Pages

9/8/09

Cầu nguyện

CẦU NGUYỆN NHƯ THẾ NÀO

Khi các Tông Ðồ xin Ðức Kitô dậy cầu nguyện, Ngài đã dậy các ông như sau:

“Lậy Cha chúng con ở trên Trời.

Chúng con nguyện danh Cha cả sáng,

nước Cha trị đến,

ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời.

Xin Cha cho chúng con hôm nay

lương thực hằng ngày.

Và tha nợ chúng con,

như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.

Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ.

Nhưng cứu chúng con khỏi mọi sự dữ”

(Mt 6:9-13).

Ngài có ý dậy, khi cầu nguyện điều ta thưa với Thiên Chúa trước hết là xin cho danh Ngài được hiển sáng, nước Ngài được ngự trị khắp nơi, và cho Thánh Ý tốt lành của Ngài được mọi loài suy phục, tuân theo. Ðây là lời nguyện cầu của một tâm hồn khiêm tốn và muốn tìm gặp ý muốn của Thiên Chúa. Một thái độ ngoan hiền của kẻ làm con mong cho Cha mình được mọi người biết đến và quí mến. Cũng trong lời nguyện này, ta xin Thiên Chúa cho mình được nghị lực, khôn ngoan và ân sủng để sống và hoàn thành cách tốt đẹp ý nghĩa cuộc sống của mình trên trần gian theo như ý định quan phòng của Ngài.

Như một lời nguyện truyền giáo, lời cầu xin này còn thích hợp với sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội. Trên con đường về nhà Cha, trong cuộc hành trình về quê hương vĩnh cửu, sứ mạng của Giáo Hội là làm cho Thiên Chúa được vinh danh trên khắp các dân tộc, và đem Tin Mừng Cứu Ðộ đến với muôn dân. Những gì ta cầu nguyện cho danh Thiên Chúa, Thánh Ý Thiên Chúa, và nước Thiên Chúa cũng chính là ý nguyện truyền giáo của Giáo Hội. Người Kitô hữu tham dự sứ mạng truyền giáo của mình trong sứ mạng truyền giáo chung của Giáo Hội bằng lời cầu xin để đem Chúa đến cho những người thân trong gia đình, trong họ hàng, trong các nơi mình sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày. Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã viết:

“Các tín hữu, nói một cách rộng hơn, chính giáo dân là kẻ đứng ở mặt trận tiền phong đời sống của Giáo Hội. Nhờ họ, Giáo Hội trở nên nguyên lý sự sống cho xã hội loài người. Vì thế, chính họ phải ý thức ngày càng rõ rệt là họ không những thuộc về Giáo Hội mà là Giáo Hội” (Huấn từ cho các Tân Hồng Y, 20.2.1946).

Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã hân hoan tin tưởng vào sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội khi viết:

“Ta đã thấy ló rạng một kỷ nguyên truyền giáo, sẽ bừng sáng rực rỡ và nặng trĩu hoa trái nếu tất cả mọi tín hữu; đặc biệt, các vị tông đồ truyền giáo và các giáo hội trẻ đáp lại những lời kêu gọi và thách đố của thời đại với lòng quảng đại và sự thánh thiện” (Sứ Mạng Ðấng Cứu Thế, số 92).

Người con thảo lúc nào cũng hiểu biết và mong làm đẹp ý cha mình. Thái độ tốt nhất của một Kitô hữu khi cầu nguyện là lưu tâm đừng để Thiên Chúa là người Cha Nhân Lành phải khó xử. Ðừng xin gì nghịch với ý Ngài. Nhất là đừng mang tâm trạng của kẻ mè nheo, xin xỏ. Xin xỏ và kèo nhèo là thái độ của người ngoài, của kẻ ăn xin, của người làm mướn, tiêu cực và vụ lợi.

“Những gì của cha là của con” (Lk 15:31). Người Kitô hữu yêu mến Thiên Chúa và kết hợp mật thiết với Ngài trong hạnh phúc viên mãn, khôn cùng của Ngài cũng phải lấy làm hạnh phúc và thỏa mãn như thế. Là Thiên Chúa toàn năng và từ bi, Ngài không thể để cho ai tin tưởng, yêu mến, và phó thác nơi Ngài bị thiệt thòi.

Nhưng để con người ý thức thân phận lữ hành của mình, Ðức Kitô nhắc ta phải rất thực tế về những nhu cầu mình xin. Một trong những nhu cầu thiết yếu cho mọi người là nhu cầu cơm bánh. Tuy vậy, Ngài cũng chỉ dậy ta hãy xin vừa đủ: “Xin cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày” (Lk 11:3). Ngài không muốn ta quá tham lam, nhưng cũng không nên quá phiền hà, lo lắng. Ðể củng cố niềm tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Ðức Kitô đã nói:

“Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo vãi, cũng chẳng gặt hái, cất chứa vào kho lẫm, vậy mà Cha trên trời vẫn nuôi chúng. Các con không trọng hơn chúng sao” (Mt 6:26).

Không muốn ta đừng quá bận tâm, lo lắng về của cải vật chất, Ðức Kitô dậy ta qui hướng cuộc đời vào những giá trị tinh thần. Ngài lưu ý ta về những lỗi lầm và khuyết điểm để xin Thiên Chúa tha thứ.

Là con người yếu đuối, nhiều lần ta đã vô tình hoặc cố ý gây đau khổ cho anh chị em mình, và xúc phạm đến Thiên Chúa. Do đó, ta phải khiêm nhường xin ơn tha thứ: “Xin tha nợ chúng con”, bằng một tinh thần tha thứ mà Ngài muốn ta có đối với anh chị em: “Như chúng con cũng tha kẻ mắc nợ chúng con” (Lk 11:4). Tha thứ cho anh chị em mình. Không để lòng thù ghét, oán hờn, hoặc ghen tị. Hơn thế nữa, theo lời Ngài dậy, ta còn phải thương yêu kẻ thù và cầu nguyện cho họ nữa.

Qua hành vi khiêm nhường xin ơn tha thứ, Thiên Chúa muốn dậy ta rằng Ngài muốn anh chị em - con cái Ngài - phải sống hòa thuận với nhau. Người này lấy lòng từ tâm, khiêm tốn mà chịu đựng và tha thứ cho người khác. Tinh thần này Ngài coi như cốt lõi và là điều kiện để các lời cầu xin của ta đáng được Ngài chấp nhận:

“Nếu khi nào ngươi dâng của lễ trên bàn thờ mà sực nhớ ra anh em mình có điều chi bất hoà với ngươi. Hãy để của lễ ngươi trên bàn thờ, đi làm hoà với anh em đã, rồi ngươi hãy đến dâng của lễ” (Mt 5:23-24).

Sau cùng, ta xin Thiên Chúa cho được tỉnh thức luôn luôn đề phòng mọi mưu mô thâm độc của quỉ dữ: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (Lk 11:4), đó là hành động theo đam mê, theo tập quán xấu, hoặc theo bản năng tự nhiên. Nhưng nhất là xin Ngài ban cho những ngày ta đang sống trên trần gian được bình an và hạnh phúc: “Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ” (Mt 6:13). Sự dữ do chủ ý ác độc con người muốn gây ra để làm thiệt hại và mất hạnh phúc của nhau. Sự dữ do ma quỉ xui khiến và cám dỗ. Tai hại nhất là “tội lỗi”, vì tội là một sự dữ xấu xa và đáng ghê tởm. Khi phạm tội là ta chống lại với Thiên Chúa bằng cách bất tuân phục các giới luật của Ngài, phủ nhận tình thương và sự hiện hữu của Ngài, hoặc bằng cách xúc phạm tới tha nhân.

Tóm lại, người Kitô hữu cầu nguyện không chỉ là năn nỉ, kèo nhèo, hay kêu rêu điều này, điều khác. Cầu nguyện là hướng tâm hồn lên với Thiên Chúa, lắng nghe và tâm sự với Ngài như thái độ của Maria khi ngồi dưới chân Ðức Kitô, nghe và nói với Ngài. Vì vậy, khi cầu nguyện điều gì, trước tiên ta phải tin tưởng và phó thác điều mình xin cho Thiên Chúa. Chỉ trình bày, chỉ đưa ra những nhu cầu mình hiện thấy thiếu thốn và cần thiết rồi để Ngài tự do quyết định. Ngài muốn ban khi nào, ban bao nhiêu, hay không ban cho điều ta đang mong muốn là tùy Ngài. Phần ta, hãy lấy những giờ cầu nguyện như cơ hội thuận tiện để nối lại tình thân giữa ta với Thiên Chúa. Theo Thánh Têrêxa Hài Ðồng Giêsu:

“Cầu nguyện chỉ là một cơn lòng sốt sắng, một liếc nhìn lên trời, một tiếng kêu tri âm, một lời nói tình giữa lúc phải gian nan túng cực, cũng như khi được bình an thư sướng; và nữa, cầu nguyện là một cái gì cao thượng, siêu nhiên cởi mở lòng, phơi giãi linh hồn, trao đi đổi lại tâm tình, để được kết hiệp cùng Chúa cách chí thiết” (Một tâm hồn, tr.241).

Cầu nguyện trọn vẹn

Ta hãy cầu xin Chúa dạy ta cầu nguyện bằng một lời xin cụ thể, bằng cách đặt tất cả vào đó, đặt tất cả những gì mình có, dù cho cái mình có thì thật ít. Tất cả sức lực ít ỏi, tất cả sở thích ít ỏi, tất cả thời gian ít ỏi của mình, mọi sự mà ta đặt vào trong một lời cầu xin tha thiết, dù cho lời cầu xin đó được thực hiện vào một ngày mà ta uể oải, mà cơn đau đầu làm mình khờ khạo, mà thời gian còn lại chỉ đếm từng giờ.

Để xin điều mình thực sự muốn, chúng ta phải làm tất cả những gì chúng ta thực sự có khả năng; cái tất cả đó là đủ: xin Chúa dạy ta cầu nguyện, dù cái tất cả đó gần như không là gì cả.

Cầu nguyện không phải là như định nghĩa của bài ca vịnh xưa: “Cầu nguyện, là hạnh phúc, là niềm vui tuyệt đỉnh!...; không phải là đọc các kinh của mình, là cầu nguyện.

Cầu nguyện, là ngưng làm mọi thứ khác, mà trước tiên là tách khỏi những gì mình làm để nói chuyện với Chúa.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét