Pages

24/9/09

Chiếc Bánh Noel

Sở thích duy nhất của Sylvestre Bonnard là sưu tầm sách quí. Hôm trước lễ Giáng sinh, một gã bán sách cũ ăn mặc rách rưới chợt đến tìm và năn nỉ ông mua giùm mớ sách vô giá trị. Với thái độ lịch sự miễn cưỡng, ông tìm cách đuổi gã ra gấp. Sau đó, ông mới biết gã là Coccoz, một người nghèo mạt rệp, có vợ đang mang thai, sống trên căn gác lửng chật hẹp lạnh lẽo trong cùng một ngôi nhà với ông. Quá ân hận, ông sai chị quản gia mang súp, củi đốt lửa và một chiếc bánh Noel lên tặng hai vợ chồng đáng thương.

Trở lại đọc sách, ông thấy nói đến một quyển sách cổ quí giá nhan đề "Huyền thoại vàng", viết về cuộc đời Thánh nhân. Thế là ông quyết chí tìm cuốn sách cho bằng được, nhưng biết tìm ở đâu bây giờ?

Mãi tám năm sau ông mới dò ra tông tích cuốn sách. Nó hiện đang nằm trong tủ sách của một nhà sưu tầm tại Sicile. Ông lập tức đi ra tận hòn đảo này để gặp chủ nhân của nó. Nhưng đến nơi thì ông biết được là cuốn sách đã được gởi lên một tiệm sách ở Balê để bán. Tiệm đó lại ở gần nhà ông. Trong khi còn ở trên đảo, ông gặp một người đàn bà Pháp rất đẹp đi với chồng là Duntri Tripof, một ông hoàng người Nga, hiện du lịch vòng quanh Âu Châu để sưu tầm hộp quẹt. Thấy hai vợ chồng có máu đam mê như mình, ông bèn đem kể chuyện cuốn sách trước khi lên đường trở về Balê.

Về đến nhà, ông tìm ngay đến địa chỉ bán cuốn sách. Một cuộc bán đấu giá diễn ra, ông đã giốc cả cơ nghiệp ra đấu giá, nhưng vẫn bị một người bí mật nào đó tranh mua mất. Ông luỉ thuỉ về nhà. Vài tuần sau đó lễ Giáng sinh lại tớị...

Chợt có người gõ cửa và một cậu bé tám tuổi mặt muĩ khôi ngô, bước vào trao cho ông một món quà Giáng sinh. Mở ra, ông thấy một chiếc hộp hình thù như hộp đựng bánh Noel, nhưng bên trong lại là một cuốn sách phủ đầy hoa tím, kèm theo là một tấm thiếp đề tên bà hoàng Trépos. Theo lời chị quản gia của ông, bà hoàng này chính là vợ của gã bán sách Coccoz thưở nào, và đứa bé tám tuổi kia chính là cái bào thai đã được ông sưởi ấm và cho ăn bánh tám năm về trước.



Việt nam ta có câu: "Bánh ích đi, bánh quy lại" hay "Có qua có lại mới toại lòng nhau." Có một quy luật ngầm trong xã hội loài người, là người ta thích cư xử với nhau một cách công bằng: Tôi cho anh để được anh cho lại, tôi làm ơn cho anh là để được anh trả ơn, tôi đãi anh lần này là để được anh mời lại lần sau, tôi lập công là để được phần thưởng.

Rousseau cũng phát biểu như sau: "Hãy thương yêu kẻ khác và họ sẽ thương yêu các bạn, hãy giúp đỡ họ và họ sẽ giúp đỡ bạn". Đó là óc vụ lợi, nó chi phối hầu như tất cả mọi quan hệ của chúng ta với tha nhân, cũng như với chính Thiên Chúa.

Trong câu chuyện trên đây, nhà sưu tầm sách quý Bonnard không cư xử theo lối thường tình ấy. Ông tặng hai vợ chồng đáng thương súp để ăn trong cơn đói cồn cào, cuỉ để đốt lò trong mùa đông rét buốt, và bánh Noel để vui trong đêm mừng Chúa Giáng Sinh.

Chắc chắn ông không mong được đền đáp, và càng không ngờ lại được đáp đền bằng chính cuốn sách quí hiếm mà tám năm trời ông tìm kiếm không được. Đó là một thông điệp mà Hài Nhi Giê-xu đã muốn loan báo cho nhân loại: "Hãy trao ban một cách vô vị lợi". Khi giáng sinh làm người, Ngài đã mạc khải cho chúng ta một Thiên Chúa quảng đại đến độ trao ban một cách như không Người Con Một yêu dấu. Qua cách cư xử đó, Đức Chúa Trời muốn nói với chúng ta rằng: "Đức Chúa Trời yêu thương và không mong một sự đền đáp nào của con người".

- Một Damien tông đồ người hủi đã chết đớn đau vì bệnh cùi sau một đời phục vụ người phong.

- Một Maximilian Kolbe đã chết thay cho người bạn tù một cách vô vị lợi.

- Một Teresa Calculta suốt một cuộc đời chăm sóc cho những người nghèo khổ, hấp hối.

Và còn biết bao nhiêu con người đã âm thầm trao ban một cách vô vị lợi, trao ban như không, trao ban mà không mong chờ bất cứ một sự đền đáp nào.

Qua cái chết trên thập giá, Chúa Giê-xu đã nêu gương sống quảng đại trao ban, sống yêu thương cho đến tột cùng, nghĩa là không tính toán, không mong được đền đáp. Tình yêu trao ban vô vị lợi ấy mời gọi chúng ta hãy tin tưởng và phó thác hoàn toàn cho Ngài. Tình yêu ấy cũng kêu gọi chúng ta hãy thanh luyện tình yêu ích kỷ và vụ lợi của chính mình.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét