được bổ nhiệm về làm Cha sở xứ Ars (gần Lyon) từ năm 1918. Lúc đó, xứ Ars là một xứ đạo miền quê, nghèo nàn, và tinh thần đạo đức bị sút giảm vì những năm Cách Mạng Pháp. Lúc đầu, Cha Vianney cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc mục vụ cho giáo dân ở đây. Cha cố gắng dành nhiều thời giờ đi thăm viếng các gia đình, giúp đỡ các cô nhi, qủa phụ, các nguời nghèo khó trong xứ đạo. Cha cũng dành nhiều thời giờ dạy giáo lý cho trẻ em. Những thời giờ còn lại, Cha vào Nhà Thờ để cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể. Cha cũng siêng năng cầu nguyện với Đức Mẹ Maria qua tràng Chuỗi Mân Côi mà Cha luôn mang theo trong người hoặc trên tay. Nhờ kiên trì hãm mình, cầu nguyện và sống khiêm nhường, Cha Vianney đã biến xứ đạo này trở nên một xứ đạo nhiệt thành, sốt sáng.

Cha Vianney đã sống gần suốt cuộc đời Linh Mục ở đây và lòng đạo đức, tinh thần hy sinh cũng như sự tận tụy phục vụ giáo dân, đã làm cho danh tiếng của Cha lan tràn đến các xứ đạo lân cận, rồi đến khắp nơi trên nước Pháp và các quốc gia khác. Nhiều người từ các nơi, kể cả nhiều vị giảng thuyết nổi tiếng tại Pháp lúc đó, như Cha Henry Lacordaire, cũng đến nghe Cha Vianney giảng. Những bài giảng của Cha tuy đơn sơ, dễ hiểu, nhưng rất đạo đức, phát xuất từ đời sống nội tâm sâu xa. Cha Vianney đã sống những lời Cha giảng cho dân chúng, nên đánh động rất nhiều tâm hồn. Nhiều người đã tìm lại được Đức Tin khi nghe Cha giảng, và đến bàn việc thiêng liêng cũng như xưng tội với Cha.

Vào khoảng 10 năm cuối đời của Cha Vianney, hàng năm có tới 20 ngàn người (trong đó có cả những Giám mục, Linh mục, Tu sĩ nam, nữ) đến nghe Cha giảng, xưng tội, bàn việc thiêng liêng. Mỗi ngày Cha phải ngồi Tòa Giải Tội ít nhất là 12 tiếng đồng hồ, có khi 16 tiếng. Chỉ vào đêm khuya, Cha mới trở vào nhà xứ và ăn mấy củ khoai luộc sẵn, sau đó nghỉ đêm ít giờ, để rồi lại thức dậy từ sáng sớm đọc sách nguyện, suy gẫm, dâng Thánh Lễ và bắt đầu một ngày mới đầy bận rộn. Có những lần Đức Giám Mục muốn thuyên chuyển Cha, nhưng giáo dân quyết tâm xin giữ Cha lại. Chính Cha Vianney cũng đã có nhiều lần muốn rời bỏ giáo xứ để sống đời chiêm niệm; nhưng theo ý Chúa, Cha đã tiếp tục phục vụ tại đây cho đến khi được Chúa gọi về để thưởng công trên Nước Chúa vào ngày 4/8/1859. Đức Giáo Hoàng Pio XI đã suy tôn Ngài lên bậc Hiển Thánh vào năm 1925. Ngài thật là một mẫu gương Linh mục tuyệt vời, đúng là Thánh Bổn Mạng của các Linh Mục, nhất là các Linh Mục phục vụ tại các giáo xứ.

Trong năm thánh hóa các Linh Mục này, chúng ta hãy dâng nhiều hy sinh, hãm mình cầu xin Chúa Giêsu Linh Mục Thượng Phẩm đời đời, ban ơn thánh hóa, gìn giữ và nâng đỡ các Linh Mục của Chúa đang hoạt động khắp nơi trên thế giới; đặc biệt các Linh Mục đang gặp nhiều khó khăn, thử thách, đang bị tù đày tại những nơi mà Giáo Hội đang bị bách hại cách này hay cách khác.

Có nhiều “Kinh Cầu cho các Linh Mục”, và nhiều nhà thờ thường đọc vào trước giờ Thánh Lễ để xin ơn thánh hóa cho các Linh Mục. Nhiều gia đình cũng đọc vào giờ Kinh Tối. Chúng tôi xin gửi đến qúy vị một kinh sau đây:

KINH CẦU CHO CÁC LINH MỤC

Lạy Chúa Giêsu, là LINH MỤC ĐỜI ĐỜI,
Chúa đã dùng tay các vị Giám mục mà thông ban bảy ơn Thánh Thần Chúa để thánh hóa các Linh mục.
Chúa là mẫu gương độc nhất và sáng tỏ cho hàng Linh mục noi theo.
Xin in sâu người mẫu vào tâm hồn các Linh mục
để các Linh mục được trở nên những vị Kitô-thứ-hai của Chúa.
Xin Chúa cho các Linh mục sống theo ánh sáng Đức Tin chỉ dẫn
và bất cứ trong cảnh ngộ nào hằng tin vào quyền năng vô cùng của Chúa,
biết sống nội tâm, siêng năng cầu nguyện,
lấy Mình Máu Thánh Chúa và Phúc Âm làm của ăn nuôi sống hằng ngày.

Xin cho các Linh mục thật lòng mến Chúa, và yêu thương mọi người,
hy sinh đời sống mình vì kẻ khác,
luôn luôn nêu gương mẫu khiêm nhường, khó nghèo, hiền hòa và trong sạch,
để mọi người nhìn thấy Chúa Giêsu trong các Linh mục.

Xin cho các Linh mục trìu mến và vâng phục Cha chung là Đức Giáo Hoàng,
thành tâm cộng tác với Đức Giám mục là đấng kế vị các Thánh Tông Đồ,
luôn luôn đoàn kết với các anh em Linh mục trong việc mở mang nước Chúa.

Xin cho các Linh mục là những chủ chăn nhiệt thành săn sóc đoàn chiên Chúa
tìm kiếm những chiên thất lạc chăm nom những chiên bệnh hoạn
chữa lành những chiên đau yếu nuôi dưỡng chiên trong đồng cỏ xanh tươi của Chúa.

Xin cho các Linh mục là cha chung đáng quý mến của mọi gia đình Cộng đoàn
hướng dẫn giáo dân trong tình phụ tử
lấy Phụng vụ và Lời Chúa làm của ăn nuôi dưỡng Cộng đoàn,
để mọi người trong Cộng đoàn hăng say cộng tác xây dựng nước Chúa.

Lạy MẸ MARIA,

là Mẹ hàng giáo sĩ xin cho hàng giáo sĩ hằng yêu mến Mẹ.
Xin Mẹ nâng đỡ Linh mục khi có ai yếu đuối ủi an khi sầu khổ khuyến khích khi thua buồn,
để các ngài luôn luôn phấn khởi làm tròn nghĩa vụ Linh mục.
Amen.

Con Cái Là Hồng Ân Của Thiên Chúa


Mỗi độ Noel về, người ta thường nhắc nhớ nhau Giêsu chính là quà tặng Thiên Chúa dành cho loài người, nhưng chẳng mấy ai nói với nhau rằng con cái là quà tặng vô giá từ Thiên Chúa, mỗi khi sinh nhật chúng. Người ta đều biết Chúa Giêsu là quà tặng vô giá của Thiên Chúa cho nhân loại, mấy ai biết tới món quà vô giá là người con Chúa gửi tới nơi mỗi gia đình. Bởi vậy khi mừng lễ Giáng Sinh họ hớn hở vui mừng, nhưng khi sinh con ra nhiều cha mẹ đã lo lắng, buồn sầu khôn nguôi. Lo vì rồi đây sẽ phải vất vả, phải hy sinh, phải mất mát nhiều thứ. Chẳng vậy, nhiều “món quà” đã bị vất bỏ, nhiều trẻ em đã bị giết đi vì sự có mặt của chúng ở trên đời này chỉ là phiền nhiễu, là gánh nặng, rắc rối cho cuộc đời và nhất là vì họ không cần chúng.

Tin Mừng tỏ lộ cho chúng ta một chiều kích mới, một thông điệp từ Thiên Chúa: con cái là hồng ân, là quà tặng vô giá của Thiên Chúa. “Này, con cái là hồng ân của Chúa, con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban.” (Tv 127, 3). Thực vậy, ngay từ thủa ban đầu, qua câu truyện tổ phụ Abraham, Kinh Thánh đã cho chúng ta thấy giá trị vô song của con cái: Chúng là dấu chỉ của tình thương, phúc lành và sự trung tín của Thiên Chúa (St 15, 5). Ngược lại, tình trạng son sẻ hiếm muộn thường bị coi là sự ô nhục, là hình phạt (St 16, 2; 20, 18). Mặc dù quan niệm về hình phạt này ngày nay không còn nữa, nhưng xem ra việc không có con vẫn mãi là một nỗi buồn, một sự bất hạnh, tạo ra một khoảng trống cô đơn nơi các gia đình. Cha ông ta đã diễn tả tình trạng này thật tinh tế: Có chồng mà chẳng có con, khác gì hoa nở trên non một mình.

Quà tặng, tự bản thân nó bao hàm hai chiều kích: phúc lành và trách nhiệm. Sự hiện diện của Chúa Giêsu là người con trong thánh gia thất của Đức Maria và thánh Giuse đã mang lại vinh quang danh dự cho các ngài. Đó là một ân huệ lớn lao vô song từ Thiên Chúa. Nhưng điều này cũng bao hàm một trách nhiệm bảo bọc, cưu mang, săn sóc và dạy dỗ bé Giêsu. Phúc lành càng lớn, trách nhiệm cũng tương xứng theo.

TRÁCH NHIỆM

Khi đứa trẻ được sinh ra, điều đầu tiên cha mẹ làm là đưa em đến nhà thờ lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, trước mặt cộng đoàn. Điều này nhắc chúng ta nhớ rằng, các em không thuộc về một gia đình thể lý nhỏ bé nào, không phải là tài sản của cha mẹ các em. Các em là những món quà Thiên Chúa gửi tới cho một gia đình rộng lớn hơn: gia đình giáo xứ, gia đình giáo phận và rộng hơn các em thuộc về Giáo Hội, thuộc về “gia đình của Thiên Chúa”. Tất cả chỉ có một Cha, là Đấng hằng yêu thương, săn sóc con cái mình, ngự trên trời. Cha mẹ thể lý của các em chỉ là “cha mẹ nuôi”, là “người quản lý” được Thiên Chúa trao những nén bạc, là những đứa con, để coi sóc, “làm lợi” cho Ngài. Để rồi đến thời đến buổi, Ngài sẽ hỏi các bậc làm cha mẹ về việc chu toàn bổn phận và thái độ đối với những “nén bạc” Ngài trao.

“Cha mẹ phải coi con cái mình như là con cái Thiên Chúa và tôn trọng chúng như những nhân vị”. Điều cha mẹ cần làm là tạo ra nơi gia đình một bầu khí thân thiện, yêu thương và đạo đức hầu giúp các em lớn lên và phát triển về mọi mặt thể lý, tinh thần và tâm linh. Đó là nơi các em có thể tìm lời giải đáp cho mọi vấn nạn của mình mà không sợ hãi. Hơn nữa, đó còn là nơi các em được hướng dẫn trong đức tin, để dần hiểu ra được món quà vô giá là sự sống mà Thiên Chúa đã tặng ban và ngày càng đến gần Thiên Chúa, là Người Cha đích thực của mọi người. Cụ thể, cố Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã đề ra ba mục tiêu phải chú ý đối với các bậc làm cha mẹ :

- Dạy con cái dần dần về mầu nhiệm cứu độ, và vai trò đức tin trong biến cố đó;

- Giúp chúng học biết thờ phượng Thiên Chúa là Cha, trong tinh thần và chân lý, đặc biệt qua phụng vụ;

- Rèn luyện chúng sống ngay thẳng, thánh thiện trong đời sống hằng ngày.

PHÚC LÀNH

Này, con cái là hồng ân của Chúa, con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban.

Nghe câu này, có người sẽ phản ứng: Phúc đâu chẳng thấy, chỉ thấy tốn tiền, sức lực, thời gian; hy sinh vất vả là thế mà chỉ được toàn là những lo toan. Càng lớn càng khó bảo, chỉ gây toàn phiền phức; càng lớn, càng thêm lo. Họ phàn nàn chẳng sai.

Nhưng, Kinh Thánh nói rõ: Con cái là phần thưởng Chúa ban. Công Đồng Vaticano II cũng khẳng định: “Con cái là hồng ân cao quí nhất của hôn nhân, chúng sẽ góp phần lớn lao cho hạnh phúc của chính cha mẹ chúng” (MV 48). Thực vậy, con cái như những chồi non được Thiên Chúa trao cho các gia đình săn sóc và phần thưởng chính là hoa trái của những chồi non này. Một khi chúng trưởng thành, đơm bông kết trái, thì những hoa trái trĩu ngọt chúng mang lại sẽ lớn hơn công sức vun trồng, tưới tắm mà cha mẹ đã bỏ ra gấp bội lần.

Nói về việc này, cha Henry Nouwen gợi cho chúng ta một hình ảnh thật thú vị. Những đứa trẻ được ví như những vị khách quí Thiên Chúa gửi tới nơi mỗi gia đình. Ba vị khách lạ đã đến với ông Abraham tại cụm sồi Man-rê, sau khi tiếp nhận sự đón tiếp ân cần, sự săn sóc chu đáo của ông, đã tỏ lộ cho ông lời hứa chúc lành của Thiên Chúa. Những đứa trẻ cũng mang theo trên mình một lời hứa, một kho tàng mà chỉ có thể mở ra được qua giáo dục. Thật vậy, chỉ có qua việc giáo dục, dạy dỗ con trở thành những Kitô hữu trưởng thành thì kho tàng đó mới được mở ra, khi đó cha mẹ mới cảm nghiệm được niềm hạnh phúc lớn lao Thiên Chúa đã dành sẵn cho họ. Ngược lại, nếu không giáo dục con cho tốt thì kho tàng đó mãi chẳng mở ra. Các cụ từ kinh nghiệm sống của mình cũng cho chúng ta một đúc kết thật chí lý: sinh con chẳng dạy chẳng răn, thà rằng nuôi lợn lấy lòng mà ăn.

“Triều thiên của người già là đàn con cháu” (Cn 17, 3). Thực vậy, còn niềm vui nào lớn lao hơn niềm vui của người cha, người mẹ được sum vầy bên đàn con cháu hiếu thảo, đức hạnh. Chỉ cần nhìn vào ánh mắt rạng rỡ của những bà mẹ trong ngày con mình tốt nghiệp hay khi được con mình đưa những đồng tiền lương đầu tiên tự chúng kiếm được, vâng chỉ những ánh mắt đó thôi cũng đủ nói lên tất cả. Những giọt nước mặt của các bà mẹ trong ngày con mình được Thiên Chúa chọn làm linh mục của Người cũng đủ để nói thay cho muôn lời sáo rỗng.

KẾT LUẬN

Con cái là một quà tặng vô giá từ Thiên Chúa. Cũng như những quà tặng khác, con cái là hồng ân đồng thời cũng đòi hỏi một trách nhiệm từ các bậc cha mẹ. Điều cần thiết là cha mẹ biết đón nhận chúng với lòng biết ơn và khiêm nhường, lo lắng chăm sóc và dạy dỗ chúng trở thành những người con trưởng thành của Thiên Chúa. Trong khi lãnh nhận sự chăm sóc từ cha mẹ, con cái cũng sẽ góp phần thánh hóa và mang lại hạnh phúc cho cha mẹ. Và khi đến thời đến buổi, chúng sẽ tỏ lộ cho cha mẹ chúng những phần thưởng, lời hứa mà Thiên Chúa dành sẵn cho họ. Sau cùng, chính Thiên Chúa sẽ chúc lành và thưởng công xứng đáng cho những người quản lý trung tín và khôn ngoan đã chu toàn bổn phận mà Ngài trao phó.