Pages

18/5/09

CHÚA GIÊSU ĐANG SỐNG (Chương III)

Chương III:
CHÚA YÊSU ĐANG SỐNG

Trong suốt tháng 6 năm 1981, sau một vòng đi giảng tại Algérie và Maroc, Chúa cho tôi được diễm phúc đến viếng Thánh Địa.

Sau ngày đến Thánh Địa, tôi dậy trước khi mặt trời mọc và đi vào các con đường nhỏ cổ kính, khúc khuỷu trong thành phố Yêrusalem và dọc theo con đường mà Maria Mađalêna đã đi đến mồ ngày Chúa sống lại.

Khi đến Mồ Thánh, tôi gặp một người bạn Mêhicô, trước kia đã cưới một cô vợ đẹp người Porto Rico tại Cana. Bước vào trong mồ, anh ta chỉ cho tôi thấy một bảng ghi bằng tiếng Hy Lạp:

“Sao các người đi tìm người sống trong kẻ chết? Ngài không có ở đây, Ngài đã sống lại” (Lc 24,6).

Nay, tôi cũng chưa hết sững sờ về buổi sáng hôm đó, đã như dội lại trong tôi quang cảnh ngày Chúa Phục Sinh. Từ bóng tối của chiếc mồ trống, đã rọi ra một ánh sáng chiếu soi mọi người để khởi đầu một tạo thành mới.

Nếu Chúa Yêsu không có trong mồ trống tại Yêrusalem, thì chắc chắn Ngài đang ở trong khắp thế gian. Chỉ có một chỗ độc nhất trên mặt đất này mà Chúa Yêsu không có mặt, là cái mồ đẽo đục trong đá do người bạn của Chúa – ông Giuse Arimathia – đã cho Chúa mượn xưa kia.

Chúa Yêsu không sai các môn đệ đi dạy lý thuyết hay những tư tưởng trừu tượng, nhưng sai đi để làm chứng về những gì đã thấy và đã nghe. Khốn nỗi, hình như chúng ta chỉ lo lắng dạy đạo lý hơn là thông truyền sự sống. Để được lớn lên trong sự sống Thiên Chúa, trước hết, ta phải được sinh ra bởi quyền lực Thánh Thần.

Một sứ giả Tin Mừng, trước tiên, phải là một chứng nhân có một kinh nghiệm cá nhân về sự chết và Phục sinh của Chúa Yêsu Kitô, và là người truyền đạt cho kẻ khác, không chỉ một đạo lý, mà về một Đấng-Vẫn-Sống và đang ban sự sống dồi dào. Sau đó – chỉ sau đó và luôn luôn sau đó – người ta mới dạy giáo lý và luân lý. Đôi khi, chúng ta làm cho người ta tuân giữ các điều răn Thiên Chúa, trước khi họ biết được vị Thiên Chúa của các điều răn. Chúng ta không nên quên rằng: mười điều răn được Thiên Chúa trao cho Môsê, sau khi đã tỏ mình ra trên núi Sinai.

Không ai có thể trở thành sứ giả đích thực của Tin Mừng, nếu người đó không có kinh nghiệm đời sống mới mà Chúa Yêsu ban cho. Khi chúng ta làm chứng được những gì Chúa Yêsu đã làm từ sau khi sống lại, thì lúc ấy mọi sự đều được đổi khác. Lời rao giảng sẽ được kèm theo dấu lạ điềm thiêng như Chúa đã hứa.

Tại Janico, một ngày kia, cha xứ mời chúng tôi giảng cấm phòng. Ngài báo trước là giáo dân ở đây rất cứng lòng và không thích đi nhà thờ. Buổi chiều đầu tiên chúng tôi đến, người tham dự buổi tĩnh tâm rất ít. Nhưng thấy có một người đàn ông nằm xoải trên nền nhà, trông như một búp bê bằng vải không thể đứng trên hai chân. Ông ta bị bại hai chân và tay, không thể ăn uống hoặc đi đứng một mình được. Thật là thảm thương! Tôi nghĩ trong lòng: “Tại sao người ta đưa ông này đến đây làm gì vậy?”. Khi nhìn lại hình dáng thảm hại của ông ta, tôi bèn nói:

- Chúng ta hãy cầu nguyện cho người đàn ông này, để chốc nữa, anh em sẽ dẫn đưa ông ta đi cùng với anh em!

Lúc khởi sự cầu nguyện, ông ta bắt đầu toát mồ hôi và run rẩy. Thấy vậy, tôi hồi tưởng lại, chính tôi đã cảm thấy nóng ran khi Chúa chữa tôi. Tôi liền nói với ông ta:

- Hãy chỗi dậy! Chúa đang chữa ông đấy!

Ngay lúc ấy, tôi cầm tay ông ta và truyền ông ta bước đi. Ông ta đi tới Nhà Tạm, ở đó, ông ta làm chứng là đã không đi đứng được từ 19 năm nay.

Tôi nghĩ bụng: “May mà tôi không biết là ông ta bị bại liệt tứ chi đã từ lâu…; nếu biết, tôi đã không dám bảo ông ta đứng dậy”. Trưa hôm đó, sau khi tất cả mọi người đều ra khỏi nhà thờ, chúng tôi băng qua đường đến ngồi ở bậc tam cấp. Vừa ngồi xuống, ông ấy nói với chúng tôi:

- Chúa cũng đã chữa lành cả đôi tay tôi nữa. Tôi có thể ngó ngoáy được…

Việc ông bại xuội này được loan ra. Ngày hôm sau, phòng họp chúng tôi đầy ắp người. Nhiều người đứng đằng sau cửa sổ và cửa nhà thờ.

Ngày nào chúng tôi đón nhận quyền năng của Chúa qua các lời chứng, ngày ấy, lời rao giảng của chúng tôi đổi khác hẳn.

Trước kia, tôi dọn bài giảng rất kỹ lưỡng, tôi học hỏi các nhà văn cổ điển và đọc sách thần học cận đại. Các điều tôi đọc trong sách rất hay và sâu sắc, đến nỗi tôi không muốn để mất những gì tôi thu lượm được, tôi muốn đem hết các điều ấy ra giảng. Cho nên tôi biên tất cả trên giấy rồi đọc lại, để có thể hưởng nguồn phong phú đó mà tôi muốn truyền đạt lại.

Ngay trong vấn đề này, Chúa cũng đã thay đổi tôi. Một Chúa Nhật nọ, tôi đang ngồi trước bài giảng dọn kỹ lưỡng bằng những ý tưởng thu lượm ấy, thì Chúa nói với tôi:

- Nếu con là người đã từng học bao năm, từng đọc bao nhiêu sách, mà chưa đủ khả năng ghi những điều ấy vào trí nhớ, để chốc nữa đem ra lập lại cho người khác nghe; thì làm sao con lại muốn cho những người đơn sơ, chất phác này chưa hề được tập luyện như con, lại có thể ghi nhớ những điều đã nghe để thực hành trong cuộc sống?

Từ đó, tôi thay đổi cách giảng dạy, tôi chỉ còn làm chứng cho quyền phép của Thiên Chúa và những gì Người đang làm, và tôi kể lại những việc của Tình yêu Thiên Chúa.

Tôi còn học được thêm một điều quan trọng: điều cần thiết là không phải nói hay về Chúa Yêsu, nhưng là để mặc Ngài, để mặc cho tất cả quyền năng của Thánh Thần. Tại sao phải nói về Chúa Yêsu một cách tuyệt vời, đang khi chúng ta chỉ cần để cho Người hành động qua chúng ta? Nước Thiên Chúa là quyền năng và sức mạnh đến từ trời cao và tỏ hiện giữa chúng ta.

Một lần nữa, tôi giảng lâu lắm, hơn một tiếng đồng hồ. Giảng xong, một linh mục đến gần tôi, vẻ bực tức, chỉ vào đồng hồ và nói với tôi:

- Tôi không ưa bài giảng của cha; vì trong 67 phút, cha toàn nói đến phép lạ và phép lạ, mà không ám chỉ đến phép lạ nào trong Phúc Âm cả.

Một người khác nghe vậy liền đáp:

- Tại sao phải nói về những phép lạ đã xảy ra cách nay 2.000 năm, nếu người ta có thể nói về những phép lạ mà Chúa Yêsu mới làm tuần trước?

Phần tôi, với những năm tháng còn lại của đời tôi, tôi không đủ để kể lại những gì Chúa đã làm trong 10 năm qua; những việc lạ lùng Chúa đã làm thật vô số kể. Cho nên, khi tôi chỉ có một tiếng đồng hồ, tôi nguyện kể lại những phúc lành mới được Chúa ban cho.

Tôi đã giảng dạy khắp năm châu và chỉ nói có bấy nhiêu sự, vì tôi không còn gì để nói ngoài lòng thương xót của Thiên Chúa. Tôi là chứng nhân Tình Yêu Thiên Chúa đối với loài người, đối với mọi người, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Quyền năng của Thánh Thần đã biến tôi thành chứng nhân của Đức-Kitô-đang-sống.

Nhiều khi, không còn thời giờ để dùng bữa nữa. Sau những ngày giờ đi đường xa, tuy rất mệt nhọc, chúng tôi đã phải bắt đầu làm việc ngay, nhưng Chúa tỏ rỏ sức mạnh của Ngài qua sự yếu đuối của chúng tôi.

Trong kỳ tĩnh tâm tại Lộ Đức, nước Pháp, có những linh mục từ các nước châu Âu đến. Thật rất mệt nhọc, vì sau khi giảng, lại phải ngồi giải tội, rồi lại giảng hoặc cử hành Thánh Lễ.

Sau một bài giảng nọ, có một vài linh mục đến xưng tội. Vị thứ nhất là một linh mục Hòa Lan. Ông ta nói tiếng Pháp không rành, sau khi xưng tội, ông hỏi tôi:

- Cha có thể cầu nguyện cho tôi lành bệnh “câm” tai trái không?

Tôi suýt phì cười, vì câu nói ngộ nghĩnh của ông: “Tôi bị câm tai trái”… Tôi thưa với Chúa:

- Lạy Chúa, nếu Chúa chữa người này, thì sẽ là một việc chữa bệnh lớn nhất thế giới.

Còn tôi, tôi chỉ đợi ông ấy đi ra, để tôi có thể cười thỏa thích; nhưng liền sau đó, một linh mục khác vào và thấy tôi đang cười, vì tôi không quen nổi câu nói “câm tai trái”, và tôi đã cười suốt thời gian ngồi giải tội. Do đó, các linh mục nói với nhau về tôi:

- Cha Emiliano thật là vui sướng! Tuy phải làm nhiều việc, nhưng cha luôn vui vẻ.

Những linh mục khác nói:

- Thật là dễ chịu khi xưng tội với một linh mục luôn tiếp đón chúng ta bằng nụ cười.

Chúa dùng linh mục “câm tai trái” này, để tỏ cho tôi thấy Ngài là Chúa của niềm vui, và Ngài rất hài lòng tiếp đón chúng ta đến gần Ngài. Thiên Chúa chúng ta rất hóm hỉnh, điều đó không thể nghi ngờ.

Ngày kia, lúc tôi giảng cho một đám đông dân chúng trong một sân vận động, một người đến hỏi tôi:

- Cha không sợ, không nhút nhát khi giảng trước một cử tọa lớn như vậy ư?

- Khi chắc chắn là mình truyền đạt một Tin Mừng, thì người ta có thể leo lên mái nhà, làm chứng trong các trại giam và giảng trong các sân vận động. Tôi, tôi đã làm chứng về những gì tôi đã thấy. Nếu không, nói thật với anh em là tôi rất ngán nói.

Khi chúng ta không có kinh nghiệm về Chúa Kitô đang sống, thì chúng ta phải nói về muôn ngàn chuyện, trừ ra nói về Chúa Yêsu, cái đó mới là đáng ngán.

Ngày nay, chúng ta không cần một Phúc Âm mới, nhưng cần phải rao giảng Phúc Âm một cách mới, một lối giảng mới, là tuyên xưng cách mạnh mẽ và hữu hiệu rằng: Chúa Kitô đang sống. Không phải là lặp đi lặp lại những lý thuyết mà chúng ta đã nghe và đã đọc, nhưng là đưa ra những chứng từ của chínnh chúng ta. Ngày nay, chúng ta phải rao giảng Tin Mừng bằng quyền uy của Thánh Thần, với những dấu lạ và điềm thiêng – vốn là những việc bình thường trong cuộc rao giảng Tin Mừng.

Tại Đại hội Montréal tháng 6 năm 1977, có hơn 65.000 người đến đầy sân vận động Điền kinh dự lễ bế mạc. Hiện diện có Đức Hồng Y Roy, 6 giám mục và 920 linh mục, có cả ông Thị Trưởng thành phố, và gần bàn thờ, có hơn 100 bệnh nhân ngồi trên xe lăn của họ.

Chúng tôi hướng dẫn việc cầu nguyện cho bệnh nhân. Tất cả sân vận động vang tiếng ca ngợi Chúa. Bỗng nhiên, một phụ nữ, tên Rose Aimée, mắc chứng ngạch kết đã 11 năm, đứng dậy và bắt đầu bước đi trước mặt mọi người. Chỗ khác, một người, rồi một người nữa tiếp theo, mười hai người liệt bật đứng dậy, ra khỏi xe lăn và bắt đầu bước đi.

Dân chúng vỗ tay và khóc vì quá cảm động. Ông Thị Trưởng cũng khóc như con nít. Khi Chúa tỏ mình ra, không còn có ai là lớn cả, tất cả đều là nhỏ bé. Ông ta khóc vì sung sướng và cảm động.

Hôm sau, tờ báo chính của thành phố đăng tin: “Điều lạ lùng, kinh ngạc tại sân Vận Động Điền kinh: người què đi được”. Tờ báo Montréal ghi: “Những người nằm bệnh trên giường chỗi dậy và đi”. Việc bệnh nhân được chữa lành là một điều không đáng ngạc nhiên, điều đáng ngạc nhiên là nếu họ không được chữa lành. Thật vậy, nếu Chúa Yêsu không giữ lời hứa, ấy mới là kỳ!

Ngày hôm sau, người ta phỏng vấn tôi trên truyền hình:

- Ông có nghĩ rằng các việc chữa lành này là do động lực của đám đông, do cảm xúc, do tiếng hoan hô, vỗ tay của dân chúng không?

Tôi đáp:

- Nếu như vậy, thì xin ông hãy cắt nghĩa cho tôi, tại sao ở bất cứ trận đấu banh nào, lại không hề thấy một người què nào đứng dậy đi được, hay một người bệnh ung thư nào được lành, khi cả đấu trường bùng vỡ lên giữa những tiếng vỗ tay, hoan hô cuồng nhiệt chúc mừng cuộc thắng trận đấu?

Lời giải đáp duy nhất, đó là Đức Yêsu đã sống lại, và Ngài đang sống giữa chúng ta. Đừng tìm câu giải thích nào khác, vì luôn luôn ta sẽ sai lạc.

Chương trình của Chúa lắm lúc làm tôi bật cười. Ngài rất hóm hỉnh, chẳng hạn khi Ngài đặt một linh mục nhà quê đứng giảng Tin Mừng, trước mặt các nhà thần học từ nhiều nước tụ đến. Tôi chẳng dạy họ cái gì cả. Tôi chỉ có việc làm chứng cho họ về tình thướng xót của Trái Tim Chúa Yêsu.

Năm 1981, tôi giảng cấm phòng cùng với cha Albert de Monléon cho 320 linh mục tại Lisieux, nước Pháp; trong số này, có nhiều linh mục rất thông thái, một số rất nặng óc bình luận, và cũng không thiếu những vị có tính hoài nghi.

Sau một bài giảng thuyết tuyệt diệu của cha Monléon, thì đến phiên tôi giảng. Tôi cảm thấy nhỏ bé trước mặt những người quá thông thái, với đầy đủ các văn bằng và chức tước. Tôi cảm thấy nghèo nàn trước mặt Đức Hồng Y Suenens và các Giám Mục khác. Bởi đó, tôi cầu nguyện với Chúa rằng:

- Lạy Chúa, một linh mục từ một đảo nhỏ xíu như con đến đây, thì làm được cái gì trước mặt những người thông thái này? Và có thể các vị ấy cũng chẳng biết hòn đảo nhỏ của con nằm ở đâu. Xin đừng để con một mình, Chúa ơi!

May sao, đêm đầu tiên, Chúa chữa lành một linh mục bị đau viên tĩnh mạch; nhờ đó, mọi cuộc tranh luận đều chấm dứt. Sáng hôm sau, trong phòng cơm, ông ta vén ống quần lên và chỉ cho thấy hai chân được khỏi hoàn toàn. Bằng chứng này đã biểu thị vinh quang Thiên Chúa, hơn cả những bài diễn thuyết nghèo nàn của tôi.

Tai Lyon, sau một bài giảng của tôi cho hàng giáo sĩ, Đức Hồng Y Renard rất đỗi ngạc nhiên bởi những việc chữa lành kỳ diệu của Chúa. Ngài đứng dậy nói:

- “Đối với chúng ta, chấp nhận hành động mầu nhiệm của Chúa Thánh Thần là điều rất khó, bởi vì chúng ta duy lý. Nhiều hay ít gì, tất cả chúng ta là con cháu Descartes, và ngay cả Voltaire nữa. Bởi đó, chúng ta khó nhận ra được hoạt động của Thần Khí. Ngài muốn thổi đâu thì thổi như ý Ngài muốn, mà không bị giới hạn vào khuôn phép lý luận của lý trí chúng ta. Chúng ta đặt đường rầy buộc Ngài phải theo, nhưng Ngài bay vượt khỏi đó; chúng ta đưa cho Ngài ống dẫn hơi để Ngài có thể thổi qua đó, nhưng Ngài lại thổi bên cạnh. Thần Khí không theo chương trình mục vụ của chúng ta.

“Chắc chắn, chúng ta cần có một phương pháp mục vụ, nhưng căn bản của mọi việc huấn luyện đức tin chính là nhận ra điều này: không phải chúng ta điều khiển hành động chúng ta. Mọi phương pháp cần phải mềm dẻo đủ để Thần Khí có thể sử dụng, và hơn nữa, có thể biến đổi nó.

“Ân tứ của Thánh Thần thì khác nhau, và hiện tại có thể vì óc duy lý hoặc thiếu lòng tin, chúng ta tưởng các ân tứ đó là chuyện đời xưa.

“Người thời nay tìm kiếm những người có Thần Khí, những tiên tri có Thánh Thần soi sáng; nhưng nếu họ không tìm ra, họ sẽ chạy theo những kẻ thần khải giả hiệu; đó là điều rất nguy hiểm.

“Giáo Hội là một lễ Hiện xuống, chứ không phải là một sự duy lý trường kỳ.”

Những câu cuối cùng này của Đức Hồng Y nhắc tôi nhớ lại một giai thoại không có trong Phúc Âm. Một ngày kia, Chúa Yêsu đang ở với các môn đồ, Ngài hỏi họ rằng:

- Còn các con, các con nói ta là ai?

Simon Phêrô đứng dậy đáp:

- Thầy là sự hiển linh cánh chung, nuôi dưỡng trên bình diện hữu thể, cho xu hướng tính của những mối quan hệ tiềm thức và liên vị của chúng con.

Chúa Yêsu mở to mắt ra và hết sức ngạc nhiên:

- Sao, con nói gì vậy?

Và Phêrô không thể lặp lại được, vì ông đã quên ngay cái định nghĩa mà ông vừa nói ra. Vì điều đó không phải là cái ông có trong tim, nhưng chỉ có trong óc mà thôi.

Người đời chán nghe các lý thuyết và những thi phú văn hoa. Họ đói khát những lời sự sống và hữu hiệu. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nói:

“Thế giới này đã quá mệt mỏi vì phải nghe nhiều thầy, họ chỉ bị lôi cuốn bởi các chứng nhân”. Những chứng nhân là người có kinh nghiệm về đời sống mới do Chúa Yêsu ban cho.

Phúc Âm Thánh Luca kể rằng: chiều Chúa Nhật Phục Sinh, hai môn đồ Chúa từ Yêrusalem trở về Emmau. Họ buồn và chán nản, bởi Thầy họ đã chết, thì tất cả hy vọng khôi phục nước Israel của họ đều tan thành mây khói.

Chúa Yêsu đích thân đến với họ trên đường đi, và một trong hai ông, tên Clêopha, bắt đầu giảng một khóa Kitô cho Chúa Yêsu, mà ông ta không nhận ra được. Ông ta nhắc lại rành mạch từng việc làm, từng phép lạ, và từng lời Ngài nói. Ông ta kể lại cái chết thê thảm của Chúa trên thập giá mà toàn dân đã chứng kiến; nhưng kể đến chỗ Chúa sống lại, thì ông ta không thể nói kinh nghiệm của mình ra, chỉ biết lặp lại những gì các phụ nữ nói rằng: “Thiên thần đã nói…”

Cũng vậy, trong Giáo Hội, một số giảng viên chỉ lặp lại những gì các nhà thần học đã viết, hoặc những gì mà họ đã học được qua các trường lớp, nhưng chính họ lại chẳng có kinh nghiệm cá nhân nào về sự Phục Sinh của Chúa Yêsu Kitô.

Khi chính cá nhân ta chưa đích thân gặp Chúa Yêsu Kitô Phục Sinh, ta chỉ lặp lại những lý thuyết hoặc lời dạy của kẻ khác. Chúng ta được gọi làm chứng về những gì chúng ta giảng dạy, nhưng để trở thành một chứng nhân đích thực, cần phải có kinh nghiệm bản thân và những điều mình tuyên xưng, và sống kinh nghiệm ấy trong con người của mình.

Ngày kia, người ta đưa tôi tham quan hệ thống nhà máy thủy điện đồ sộ tại Itaipu ở Paraguay, thật là choán ngợp! Người và xe vận tải nhỏ như con kiến, trước giàn bê tông khổng lồ của các đập ngăn nước. Mức sản xuất điện năng của nhà máy này nhiều đến nỗi có thể cung cấp điện cho cả nước và một phần nhu cầu của Brésil và Argentina.

Lúc đêm đến, trên đường về, tôi để ý những căn nhà của công nhân đập thủy điện không có điện sáng, mà chỉ thắp bằng đèn cầy nhỏ xíu. Cách những máy điện khổng lồ nhất thế giới có mấy thước, người ta vẫn không có điện để thắp, mà chỉ có đèn cầy! Vì đường dây cần thiết để đem đến các ngôi nhà của họ chưa được thiết lập.

Đối với chúng ta, đôi khi cũng vậy. Đời sống chúng ta đáng lý ra phải được chiếu sáng bởi đèn điện, nhưng chỉ có đèn cầy, bởi chúng ta không nối dây liên kết với Chúa Yêsu là sự sáng thế gian. Có những người phục vụ trong Hội Thánh mà không có ánh sáng trong lòng họ.

Chúng ta giống như khách du lịch trước cảnh đẹp, dùng máy Polaroid để chụp hình lấy ngay, rồi sau đó xem hình bằng giấy, thay vì ngắm cảnh thật, để say sưa thưởng thức cái đẹp.

Có nhiều Kitô hữu giữ tượng ảnh bất động của Chúa Yêsu, mà lại không biết Ngài “diện đối diện”; vì họ chưa bao giờ được đích thân gặp Ngài. Họ chỉ biết lặp lại những gì họ đã nghe, nhưng không có kinh nghiệm sự sống mới.

“Sự sống đời đời là nhận biết” (Yn 17,3), nghĩa là có kinh nghiệm về Thiên Chúa, và Đấng mà Người đã sai đến là Đức Yêsu Kitô.

Người rao giảng đích thực là người trình bày lời chứng bản thân, kinh nghiệm của chính bản thân mình đã được cứu độ, và có thể làm chứng là Chúa Yêsu đang sống, bởi vì người đó đã gặp gỡ đích thân với Chúa Yêsu, như các Tông Đồ đã đoan chứng:

“Chúng tôi không thể không nói về những gì chúng tôi đã thấy và đã nghe” (Cv 4,42).

Người loan Tin Mừng thật không phải là người nói về Chúa Yêsu, nhưng là người có khả năng giới thiệu Chúa Yêsu cho những người nghe, để họ cũng nói như những người xứ Samari:

“Không còn phải vì câu chuyện của chị nói mà chúng tôi tin, vì chính chúng tôi cũng đã nghe và chúng tôi biết: thật Ngài là Đấng Cứu Thế!” (Yn 4,42).

Nhưng không ai có thể truyền đạt sự sống của Chúa Kitô sống lại, nếu trước đó, người ấy không có kinh nghiệm về Chúa Yêsu đang sống ngày hôm nay.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét