Pages

24/9/09

Đấng Chữa Lành Bậc Thầy

Đức tin, sự hối cải, phép báp têm, một chứng ngôn và sự cải đạo lâu dài đưa đến quyền năng chữa lành của Chúa.

Anh Cả Russell M. NelsonCác anh chị em thân mến, tôi xin gửi tình yêu thương và lời chào hỏi đến mỗi anh chị em. Thay mặt Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương, tôi bày tỏ lòng biết ơn về lòng nhân từ của các anh chị em, về nhiều hành động tử tế của các anh chị em, về những lời cầu nguyện và ảnh hưởng đầy hỗ trợ của các anh chị em trong cuộc sống của chúng tôi. Các thử thách của chúng tôi thì cũng giống như của các anh chị em. Chúng ta đều phải chịu buồn phiền và đau khổ, bệnh tật và cái chết. Qua những lúc buồn vui, Chúa kỳ vọng mỗi người chúng ta kiên trì đến cùng. Khi chúng ta đều cùng nhau xúc tiến công việc thiêng liêng của Ngài, thì Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương nhận biết tầm quan trọng của những ý nghĩ và mối quan tâm của các anh chị em đối với chúng tôi, mà các anh chị em đã trìu mến tặng cho và được tiếp nhận với lòng biết ơn. Chúng tôi yêu thương các anh chị em và cầu nguyện cho các anh chị em, cũng như các anh chị em cầu nguyện cho chúng tôi.

Tôi bày tỏ lòng biết ơn đặc biệt đối với Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi biết ơn lòng nhân từ tử tế và lời mời gọi công khai của Ngài để đến cùng Ngài.1 Tôi kinh ngạc trước quyền năng chữa lành vô song của Ngài. Tôi làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Chữa Lành Bậc Thầy. Đó chỉ là một trong số nhiều thuộc tính mà định rõ đặc điểm về cuộc sống có một không hai của Ngài.

Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Đấng Mê Si, Vị Nam Tử của Thượng Đế, Đấng Sáng Tạo, Đức Giê Hô Va vĩ đại, Em Ma Nu Ên đã được hứa, Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, Đấng Biện Hộ của chúng ta với Đức Chúa Cha, Đấng Gương Mẫu vĩ đại của chúng ta. Và một ngày kia, chúng ta sẽ đứng trước Ngài với tư cách là Đấng Phán Xét công bình và đầy lòng thương xót của chúng ta.2
Các Phép Lạ của Sự Chữa Lành

Là Đấng Chữa Lành Bậc Thầy, Chúa Giê Su chỉ thị cho những người bạn của Ngài “về báo . . . sự các ngươi đã thấy và đã nghe; kẻ đui được sáng, kẻ què được đi, kẻ phung được sạch, kẻ điếc được nghe, [và] kẻ chết được sống lại.”3

Các sách của Ma Thi Ơ,4 Mác,5 Lu Ca,6 và Giăng7 đều nhiều lần ghi lại rằng Chúa Giê Su đi khắp xứ rao giảng phúc âm và chữa lành mọi loại bệnh tật .

Khi Đấng Cứu Chuộc phục sinh hiện đến cùng dân Mỹ Châu thời xưa, Ngài đã đầy lòng thương xót mời gọi những người “bị đau đớn vì nguyên do nào khác”8 hãy đến cùng Ngài để được chữa lành.

Kỳ diệu thay, thẩm quyền thiêng liêng của Ngài để chữa lành người bệnh đã được truyền giao cho những người nắm giữ chức tư tế xứng đáng trong gian kỳ trước9 và một lần nữa trong những ngày sau cùng này, khi phúc âm của Ngài đã được phục hồi trọn vẹn.10
Ảnh Hưởng của Sự Cầu Nguyện về Sự Chữa Lành

Chúng ta cũng có thể có được quyền năng chữa lành của Ngài qua sự cầu nguyện. Tôi sẽ không bao giờ quên được một kinh nghiệm mà Chị Nelson và tôi đã có cách đây khoảng ba thập niên với Chủ Tịch Spencer W. Kimball và người vợ yêu dấu của ông, Camilla. Chúng tôi đang ở Hamilton, New Zealand (Tân Tây Lan), tại một đại hội lớn với Các Thánh Hữu. Vào lúc ấy, tôi chưa phải là một Vị Thẩm Quyền Trung Ương. Tôi được mời tham dự buổi họp này và các buổi họp tương tự khác trong Các Quần Đảo Thái Bình Dương trong khi phục vụ với tư cách là chủ tịch trung ương của Trường Chúa Nhật. Và với tư cách là một bác sĩ y khoa, tôi đã chăm sóc sức khỏe cho Chủ Tịch và Chị Kimball trong nhiều năm. Tôi biết mỗi người ấy rất rõ—từng chi tiết một.

Một chương trình văn nghệ tối thứ Bảy đã được chuẩn bị cho đại hội này bởi giới trẻ của Giáo Hội ở địa phương. Rủi thay, Chủ Tịch và Chị Kimball đều lâm bệnh rất nặng, mỗi người đều bị sốt cao. Sau khi nhận được các phước lành của chức tư tế, họ nghỉ tại nhà của vị chủ tịch Đền Thờ New Zealand gần đó. Chủ Tịch Kimball yêu cầu vị cố vấn của ông, Chủ Tịch N. Eldon Tanner, chủ tọa buổi trình diễn văn nghệ và cáo lỗi cho sự vắng mặt của Chủ Tịch và Chị Kimball.

Chị Nelson đi với Chủ Tịch và Chị Tanner và các vị lãnh đạo khác đến dự buổi trình diễn, trong khi người thư ký của Chủ Tịch Kimball, Anh D. Arthur Haycock, và tôi trông nom hai người bạn của mình đang bị sốt .

Trong khi Chủ Tịch Kimball đang ngủ, tôi lặng lẽ đọc sách trong phòng của ông. Đột nhiên, Chủ Tịch Kimball thức giấc. Ông hỏi: “Anh Nelson, chương trình tối nay bắt đầu mấy giờ?”

“Thưa Chủ Tịch Kimball, vào lúc bảy giờ.”

“Bây giờ là mấy giờ?”

Tôi đáp: “Dạ, gần bảy giờ rồi.”

Chủ Tịch Kimball nói nhanh: “Bảo Chị Kimball là chúng ta đi ngay!”

Tôi xem lại nhiệt độ của Chủ Tịch Kimball. Nhiệt độ bình thường! Tôi đo nhiệt độ của Chị Kimball. Nhiệt độ cũng bình thường!

Họ nhanh chóng mặc đồ và ngồi lên xe hơi. Chúng tôi lái đến sân vận động của Trường Đại Học của Giáo Hội ở Tân Tây Lan. Khi xe chạy vào sân vận động, tức thì có một tiếng reo hò rất lớn nổi lên. Thật là điều kỳ lạ nhất! Sau khi chúng tôi ngồi vào ghế, tôi hỏi Chị Nelson về tiếng reo hò đột ngột đó. Chị ấy nói rằng khi Chủ Tịch Tanner bắt đầu buổi họp, ông đã làm đúng theo bổn phận phải cáo lỗi cho sự vắng mặt của Chủ Tịch và Chị Kimball vì bị bệnh. Rồi một thiếu niên Tân Tây Lan được kêu gọi cầu nguyện.

Với đức tin lớn lao, theo như Chị Nelson mô tả, em ấy đã dâng lên một lời cầu nguyện khá dài nhưng khẩn thiết. Em ấy đã cầu nguyện như sau: “Chúng con là 3.000 thiếu niên Tân Tây Lan. Chúng con nhóm họp nơi đây, đã chuẩn bị trong sáu tháng để hát và nhảy múa cho vị tiên tri của Ngài xem. Xin Ngài chữa lành cho ông và mang ông đến đây!” Sau tiếng “A Men” vừa được thốt ra, thì chiếc xe chở Chủ Tịch và Chị Kimball chạy vào sân vận động. Họ được nhận ra ngay lập tức và ngay sau đó mọi người reo lên vì vui mừng !11

Tôi đã chứng kiến quyền năng chữa lành của Chúa! Tôi cũng đã chứng kiến sự mặc khải đã nhận được và đáp ứng bởi vị tiên tri tại thế của Ngài!

Thỉnh thoảng, tôi nhận biết rằng một số lời cầu nguyện khẩn thiết nhất của chúng ta dường như không được đáp ứng. Chúng ta tự hỏi: “Tại sao?” Tôi biết đuợc cảm nghĩ đó! Tôi biết những nỗi lo sợ và nước mắt đổ xuống trong những giây phút như thế. Nhưng tôi cũng biết rằng những lời cầu nguyện của chúng ta không bao giờ bị lờ đi. Đức tin của chúng ta không bao giờ bị làm ngơ. Tôi biết rằng viễn ảnh của Cha Thiên Thượng đầy thông sáng thì rộng lớn nhiều hơn viễn ảnh của chúng ta. Trong khi chúng ta biết các vấn đề hữu diệt và đau đớn của mình, thì Ngài biết về sự tiến triển và tiềm năng bất diệt của chúng ta. Nếu chúng ta cầu nguyện để biết được ý muốn của Ngài và tự mình tuân phục theo ý muốn đó, với lòng kiên nhẫn và can đảm, thì sự chữa lành của thiên thượng có thể xảy ra theo đường lối và kỳ định của Ngài.
Các Bước Hướng về Sự Chữa Lành

Nỗi khổ sở có thể đến từ những nguyên nhân thuộc linh cũng như thể xác. An Ma Con đã nhớ rằng tội lỗi của mình gây ra nhiều đau đớn đến nỗi ông đã mong muốn “bị tắt lịm đi, cả tâm hồn lẫn thể xác, để [ông] khỏi bị dẫn đến đứng trước sự hiện diện của . . . Thượng Đế, để bị xét xử về những việc làm của mình.”12 Vào những lúc như thế, làm thế nào chúng ta có thể được Ngài chữa lành?

Chúng ta có thể hối cải hoàn toàn hơn! Chúng ta có thể trở nên cải đạo hoàn toàn hơn! Rồi “Vị Nam Tử Ngay Chính”13 có thể ban phước trọn vẹn hơn cho chúng ta bằng bàn tay chữa lành của Ngài.

Từ lúc đầu trong giáo vụ trên trần thế của Ngài, Chúa Giê Su đã tuyên bố rằng Ngài đã được gửi đến “để rịt những kẻ vỡ lòng.”14 Bất cứ nơi nào Ngài giảng dạy họ, thì mẫu mực của Ngài vẫn trước sau như một. Khi tôi trích dẫn những lời của Ngài phán vào bốn thời gian và địa điểm khác nhau, thì xin hãy để ý đến mẫu mực đó.

• Đối với những người ở Đất Thánh, Chúa phán rằng dân Ngài “mắt [họ] thấy được, tai [họ] nghe được, lòng [họ] hiểu được, họ tự hối cải lại, và ta chữa họ được lành chăng.”15
• Đối với những người ở Mỹ Châu thời xưa, Chúa phục sinh đưa ra lời mời gọi: “Trở về cùng ta, . . . và hối cải tội lỗi và được cải đạo để ta có thể chữa lành cho các ngươi.”16
• Đối với các vị lãnh đạo của Giáo Hội Ngài, Ngài dạy: “Tiếp tục thuyết giảng; bởi vì các ngươi không biết lúc nào những kẻ ấy sẽ trở lại và hối cải, và đến cùng ta với một tấm lòng cương quyết, và ta sẽ chữa lành cho họ.”17
• Về sau, trong “kỳ muôn vật đổi mới,”18 Chúa dạy cho Tiên Tri Joseph Smith về những người tiền phong: “Và sau những cám dỗ, và nhiều khốn khó của họ, này, ta, là Chúa, sẽ tìm kiếm họ, và nếu họ không chai đá trong lòng, và không cứng cổ chống lại ta, thì họ sẽ được cải hóa, và ta sẽ chữa lành cho họ.”19

Chuỗi mẫu mực của Ngài thì đầy ý nghĩa. Đức tin, sự hối cải, phép báp têm, một chứng ngôn và sự cải đạo lâu dài đưa đến quyền năng chữa lành của Chúa. Phép báp têm là một hành động thiết lập giao ước—một dấu hiệu về một sự cam kết và một lời hứa. Chứng ngôn phát triển khi Đức Thánh Linh ban sự tin chắc cho người thiết tha tìm kiếm lẽ thật. Chứng ngôn chân thật gia tăng đức tin; nó thúc đẩy sự hối cải và sự tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế. Chứng ngôn tạo ra sự nhiệt tình để phục vụ Thượng Đế và đồng loại.20 Sự cải đạo có nghĩa là “đổi hướng với.”21 Sự cải đạo là một sự đổi hướng từ các đường lối của thế gian đến và ở lại với đường lối của Chúa. Sự cải đạo gồm có sự hối cải và sự vâng lời. Sự cải đạo mang đến một sự thay đổi mạnh mẽ trong lòng.22 Do đó, một người cải đạo chân thật được “sinh lại,”23 và bước đi với một cuộc sống mới.24

Là những người cải đạo chân thật, chúng ta được thúc đẩy để làm điều mà Chúa muốn chúng ta làm,25 và trở thành người mà Ngài muốn chúng ta trở thành.26 Sự xá miễn tội lỗi mà mang đến sự tha thứ thiêng liêng thì chữa lành linh hồn.

Làm thế nào chúng ta biết được mình đã thật sự cải đạo? Những bài trắc nghiệm tự vấn đều có sẵn trong thánh thư. Một bài trắc nghiệm như vậy đo lường mức độ cải đạo cần thiết của chúng ta trước khi chúng ta chịu phép báp têm.27 Một bài trắc nghiệm khác đo lường sự sẵn lòng của chúng ta để phục vụ những người khác. Chúa đã phán cùng vị môn đồ của Ngài, Phi E Rơ: “Ta đã cầu nguyện cho ngươi, hầu cho đức tin ngươi không thiếu thốn. Vậy, đến khi ngươi đã hối cải, hãy làm cho vững chí anh em mình.”28 Sự sẵn lòng phục vụ và củng cố những người khác là một biểu tượng của sự sẵn sàng của một người để được chữa lành.
Tầm Quan Trọng của Sự Chữa Lành của Ngài

Giăng người được Chúa yêu mến đã nói: “Kìa Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi!”29 Thật là một quyền năng vô song! Chỉ có Đấng Chữa Lành Bậc Thầy mới có thể cất đi tội lỗi của thế gian. Nợ của chúng ta đối với Ngài thì lớn lao không kể xiết.

Tôi còn nhớ rõ một kinh nghiệm trong khi ngỏ lời cùng một nhóm người truyền giáo. Sau khi tôi đã mời họ đặt câu hỏi, một anh cả đứng lên. Mắt nhòa lệ, anh hỏi: “Tại sao Chúa Giê Su phải chịu đau khổ nhiều như vậy?” Tôi yêu cầu anh cả đó mở sách thánh ca của người ấy ra và đọc những lời từ bài “How Great Thou Art.” (“Lớn Bấy Duy Ngài.”) Anh ấy đọc:

Và khi tôi nghĩ Thượng Đế, đã không miễn cho Vị Nam Tử Ngài,
Gửi Vị Nam Tử Ngài xuống để chịu chết,
Thì tôi không thể thấu hiểu hết điều đó,
Khi Ngài sẵn lòng đổ máu và chết
Trên cây thập tự để cất đi tội lỗi của tôi.30

Rồi tôi yêu cầu anh cả này đọc từ bài “Reverently and Meekly Now” (“Giờ Đây Tôn Kính và Hiền Lành.”) Những lời này thấm thía một cách đặc biệt bởi vì chúng được viết như thể Chúa sẽ bày tỏ lời giải đáp của Ngài cho chính câu hỏi đã được đặt ra:

Hãy nghĩ đến ta, các ngươi là người ta đã chuộc tội cho;
Hãy nghĩ về điều ta đã làm.
Ta đã chuộc tội cho các ngươi
Với máu của ta rơi xuống như mưa,
Khi ta đau đớn cực độ,
Và với thân thể ta bị treo trên cây thập tự
Ta đã chuộc tội cho chính các ngươi. . . .

Ôi, hãy nhớ điều ta đã làm
Để cứu chuộc những kẻ có tội.
Ta đã chịu chết cho các ngươi
Trên cây thập tự tại Đồi Gô Gô Tha. 31

Chúa Giê Su đã đau đớn cùng cực bởi vì Ngài yêu thương chúng ta vô cùng! Ngài muốn chúng ta phải hối cải và được cải đạo để Ngài có thể hoàn toàn chữa lành cho chúng ta.

Khi những thử thách khắc nghiệt32 đến với chúng ta, đó là lúc để khắc sâu đức tin của chúng ta nơi Thượng Đế, để cố gắng nhiều và phục vụ những người khác. Rồi Ngài sẽ chữa lành con tim đau khổ của chúng ta. Ngài sẽ ban cho chúng ta sự bình an33 và an ủi34 cá nhân. Các ân tứ lớn lao đó sẽ không bị hủy diệt ngay cả khi chết.
Sự Phục Sinh—Hành Động Chữa Lành Cao Cả Nhất

Ân tứ phục sinh là hành động chữa lành cao cả nhất của Chúa. Nhờ Ngài, mỗi thể xác sẽ được phục hồi lại trong hình thể thích hợp và trọn vẹn.35 Nhờ Ngài, không có tình trạng nào là tuyệt vọng. Nhờ Ngài, những ngày sáng lạn hơn đang chờ đón trước mặt, cả cuộc sống này lẫn cuộc sống mai sau. Niềm vui thật sự đang chờ đón mỗi người chúng ta—sau thời gian buồn phiền chấm dứt.

Tôi làm chứng rằng Thượng Đế hằng sống, rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô—Đấng Chữa Lành Bậc Thầy—trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét