Pages

16/9/09

Luyện Ngục: Nơi Huyền Bí Của Các Linh Hồn

Cuộc Phỏng Vấn Của Sơ Emmanuel Với Bà Maria Simma,
Người Được Tiếp Xúc Với Các Linh Hồn Trong Luyện Ngục

Tác giả: Soeur Emmanuel

CHƯƠNG 1
CUỐN SÁCH LẤP ĐẦY KHOẢNG TRỐNG
lu-nguc-2Một ngày kia, tôi thích thú đọc một cuốn sách nói về các linh hồn trong Luyện Ngục. Cuốn sách này đã gây cho tôi một ấn tượng sâu đậm, bởi vì nó liên quan đến những chứng từ tôi mới đọc, và nó đã giải thích rất rõ ràng về giáo huấn của Giáo Hội. Đó là cuốn “Các linh hồn trong Luyện Ngục nói với tôi” của bà Maria Simma. Liền sau đó, tôi gọi cho chủ bút được biết là bà Maria Simma vẫn còn sống. Tôi lập tức liên lạc với bà, và bà bằng lòng cho gặp để giúp tôi trả lời nhiều câu hỏi cần được giải đáp.
Tôi rất mừng vì mỗi lần có cơ hội nói chuyện hay giảng thuyết về các linh hồn trong Luyện Ngục, tôi nhận thấy đề tài về các linh hồn trong Luyện Ngục thì mênh mông đối với các thính giả. Thường thì họ năn nỉ tôi: “Hãy nói cho chúng tôi những chuyện về các linh hồn..” Tôi thấy rõ ràng đây là đề tài cần thiết mà họ khao khát được biết, một sự khao khát để biết về những gì đang chờ đón chúng ta, chờ đón mỗi người sau khi chết.
Trên thực tế những điều này rất ít khi được giảng dạy trong các giáo xứ, trong các lớp giáo lý, hay bất cứ nơi nào khác. Bởi vậy đó là một khoảng trống to lớn, một sự thiếu sót vì chắc chắn sẽ có đau khổ xảy đến trong giờ phút cuối đời của chúng ta.
Bởi vậy, cuốn sách này sẽ giúp chúng ta tránh khỏi những thống khổ trong Luyện Ngục. Nó cho chúng ta ánh sáng, hy vọng, và hiểu được chương trình của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Để từ đó, nó sẽ là điều tốt lành, huy hoàng, và xứng đáng cho chúng ta. Đồng thời chúng ta cũng có đầy quyền năng trong tay để giúp các linh hồn đã ra đi gặp được nguồn hạnh phúc, và giúp chúng ta cũng có hạnh phúc đời này nữa.
Bà Maria Simma bây giờ đã 82 tuổi.* Bà sống một mình trong một căn nhà nhỏ ở Sonntag, một ngôi làng rất đẹp tại dãy núi Vorarlberg ở Áo, và tôi đã được gặp bà tại đó. *(Cuốn sách này xuất bản năm 1997. Hiện nay bà đã qua đời).
Maria Simma là ai?
Bà là một người đơn sơ mộc mạc sống ở thôn quê. Ngay hồi nhỏ bà đã luôn tha thiết cầu nguyện cho các linh hồn trong Luyện Ngục. Khi 25 tuổi, bà nhận được một đặc sủng rất đặc biệt, rất khác thường. Đó là ơn: Bà được các linh hồn trong Luyện Ngục viếng thăm. Bà là một tín đồ ngoan đạo, nhiệt thành và khiêm nhường. Đây là điều đã gây cảm xúc cho tôi rất nhiều. Cha sở của bà và giám mục họ đạo đó đều khích lệ nhiệm vụ của bà. Tuy được đặc sủng phi thường nhưng bà sống rất nghèo khó. Thí dụ, trong căn phòng nhỏ của bà không đủ chỗ xoay trở những chiếc ghế dành cho chúng tôi.
Một đặc sủng phi thường? Vâng, đặc sủng rõ ràng xuất phát từ lòng Giáo Hội. Nhiều vị thánh đã thực hành đặc sủng này– dù được phong thánh hay không - Tôi có thể nhắc lại là Thánh Gertrude, thánh Catherine thành Genoa, người đã viết nhiều về đề tài này, Thánh Maryam Giêsu, Thánh Magaret Mary của Paray-le-Monial, người đã thấy thị kiến Thánh Tâm Chúa Giêsu, vị Curé họ Ars, thánh Faustina, Thánh John Bosco, chân phước Maryam ở Bethlem, v.vv..
Một cuốn sách đã viết nhiều về đề tài này, thật ra đã nhiều sách viết về nó. Khi nhìn kỹ vào những giảng dạy của các thánh, chúng tôi thấy tất cả đều nói giống nhau. Và đối với Maria Simma thì bà chỉ khơi lại những chứng cớ tuyệt vời của các thánh mà thôi.
Do đó, tôi đã không ngần ngại phỏng vấn bà, vì bà là người đang sống trong thời đại chúng ta nên rất lợi ích cho chúng tôi để thực hành chuyện này. Bạn có thể tưởng tượng rằng tôi đã hỏi bà rất nhiều câu hỏi. Rất tiếc là bà không nói được một câu tiếng Pháp nào, vì lý do này mà tôi phải có một thông ngôn giúp đỡ.
Để những câu hỏi được rõ ràng ngắn gọn, tôi sẽ tóm tắt những câu trả lời của bà, và tôi sẽ đưa ra nguyên văn những ngôn từ của bà. Ở đây, tôi cũng đóng góp thêm vài ý tưởng của tôi nữa.
***
CHƯƠNG 2
CUỘC PHỎNG VẤN VỚI MARIA SIMMA
Lần đầu tiên
H. Maria, bà có thể nói cho chúng tôi biết về lần đầu tiên bà được một linh hồn tới viếng thăm không?
Đ. Vâng, đó là năm 1940. Trong một đêm khuya, khoảng chừng 3:00 hay 4:00 sáng, tôi nghe có tiếng chân người bước vô phòng ngủ của tôi. Tiếng động này đã đánh thức tôi dậy. Tôi nhìn lên xem ai là người đã bước vô phòng tôi.
H. Bà có sợ không?
Đ. Không, tôi không sợ tý nào. Ngay khi còn nhỏ mẹ tôi thường nói: tôi là môt đứa trẻ đặc biệt bởi vì tôi không bao giờ biết sợ hãi là gì.
H. Và đêm đó thì sao, xin kể cho chúng tôi biết?
Đ. Ồ, tôi thấy một người rất lạ, ông ta chậm rãi đi tới đi lui trong phòng tôi. Tôi nghiêm giọng nói: “Làm cách nào ông vào được đây? Đi ra ngay!” Nhưng ông vẫn tiếp tục bước một cách thiếu kiên nhẫn, giống như chẳng nghe gì cả. Tôi hỏi một lần nữa: “Ông làm gì vậy?” Nhưng ông vẫn không trả lời. Tôi nhảy ra khỏi giường, ráng nắm lấy ông, nhưng tôi nắm vào khoảng không. Tôi trở lại giường, và rồi tôi lại nghe bước chân đi tới đi lui.
Kinh ngạc, tôi tìm cách để thấy được mặt ông ta nhưng không sao nắm được ông. Tôi đứng lên lần nữa để túm lấy ông, không cho đi tới đi lui như vậy, nhưng một lần nữa tôi lại nắm vào không khí.
Bối rối tôi trở lại giường. Ông ta cũng đi mất nhưng tôi thì không sao ngủ được nữa.
Sau Thánh Lễ ngày hôm sau, tôi đi gặp cha linh hướng và kể lại cho ngài nghe tất cả tự sự. Ngài nói, nếu còn xảy ra nữa thì hãy hỏi: “Ông là ai, và ông muốn tôi làm gì cho ông?”
Đêm kế đó, ông ta lại trở lại. Tôi hỏi ông: “Ông muốn tôi làm gì cho ông?” Ông trả lời: “Hãy xin cho tôi ba Thánh Lễ để tôi được giải thoát khỏi Luyện Ngục.”
Như vậy tôi hiểu rằng đó là một linh hồn từ Luyện Ngục. Cha linh hướng của tôi cũng xác nhận như vậy. Ngài khuyên tôi không bao giờ nên bỏ rơi các linh hồn, và nên giúp đỡ họ với tấm lòng quảng đại mỗi khi họ yêu cầu điều gì.
H. Sau đó, cuộc viếng thăm vẫn tiếp tục chứ?
Đ. Phải, trong nhiều năm. Có khi ba hay bốn linh hồn tới tìm, nhiều nhất là trong Tháng Mười Một. Và sau đó thì có nhiều linh hồn tới hơn nữa.
***
MỘT VẾT THƯƠNG TÌNH YÊU
H. Những linh hồn này họ đòi hỏi những gì thưa bà?
Đ. Đa số những trường hợp như vậy thì họ đều yêu cầu xin lễ cho họ, và xin tôi hiện diện trong các Thánh Lễ đó. Họ cũng xin lần hạt Mân Côi và ngắm Đàng Thánh Giá cho họ.
Ý kiến của sơ Emmanuel:
Đến đây, một câu hỏi quan trọng được đặt ra: Luyện Ngục là gì? Tôi có thể nói đó là một nơi sáng tạo tuyệt vời của Thiên Chúa. Tôi xin trưng ra một hình ảnh thế này:
“Tưởng tượng một ngày nào đó một cánh cửa mở ra, có một Đấng đẹp tuyệt vời, đẹp vô biên, đẹp lộng lẫy, huy hoàng xuất hiện. Ngài đẹp như chưa bao giờ bạn thấy có ai đẹp như Ngài trên trần thế. Bạn bị thôi miên bởi vẻ đẹp đó, thu hút bởi ánh sáng đó. Ngài tỏ ra yêu bạn mãnh liệt như chưa bao giờ bạn được ai yêu đến thế. Bạn cảm thấy Ngài khao khát kéo bạn về với Ngài, làm một với Ngài. Ngọn lửa tình đó làm cháy nóng con tim bạn, nó làm cho bạn phải lăn xả vào cánh tay yêu thương của Ngài.
“Nhưng khoan, trong giây phút đó bạn chợt nhận ra đã bao năm tháng rồi bạn chưa tắm rửa, con người bạn hôi hám; mũi rãi thòng lòng, đầu bù, tóc rối, dơ bẩn, quần áo nhơ nhớp v.v.. Bạn tự nhủ: “Không, ta không thể hiện diện trong tình cảnh này được. Trước tiên ta phải đi tắm gội, phải làm sạch sẽ trước khi đến trình diện với Ngài.”
“Nhưng tình yêu đã nảy sinh trong tim bạn quá mạnh, quá nóng, quá căng thẳng nồng say, và sự chờ đợi tắm gội này hoàn toàn làm cho bạn không thể chịu đựng nổi. Bạn đau khổ vì sự vắng mặt dày vò bạn, mặc dù chỉ trong vài phút giây ngắn ngủi. Từ đó tạo nên một vết thuơng rất to lớn trong trái tim bạn, làm cho cường độ tình yêu càng mãnh liệt hơn, vì đó là “vết thương tình yêu”.
Luyện Ngục là một nơi giống vậy. Đó là sự chậm trễ của lòng thiếu trong sạch nơi ta, một sự chậm trễ không được ở trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa, một vết thương của tình yêu nó làm cho sự đau khổ tràn đầy dâng cao, một sự đợi chờ, một nỗi nhớ thương ray rứt vì yêu. Đây là một cháy nóng, một khao khát để thanh tẩy chúng ta về những gì vẫn chưa được sạch. Luyện ngục là nơi thèm khát Chúa căng nồng, khao khát khi chúng ta đã được biết Ngài, khi đã thấy Ngài nhưng đau khổ vì tình yêu chưa được kết hợp.
Bây giờ tôi muốn hỏi bà một yếu tố cần được sáng tỏ:
H. Thưa bà, các linh hồn trong luyện ngục có hy vọng, có niềm vui trong sự thống khổ đó không?
Đ. Có chứ, không một linh hồn nào muốn rời khỏi Luyện Ngục để trở về trái đất. Họ biết nhiều về thế giới vô hình hơn chúng ta. Họ không hề muốn trở lại trong sự tối tăm của trần gian.
Ở đây chúng ta thấy sự khác biệt giữa đau khổ trong Luyện Ngục và đau khổ trên trái đất. Trong Luyện Ngục, mặc dù nỗi đau khổ của họ khủng khiếp nhưng họ chắc chắn là sẽ có ngày được sống với Chúa muôn đời muôn kiếp. Họ biết chắc điều đó không hề đổi dời. Niềm vui của họ cao hơn sự đau khổ của họ. Không có gì trên trái đất có thể làm cho họ quay trở về trần gian lần nữa, bởi vì trên trái đất không có gì chắn chắn cả.
H. Thưa bà, bà có thể nói cho chúng tôi biết là Thiên Chúa gửi một linh hồn xuống Luyện Ngục hay là họ tự ý quyết định xuống đó?
Đ. Chính linh hồn ấy muốn xuống đó để được thanh tẩy trước khi về Thiên Đàng. Các linh hồn trong Luyện Ngục hiểu Thánh Ý Thiên Chúa; họ vui mừng trong sự tốt lành, họ mong muốn sự tốt lành và họ yêu mến nhiều: Họ yêu mến Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Họ hoàn toàn kếp hợp với Thần khí Thiên Chúa và trong ánh sáng của Ngài.
H. Bà Maria, trong giờ chết con người thấy Thiên Chúa trong ánh sáng toàn vẹn hay chỉ là bóng mờ?
Đ. Họ thấy Ngài trong bóng mờ, nhưng giống nhau thôi, vì ánh sáng đủ để họ thấy Chúa, để họ khao khát Ngài.
Thực tế, đó là thứ ánh sáng huy hoàng nếu so sánh với bóng tối trần gian. Và cũng không có gì có thể so sánh được với thứ ánh sáng của linh hồn khi biết rằng mình tới Thiên Đàng. Ở đây chúng tôi chỉ đưa ra chút cảm nghĩ về ‘những cảm nghiệm sau khi chết’ thôi. Linh hồn lúc đó bị thu hút bởi ánh sáng này, và rất đau khổ cho linh hồn ấy khi phải trở lại trái đất, trở lại thân xác của mình sau khi đã cảm nghiệm được sự tuyệt vời đó.
***
BÁC ÁI ĐỀN BÙ MỌI TỘI LỖI
H. Maria, bà có thể nói cho chúng tôi biết vai trò của Đức Mẹ đối với các linh hồn trong Luyện Ngục không?
Đ. Đức Mẹ tới đó thường xuyên để an ủi và khuyến khích họ, Mẹ nói cho họ biết là họ đã làm nhiều điều tốt.
H. Những ngày lễ nào là ngày đặc biệt Đức Mẹ xuống đó để giải thoát cho họ?
Đ. Những lễ như Giáng Sinh, lễ Các Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, và lễ Chúa Giêsu Lên Trời.
H. Tại sao các linh hồn xuống Luyện ngục? Và những tội nào dẫn họ xuống đó?
Đ. Những tội phạm đến đức bác ái, chống lại tình yêu dành cho tha nhân, trái tim cứng như đá, thái độ thù nghịch, vu khống, nói hành, nói xấu, tất cả là những tội này.
H. Nói về những tánh xấu thì nói hành, nói xấu vu cáo là những tội nặng nề nhất, và nó sẽ đòi hỏi sự đền tội lâu nhất phải không?
Đ. Đúng vậy!
Bà Maria kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện đã làm cho bà ngạc nhiên không ít, tôi cũng muốn chia sẻ với các bạn.
“Có người tới hỏi bà Maria về một người đàn ông và một thiếu phụ xem hai người này có ở trong Luyện Ngục không?
Đây là điều làm cho người đặt câu hỏi này phải sững sờ vì ‘người thiếu phụ’ đã về Thiên Đàng, còn ‘người đàn ông’ vẫn bị giam trong Luyện Ngục. Thực tế, người thiếu phụ qua đời trong lúc đang phá thai, và người đàn ông khi sống thường đi lễ. Ông là một tín đồ ngoan đạo.
Thấy vậy bà Maria bèn tìm hiểu thêm vì bà nghĩ có thể bà lầm lẫn, song đó là sự thật. Hai người này chết cùng một lúc nhưng người thiếu phụ trong giờ chết đã ăn năn hối cải, và khiêm nhường; người đàn ông khi sống thì luôn chỉ trích mọi người, ông luôn phàn nàn và nói xấu kẻ khác. Bởi vậy ông đã phải giam cầm trong Luyện Ngục lâu hơn. Bà Maria kết luận: “Chúng ta không thể xét đoán theo bề ngoài được.”
Những tội phạm tới đức bác ái là từ chối giúp đỡ những kẻ chúng ta không ưa thích, từ chối không làm hòa, từ chối không tha thứ, và chất chứa những cay đắng trong tâm hồn.
Bà Maria cũng minh họa về điểm này với một thí dụ khác để giúp chúng ta suy nghĩ:
“Đó là câu chuyện của một thiếu phụ mà bà Maria biết về bà ta rất nhiều. Người chết bị giam ở tầng thấp nhất dưới Luyện Ngục đau đớn khủng khiếp. Khi hiện về với bà Maria, thiếu phụ đã giải thích lý do thế này: ‘Khi còn sống bà có một bạn gái; giữa họ có một mối thù do bà gây ra. Bà sống trong hận thù kéo dài lâu năm, mặc dù người bạn của bà đã bao lần xin bà tha thứ. Nhưng mỗi lần như vậy bà đều từ chối. Khi lâm trọng bịnh, bà vẫn tiếp tục đóng kín cửa tâm hồn không tha thứ cho người bạn của bà, ngay cả lúc gần kề cái chết.”
Lời nói của chúng ta dễ gây tai hại cho mình và cho người khác. Chúng ta không bao giờ biết về hậu quả của những lời nói ác độc giết người, vì nó có thể giết người khác, những cay đắng chỉ trích đủ để giết người, nhưng ngược lại cũng có những lời tốt lành sẽ đem lại sự chữa lành.
H. Bà Maria, xin nói cho chúng tôi biết: ai là những người có cơ hội về thẳng Thiên Đàng?
Đ. Những người có một trái tim nhân hậu với tất cả mọi người, vì tình yêu xóa bỏ mọi lỗi lầm.
- Vâng, Thánh Phao đã nó cho chúng ta biết điều này.
H. Chúng ta phải làm gì trong cuộc sống này để được về thẳng Thiên Đàng thưa bà?
Đ. Giúp đỡ các linh hồn trong Luyện Ngục, và họ sẽ trả ơn cho chúng ta. Sống khiêm tốn vì đây là vũ khí mạnh nhất để chống lại với thần dữ, với Satan. Đức khiêm tốn đánh bại bọn quỉ dữ.
Tôi không thể không nói cho các bạn nghe câu chuyện của linh mục Berlioux. Ngài đã viết một cuốn sách rất hay về các linh hồn trong Luyện Ngục. Câu chuyện có liên quan đến vấn đề giúp đỡ các linh hồn, và linh hồn này đã được về Thiên Đàng do những lời cầu nguyện và đau khổ của kẻ khác dâng cho bà.
Ngài kể về một phụ nữ đã dâng cuộc đời mình để cứu các linh hồn trong Luyện Ngục và luôn cầu nguyện cho các linh hồn:
“Có một người trong giờ chết bị tấn công dữ dội do bầy quỉ dữ, hầu như cả một thiên binh của chúng hợp lại bao vây để đánh bà trận cuối cùng vì chúng thấy bà sẽ vuột ra khỏi bàn tay chúng.
“Kẻ hấp hối cố gắng tranh đấu khủng khiếp trong giờ phút lâm chung. Thình lình bà thấy trong phòng hiện ra một đám người lạ vô cùng đẹp đẽ, sáng ngời đánh đuổi bầy quỉ dữ và tới bên giường an ủi bà và khích lệ bà. Trong niềm vui tột cùng, bà la lên: “Các người là ai? Tại sao các người làm cho tôi điều tốt vậy?”
“Những người lạ trả lời: “Chúng tôi là những chư dân trên Thiên Đàng, là những người đã được bà giúp đỡ để được hưởng chân phúc. Với sự biết ơn, chúng tôi trở lại đây để giúp bà qua khỏi nơi đau khổ này để đem bà tới niềm vui của Thành Thánh.”
“Nghe những lời này, một nụ cười rạng rỡ nở trên môi người hấp hối, mắt bà nhắm lại đi vào giấc ngủ bình an của Chúa. Linh hồn bà trong sáng như chim câu trắng ngời hiện diện trước Thánh Nhan Chúa. Đó là nhờ sự bầu cử và phù trợ của các linh hồn mà khi sống bà đã luôn cầu nguyện cho họ. Bà đã bước đi trong chiến thắng, giữa những tiếng vỗ tay reo mừng và chúc lành của các linh hồn mà bà đã giải thoát họ khỏi Luyện Ngục. Mong rằng một ngày nào đó, chúng ta cũng được hưởng nguồn hạnh phúc này.”
Những linh hồn được giải thoát qua lời cầu nguyện của chúng ta, họ mang ơn chúng ta rất nhiều: họ sẽ giúp đỡ chúng ta trong cuộc sống này, chúng ta có thể cảm nhận được điều đó. Chắc chắn họ sẽ giúp chúng ta, họ biết những nhu cầu thiếu thốn của chúng ta, và họ sẽ xin nhiều ơn lành cho chúng ta.
H. Thưa bà, tôi đang nghĩ tới người trộm lành bị đóng đinh kế bên Chúa Giêsu trên Cây Thánh Giá. Tôi muốn biết người này đã làm gì để Chúa Giêsu hứa ban nước Thiên Đàng cho vậy?
Đ. Ông khiêm nhường chấp nhận sự đau đớn của mình, và nói rằng đó là công lý. Ông đã khuyên người trộm kia chấp nhận như ông. Ông có lòng kính sợ Chúa, có nghĩa là khiêm nhường.
Sau đây là một thí dụ có liên quan đến bà Maria cho thấy một việc thiện có thể cứu cả một đời tội lỗi. Hãy nghe Maira kể lại câu chuyện của bà như sau:
“Tôi biết một thanh niên khoảng 20 tuổi, sống trong một ngôi làng gần đây. Anh đã chết vì những trận tuyết lở mà trước đó đã chon vùi bao người.
“Một tối anh đang ở trong nhà cha mẹ anh, lúc đó có một trận tuyết đang đổ xuống. Anh bỗng nghe một tiếng la thất thanh: “Cứu chúng tôi, cứu chúng tôi với, chúng tôi đang bị vùi trong tuyết…”
“Không ngần ngại anh nhảy ra khỏi giường, chạy xuống nhà dưới để đi cứu những người đang gặp nạn. Mẹ anh cũng nghe thấy tiếng la, nhưng không muốn cho anh ra khỏi nhà; bà chận cửa nói: ‘Hãy để những người khác đi cứu họ, ngoài đó nguy hiểm quá, mẹ không muốn con chết..’ Nhưng anh đau lòng trước tiếng kêu la, anh muốn cứu những nạn nhân này; anh gạt bà qua một bên nói: ‘Con phải đi! Con không thể để họ chết như vậy được.’ Anh ra đi, và rồi chính anh trên đường đi cũng bị giết dưới trận tuyết đó.”
“Ba ngày sau khi chết, anh về viếng tôi trong một đêm nói : “Hãy xin cho tôi 3 Thánh Lễ, vì qua những Thánh Lễ này tôi sẽ được ra khỏi Luyện Ngục.” Tôi liền đi thông báo cho gia đình và bạn bè anh biết. Họ sững sờ nghĩ, với ba Thánh Lễ là anh được giải thoát khỏi Luyện Ngục sao? Bạn của anh nói với tôi: “Ồ tôi không muốn hành động như anh ta để tìm cái chết đâu, vì bà không biết được những chuyện anh đã làm”.
“Nhưng linh hồn thanh niên này nói với tôi: “Bà biết không, tôi hy sinh mạng sống vì yêu mến những người này, để cám ơn tôi Chúa đã hân hoan đón tôi vô nhà Chúa một cách mau chóng. Vâng, bác ái tha thứ mọi lỗi lầm..”
Câu chuyện trên đây cho thấy chỉ cần một hành vi bác ái vì yêu thương cũng đủ để tẩy sạch tội lỗi của người thanh niên có một đời sống trụy lạc. Thiên Chúa đã làm cho giờ phút đó thành nguồn yêu thương. Bà Maria còn thêm rằng, người thanh niên đó nếu còn sống chưa hẳn đã có cơ hội để làm việc thiện, có thể làm điều xấu không chừng. Với Lòng Thương Xót Chúa, Ngài đã cất anh ta về trong lúc anh có nghĩa cử cao vời như vậy thì lúc anh đến trước tòa Chúa anh là người đẹp nhất, trong sạch nhất vì nghĩa cử yêu thương đó.
Điều quan trọng là trước ngưỡng cửa của sự chết, hãy bỏ mình mà vâng phục Thánh ý Chúa.
Maria kể cho tôi hay trường hợp của một bà mẹ có 4 người con, bà sắp chết. Thay vì lo lắng cưỡng lại Thánh Ý thì bà nói với Chúa: “Lạy Chúa, con chấp nhận cái chết theo Thánh ý Ngài, con đặt sự sống con nơi bàn tay Chúa. Và con phó thác những đứa con của con cho Chúa vì con biết Chúa sẽ lo cho chúng.”
Bà Maria nói: vì người này hoàn toàn tín thác nơi Chúa nên đã được về thẳng Thiên Đàng, không phải qua Luyện Ngục.
Như vậy, chúng ta có thể nói rằng, yêu thương, khiêm nhường, và đầu phục Thiên Chúa là ba yếu tố căn bản cho chúng ta bay thẳng về nước trời vậy.
***
DÂNG THÁNH LỄ CHO CÁC LINH HỒN
H. Thưa bà, bà có thể nói cho chúng tôi biết phương pháp nào hữu hiệu nhất để giúp đỡ các linh hồn không?
Đ. Thánh Lễ là phương pháp hay nhất.
H. Tại sao lại là Thánh Lễ?
Đ. Bởi vì Chúa Giêsu đã hiến tế chính mình vì yêu thương chúng ta. Chính Ngài là hy tế, là của lễ đền bồi dâng lên Thiên Chúa Cha, một của lễ cao vời nhất. Linh mục là đại diện của Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu tự hiến mình trên bàn thờ để làm của lễ đền tội cho nhân loại. Phương thức tốt nhất cho các linh hồn là Thánh Lễ. Và hay nhất là những người tha thiết với Thánh Lễ trong đời sống của họ. Nếu họ dự Thánh lễ và cầu nguyện với trái tim họ. Nếu họ đi lễ hằng ngày, họ sẽ lãnh được vô vàn lợi ích qua Thánh Lễ để cầu nguyện cho các linh hồn. Sau đây là một câu chuyện về Thánh Lễ đối với các linh hồn:
“Một linh hồn khi chết thấy rõ mọi sự trong ngày tang lễ của mình. Linh hồn đó biết ai là người cầu nguyện cho mình, ai là người gỉả hình muốn chứng tỏ là mình có mặt ở đó.. Các linh hồn nói ‘nước mắt’ không lợi ích gì cho họ mà chỉ có những lời cầu nguyện. Họ phàn nàn, thường khi dự đám tang những người sống không chịu cầu nguyện cho họ mà chỉ có những giòng nước mắt, nước mắt không đem lại lợi ích cho họ.
Liên quan tới Thánh Lễ, tôi sẽ trích một đoạn về bài giảng của cha sở họ Arc. Ngài nói:
“Các con thân mến!
“Một linh mục thánh thiện kia cảm thấy buồn đau khi mất một người bạn mà ngài vô cùng thương mến. Ngài đã cầu nguyện rất nhiều để giải thoát cho linh hồn bạn mình.
“Rồi một ngày Chúa tỏ cho ngài biết là linh hồn bạn của ngài đang trong Luyện Ngục và linh hồn đó rất đau khổ. Vị linh mục này tin rằng mình không thể làm gì tốt hơn là dâng Thánh Lễ cho người bạn thân thương của mình. Trong giây phút thánh hiến bánh, rượu. Ngài cầm bánh trong tay và nói: ‘Lạy Cha Chí Thánh, con xin trao đổi một điều kiện. Cha đang cầm giữ linh hồn người bạn con trong Luyện Ngục, và con đang cầm trong tay Hình hài Con Yêu Dấu Cha. Lạy Cha nhân lành và thương xót vô biên, xin Cha giải thoát linh hồn người bạn con. Con xin Dâng Cha người Con của Cha với tất cả công nghiệp cái chết và cuộc tử nạn đau thương của Người.’
“Lời yêu cầu đã được Chúa ghé mắt. Thực tế, trong lúc nâng bánh lên cao thì ngài thấy linh hồn bạn mình sáng chói trong vinh quang bay thẳng về Thiên Đàng; Thiên Chúa đã chấp nhận điều kiện của ngài.
“Các con thân mến! Khi chúng ta muốn giải thoát một linh hồn thân thương của chúng ta trong Luyện Ngục, hãy làm giống vậy. Hãy dâng lên Chúa sự hiến tế của con yêu dấu Người với tất cả những công nghiệp cái chết và cuộc từ nạn của Người. Thiên Chúa sẽ không thể từ chối một điều gì.”
***
ĐỪNG PHÍ PHẠM NHỮNG KHỔ ĐAU TRÊN TRÁI ĐẤT
Nhiều phương cách khác cũng đầy quyền lực có thể giúp các linh hồn là dâng hiến những đớn khổ của chúng ta, những sự đền tội như ăn chay, bỏ mình v.v. và dĩ nhiên cả những đau đớn như bịnh tật hay phiền muộn khóc than.
H. Thưa bà Maria, bà đã được mời gọi nhiều lần chịu đau khổ cho các linh hồn để giải thoát cho họ. Bà có thể kể cho chúng tôi những kinh nghiệm mà bà gánh chịu trong thời gian đó không?
Đ. Lần đầu tiên, một linh hồn hiện về yêu cầu nếu tôi có thể chịu đau đớn trên thân xác để đền tội cho bà ấy trong ba tiếng đồng hồ, sau đó tôi có thể làm việc trở lại. Tôi tự nhủ: “Nếu chỉ ba tiếng thì tôi chấp nhận.” Trong thời gian ba tiếng đó, tôi có cảm tưởng như ba ngày dài thật đau đớn. Cuối cùng tôi nhìn đồng hồ thì thấy chỉ có ba tiếng thôi. Linh hồn đó nói với tôi, vì tôi đã chấp nhận sự đau đớn với tấm tình yêu thương nên đã giúp bà thoát khỏi cảnh giam cầm 20 năm dài trong Luyện Ngục.
H. Vâng thưa bà, nhưng tại sao bà đau đớn chỉ ba tiếng đồng hồ mà linh hồn đó tránh được 20 năm trong Luyện Ngục? Bà đã đau đớn như thế nào?
Đ. Đau khổ trên trái đất và trong Luyện Ngục giá trị không giống nhau. Trên trái đất, khi đau khổ, chúng ta có thể gia tăng trong tình yêu, có thể tạo công nghiệp, nhưng dưới Luyện Ngục thì không được vậy. Trong Luyện Ngục đau khổ là để thanh tẩy tội lỗi. Trên trái đất, chúng ta gặt hái được muôn ân sủng. Chúng ta có tự do để chọn lựa.
Tất cả những điều này đầy khích lệ để cho chúng ta hiểu thêm ý nghĩa của sự đau khổ. Nếu chúng ta biết dâng lên Chúa sự đau khổ, tự nguyện hay không tự nguyện, ngay cả sự hy sinh nhỏ bé nhất. Đau khổ hay bịnh tật, tiếc thương, hay thất vọng…nếu chúng ta chịu đựng với sự kiên nhẫn, đón nhận với lòng khiêm nhường những đau khổ này thì chúng ta có đầy quyền năng để giúp đỡ các linh hồn.
Bà Maria nói, cách tốt nhất là kết hợp nỗi đau khổ của chúng ta với sự đau đớn của Chúa Giêsu, bằng cách đặt vô bàn tay của Mẹ Maria. Mẹ là người biết rõ cách xử dụng các sự đau khổ của chúng ta, vì thông thường chúng ta không biết những nhu cầu cần thiết xung quanh mình. Dĩ nhiên Mẹ sẽ trả lại cho chúng ta vào giờ lâm chung.
Bạn thấy đó, những đau khổ dâng lên Chúa sẽ là những kho tàng vô giá cho những linh hồn ở thế giới bên kia. Chúng ta hãy nhắc nhở nhau vấn đề này và khuyến khích nhau khi gặp đau khổ.
***
CẦU NGUYỆN
Bà Maria cũng nói một phương cách khác rất hiệu nghiệm là Ngắm Đàng Thánh Giá, bởi vì khi chiêm niệm sự đau khổ của Chúa, chúng ta sẽ gớm ghét tội lỗi, sẽ khao khát phần rỗi cho tha nhân. Đây là chiều hướng phát xuất từ con tim sẽ giúp cho các linh hồn rất nhiều. Đồng thời Đàng Thánh Giá sẽ dẫn chúng ta tới sự ăn năn thống hối, chúng ta thống hối khi đối diện với tội lỗi xấu xa.
Một điều khác rất hữu ích cho các linh hồn trong Luyện Ngục là Lần 15 Mầu Nhiệm Mân Côi cho các linh hồn. Mỗi năm các linh hồn được giải thoát rất nhiều qua Kinh Mân Côi. Cần phải đọc Kinh Mân Côi cho các linh hồn vì nhờ kinh Mân Côi Đức Mẹ xuống Luyện Ngục giải thoát cho họ. Đây là điều tuyệt vời vì các linh hồn gọi Mẹ là Mẹ Lòng Thương Xót.
Các linh hồn còn nói với bà Maria rằng các ân xá đối với họ có giá trị liên thành để giải thoát họ. Nhiều khi thấy tàn nhẫn vì chúng ta không áp dụng kho tàng quí giá mà Hội Thánh đặt ra để làm lợi ích cho các linh hồn.
Đề tài về ân xá rất dài dòng nên không thể giải thích ở đây nhưng tôi có thể giới thiệu cho bạn những tài liệu mà Đức Giáo Hoàng Phaolồ VI viết vào năm 1968. Bạn có thể hỏi cha sở của bạn hay tìm mua ở các nhà sách Công Giáo.
Tóm lại có thể nói phương cách giúp đỡ các linh hồn trong Luyện Ngục là cầu nguyện, bao gồm đủ mọi lời cầu nguyện.
Ở đây tôi cũng muốn chia sẻ với các bạn một tích truyện của ông Hermann Cohen, một nghệ sĩ người Do Thái đã được trở lại đạo Công Giáo năm 1864. Ông bỏ thế gian để vô một tu viện khó nghèo. Ông rất tôn sùng phép Thánh Thể và thường xuyên viếng Thánh Thể. Trong lúc chầu Thánh Thể, ông thường xin Chúa hoán cải mẹ ông, người mẹ mà ông thương yêu tha thiết. Nhưng rồi bà chết trong khi chưa được hoán cải. Ông bịnh vì buồn đau. Ông phủ phục trước bàn thờ Chúa với cõi lòng tan nát và cầu nguyện: “ Lạy Thiên Chúa của con, con nợ Ngài quá nhiều, đó là sự thật. Nhưng con đâu chối từ Chúa điều gì? Con đã dâng Ngài tuổi trẻ, những hy vọng thế gian, sức khỏe, niềm vui gia đình, sự hy sinh, tất cả khi Chúa gọi con. Và lạy Chúa, Đấng nhân lành Hằng Hữu, Chúa hứa trả lại 100 lần hơn cho những ai từ bỏ vì Chúa, vậy mà Chúa từ chối linh hồn mẹ con. Lạy Chúa, con không chịu nổi cuộc tử đạo này.” Ngài khóc nức nở. Thình lình một giọng huyền bí vang bên tai: “Hỡi con người kém tin! Mẹ của con đã được cứu. Hãy biết rằng tất cả những lời cầu nguyện đều đầy quyền năng trước mặt Ta. Ta đã gom tất cả những lời cầu nguyện của con dâng lên Ta, dành cho mẹ con, và Đấng Quan Phòng đã đến với mẹ con trong giờ phút cuối đời. Ta tới với bà, bà thấy Ta khóc lóc nói: “Lạy Thiên Chúa là Chúa con..!”
Hãy can đảm lên, mẹ con đã được thoát cảnh hỏa hào. Những kinh nguyện sốt sắng của con sẽ giải cứu bà trong sự ràng buộc của Luyện Ngục.”
Sau đó linh mục Hermann Cohen đã thấy được thị kiến thứ hai là mẹ của ngài đã bay về Thiên Đàng.
Tôi đề nghị các bạn hãy cầu nguyện 15 Kinh Nguyện của Thánh Bridget, vì kinh nguyện này giúp ích rất nhiều cho các linh hồn.
Tôi xin nói thêm một yếu tố quan trọng là: Các linh hồn trong Luyện Ngục không thể làm gì cho họ được, họ hoàn toàn bất lực. Nếu những người còn sống không cầu nguyện cho họ, họ hoàn bị bỏ rơi. Bởi vậy, hãy nhận thức cái quyền năng cao cả của lời cầu nguyện, vì đó là quyền lực mà mỗi người chúng ta có trong bàn tay để giải thoát cho các linh hồn đang phải đau khổ.
Chúng ta không cần phải suy nghĩ tới hai lần khi thấy một đứa bé té từ trên cây cao xuống bị gẫy xương. Dĩ nhiên, bằng mọi cách chúng ta phải giúp đỡ nó. Cũng giống vậy, chúng ta phải giúp đỡ các linh hồn, vì họ trông đợi rất nhiều nơi chúng ta. Họ mong mỏi sự ân cần trong từng việc nhỏ nhặt của chúng ta dâng lên cho họ, họ hy vọng ít nhất là lời cầu nguyện của chúng ta để làm dịu bớt sự đau khổ của họ. Đó là con đường thực hành bác ái tốt nhất.
Nói đến đây, tôi nghĩ đến lòng bác ái của người Samaritan trong Phúc Âm đối với người bị đánh nửa sống nửa chết, bị thương máu me cùng mình ở giữa đường. Người này hoàn toàn lệ thuộc vào lòng tốt của những người qua đường.
H. Thưa bà, Tại sao người ta không thể lập công trạng trong Luyện Ngục mà lại lập ở trần thế?
Đ. Thời gian lập công đã dứt trong giây phút lìa đời. Khi còn sống trên trái đất, chúng ta có thể sửa đổi lại những gì đã làm sai trái. Các linh hồn trong Luyện Ngục ganh tỵ với chúng ta về cơ hội này. Ngay cả các Thiên Thần cũng ganh tỵ với chúng ta, bởi vì ngày nào còn sống trên trái đất, chúng ta còn cơ hội để gia tăng công đức.
H. Bình thường, sự đau khổ trong cuộc sống đưa chúng ta tới việc nổi loạn và chúng ta gặp khó khăn lớn lao để chấp nhận và sống như vậy. Làm cách nào chúng ta có thể sống đau khổ để sanh hoa trái thưa bà?
Đ. Đau khổ là bằng chứng cụ thể nhất về tình yêu Thiên Chúa, và nếu chúng ta dâng những đau khổ đó lên Ngài chúng ta có thể cứu được nhiều linh hồn.
H. Nhưng làm cách nào để chúng ta chấp nhận đau khổ như một ân huệ chứ không phải là một hình phạt, hay một sự sửa phạt như chúng ta thường nghĩ?
Đ. Chúng ta phải trao tất cả cho Đức Mẹ. Mẹ là người biết những ai cần hơn cả, và Người sẽ dành những ơn sủng đó để họ được ơn cứu độ.
Trên đề tài sự đau khổ, tôi muốn chia sẻ về một cảm nghiệm khác thường mà bà Maria đã nói cho chúng tôi biết. Năm 1954, hàng loạt núi tuyết lở ở kế bên ngôi làng của bà Maira. Sau đó lại bị một loạt nữa, nhưng rồi ngưng lại một cách lạ lùng trước khi nó xảy ra cho ngôi làng kế cận, bởi vậy mà họ không bị thiệt hại gì.
Các linh hồn giải thích rằng, trong ngôi làng này có một phụ nữ bị bịnh và không được chữa đúng cách; bà đau đớn khủng khiếp trong 30 năm, nhưng bà đã dâng những đau đớn đó cho sự bình an của ngôi làng.
Các linh hồn nói với bà Maria là phải cảm ơn người thiếu phụ đó, vì nhờ bà ta mà ngôi làng đã thoát khỏi tai kiếp.
Maria nói, người thiếu phụ đã chịu đựng kiên trì trong đau khổ. Nếu bà ta có sức khỏe tốt, không đau ốm thì ngôi làng đã không được cứu.
Bà thêm, “nếu chúng ta chịu đựng đau khổ với sự bền bỉ thì sẽ cứu được nhiều linh hồn hơn là cầu nguyện”. (Nhưng cầu nguyện giúp chúng ta chịu đựng được sự đau đớn).
Chúng ta không nên nghĩ đau đớn là một sự trừng phạt. Có thể chấp nhận nó như là việc đền tội không phải cho chúng ta nhưng cho những kẻ khác. Chúa Kitô là đấng vô tội mà còn phải đau đớn vô cùng để đền tội chúng ta, huống chi chúng ta.
Chỉ khi nào ở trên Thiên Đàng chúng ta mới biết những gì đoạt được qua sự kiên trì khổ đau, trong sự hiệp thông với sự khổ đau của Chúa Giêsu Kitô.
H. Thưa bà, các linh hồn trong Luyện Ngục có nổi loạn khi đối diện với những đau khổ không?
Đ. Không! Họ muốn thanh tẩy chính họ; họ hiểu chuyện đó là cần thiết.
***
TRONG GIỜ CHẾT
H. Thưa bà, sự ăn năn, hối hận trong giờ chết có quan trọng không?
Đ. Ăn năn hối lỗi rất quan trọng giờ phút đó. Mọi tội lỗi được tha, trong vài trường hợp, nhưng hậu quả của tội vẫn còn. Nếu chúng ta muốn nhận được một ơn toàn xá trong giờ chết – có nghĩa là về thẳng Thiên Đàng – thì phải thoát khỏi mọi ràng buộc.
Ở đây tôi muốn chia sẻ một lời chứng đáng kể của bà Maria. Bà được hỏi về một phụ nữ mà họ tin rằng đã mất linh hồn, bởi vì người này đã sống một đời tội lỗi. Chị ta bị một tai nạn, rớt xuống khỏi xe lửa và đã chết. Một linh hồn nói cho bà Maria biết là chị ấy đã được cứu khỏi lửa hỏa ngục, vì ngay trong giờ chết, chị nói với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa cất con đi khỏi cuộc đời này, chuyện đó rất đúng. Bởi vì trong con đường này, con sẽ không còn xúc phạm tới Chúa nữa.” Và nhờ đó, mọi tội lỗi của chị được xóa bỏ. Chứng tích này thật đầy ý nghĩa, nó tỏ rõ lòng khiêm nhường của sự ăn năn hối lỗi của chị trong giờ chết. Điều này không có nghĩa chị ta không phải xuống Luyện Ngục, nhưng chị đã tránh được lửa hỏa ngục, đáng lẽ đó là nơi đáng cho chị bị trừng phạt.
H. Thưa bà Maria, tôi muốn hỏi: trong giờ chết, thời gian mà giữa sự sống và sự chết, một linh hồn có thời gian để quay về với Chúa không, nghĩa là sau khi đã sống một đời tội lỗi, trước khi họ bước vào cõi vĩnh hằng?
Đ. Có chứ, Thiên Chúa cho mỗi người vài phút để ăn năn tội mình và để quyết định: Tôi chấp nhận Thiên Chúa hay không. Lúc đó, chúng ta được thấy một cuốn phim về cuộc đời chúng ta.
Tôi biết có một người đàn ông tin vào những giáo huấn của Giáo Hội nhưng không tin vào cuộc sống vĩnh cửu. Một ngày kia, ông lâm bệnh, và đi vào hôn mê. Ông thấy mình trong một căn phòng với một tấm bảng ghi tất cả những việc làm của ông, việc tốt cũng như việc xấu. Sau đó, tấm bảng cùng với bức tường trong phòng ông đều biến mất. Trước mắt ông là một quang cảnh rất đẹp hiện ra. Khi thức tỉnh ra khỏi cơn mê, ông quyết định thay đổi đời sống mình.
Chuyện này cũng giống như những tích truyện của những người cảm nghiệm được cái chết sau khi sống lại. Họ cảm nghiệm được luồng ánh sáng siêu nhiên, và khi nhìn được thứ sánh sáng đó thì họ không còn sống cuộc đời như trước kia nữa.
H. Thưa bà, trong giờ chết, Thiên Chúa có tỏ chính Ngài với một mức độ giống nhau cho các linh hồn không?
Đ. Mỗi người có được một trình độ hiểu biết về đời sống của họ và những thống khổ họ sắp phải chịu; nhưng không phải ai cũng giống nhau. Sự mặc khải cũng tùy thuộc vào đời sống mỗi người.
H. Thưa bà, ma quỉ có được phép tấn công chúng ta trong giờ chết không?
Đ. Có chứ, nhưng con người có ơn sủng để chống lại nó, xua đuổi nó. Bởi vậy, nếu con người không muốn theo nó thì nó cũng chẳng làm gì được.
H. Thật là một tin rất tốt. Trường hợp khi biết ai đó sắp chết, có những gì cần để giúp họ chuẩn bị không thưa bà?
Đ. Bỏ mình hoàn toàn cho Chúa. Dâng tất cả đau khổ cho Ngài, và hoàn toàn hạnh phúc trong tay Ngài.
H. Chúng ta cần có thái độ nào khi đứng trước một người sắp chết? Điều gì tốt nhất có thể làm cho kẻ đó?
Đ. Cầu nguyện thật nhiều cho họ. Sửa soạn cho cái chết của họ; họ phải nói hết sự thật trước giờ chết để cái chết được tốt lành.
H. Maria, bà có lời khuyên nào cho những ai muốn nên thánh ngay ở trần gian này không?
Đ. Hãy sống khiêm nhường. Kiêu ngạo là cái bẫy lớn nhất của ma quỉ. Đừng lo cho thân mình cách quá đáng.
H. Xin bà nói cho chúng tôi biết: liệu ta có thể xin Chúa cho được đền tội ngay trên trái đất thay vì sau khi chết phải ở dưới Luyện Ngục không?
Đ. Vâng, tôi biết một linh mục và một thiếu phụ còn trẻ, cả hai đều bị bịnh lao phổi và phải vô nhà thương. Người thiếu phụ nói với vị linh mục: “Hãy xin Chúa cho được đau đớn đời này càng nhiều càng tốt để được về thẳng Thiên Đàng.”
Vi linh mục trả lời ngài không dám xin điều đó. Gần đó có một nữ tu nghe được cuộc đối thoại của họ. Người thiếu phụ qua đời trước, và vị linh mục lìa đời sau. Ngài hiện ra với nữ tu và nói: “Nếu tôi có được niềm tín thác như thiếu phụ này, tôi cũng bay thẳng về Thiên Đàng rồi.”
H. Cám ơn bà Maria, đây là một chia sẻ tuyệt vời.
Tới đây, bà Maria xin ngừng lại 5 phút để đi cho bầy gà ăn…nhưng khi bà trở lại thì chúng tôi lại tiếp tục những câu hỏi.
***
NHỮNG LINH HỒN TRONG LUYỆN NGỤC
H. Maria, có phải trong Luyện Ngục có nhiều tầng khác nhau?
Đ. Vâng, rất khác biệt trong sự đau khổ về tâm linh. Đau khổ của mỗi linh hồn ở một múc độ khác nhau.
H. Các linh hồn trong Luyện Ngục có biết những gì đang xảy ra trên thế giới không?
Đ. Có, không phải tất cả mọi sự nhưng nhiều điều.
H. Có khi nào các linh hồn nói cho bà biết những gì sắp xảy ra không?
Đ. Họ nói có sự gì đó xảy ra ở ngay trước cửa nhưng không nói rõ điều gì. Họ chỉ nói những gì cần thiết để con người được hoán cải.
H. Maria, có phải những thống khổ ở Luyện Ngục thì nặng nề hơn là những thống khổ trên trái đất?
Đ. Vâng, các linh hồn trong Luyện Ngục đau khổ hơn nhiều, khó mà diễn tả được vì sự đau khổ trong Luyện Ngục khác với trần thế.
H. Phải, tôi biết rất khó mà diễn tả. Chúa Giêsu có xuống đó thăm các linh hồn không?
Đ. Không một linh hồn nào nói với tôi điều đó nhưng có Đức Mẹ xuống thăm họ. Lần kia, tôi nhờ một linh hồn kiếm giùm một linh hồn mà tôi hỏi về điều này thì linh hồn đó trả lời: “Không, Chỉ có Đức Mẹ của Lòng Thương Xót mà thôi.”
Các linh hồn trên Thiên Đàng cũng không xuống thăm các linh hồn dưới Luyện Ngục. Trong khi các Thiên Thần tới đó như Tổng Lãnh Thiên Thần Micae. Và mỗi một linh hồn đều có một Thiên Thần Bản Mạnh tới thăm.
H. Tuyệt vời! Các Thiên Thần ở với chúng ta, nhưng các Thiên Thần làm gì ở dưới Luyện Ngục?
Đ. Các Đấng làm giảm sự đau khổ và an ủi các linh hồn. Các linh hồn đều được thấy họ.
H. Thật thú vị! Bà làm cho tôi cũng muốn xuống đó nữa vì những câu chuyện của các Thiên Thần. Một câu hỏi khác là: Như bà biết ngày nay có nhiều người tin vào thuyết luân hồi. Các linh hồn nói gì với bà về thuyết này?
Đ. Các linh hồn nói: Thiên Chúa chỉ cho con người một kiếp sống thôi.
H. Nhưng có người nói một kiếp sống chưa đủ để biết Thiên Chúa, và không đủ thời gian để hoán cải, như vậy không công bằng. Bà trả lời với họ thế nào?
Đ. Tất cả mọi người đều có đức tin trong con người (lương tâm); ngay cả khi họ không thực hành, họ đều nhận biết Thiên Chúa. Có những người không tin vì họ cho rằng điều đó không hiện hữu. Mỗi một linh hồn có một lương tâm để nhận biết điều lành điều dữ, một lương tâm được ban cho bởi Thiên Chúa, một sự hiểu biết trong nội tâm, dĩ nhiên mức độ khác nhau, nhưng mỗi người đều biết phân biệt điều thiện điều ác. Với lương tâm, mỗi một linh hồn có thể được chúc lành.
H. Chuyện gì xảy ra đối với những người tự tử? Có bao giờ bà được những linh hồn này viếng thăm không?
Đ. Đến bây giờ, tôi chưa bao giờ đụng độ một trường hợp tự tử nào mà bị mất linh hồn, nhưng không có nghĩa chuyện đó không thể xảy ra, thường thì các linh hồn cho biết - đa số những linh hồn ở gần họ - là những kẻ đã sống chểnh mảng, những kẻ thích đồn đại chuyện vu khống, nói hành nói xấu kẻ khác v.v…
Tới đây, tôi hỏi Maria có linh hồn nào đã tiếc nuối vì hủy diệt sự sống mình không? Bà trả lời có. Những người tự tử thường là những người mắc bịnh.
Các linh hồn đó thật sự đã nuối tiếc hành động của mình bởi khi thấy được ánh sáng của Thiên Chúa, họ hiểu ngay tức khắc là tất cả các ân sủng được tích trữ cho họ trong cuộc đời còn lại nếu họ còn sống. Họ thấy rõ thời gian còn lại cho họ là bao năm, bao tháng. Họ cũng thấy được tất cả những linh hồn đáng lẽ họ có thể giúp đỡ bằng cách dâng hiến cuộc đời của mình còn lại lên Thiên Chúa. Trong giờ cuối cùng, điều đau đớn nhất của họ là nhìn thấy những sự tốt lành đáng lý họ phải làm nhưng họ đã không làm bởi vì họ đã tự rút ngắn cuộc đời của họ. Nhưng nếu trường hợp vì bịnh hoạn thì dĩ nhiên Thiên Chúa sẽ có đường lối khác.
H. Maria, có những linh hồn nào tự hủy hoại bởi ma túy cần sa quá độ đến viếng thăm bà không?
Đ. Có chứ, họ không bị mất phần rỗi đâu. Điều đó còn tùy theo nguyên nhân nào mà họ dùng ma túy, nhưng họ phải đau khổ trong Luyện Ngục.
H. Thí dụ nếu tôi nói với bà rằng, tôi đau đớn trong thân xác, trong trái tim, đau đớn đó rất khổ sở cho tôi và tôi chỉ muốn chết thì tôi phải làm sao?
Đ. Vâng, đây là điều thưởng xảy ra. Tôi có thể nói: “Lạy Chúa của con, con có thể dâng sự đau khổ này cho Chúa để cứu các linh hồn.” như vậy nó sẽ củng cố đức tin và giúp ta thêm can đảm. Nhưng ngày nay không ai nói vậy nữa. Chúng ta cũng có thể nói, nếu làm được vậy thì các linh hồn sẽ nhận lãnh phúc trọng muôn vàn, một niềm hạnh phúc to tát trên Thiên Đàng. Trên đó có hàng ngàn loại hạnh phúc khác biệt, nhưng loại nào cũng hoàn hảo; tất cả những khát khao được no đầy. Mỗi một linh hồn biết rằng họ hoàn toàn sung mãn.
H. Maria, tôi muốn hỏi bà có những người từ các tôn giáo khác đến viếng bà không chẳng hạn như Do Thái Giáo?
Đ. Có, họ rất hạnh phúc. Những ai sống đức tin tốt thì đều được hạnh phúc. Nhưng nhiều người được về Thiên Đàng hơn qua đức tin Công Giáo.
H. Có tôn giáo nào có hại cho linh hồn không?
Đ. Không, nhưng có rất nhiều tôn giáo khác nhau trên trái đất. Tôn giáo gần chúng ta nhất là Chính Thống Giáo và Tin Lành. Có nhiều người Tin Lành họ lần chuỗi Mân Côi; nhưng cũng có những tà giáo rất xấu xa, ghế tởm. Phải làm mọi cách để đem họ ra khỏi tà giáo.
H. Có các linh mục trong Luyện Ngục không?
Đ. (Tôi thấy bà Maria hướng mắt lên trời như thể hối tiếc): Vâng, rất nhiều vì khi còn sống, các ngài đã không khuyến khích kính trọng phép Thánh Thể, vì vậy nói chung đức tin bị thiệt hại. Các ngài bị giam cầm trong Luyện Ngục về tội chểnh mảng kinh nguyện, đó là nguyên nhân đức tin của họ bị giảm xuống. Nhưng cũng có nhiều vị được về thẳng Thiên Đàng.
H. Bà nói gì với một linh mục thật sự muốn sống theo Thánh Tâm Chúa?
Đ. Tôi có thể khuyên ngài nên cầu nguyện nhiều với Chúa Thánh Thần, và Lần Hạt mỗi ngày.
H. Maria, có trẻ thơ trong Luyện Ngục không?
Đ. Có, nhưng chúng không phải ở lâu và không đau đớn nhiều vì các em thiếu sự nhận định suy xét.
H. Tôi tin cũng có nhiều trẻ em tới thăm bà. Bà đã kể cho tôi nghe câu chuyện một em bé gái 4 tuổi về thăm bà, bà có thể kể lại cho biết tại sao em phải ở trong Luyện Ngục không?
Đ. Bởi vì em nhận được một con búp bê, một món quà Noel của ba mẹ em. Em có một người chị sanh đôi cũng nhận được một con búp bê như vậy. Em bé 4 tuổi này làm bể con búp bê của mình, thấy không ai để ý liền đem con búp bê bị bể đó tới đánh tráo với con búp bê của chị mình. Trong trái tim nhỏ đó, em cũng biết rõ rằng em sẽ làm cho chị của em bực mình, và em cũng biết đó là việc làm gian dối và không công bình. Vì vấn đề này mà em phải đền tội trong Luyện Ngục.
Thực ra, con nít có một lương tâm mềm dịu hơn người lớn. Trên tất cả, điều cần thiết là phải chiến đấu với sự gian dối. Chúng rất nhạy bén với điều gian dối.
H. Maria, làm cách nào để những bậc cha mẹ có thể uốn nắn lương tâm con cái họ?
Đ. Trước hết là phải làm gương tốt cho chúng, đây là điều rất quan trọng. Rồi qua sự cầu nguyện, cha mẹ phải chúc lành cho con cái và dạy bảo chúng theo đường lối Thiên Chúa trong mọi sự.
H. Đây là điều quan trọng! Bà có bao giờ được những linh hồn khi còn sống trên trái đất, làm những việc tồi tệ, chẳng hạn như vấn đề tình dục, đến thăm bà không?
Đ. Có, họ không mất linh hồn, nhưng họ phải chịu đau đớn để được thanh tẩy. Chẳng hạn như đồng tình luyến ái, đây là việc làm đến từ ma quỉ.
H. Bà có lời khuyên nào cho tất cả những người có khuynh hướng đồng tình luyến ái không?
Đ. Phải cầu nguyện nhiều cho họ có sức mạnh để tránh xa những việc làm đó. Trên tất cả họ nên cầu nguyện với Tổng Lãnh Thiên Thần Michael; Ngài là Đấng chiến đấu mạnh mẽ với thần dữ.
H. Thái độ nào có thể làm cho chúng ta mất linh hồn vĩnh viễn, có nghĩa lả hỏa ngục?
Đ. Một linh hồn không muốn chấp nhận Thiên Chúa, khi họ nói: “Tôi không muốn.”
H. Cám ơn Maria, bà đã cho biết rất rõ.
Ở đây tôi muốn nhắc lại đề tài này vì đã có lần tôi hỏi Vicka, một thị nhân ở Mễdu đã được thấy hỏa ngục, cô cũng nói với tôi rằng những người muốn xuống hỏa ngục là những người quyết định xuống đó. Không phải Thiên Chúa muốn đẩy họ xuống đó, ngược lại, Ngài là Đấng Cứu Độ, Ngài năn nỉ các linh hồn đón nhận Lòng Thương Xót của Ngài. Tội chống Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu nói sẽ không được tha là tội hoàn toàn từ chối Lòng Thương Chúa với đầy ý thức và lương tâm. Thánh Phaolồ Đệ II giải thích rất rõ trong bức tông thư về Lòng Thương Xót Chúa. Chúng ta có thể cầu nguyện nhiều cho các linh hồn đang trên đà mất phần rỗi.
H. Maria, bà có câu chuyện nào để chứng minh về điều này không?
Đ. Một ngày kia, tôi đang ở trong một toa xe lửa, có một người đàn ông không ngừng nói nói xấu về Giáo Hội, về các linh mục, phỉ báng cả Thiên Chúa, tôi nói với ông ta: “Nghe đây, ông không có quyền nói về những chuyện đó, không tốt đâu.” Ông rất tức giận tôi. Khi tới trạm, tôi xuống khỏi xe lửa và nói với Chúa: “Lạy Chúa, xin đừng để người này bị mất linh hồn.”
Nhiều năm sau, linh hồn ông tới viếng tôi nói, ông đã tới gần cửa địa ngục nhưng được cứu vì một lời cầu xin đơn giản của tôi trong lúc đó.
Đ. Thật phi thường khi chỉ một tư tưởng nhỏ, một nhịp đập con tim, một lời nguyện đơn giản cho người nào đó mà có thể tránh cho họ rơi xuống biển lửa hỏa hào. Sự kiêu ngạo dẫn đến địa ngục. Điạ ngục là nơi của kẻ ngoan cố, cố tình nói tiếng ‘không’, và ‘chống đối’ Thiên Chúa. Lời cầu nguyện của chúng ta là hành động khiêm nhường cho kẻ sắp chết, một giây phút khiêm nhường cho dù nhỏ nhưng cũng có thể giúp họ tránh được cảnh địa ngục trầm luân muôn kiếp.
H. Thật không thể tin được. Làm cách nào khi một người có thể nói tiếng ‘không’ với Chúa trong giờ phút cuối đời khi mà họ đã được thấy Ngài?
Đ. Chẳng hạn như một người đã nói với tôi rằng, ông ta không muốn lên Thiên Đàng. Tại sao? Bởi vì Thiên Chúa chấp nhận điều bất công. Tôi nói với ông đó là con người chứ không phải Thiên Chúa. Ông nói: “Hy vọng sau khi chết tôi không gặp Chúa hoặc tôi sẽ giết Ngài với cái búa.”
Ông thù hận Thiên Chúa. Thiên Chúa ban cho con người sự tự do; Ngài mong mỗi người có quyền tự do lựa chọn.
Thiên Chúa ban cho mỗi người khi còn sống và cả trong giờ chết đủ ơn để hoán cải, cho dù ngay sau khi sống một đời đen tối. Nếu một người thành thật van xin sự tha thứ dĩ nhiên sẽ được cứu rỗi.
H. Chúa Giêsu nói một người giầu vô nước Thiên Đàng còn khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim. Bà có gặp trường hợp như vậy chưa?
Đ. Phải, nhưng nếu họ làm điều tốt, làm việc bái ái, thực hành tình yêu thương thì họ sẽ được lên Thiên Đàng cũng giống như người nghèo vậy thôi.
H. Bà Maria, những ngày này bà vẫn được các linh hồn viếng thăm chứ?
Đ. Vâng, hai hoặc ba lần mỗi tuần.
H. Thật à? Bà nghĩ sao về cách gọi hồn, chẳng hạn như gọi hồn qua bảng cầu cơ?
Đ. Không tốt đâu. Đó là điều ma quỉ làm, ma quỉ làm cho tấm bảng di động.
Đây là điều quan trọng cần lập lại điều này nhiều lần. Thiên hạ cần được nghe bởi vì ngày nay như chưa bao giờ những hành động này ngày càng trở nên nguy hiểm.
H. Có điều gì khác biệt giữa những người sống và kẻ chết, và những hành động gọi hồn?
Đ. Chúng ta không nên gọi hồn. Trong thuật huyền bí người ta cố tình gọi hồn tới. Điều này phân biệt thật rõ ràng, chúng ta phải coi đó là việc nghiêm trọng. Nếu ai tin vào những gì tôi vừa nói thì tôi nói thế này: “Những ai hẹn hò với những khoa huyền bí như gọi hồn (di chuyển bàn), hay thực hành những điều khác giống vậy. Họ nghĩ rằng họ gọi hồn người chết về, nhưng thực tế họ gọi Satan và bè lũ của hắn đến. Những ai thực hành khoa bói toán, phù thủy v.v. là họ đang làm những việc vô cùng nguy hiểm cho chính họ và cho những người đến xin lời cố vấn của họ. Kêu gọi người chết về là điều tuyệt đối cấm kỵ. Đây là chuyện không thể làm. Phần tôi, tôi không bao giờ làm như vậy cả. Khi các linh hồn tới với tôi, chẳng qua Thiên Chúa cho phép họ mà thôi. Tôi không hề gọi họ đến.
“Satan có thể bắt chước tất cả những gì tới từ Thiên Chúa, và hắn làm được như vậy. Hắn có thể bắt chước giọng nói và dáng điệu của người chết, nhưng mỗi một sự biểu lộ giả hình, giả dạng này đều tới từ ma quỉ. Đừng quên rằng Satan cũng có thể chữa lành, nhưng chữa lành đó không bao giờ bền.”
H. Bà có bao giờ bị lừa vì những cuộc hiện ra giả mạo chưa? Chẳng hạn như sự giả dạng của ma quỉ trong hình dáng các linh hồn trong Luyện Ngục để nói chuyện với bà?
Đ. Có một lần, một linh hồn đến thăm tôi nói: “Đừng nhận linh hồn tới sau tôi, bởi vì linh hồn đó sẽ xin bà chịu nhiều đau khổ cho linh hồn ấy mà bà không thể nào gánh nổi. Bà không thể nào làm được những gì họ xin.”
Nghe vậy tôi bị xáo trộn, bởi vì tôi nhớ cha linh hướng đã nói với tôi là phải quảng đại với các linh hồn. Tôi thật sự bối rối không biết có nên nghe hay không. Tôi tự nhủ: “Có thể đây là quỉ đang đứng trước mặt mình, không phải linh hồn trong Luyện Ngục, chắc quỉ giả hình?” Tôi nói với linh hồn đó: “Nếu ngươi là quỉ thì hãy đi ngay.” Lập tức hắn thoát ra một tiếng rú thật lớn và rời khỏi đó. Đúng ra, linh hồn tới sau đó là một linh hồn rất cần sự giúp đỡ của tôi; tôi thấy rất quan trọng để lắng nghe linh hồn đó.”
H. Khi quỉ xuất hiện, nước thánh có làm cho hắn phải bỏ đi không?
Đ. Có, nước phép làm hắn bối rối và chuồn đi ngay lập tức.
H. Bà Maria, bà là người có tiếng tăm, nhất là ở Đức và Áo, và toàn cõi Châu Âu. Cám ơn bà về những chia sẻ của bà và cuốn sách của bà. Tuy nhiên, ngay lúc đầu bà đã ẩn mình. Làm cách nào mà một sớm một chiều thiên hạ nhận biết bà là người thật sự có những đặc sủng siêu nhiên?
Đ. Đó là lúc các linh hồn xin tôi đến với gia đình họ trả lại những gì mà họ đã gian tham của kẻ khác. Họ thấy những gì tôi nói đều là sự thật.
Tới đây, Maria kể cho nghe nhiều chứng cớ có liên quan tới vấn đề này. Đã nhiều lần các linh hồn tới kiếm bà nói: “Xin bà tới gia đình tôi ở làng này, làng nọ v.v..(những gia đình mà bà Maria không hề biết họ) và nói cho cha tôi, con trai tôi, anh tôi, hãy trả lại một tài sản hay một số tiền mà tôi đã mua một cách không chân chính. Tôi sẽ được thoát khỏi Luyện Ngục khi những món nợ đó được hoàn lại cho họ.”
Bà Maria có đầy đủ chi tiết về những tài khoản đó, hoặc một số tiền chính xác hay những điều liên quan đến bất động sản v.v., và gia đình của các linh hồn choáng váng khi biết tất cả sự thật, bởi vì có đôi lúc, thân nhân của các linh hồn không biết rằng tài sản hay tiền bạc mà gia đình họ có là do sự làm ăn thiếu lương thiện của thân nhân họ. Qua những việc này mà tên tuổi bà trở thành tiếng tăm.
H. Thưa bà, Giáo Hội có nhìn nhận đặc sủng đặc biệt mà bà có không? Đó là ơn được các linh hồn trong Luyện Ngục viếng thăm và những người được tác động qua việc tông đồ của bà?
Đ. Đức Giám Mục của tôi nói rằng nếu không có lỗi lầm gì trên phương diện Giáo Lý thần học thì tôi được phép làm; ngài chấp nhận điều đó. Cha sở đồng thời cũng là cha linh hướng của tôi cũng xác nhận những việc làm đó.
H. Tôi muốn hỏi bà một câu hỏi: bà đã làm quá nhiều cho các linh hồn, tôi chắc chắn khi bà chết họ sẽ trả ơn cho bà, hàng ngàn linh hồn sẽ cầu nguyện cho bà để mau về nước trời; tôi chắc chắn bà sẽ không phải qua Luyện Ngục?
Đ. Tôi không tin sẽ về thẳng Thiên Đàng mà không phải ở trong Luyện Ngục vì tôi có nhiều ánh sáng Chúa ban, và trí hiểu biết, bởi vậy mà lỗi lầm của tôi càng nặng nề hơn. Nhưng tôi hy vọng các linh hồn sẽ giúp tôi về Thiên Đàng.
H. Chắc chắn rồi! Và này, bà có vui với đặc sủng này không? Hay, đó là gánh nặng cho bà vì tất cả những yêu cầu của các linh hồn?
Đ. Không, tôi không chú ý tới những điều khó khăn, vì tôi biết tôi có thể giúp họ. Tôi có thể giúp nhiều linh hồn và tôi rất hạnh phúc để làm chuyện này.
H. Thưa bà, tôi muốn đại diện cho tất cả những độc giả để cám ơn bà về những chia sẻ tuyệt vời này. Nhưng xin cho tôi được hỏi một câu cuối cùng: vì như vậy tôi sẽ hiểu bà nhiều hơn. Bà vui lòng nói sơ qua về cuộc đời bà cho chúng tôi biết được không?
Đ. Khi còn nhỏ, tôi muốn vô một tu viện, nhưng mẹ tôi nói hãy chờ tới khi 20 tuổi. Tôi không muốn lập gia đình. Mẹ tôi thường nói nhiều về các linh hồn trong Luyện Ngục. Ngay khi còn đi học các linh hồn đã giúp tôi rất nhiều. Bởi vậy tôi tự nhủ tôi phải giúp đỡ các linh hồn.
Học xong tôi nghĩ tới chuyện vô dòng. Tôi vô dòng nữ Thánh Tâm Chúa Giêsu, nhưng họ nói sức khỏe tôi yếu kém khó mà tu nổi. Khi còn bé tôi bị bịnh sưng phổi và viêm màng phổi. Mẹ bề trên xác nhận tôi có ơn gọi nhưng khuyên tôi đợi thêm vài năm nữa và nên vô một dòng nào dễ dàng hơn. Thật sự lúc đó tôi muốn vô ngay dòng kín.
Nhưng sau hai lần cố gắng, kết luận vẫn không thay đổi: lý do là sức khoẻ của tôi vẫn yếu kém. Tôi tự nhủ, Ý Chúa không muốn tôi đi tu. Tôi đau khổ vô cùng và nói với chính mình rằng Thiên Chúa không tỏ cho thấy những gì Ngài muốn nơi tôi.
Tới lúc 25 tuổi, Ngài mới trao cho cái nhiệm vụ lo cho các linh hồn, nghĩa là Ngài bắt tôi phải đợi tới 8 năm sau.
Gia đình tôi có tất cả 8 người con. Lúc 15 tuổi, tôi bắt đầu làm công việc đồng áng. Sau đó tôi qua Đức để làm việc cho một gia đình nông dân. Rồi về đây làm công việc ruộng rẫy trong vùng Sonntag này.
Từ lúc tôi 25 tuổi các linh hồn bắt đầu tới viếng thăm, tôi càng đau đớn hơn nữa, nhưng bây giờ sức khỏe của tôi khả quan hơn nhiều. Chuyện là như vậy đó.
Thật là một niềm vui cho tôi được gặp bà Maria Simma, người đàn bà sống một đời hiến thân cho các linh hồn. Mỗi giây mỗi phút cuộc đời bà luôn hướng về cuộc sống vĩnh hằng, không phải chỉ sống cho bà mà cho tất cả các linh hồn biết hay không biết, bà làm trong mọi đường lối và bằng tình yêu thương để giúp đỡ các linh hồn trong Luyện Ngục, để họ đoạt niềm hoan lạc hạnh phúc Thiên Đàng.
***
CHƯƠNG 3
MỘT KẾ HOẠCH CHO MỌI NGƯỜI
Bây giờ tôi có một đề nghị cho mỗi người: chúng ta có thể quyết định không một ai trong chúng ta sẽ xuống Luyện Ngục.
Đây là việc có thể làm được. Chúng ta có tất cả mọi thứ trong tay để giấc mơ thành sự thật. Tôi còn nhớ những lời Thánh Gioan Thánh Giá nói: “Đấng Quan Phòng luôn ban cho cho chúng ta sự thanh tẩy cần thiết để chúng ta bay thẳng về Thiên Đàng trong giờ chết.”
Sự quan phòng của Thiên Chúa cho những khó khăn, thử thách, đau khổ, bịnh hoạn, khó khăn trong đời sống chúng ta, do đó nếu chúng ta chấp nhận những thanh tẩy này thì đủ cho chúng ta về thẳng Thiên Đàng.
Tại sao sự việc có thể xảy ra như vậy? Là vì chúng ta nổi loạn, không chấp nhận đau khổ với yêu thương, với sự biết ơn, với ân sủng trong đời sống, và chúng ta tội lỗi do sự nổi loạn, do sự không tuân phục Thánh Ý Chúa.
Hãy xin Chúa ban cho chúng ta những ân sủng hầu biết tận dụng mọi cơ hội để giờ chết chúng ta có thể thấy ánh sáng huy hoàng thanh sạch và đẹp đẽ.
Dĩ nhiên chúng ta phải quyết định trên vấn đề này, tôi không nói con đường này dễ dàng, bởi vì Thiên Chúa không hứa cho chúng ta con đường nào dễ dàng cả, nhưng con đường đó sẽ bình an, sẽ là con đường đưa tới hạnh phúc: vì Ngài sẽ ở với chúng ta.
Trên tất cả - đây là điều tôi muốn nói – hãy tận dụng thời gian còn lại trên trái đất, vì thời gian này rất quí báu, trong khi chúng ta còn cơ hội để gia tăng tình yêu thương. Có nghĩa là, sẽ gia tăng trong vinh quang và huy hoàng, vì đó sẽ là định mệnh cho chúng ta. Mỗi giây phút, chúng ta có thể lớn mãi trong tình yêu, nhưng các linh hồn trong Luyện Ngục không thể làm được như vậy.
Ngay cả các Thiên Thần cũng ghen tỵ với chúng ta về những cơ hội mà chúng ta có trên trái đất.
Mỗi tác động tình yêu chúng ta dâng lên cho Chúa, mỗi sự hy sinh của chay tịnh, mỗi một sự chống đối theo chiều hướng xấu: lỗi lầm, một sự tha thứ nhỏ nhoi đối với kẻ thù, tất cả đều có thể dâng lên Chúa, và sau này sẽ là nguồn hạnh phúc vô tận cho chúng ta, là một kho tàng quí báu cho đời sống vĩnh hằng.
Hãy nắm lấy từng cơ hội để làm đẹp mắt Chúa như Chúa hằng khao khát chúng ta. Nếu chúng ta thấy được một ánh sáng tràn đầy sự huy hoàng của một linh hồn được thanh tẩy thì chúng ta sẽ khóc vì vui mừng bởi vì vẻ đẹp của họ.
Linh hồn con người là một vật thể huy hoàng trước mặt Thiên Chúa; bởi vậy Thiên Chúa mong muốn chúng ta phải hoàn hảo. Không phải vì những đường lối không lỗi lầm mà chúng ta trở nên hoàn hảo. Không, đó là nhờ sự ăn năn thống hối tội lỗi và sự khiêm nhường của chúng ta. Các bạn thấy không, rất khác biệt đó.
Các thánh cũng không hoàn hảo đâu, nhưng họ đứng dậy mỗi lần ngã xuống và kêu xin sự tha thứ; đó là sự khác biệt của các ngài.
Hãy lợi dụng tất cả phương cách mà Thiên Chúa đặt để trong tay chúng ta để giúp các linh hồn đang mong đợi để được về với Chúa. Các linh hồn luôn mong tới Chúa với tất cả khát vọng của con tim của họ.
Cũng vậy, chúng ta đừng quên lời cầu nguyện của các trẻ thơ bởi vì chúng có quyền lực bao la trong Trái Tim Chúa. Hãy dạy con trẻ cầu nguyện. Tôi nhớ một bé gái khi tôi nói chuyện với em về các linh hồn đau khổ trong Luyện Ngục. Tôi nói với em: “Bây giờ, con cầu nguyện cho các linh hồn trong gia đình con, những linh hồn đã qua đời. Con có muốn tới trước mặt Chúa và hỏi Người không?”
Cô bé tới trước mặt Chúa Giêsu, và 5 phút sau trở lại. Tôi hỏi em: “Con đã xin gì với Chúa?”
Em trả lời: “Con xin Chúa hãy giải thoát cho các linh hồn trong Luyện Ngục.”
Câu trả lời này thật sự đánh động tôi, tôi nhận thấy rằng em hiểu ngay những gì tôi nói. Trẻ thơ ý thức được không ít, chúng có thể xin được rất nhiều từ Trái Tim Cực Thánh Chúa.
Cũng vậy, tôi xin nhắc nhở ở đây những người đã về hưu, những người có rất nhiều thời giờ; nếu họ đi lễ mỗi ngày, thật là một kho tàng ân sủng mà họ tích lũy được, không những cho riêng họ mà còn cho hàng ngàn các linh hồn nữa.
Giá trị của một Thánh Lễ vô bờ bến nếu chúng ta nhận thức được. Bằng không, sự ơ thờ lãnh đạm, sự lười biếng sẽ làm cho đời sống chúng ta vô cùng phí phạm.
Khi chúng ta có quyền năng trong tay để cứu các linh hồn, từ đó chúng ta cũng trở nên những người đồng công để cứu chuộc, cùng với Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta.
***
Chương 4
ĐỪNG QUÊN CÁC ÂN XÁ
Giáo Hội Mẹ có những kho tàng tuyệt vời cho chúng ta, chúng ta hãy nhìn kỹ vào những kho tàng đó.
“Qua những ân xá các tín hữu có thể được giảm những hình phạt do tội lỗi của mình và đồng thời cũng cho các linh hồn trong Luyện Ngục.” (Giáo Lý Công Giáo #1498)
Ân xá là gì? Đây là những gì Giáo Lý dạy trong Giáo Hội Công Giáo:
“Ân xá là một sự tha thứ tạm thời những hình phạt do tội lỗi. Có những tội đã được tha nhưng vạ phải trả. Ân xá một phần hay toàn phần là do sự giảm một phần vạ hay toàn phần vạ. Ân xá có thể ban cho người sống cũng như người chết.”
Chúa Giêsu ban cho các tông đồ, cho Hội Thánh quyền lực cầm buộc và tháo gỡ, và truyền qua mọi thế kỷ, qua mọi đường lối. Giáo Hội dùng máng Lòng Thương Xót này cho kẻ sống và kẻ chết.
Tất cả những gì liên quan đến ân xá có thể tìm trong cuốn sách tựa đề: “The Book of Indulgences” về luật lệ và sự lãnh nhận, do Đức Giáo Hoàng Phaolồ VI, xuất bản ngày 29 tháng 6, năm 1968. Nhà xuất bản Vatican.
“Mục đích Giáo Hội ban các ân xá là để tha các hình phạt do tội lỗi gây ra. Ân xá không phải chỉ dành cho các tín hữu trong việc đền tội nhưng cũng dùng để làm việc bác ái, ăn năn thống hối, đặc biệt cho những ai muốn gia tăng về đức tin và làm những điều thiện.
“Và nếu các tín hữu muốn dâng các ân xá cho các linh hồn thì đó là phương cách rất tốt để bồi đắp cho đức ái và để họ hướng tâm trí về nước trời, như vậy là họ chọn lấy sự khôn ngoan trong cuộc đời này vậy.”
“Mặc dù ân xá là những ân huệ, nhưng được ban cho người sống và kẻ chết trong những điều kiện là người tín hữu phải yêu mến Chúa, gớm ghét tội lỗi, đặt niềm tín thác vào công nghiệp của Chúa Kitô và tin tưởng chắc chắn vào sự hiệp thông trợ giúp của các thánh.”
Đối với sự cải tiến ngày nay chúng ta có ơn toàn xá và tiểu xá. Chúng ta cần biết như sau:
· Không ai được dùng ân xá mình lãnh nhận cho những người còn sống.
· Ơn Toàn xá và tiểu xá có thể dâng cho các linh hồn đã chết.
“ Các tín hữu dùng các ảnh tượng sau đây với sự tôn kính như: (Ảnh Chuộc Tội, Thánh giá, Chuỗi Mân Côi, Áo Đức Bà hoặc Ảnh vẩy) đã được các linh mục làm phép có thể lãnh nhận ơn tiểu xá. Nhưng nếu những ảnh tượng làm phép bởi Đức Giáo Hoàng hay Giám Mục thì các tín hữu khi dùng kính các vật ấy sẽ được ơn toàn xá vào ngày lễ Thánh Phêrô và Phaolô, nếu họ đọc kinh Tin Kính hay các kinh khác.”
Tại Mễdu, ngày 18/07/1995, Đức Mẹ nói:
“Các con thân mến, bữa nay Mẹ kêu gọi các con hãy đặt những ảnh tượng trong nhà các con và mỗi người nên mang ảnh trong người. Hãy xin làm phép các tượng ảnh, và như vậy Satan sẽ không thể tấn công các con được vì các con có vũ khí chống lại hắn.”
“Để có được ơn toàn xá thì điều cần thiết là làm 3 điều kiện sau đây:
1. Phải xưng tội
2. Rước Lễ
3. Cầu theo Ý Đức Giáo Hoàng
Và phải sạch tội dù tội mọn.
Điều kiện là phải cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng thì đọc một kinh Lạy Cha, một Kinh Kính Mừng. Tuy nhiên, các tín hữu được tự do cầu nguyện những lời kinh họ muốn để cầu theo ý Đức Giáo Hoàng.
Cuộc cải cách lại có 3 giai đoạn:
1. Tiểu xá được ban cho các tín hữu khi họ làm tròn bổn phận và đối diện với những bất hạnh trong đời sống họ, hướng lòng lên cùng Chúa với sự khiêm nhường tin tưởng và với tấm lòng cầu khấn.
2. Tiểu xá được ban cho các tín hữu có tràn đầy đức tin và lòng thương xót. Họ có thể sử dụng ơn đó cho những người khác đang cần ơn Chúa.
3. Tiểu xá được ban cho các tín hữu, những người có lòng ăn năn thống hối, tự nguyện, từ bỏ một sự gì đó.
Ơn Toàn xá có thể được ban cho những trường hợp sau đây:
1. Chầu Thánh Thể ít nhất là nửa tiếng đồng hồ.
2. Lần một chuỗi Mân Côi trong nhà thờ với gia đình hay với cộng đồng.
3. Ngắm chặng Đàng Thánh Giá.
4. Đọc Thánh Kinh ít nhất nửa tiếng đồng hồ.
5. Viếng nhà thờ vào buổi trưa ngày 01 tháng 11 cho đến nửa đêm ngày 02 tháng 11 để chỉ cho các linh hồn đã chết.
6. Viếng nghĩa trang để cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời.
7. Tham dự Lễ Rước Lễ lần đầu hay Thánh Lễ đầu tay của một linh mục, hay lễ kỷ niệm 25 năm, 50 năm, hay 60 năm của các linh mục.
8. Tham dự nghi thức thờ lạy Thánh Giá trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.
9. Lập lại lời hứa trong đêm Phục Sinh.
10. Chúc lành của Đức Giáo Hoàng, ngay cả khi nghe Radio hay xem TV.
Nếu xưng tội thường xuyên thì có thể lãnh nhận nhiều lần toàn xá. Nhưng mỗi ngày chỉ có thể nhận một ơn toàn xá mà thôi. Nhưng bạn có thể nhận được nhiều ơn tiểu xá bằng cách đọc những kinh do Hội Thánh ban cho như sau:

* · Kinh Thánh Giuse
* · Kinh Truyền Tin
* · Kinh Chúa Kitô, xin thánh hóa con
* · Kinh Rước Lễ
* · Kinh Tin Kính
* · Kinh vực sâu
* · Thánh Vịnh 130 (Kinh Vực Sâu)
* · Kinh cầu Danh Thánh Chúa Giêsu
* · Kinh cầu Trái Tim Chúa Giêsu
* · Kinh cầu Máu Cực Châu báu Chúa Giêsu
* · Kinh cầu Đức Bà
* · Kinh cầu Ông Thánh Giuse
* · Kinh cầu Các Thánh
* · Kinh Magnificat (Linh hồn tôi ngợi khen Chúa)
* · Kinh Hãy nhớ
* · Thánh Vịnh 51 (thống hối)
* · Kinh Cầu cho các linh mục và tu sĩ
* · Kinh cầu cho sự hợp nhất của mọi Kitô Hữu
* · Kinh Lạy Nữ Vương
* · Làm Dấu Thánh Giá một cách sốt sắng
* · Kinh chầu Thánh Thể
* · Kinh Chúa Thánh Thần
* · Kinh Te Deum (Thánh Vịnh: Lạy Thiên Chúa)

Danh sách này chưa hoàn toàn đầy đủ.
Các tiểu xá nhận được qua các hành động đức tin, đức cậy, đức mến đối với tha nhân, những cơn thử thách của cuộc sống, và trong lúc thi hành bổn phận trong cuộc sống hằng ngày. Ơn tiểu xá cũng lãnh nhận được qua hành động bác ái đối với những anh em của chúng ta, hay khi tự nguyện ăn chay, đọc một lời nguyện ngắn hay suy niệm về Thiên Chúa, Đức Mẹ hay gia đình Thánh Gia.
Cuốn sách về các ân xá (the book of indulgences) gồm một danh sách các kinh cần. Đó là một cuốn sách quí giá. Xin tìm đọc.

KINH TRÁI TIM CỰC THÁNH CHÚA GIÊSU
Lạy Trái Tim Chúa Giêsu, xin ban cho con luôn sống theo Thánh Ý Ngài, trong những lúc vui, những giây phút quan trọng trong đời con cũng như những lúc khó khăn.
Xin giúp con sẵn sàng trong giờ sau hết; ban cho con ơn can đảm làm tất cả cho tình yêu Chúa, ngay cả đời sống con nếu cần.
Lạy Chúa Giêsu, nhân vì cuộc tử nạn của Chúa, xin Chúa tới với con trong giờ sau hết và thức tỉnh con như người tôi tớ tốt lành với sự ăn năn chân thành, và một lần xưng thú tội lỗi chân tình và cho con được lãnh nhận các bí tích sau cùng.
Lạy Thiên Chúa, xin đừng bỏ con trong lúc gặp khó khăn, lúc con phấn đấu với Satan, lúc hắn giận dữ. Xin Mẹ Maria, là Mẹ của lòng thương xót, thánh Micae và các Thiên Thần, xin giúp đỡ con và bảo vệ con trong mọi cơn cám dỗ trong giây phút con rời bỏ thế giới này. Xin tăng thêm sức mạnh cho con và an ủi con trong cơn đau đớn.
Lạy Chúa, xin ban cho con trong giờ sau hết một đức tin sống động, một niềm tín thác mãnh liệt, một tình yêu nồng cháy, và một sự kiên trì bền bỉ.
Xin giúp con hoàn toàn phó thác, một tâm trí sáng suốt trong tay Chúa, và cho con từ bỏ chính mình giống như đứa trẻ trong sự bình an của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, trong sự nhân lành bao la và Lòng Thương Xót vô bờ của Chúa, xin hãy nhớ tới con. Amen.
Thuận Hà - dịch theo nguyên tác ‘The Amazing Secret of the Souls In Purgatory’ (An Interview with Maria Simma) – Sister Emmanuel of Medjugorje.

Hà Thuận dịch

0 nhận xét:

Đăng nhận xét