Pages

15/7/09

Đức Hồng y Phanxicô Xaviê NGUYỄN VĂN THUẬN

WHĐ (19.06.2009) – Hôm nay lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khai mạc Năm Linh mục cho toàn Giáo Hội Công giáo. ĐTC đề cao tấm gương thánh thiện của Cha thánh Gioan Maria Vianney cho các linh mục noi theo và đã đặt thánh nhân làm bổn mạng của các linh mục. Đồng thời, ngài khuyến khích các Giáo Hội địa phương cũng nêu cao những tấm gương linh mục trong đất nước của mình. Theo đó, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã quyết định trong Năm Linh mục, mỗi giáo phận sẽ giới thiệu ít là hai mẫu gương linh mục và phổ biến rộng rãi cho mọi tín hữu được biết. Trong suốt Năm Linh mục, kể từ hôm nay, mỗi tuần WHĐ sẽ giới thiệu một chân dung linh mục Việt Nam. Và xin được bắt đầu với Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
Đức Hồng y PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN VĂN THUẬN, con người của Hoà bình, Niềm vui và Hy vọng
Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được nhiều người biết đến như là con người của hoà bình, niềm vui và hy vọng bởi gương sống đức tin, cuộc đời mục tử với phong thái bình dị, lạc quan, xác tín và hy vọng của ngài trong mọi cảnh huống.
Đức Hồng y sinh ngày 17-04-1928, tại Phủ Cam, Huế. Ông cố thân sinh là cụ Tađêô Nguyễn văn Ấm, Bà cố là Elizabeth Ngô thị Hiệp. Ngài là người con cả trong gia đình có 8 anh chị em. Sinh trưởng trong gia đình Công giáo có truyền thống đạo đức, tổ tiên từng bị bách hại vì đạo Chúa, lại được thân mẫu thường kể cho nghe hạnh các Thánh, nhất là các chân phúc Tử đạo Việt Nam, cậu bé Thuận sớm có ước muốn dâng mình cho Chúa.
Gia đình cậu Thuận khá giả, thân phụ e ngại sức khoẻ kém của cậu không kham nổi cuộc sống kỷ cương chủng viện nên lúc đầu không đồng ý. Cậu phải nhờ thân mẫu can thiệp và được chấp thuận để tu học tại Tiểu Chủng viện An Ninh – Quảng Trị, sau đó học triết và thần học tại Đại chủng viện Kim Long – Huế.
Ngày 11-06-1953 thầy Thuận lãnh chức linh mục tại Nhà thờ Chánh tòa Phủ Cam, Huế, do Đức cha Jean Baptiste Urruthia Thi, Đại diện Tông Tòa Giáo phận Huế chủ phong. Ngài được bổ nhiệm làm cha phó xứ đạo Tam Tòa (Đồng Hới, Quảng Bình). Sau đó, làm cha phó xứ đạo Phanxicô Xaviê, ở Huế.
Sau 3 năm mục vụ, cha Thuận được cử đi du học tại Đại học Giáo hoàng Urbaniana, Roma – Italia. Trong thời gian theo học, ngài có dịp tiếp xúc với các phong trào Đạo binh Đức Mẹ, Hướng Đạo, Cursillo, Focolare và điều đó đã ảnh hưởng đến đường lối hoạt động mục vụ của ngài sau này. Năm 1959, ngài đậu bằng tiến sĩ Giáo luật với luận án “Tuyên úy Quân đội trên thế giới”. Về nước, ngài dạy học tại Tiểu Chủng viện Phú Xuân, sau đó đổi tên là Tiểu Chủng viện Hoan Thiện – Huế. Là cha giám đốc nhưng ngài luôn hỏi han, tươi cười với các chú, thông cảm cho sai sót tuổi trẻ. Không thấy ngài to tiếng hay quở mắng ai bao giờ, đến nỗi cha quản lý thốt lên “Cha bề trên hiền quá, chẳng có chú nào sợ…” Thật ra, ngài chủ trương giáo dục đặt nền tảng trên yêu thương và gương sáng chứ không phải lề luật và trừng phạt. Ngài làm Tổng đại diện Tổng giáo phận Huế từ năm 1964 – 1967.
Ngày 13-04-1967, cha Thuận được Đức Thánh Cha Phaolô VI bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Nha Trang, kế vị Đức Cha Marcel Piquet Lợi (1888-1966). Ngài chọn khẩu hiệu “Vui mừng và Hy vọng” (Gaudium et Spes) là tên Hiến chế Mục vụ của Công đồng Vatican II. Phương châm và huy hiệu giám mục của ngài không chỉ nói lên niềm tin yêu, hy vọng của ngài đối với Mẹ Giáo Hội mà còn cho thấy tâm hồn thanh thoát, tươi trẻ, hoà bình, vị tha và hướng thượng, đã được diễn tả trong suốt cuộc đời sứ vụ mục tử của ngài. Ngày 24-06-1967, Ngài được tấn phong Giám mục tại Huế do Đức Khâm sứ Tòa thánh Angelo Palmas chủ phong và về nhậm chức ở Giáo phận Nha Trang ngày 10-07-1967.
Tám năm trong cương vị chủ chăn giáo phận Nha Trang và một số chức vụ khác trong Hội đồng Giám mục Việt Nam , cũng như thành viên của Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân, tâm hồn mục tử của ngài trải rộng trên mọi thành phần dân Chúa. Ngài quan tâm đặc biệt đến việc phát triển nhân sự, đặt nền tảng hy vọng cho giáo phận nhà và Giáo hội địa phương. Ngài quan tâm mở mang hoặc thành lập các chủng viện, dòng tu, tu hội; tổ chức tu nghiệp và huấn luyện cho hàng giáo sĩ, giáo dân; đẩy mạnh các phong trào, hội đoàn Thanh lao công, Công lý - Hoà bình, Hướng đạo, Cursillo, Focolare… Các thư mục vụ của ngài đầy ắp tâm tình tạ ơn, hy vọng và tín thác nơi Chúa, cũng như thúc đẩy đời sống đức tin cho đoàn chiên giáo phận: “Tỉnh thức và cầu nguyện” (1968); “Vững mạnh trong đức tin, tiến lên trong an bình” (1969); “Công lý và hòa bình” ( 1970); “Sứ mạng của Chúa Kitô là sứ mạng của chúng ta” (1971); “Kỷ niệm 300 năm” (1971); “Năm thánh canh tân và hòa giải” (1973). Dù bề bộn công việc, ngài vẫn luôn vui vẻ, lạc quan, khôn ngoan và khéo léo an ủi, nâng đỡ những người đang gặp phiền muộn đến với ngài.
Ngày 24-04-1975, ĐGH Phaolô VI bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám mục Phó Tổng giáo phận Sài Gòn, hiệu toà Vadesi. Tuy nhiên, thể chế chính trị Việt Nam thay đổi (30-04-1975) và cuộc đời mục tử của ngài cũng sang trang, một trang bi hùng như Người Tôi Tớ của Chúa: tín trung, hoà bình và hoá giải màn đen của ngục tù thành ánh sáng của tha thứ, yêu thương và hy vọng.
Ngày 15-08-1975, Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, ngài được chính quyền mới mời và bắt giữ tại Dinh Độc Lập, bị giam cầm nhiều nơi từ Nam chí Bắc của đất nước và được trả tự do ngày 21-11-1988, nhằm ngày lễ Đức Mẹ Dâng Mình trong Đền Thờ. Thời gian 13 năm lao tù, trong đó có 9 năm biệt giam, ngài đã viết lại đường hướng tu đức và kinh nghiệm sống đức tin qua các tập sách: Đường Hy Vọng, Đường Hy Vọng dưới ánh sáng Lời Chúa và Công Đồng Vatican II, Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng như là di chúc tinh thần của Ngài.
Quản tù ngạc nhiên về sự bao dung của ngài, ngài trả lời: “Cho dù các anh giết tôi, tôi vẫn yêu thương các anh. Tại vì Chúa Kitô đã dạy tôi phải yêu thương tất cả mọi người, cả những kẻ thù. Nếu tôi không làm như vậy, tôi không đáng được gọi là Kitô hữu”.
Trong tù, có những lúc, mỗi ngày, ngài cử hành Thánh lễ với 3 giọt rượu và một giọt nước trong lòng bàn tay. Đó là Bàn thờ của ngài, là Nhà thờ Chính Toà của ngài. Ngài kể lại: “Mỗi lần như thế, tôi được dịp giang tay ra và chịu đóng đinh bản thân trên Thánh Giá với Chúa Giêsu, được uống chén đắng với Chúa. Mỗi ngày khi đọc lời truyền phép, tôi hết lòng củng cố một giao ước mới, giao ước đời đời giữa tôi với Chúa Giêsu, nhờ Máu của Chúa hoà lẫn với máu của tôi”.
Trong lần thứ hai sang Rôma viếng thăm và chữa bệnh năm 1991, Đức cha Phanxicô Xaviê bị ngăn trở, không thể trở về quê hương; nhưng Thánh ý Chúa nhiệm mầu đã dọn con đường mới cho người Tôi Tớ tín trung của Chúa.
Ngày 09-04-1994, Toà Thánh bổ nhiệm Đức Cha làm Phó Chủ Tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công Lý và Hoà Bình và ngày 24-06-1998, ngài được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng. Ngày 21-02-2001, ngài được vinh thăng Hồng y. Trước và sau khi nhận chức vụ của giáo triều Rôma, ngài đã liên tục đi đến các cộng đoàn của nhiều nước trên thế giới, các đại học, các cơ quan quốc tế để giảng tĩnh tâm, giúp đào tạo và xây dựng cộng đoàn mới. Ngài luôn khơi lên lòng tôn sùng Đức Mẹ, Thánh Giuse và nhất là yêu mến Bí tích Thánh Thể, tâm tình cầu nguyện và sống giây phút hiện tại trong tinh thần phó thác. Đến đâu, ngài cũng chiếu tỏa sự an bình, bao dung, tha thứ, niềm vui và hy vọng.
Đặc biệt, mùa xuân Năm Thánh 2000, ngài được mời giảng tĩnh tâm Mùa Chay cho Giáo triều Rôma khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói với ngài: “Năm đầu tiên của ngàn năm thứ III, một người Việt Nam sẽ giảng tĩnh tâm cho Giáo triều Rôma. Hãy kể lại cho chúng tôi những chứng tá của Đức cha”.
Ngài còn là tác giả của những đầu sách được ưa chuộng, chứa đầy sứ điệp của tình thương, công lý và hoà bình, xây dựng và hy vọng: Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá, Cầu Nguyện, Hãy Trao Tặng Tuổi Trẻ Nụ Cười, Niềm Vui Sống Đạo, Sứ Điệp Đức Mẹ La Vang, Chứng Nhân Hy Vọng.
Ngài vẫn thanh thản, vui tươi cả trong thời gian điều trị lâu dài và đau đớn tại bệnh viện. Trong những ngày cuối đời, khi không còn nói được nữa, ngài nằm đó, mắt nhìn chăm chăm vào Thánh Giá Chúa chịu đóng đinh trước mặt. Ngài cầu nguyện trong thinh lặng để nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô trên Thánh Giá và chuẩn bị giây phút quyết liệt ra đi gặp gỡ Chúa Kitô Phục Sinh.
Ngài được Chúa gọi về chiều ngày 16-09-2002 tại Rôma. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói trong bài giảng Thánh lễ an táng ngài: “Trong lúc chào vĩnh biệt người sứ giả anh hùng của Tin Mừng Chúa Kitô, chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì đã cho chúng ta, nơi con người của Đức Hồng y, một tấm gương sáng ngời về đời sống tín hữu Kitô, phù hợp với đức tin, cho đến độ tử đạo”.
Về phần mình, Đức Hồng y từng nói đơn sơ: “Trong vực thẳm những đau khổ của tôi, tôi không bao giờ ngừng yêu mến tất cả mọi người, tôi không hề loại trừ một ai khỏi tâm hồn tôi”.

Được Thấy Đức Mẹ La Vang Khi Hành Hương Tại Medjugorje

Lời Nói Đầu: Đây là phần cảm nghiệm chân thành của cô Nguyễn Như-Tâm (tên thật), cư dân ở vùng San Jose, miến Bắc California, Hoa Kỳ. Cô Tâm cùng với em gái là cô Hiền Nguyễn tham dự nhóm hành hương Đức Mẹ Medjugorje, Nam Tư kỳ thứ 9 do Radio Giờ Của Mẹ tổ chức. Vào đêm 24/9/2004, tại chân đồi Podbrdo, cô Như-Tâm đã được nhìn thấy Đức Mẹ Maria hiện ra với tước hiệu Mẹ La Vang.

Trong thánh lễ sáng hôm sau, 25/9/04, linh mục Đặng Phượng Hoàng, cha linh hướng của nhóm chúng tôi, đã mời cô Tâm chia sẻ cảm nghiệm trước mặt đông đủ những người trong nhóm hành hương Việt Nam và những khách hành hương người ngoại quốc đến Medjugorje tham dự Thánh lễ chung với nhóm Việt Nam chúng tôi. Chúng tôi đã thu băng và sẽ phát thanh lời chia sẻ của cô Tâm trong khoảng giữa tháng 6 năm 2007 này. Xin kính mời quý vị đón nghe.

Sau đây là lời kể cảm nghiệm của cô Như Tâm:

“Tôi là một người bị tật ở chân, không biết lái xe, và đầy mặc cảm, nhưng tôi luôn kính mến Đức Mẹ Maria. Tôi hằng mơ được gặp gỡ Mẹ. Tôi ao ước được đến hành hương ở Lộ Đức nhưng không có khả năng tài chánh để đến với Mẹ. Vì thế, Mẹ đã đến với tôi trong giấc mơ. Chưa hết, Mẹ Maria còn hiện ra với tối vào đêm hôm qua, khi tôi vừa đến Medjugorje lần đầu tiên.

1. Giấc mơ thứ nhất, thấy Đức Mẹ Hoa Hồng Mầu Nhiệm:

Lần thứ nhất, tôi được nằm mơ thấy Đức Mẹ Maria. Mẹ hiện ra với tước hiệu Đức Mẹ Lộ Đức. Mẹ mặc áo choàng trắng, có giải khăn xanh. Mẹ trao cho tôi ba chuỗi tràng hạt có màu trắng, màu vàng kim nhũ và màu đỏ (đó là tước hiệu Đức Mẹ Bông Hồng Màu Nhiệm). Tôi rất vui mừng khi được mơ thấy Mẹ.

2. Giấc mơ thứ hai, thấy thánh Giuse và Chúa Giêsu Hài Đồng:

Tôi có lòng kính mến Cha Thánh Giuse lắm. Vào tháng 3 là tháng kính thánh Giuse, tôi cầu nguyện các kinh nguyện để kính Thánh Giuse đủ 31 ngày. Tôi luôn ao ước dâng hoa kính thánh Giuse nhưng vì bị tật nên không lái xe để mà mua hoa dâng lên Ngài. Vì thế, tôi thường thầm thĩ cầu nguyện vói cha Thánh rằng: “Lạy Cha Thánh Giuse, Cha biết tấm lòng của con, con luôn kính mến Cha!”.

Ngay đêm ấy, trong giấc mơ, tôi thấy Cha Thánh Giuse hiện đến với Chúa Giêsu Hài Đồng. Lúc đó, gió thổi rất mạnh, và Cha Thánh Giuse dắt tôi đi và chỉ cho tôi hãy đến với một người phụ nữ mặc áo trắng. Trong giấc mơ, tôi không biết đó là Đức Mẹ Maria, nhưng khi tỉnh dậy, tôi biết ngay là Đức Mẹ.

3. Giấc mơ thứ ba, thấy Chúa Giêsu đội mạo gai chảy máu:

Tôi mang nhiều nỗi đau khổ trong tâm hồn. Vì là người tàn tật nên tôi có nhiều mặc cảm và không bao giờ nghĩ là mình sẽ lập gia đình. Cuối cùng hoàn cảnh đưa đẩy, tôi lập gia đình và có hai con nhỏ, một trai và một gái. Chồng tôi là người ngoại đạo. Vì thế, tôi có nhiều vấn đề nên tinh thần không được thoải mái. Tôi luôn có ý tưởng muốn chết. Vì thế, tôi có tích trữ một số thuốc ngủ để lúc thuận tiện thì quyên sinh. Tôi thường than thở với Chúa như sau: “Chúa ơi, con là kẻ tàn tật, tinh thần không thoải mái, xin Chúa cất con về vì con không còn muốn sống nữa!”

Ngay đêm hôm ấy, tôi nằm mơ thấy Chúa Giêsu hiện ra với mạo gai trên đầu, đầu Ngài có đầy máu. Tôi tỉnh dậy với sự kinh hoàng. Sáng hôm sau, một chị bạn đến rủ tôi đi chợ trời. Tình cờ tôi thấy một tượng chuộc tội, đó là một cây Thánh Giá. Tôi chuộc tượng với giá 35 đô-la và đem tượng Chúa Giêsu về tặng cho em gái tôi là Như Mai, nhân dịp Mai khấn hứa làm hiệp sĩ cho Đức Mẹ Fatima.


Đó là ba giấc mơ của tôi: giấc mơ về Đức Mẹ Maria, Cha Thánh Giuse và Chúa Giêsu chịu khổ nạn. Tối hôm qua, khi vừa đến hành hương tại Medjugorje thì chân tôi còn đau vì ngồi trên máy bay quá lâu. Khi mọi người trong nhóm rủ tôi lên đồi Hiện Ra Podbrdo để dự một buổi Đức Mẹ Maria hiện ra với thị nhân Ivan thì tôi không muốn đi vì đau chân nên muốn ở nhà. Thấy tôi nghĩ vậy nên em Hiền khuyến khích tôi hãy nên đi gặp Đức Mẹ. Tôi bảo Hiền:
“Em ơi, chị đau chân như vậy thì làm sao mà leo đồi leo núi? Làm sao mà thấy được Đức Mẹ cơ chứ?”
Em Hiền đáp:
“Chị cứ đi đi! Em sẽ dắt chị lên đồi, chị đừng lo!”

Thế là cả nhóm chúng tôi cùng đi chung. Đến nơi, Hiền đưa tôi leo lên một vùng đồi hơi cao để có thể thấy rõ mọi sự. Rồi Hiền bảo tôi ngồi đó cầu nguyện, còn Hiền thì đi với nhóm lên tận đỉnh đồi cao hơn. Lúc ấy trời tối mờ mịt, tôi bèn ngồi đó cầu nguyện Chuỗi Mân Côi với mầu nhiệm Năm Sự Thương vì là ngày thứ sáu.

Khi đang cầu nguyện thì tôi nghe một đám người vỗ tay reo mừng, tôi liền lật đật quay mặt về hướng ấy thì thấy có một đám mây và một vầng sáng chói chang. Phản ứng đầu tiên là tôi ngạc nhiên. Khi nhìn kỹ thì tôi thấy Đức Mẹ Maria hiện ra rõ ràng. Tuy ở Medjugorje mà Đức Mẹ Maria lại hiện ra với tước hiệu Đức Mẹ La Vang, Mẹ Việt Nam.

Mẹ La Vang đội khăn đống màu vàng. Chúa Giêsu Hài đồng cũng đội khăn đống màu vàng. Mẹ bồng Chúa Giêsu ở trên tay trái. Tôi chiêm ngắm Mẹ và Chúa Giêsu một cách say sưa. Áo của Mẹ lóng lánh kim tuyến. Tôi quá vui mừng nên quỳ ngay xuống để tạ ơn Mẹ. Tôi ngây ngất và chỉ biết tạ ơn Mẹ mà không xin ơn lành. Tôi lẩm bẩm nói với Mẹ La Vang rằng:
“Mẹ ơi, Mẹ ơi, xin tạ ơn Mẹ! Mẹ ơi, tạ ơn Mẹ, con được thấy Mẹ rồi!”

Vâng, tôi đã thấy Mẹ La Vang bằng xương bằng thịt trước mắt tôi, nơi chân đồi Podbrdo, ở làng Medjugorje. Trong khi ấy, Mẹ đang hiện ra với nhóm cầu nguyện của thị nhân Ivan và với hàng chục ngàn người khách hành hương trên đỉnh đồi Podbrdo. Tạ ơn Mẹ thương đến thân phận hèn kém của con mà cho con được chiêm ngắm dung nhan Mẹ! Ave Maria!”

Xin Gặp Chúa Giêsu

Em chỉ là một đứa bé thuộc lớp người cùng đinh, người cò bơ cò bất, người bị xã hội bỏ rơi, nhưng xin hãy lắng nghe em kể câu chuyện sau đây:
Một hôm em nằm mơ thấy Chúa Giêsu đi ngang qua cửa nhà em, tuy chỉ là một mái tranh vách đất siêu vẹo. Vừa thấy Chúa, em vội vàng chạy theo Ngài.
Nghe tiếng chân em từ phía sau, Ngài liền quay mặt lại và đứng chờ em tiến bước tới.
Em run run lên tiếng hỏi:
Xin cho con được nói chuyện với Chúa.
Ngài trả lời:
Hãy nói đi hỡi người bạn nhỏ bé của Ta ơi.
Em ngạc nhiên khi thấy Ngài trả lời và gọi em là bạn, tuy em chỉ là đứa bé cùng đinh. Em lấy hết can đảm hỏi thêm:
Trong nhà của Chúa còn có chỗ cho con không?
Ngài vui vẻ trả lời:
Dĩ nhiên rồi, trong nhà của Ta còn rất nhiều chỗ.
Em đánh bạo hỏi thêm:
Xin Chúa cho con đi theo Chúa được không?
Ngài dang rộng hai tay và mỉm cười nói: Tại sao không, hãy đến với Ta hỡi người bạn nhỏ bé của Ta.
Sau cùng em đánh liều hỏi tiếp:
Xin cho con được ở gần bên Chúa luôn mãi được không?
Ngài âu yếm ôm em vào lòng và nói nhỏ vào tai em:
Tất nhiên rồi, con sẽ ở gần bên Ta luôn vì Ta thương yêu con.
Em sung sướng nhắm mắt dựa lòng vào Chúa và tự nhủ, Ngài đã trả lời với em như thế tuy em chỉ là đứa bé nghèo hèn thuộc lớp người cùng đinh.

Quí vị và các bạn thân mến,
Qua bao nhiêu thế hệ, vì tình thương Thiên Chúa luôn lặp lại lời hứa là Ngài sẽ sai Con Một Ngài xuống trần gian để cứu chuộc nhân loại. Lời hứa đó đã được lặp lại nhiều lần qua miệng các ngôn sứ trong Cựu Ước, được hoàn tất nơi Chúa Giêsu và còn tiếp tục được lặp lại qua Giáo Hội trong mọi thời đại nữa.
Chúa Giêsu đến rao giảng cho dân chúng một tin vui mừng đầy hy vọng, bất chấp mọi gian nan thử thách, Ngài mời gọi chúng ta đừng sợ nhưng hãy ngẩng cao đầu lên vì ơn cứu thoát đã tới gần.
Sách Kinh Thánh nhiều lần đã ghi lại lời hứa với dân riêng Ngài kén chọn, Ngài hứa với ông Abraham sẽ làm cho dòng dõi ông đông đảo như sao trên trời và như cát trên bãi biển. Qua miệng tiên tri Samuel, Thiên Chúa hứa với Vua David là từ dòng dõi Vua sẽ xuất hiện Ðấng Cứu Thế mà nhân loại hằng mong đợi và triều đại của Vua sẽ vô tận.
Tất cả lịch sử dân Do Thái là lời hứa nối dài của Thiên Chúa. Sở dĩ Ngài luôn lặp lại lời hứa đó là vì Ngài yêu thương dân Ngài và muốn giáo dục dân Ngài biết hướng lòng đợi chờ. Ngài luôn lặp lại lời hứa ban ơn cứu độ, cho dù con người thất trung chối bỏ ơn Chúa hoặc bất xứng với hồng ân cao cả của Ngài. Ngài đến tìm kiếm những người thấp hèn, nghèo khổ, bị bỏ rơi để họ cảm thấy được Thiên Chúa yêu thương.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là tâm điểm của lịch sử nhân loại, Chúa đã đến trần gian để nhóm lên ngọn lửa tình yêu giữa lòng nhân thế. Xin Chúa hun nóng tình yêu Chúa trong tâm hồn con để con biết vững lòng hy vọng, trông chờ và biết nhận ra khi Chúa đến mỗi ngày trong cuộc sống con. Amen.
R. Veritas

Ngọc Nga sưu tầm