Pages

21/8/09

Đức Mẹ với Thánh Catarina Laboure

Ngày 31 tháng 5

Lạy Mẹ Xin An Uûi Chúng Con Luôn Luôn.

Ðức Mẹ hay làm phép lạ.



Ðêm 18 rạng ngày 19.7. 1830, Ðức Maria đã hiện ra với chị Catherine Laboure, tập sinh dòng Nữ tử bác ái, tại nhà Nguyện của Dòng ở Paris.

Chị kể: khoảng 11 giờ rưỡi đêm, đang ngủ, tôi nghe tiếng gọi tôi ba lần liền, tôi vạch mùng phía có tiếng gọi và thấy một em bé độ 4-5 tuổi, rất xinh, mặc áo trắng từ thân mình em tỏa ra ánh sáng.

Em bảo: “Hãy đến nhà nguyện, Ðức Mẹ đợi chị”. Catherine thầm sợ, nhưng em bé bảo: “Ðừng sợ, 11g30 rồi, ai nấy đều ngủ hết, tôi sẽ dắt chị đi”.

Chị trỗi dậy lật đật mặc áo và theo em bé. Ðèn bật sáng khắp nơi làm cho chị rất ngạc nhiên. Vừa đến cửa Nhà nguyện, em bé chỉ vào cửa và tự nhiên cửa mở hẳn ra làm chị càng ngạc nhiên thêm. Trong nhà nguyện đèn sáng trưng như đêm lễ Giáng Sinh. Bước vào chị đến quỳ bên Bàn Thánh, thầm lặng cầu nguyện.

Chị Laboure nóng lòng vì chưa thấy Ðức Mẹ. Khoảng nửa đêm em bé bảo: “Mẹ đến kìa” chị Catherine nghe một tiếng động trong cung thánh phía bên sách lễ, và cùng một lúc, chị nghe xào xạc như tiếng áo lụa dài lê trên gạch. Tiếp đó một Bà rất xinh đẹp đến ngồi trên ghế nơi cung thánh, chị Catherine theo tiếng giục trong tâm, hối hả đến quỳ bên Bà, linh tính chị nhận ra Bà là Ðức Maria, hai tay chị chắp lại để trên đầu gối Bà, lòng tràn ngập sự an vui, êm dịu không thể tả được. Hồi lâu Bà biến đi.

Catherine thấy em bé vẫn còn đứng bên Bàn thánh. Chỗ chị quỳ đợi. Em bé nói: “Mẹ đi rồi”, đoạn em sang bên mé tay trái chị và dẫn chị về giường ngủ như lúc em dẫn chị đi.

Về đến giường đúng 2 giờ sáng, Catherine không sao ngủ lại được.

Ngày 27 tháng 11 năm 1830, lúc 5 giờ chiều, trong giờ cầu nguyện thằm lặng, chị Laboure được phúc thấy Nữ vương thiên đàng hiện đến, chân đứng trên quả địa cầu, hai tay Mẹ nâng lên một quả địa cầu khác nhỏ hơn trên ngực, như Mẹ đang hiến dâng nó cho Thiên Chúa. Những chiếc nhẫn hột ngọc trên các ngón tay Mẹ thình lình bật ra những tia sáng chói lóng lánh tứ phía và bao phủ cả áo và chân Mẹ với ánh sáng rực rỡ.

Ðức Mẹ nhìn chị và nói vang lên trong lòng chị: “Quả địa cầu con thấy đấy là hình bóng vũ trụ và mỗi cá nhân cách riêng. Các tia sáng chiếu xuống biểu trưng các ơn Mẹ sẽ đổ xuống trên những ai xin Mẹ”.

Rồi một khuôn hình bầu dục sáng rực bao xung quanh Mẹ, có khắc bằng chữ vàng câu: “Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ”.

Mẹ duỗi hai tay xuống và nói: “Hãy làm ra ảnh vẩy theo mẫu này, những ai mang ảnh này sẽ được hưởng nhiều ơn, nhất là những ai mang nơi cổ, muôn vàn ơn sẽ tuôn xuống cho những ai có lòng trông cậy Mẹ, như được biểu trưng qua những làn ánh sáng từ tay Ðức Mẹ tỏa ra”.

Khuôn ảnh xoay lại mặt sau có chữ M, trên có Thánh giá và dưới có hai Quả Tim, một quả bị quấn gai và quả kia bị luỡi gương đâm thâu qua, chỉ Trái Tim Chúa Giêsu và Trái Tim đau khổ của Mẹ Maria.

Hai năm qua, kể từ khi Ðức Mẹ hiện ra, ảnh vẩy được làm ra theo mẫu với sự chấp nhận của Ðức Cha Quelen, Tổng Giám mục thành Paris, và từ đấy ảnh vẩy được lan tràn cách lạ lùng trên khắp thế giới với các ơn lành bệnh, ơn bầu chữa lúc nguy hiểm ngặt nghèo, ơn dứt bỏ tội lỗi và được quay về con đường lương thiện.

Vì những ơn lạ người ta được nhờ và mang ảnh này, nên người ta gọi là “Ảnh Phép Lạ”.

Ảnh phép lạ là một ân huệ của trời, vì chính Mẹ Maria đã từ trời đem đến cho chúng ta, chúng ta hãy mang ảnh phép lạ với lòng cung kính và đọc câu: “Lạy Ðức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cầu cho chúng con đang chạy đến cùng Mẹ”, sẽ được nhiều ơn.

Chị Catherine Laboure được Hội Thánh tuyên dương hiển thánh ngày 27 tháng 7 năm 1947 với lễ ngày 28 tháng 11.

Lạy Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cầu cho đất nước chúng con được thanh bình.



Cầu nguyện.

1. Lạy Ðức Mẹ Maria là Nữ vương trời đất, xin Mẹ giang cánh tay che chở, dìu dắt chúng con lúc chúng con gặp gian nan thử thách.

* Hát

2. Lạy Ðức Mẹ Maria, chúng con tin tưởng nương ẩn nơi tình thương của Mẹ.

* Hát

3. Lạy Ðức Mẹ Maria, xin giơ gót đạp đầu rắn hỏa ngục, để cứu chúng con khỏi mưu độc ác của nó.

* Hát



Ngày 31 tháng 5
Giuditha



Thống soái Átsua của vua Nabucodonosor đem đại quân đến vay hãm thành Betulia, cửa ngõ vào nước Giuđa. Nhưng thành nhỏ bé này lại cố thủ không chịu hàng. Tức giận, ông chặn các ngả đường tiếp tế lương thực và phá mương dẫn nước vào thành. Ý ông là không chỉ giết hết mọi người mà còn phá bình địa Betulia và từ đó tiến lên tiêu diệt hết các thành trì, tuyệt chủng cả Do thái.

Ðói làm cho dân thành nản chí, khát làm cho lòng họ lung lay, cả các vị lãnh đạo, các vị chức sắc, hết nghị luận lại họp dân lại để chuẩn bị đầu hàng nếu nội trong năm ngày mà không có quân tiếp viện từ Giêrusalem đến giải vây, sẽ mở cửa ra hàng.

Giuditha là một bà góa có thế giá trong thành nghe vậy, liền sai người đi mời hai vị chức sắc cao nhất trong thành đến gặp bà, bà bảo các ông phải tôn trọng thánh ý Thiên Chúa, đừng chọc giận Ngài. Ngài thừa sức bảo vệ và giải thoát chúng ta khỏi tay kẻ thù.

Họ nói với bà: “Những điều bà nói đều chí lý, nhưng dân ta đang đói, đang khát buộc chúng ta phải làm như vậy. Bà là phụ nữ đạo hạnh và khôn ngoan, xin cầu nguyện cho chúng tôi. Xin Chúa cho mưa để có nước đầy các hồ”.

Họ về rồi, bà Giuditha liền sấp mình xuống đất, rắc tro lên đầu, cầu nguyện tha thiết với niềm vững mạnh vào cánh tay Thiên Chúa. Xin Chúa dùng cánh tay nhi nữ bẻ gãy thói kiêu căng của kẻ cao ngạo. Xin làm cho muôn dân biết Ngài là Thiên Chúa toàn năng.

Cầu nguyện rồi, bà xuống nhà bỏ áo góa bụa, lấy nước thanh tẩy, mặc áo quý giá, trang điểm lộng lẫy, bảo thị nữ đem theo bánh và bình rượu. Ðến cổng thành, bà xin mở cổng. Ra khỏi thành bà đi thẳng về doanh trại giặc. Lính gác chặn bà lại hỏi bà đi đâu. Bà nói: Xin cho được yết kiến chủ soái của các ông.

Cả trại xôn xao vì sắc đẹp của bà, đưa bà đến đại bản doanh.

Khi tiếp bà, chủ soái cũng choáng váng vì nhan sắc của bà.

Ông đã ưng thuận tất cả những gì bà xin, bà được ở trong một lều riêng và được tự do ra khỏi trại mỗi buổi sáng sớm.

Tướng Hôlôphecnê bị nhan sắc bà thôi miên đã sai thuộc hạ đến mời bà dự tiệc với ông. Ông uống rất nhiều và say sắc nên càng say rượu.

Ðêm khuya tiệc tàn, thuộc hạ tất cả đều rút lui, chỉ còn bà và thị nữ của bà ở lại trong trướng.

Hôlôphecnê thì ngủ mê man. Bà lẻn đến giường của ông, rồi hai tay cầm chính đao của tướng giặc, thầm cầu nguyện, rồi giang thẳng cánh chặt đứt đầu tên tướng. Bà cắt một miếng vải gói đầu ông lại bỏ vào bị cho thị nữ xách đi cùng bà ra khỏi trại như mọi khi, nhưng bà đi thẳng về thành, gọi lính mở cổng thành.

Trước đông đảo dân thành bà lấy đầu Hôlôphecnê giơ cao cho mọi người thấy.

Dân thành vui mừng mở cửa thành xông ra, giặc hoảng hốt vào báo chủ tướng thì thấy ông chỉ còn là cái xác không hồn.

Tất cả đều hoảng hốt đạp lên nhau mà trốn, để lại lương thực và khí giới cao như núi.



Cầu nguyện.

1. Lạy Ðức Mẹ Maria đẹp như mặt trăng, lộng lẫy như mặt trời và uy quyền như đạo binh. Xin Mẹ giải thoát chúng con khỏi những quyến rũ của thế tục.

* Hát

2. Lạy Ðức Mẹ Maria, xin Mẹ thương giữ gìn giáo hội Chúa đang luôn luôn bị ba thù là xác thịt, ma quỷ và thế gian vây hãm.

* Hát

3. Lạy Ðức Mẹ Maria, xin cho chúng con được vững tin vào tình yêu của Chúa mà cương quyết chống lại mọi quyến rũ của thế tục.

* Hát



Ngày 31 tháng 5

Hoàng hậu Esther



Dân Do thái bị vu oan đang đợi ngày bị tiêu diệt đã được Hoàng hậu Esther liều chết để cứu dân.

Bà là thiếu nữ Do thái mồ côi cha mẹ, xinh đẹp và được tuyển chọn vào cung vua rồi được vua tuyên phong Hoàng hậu.

Cậu và cũng là cha nuôi bà là ông Moođôkhai bị quan tể tướng Haman ghét vì ông đã không chịu quỳ xuống khi ông qua lại đền vua.

Một đêm, vua không ngủ được, truyền thị vệ lấy biên niên sử, đọc cho vua nghe, khi nghe về ông Moocđôkhai tố giác âm mưu đảo chính của các quan. Và vua thoát chết. Vua hỏi Moocđôkhai đã được thưởng gì chưa. Cận vệ thưa chưa, vừa lúc đó quan Haman đến chầu buổi sáng. Vua hỏi Haman: “Cứ ý khanh thì những người có công với vua phải làm gì cho họ?”.

Haman nghĩ: Ngoài ta ra thì ai đáng thưởng, bèn tâu vua:

Xin vua cho người ấy mặc cẩm bào, đội vương miện, cưỡi ngự mã và quan lớn nhất triều đình dắt ngựa đi khắp các ngả đường thành phố, hô lớn: Ðây là cách đức vua đãi ngộ người đức vua muốn tuyên dương.

Vua liền nói: Vậy khanh cứ làm như vậy cho Moocđôkhai.

Quan Haman phải nuốt hận dắt ngựa cho ông Moocđôkhai, tung hô ông.

Thật là xấu hổ và tức đến thâm gan tím mật.

Trưa đó, Haman giận dữ truyền dựng một cột cao để treo cổ Moocđôkhai. Nhưng rồi ông được quên đi chốc lát để vào dự tiệc lần thứ ba với vua và hoàng hậu.

Ðang ăn, vua hỏi: Hoàng hậu thỉnh cầu điều gì?

Bà thưa: xin đức vua thương thiếp và cả dân thiếp, vì có kẻ âm mưu giết hết dân của thiếp. Nhưng điều thiếp lo là việc ấy sẽ hại đến thanh danh đức vua.

Vua đỏ mặt hỏi: ai mà cả gan dám làm điều ấy?

Hoàng hậu chỉ tay vào quan Haman. Chính hắn là kẻ thù của dân thiếp.

Vua bừng giận bước ra khỏi phòng tiệc. Một lát sau vua trở lại thấy Haman đang phục bên giường Hoàng hậu xin cứu vớt.

Vua tức giận la: nó lại muốn làm nhục Hoàng hậu trước mặt ta sao?.

Người ta tâu vua: Ông ấy đã dựng cột cao để tro cổ ông Moocđôkhai. Vua truyền treo cổ Haman vào đó, và trao cả gia sản cho đó cho ông.



Cầu nguyện.

1. Lạy Ðức Mẹ Maria là Nữ vương trời đất. Xin Mẹ giang tay che chở, dìu dắt chúng con lúc chúng con gặp gian nan thử thách.

* Hát

2. Lạy Ðức Mẹ Maria, chúng con tin tưởng nương ẩn nơi tình thương của Mẹ.

* Hát

3. Lạy Ðức Mẹ Maria, xin giơ gót đạp đầu rắn hỏa ngục, để cứu chúng con khỏi mưu độc ác của nó.

* Hát

20/8/09

Hành hương về đất Thánh

HÀNH HƯƠNG ĐẤT THÁNH
NHỮNG CẢM NHẬN
Đàlạt 08-15/9/2008
Để chuẩn bị mừng Năm Kim Khánh Giáo phận (1960-2010), hưởng ứng lời kêu gọi của Đức cha Phêrô, 22 cha trong Giáo phận Đàlạt cùng với Đức cha làm cuộc hành hương đến Đất Thánh.
Danh sách đoàn gồm:
01. Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, GM Giáo Phận
02. cha Phaolô Lê Đức Huân, TĐD (Chính tòa)
03. cha Phêrô Trần Văn Hội (Chính tòa)
04. cha Micae Trần Đình Quảng (Chủng viện)
05. cha Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm (Chủng viện)
06. cha Giuse Trần Ngọc Liên (Chủng viện)
07. cha Gioan Nguyễn Anh Tuấn (Tòa Giám mục)
08. cha Giuse Trần Minh Tiến (Thiện Lâm)
09. cha Phêrô Lê Văn Khánh (Lang Biang)
10. cha Giuse Trần Văn Chiến (Cầu Đất)
11. cha Matthêu Đinh Viết Hoàng (Thanh Bình)
12. cha Giuse Nguyễn Văn Khấn (Nam Ban)
13. cha Giuse Nguyễn Viết Liêm (Thạnh Mỹ)
14. cha Phêrô Lê Anh Tài (Tân Thanh)
15. cha Gioan Đỗ Minh Chúc (Thánh Mẫu, Bảo Lộc)
16. cha Giuse Tạ Đức Tuấn, sdb (Học viện Đàlạt)
17. cha Giuse Nguyễn Đình Phúc, sdb (K’Long)
18. cha Giuse Nguyễn Văn Linh, cm (Vinh Sơn)
19. cha Phaolô Phạm Văn Trị, cm (Mai Anh)
20. cha Giuse Phan Thái Hòa, cm (Bạch Đằng)
21. cha Giuse Phạm Văn Bính, ICM (Tập viện Đàlạt)
22. cha Giuse Nguyễn Mạnh Khoa, ICM (Tập viện Đàlạt)
23. cha Gioan Nguyễn Xuân Thu, DCCT (Tùng Lâm)
Ngoài ra còn có cha Phêrô Nguyễn Chí Thiết (ở Pháp, đang công tác ở Việt Nam) được Đức cha mời làm hướng dẫn viên tinh thần, và cha Giuse Phạm Văn Chỉnh, thuộc Giáo phận Cần Thơ, xin đi chung với đoàn. Hướng dẫn đoàn là anh Hoàng Sơn, thuộc công ty du lịch Carnival.
*
Cuộc hành hương kéo dài từ 08 đến 15 tháng 9 năm 2008.
- Thứ hai, ngày 8/9: bay đến Doha (Qatar). Nghỉ đêm.
- Thứ ba, ngày 9/9: bay đến Amman (Jordan). Đi xe qua biên giới Israel đến Nadarét. Nghỉ đêm.
- Thứ tư, ngày 10/9. Sáng: Nadarét (Nhà thờ thánh Gabriel và Giếng Đức Mẹ, Nhà thờ Hội đường, Nhà thờ Truyền Tin, Nhà thờ Thánh Giuse), Cana. Chiều: Núi Tabor, Naim
- Thứ năm, ngày 11/9. Sáng: Nhà thờ Bát Phúc, Nhà thờ Tối Thượng Quyền, Capharnaum. Đi thuyền trên Biển hồ Galilê, Tabgha. Chiều: Yardenit, Giêricô, Giêrusalem.
- Thứ sáu, 12/9. Sáng: Belem (Cánh đồng chiên, Nhà thờ Giáng Sinh, Nhà thờ Catarina…Chiều: Ein Karem (Nhà thờ Thăm Viếng, Nhà thờ Gioan Tẩy Giả), Núi Cây Dầu (Đền thánh Thăng Thiên, Nhà thờ Kinh Lạy Cha, Nhà nguyện Chúa Khóc, Vườn Cây Dầu, Nhà thờ Các Dân Tộc, Nhà thờ Mồ Đức Trinh Nữ Maria).
- Thứ bẩy, 13/9. Sáng: Cổ thành Giêrusalem (Nơi sinh Đức Mẹ với Nhà thờ thánh Anna và hồ Bethesda, Via Dolorosa, Nhà thờ Mồ Thánh), Núi Sion (Nhà thờ Đức Mẹ An Giấc, Nhà Tiệc Ly, Mồ Đavít). Chiều: Cổ thành Giêrusalem: Bức tường phía Tây.
- Chúa nhật, 14/9. Sáng: Qumran, Biển Chết, về lại Amman. Tối: bay đến Doha. Nghỉ đêm.
- Thứ hai, 15/9: bay về Việt Nam. Đến Saigòn lúc 7g20 tối.
Nhờ ơn Chúa, chuyến hành hương nói chung tốt đẹp.
Đức cha muốn anh em trong đoàn ghi lại những gì mà mỗi người cảm nhận qua chuyến hành hương.
Sau đây là một số những cảm nhận đó:
- Nhật ký hành hương - Phaolô Lê Đức Huân
- Đôi điều suy nghĩ - Micae Trần Đình Quảng
- Về ‘Một giọt nước mắt’ - Ath. Nguyễn Quốc Lâm
- Một trải nghiệm - Giuse Phạm Văn Bính
- Hành hương Đất Thánh - Giuse Tạ Đức Tuấn
- Israel miền đất của nghịch lý - Phaolô Phạm V.Trị
- Cảm nhận hành hương - Giuse Nguyễn Văn Khấn
- Về nguồn bước theo Đức GS - G. Ng. Mạnh Khoa
- Đất Thánh còn đang nắm giữ trái tim tôi - Giuse Phạm Văn Chỉnh
- Tôi đã đến và Bước theo Ngài - Phêrô Lê Khánh
Ghi chú vắn tắt về địa điểm hành hương.



NHẬT KÝ MỘT CUỘC HÀNH HƯƠNG
“Hãy đến mà xem”. Chúa Giêsu rủ các Tông Đồ Gioan và Anrê đi thăm chỗ Ngài ở. Hôm ấy các ông đã theo Chúa Giêsu và ở lại với Ngài. Dường như Chúa Giêsu cũng đã nói với từng người trong đoàn hành hương “hãy đến mà xem” và chúng tôi đã lên đường đi theo những vết chân của Chúa và chúng tôi ở lại một tuần với Ngài. Xưa kia ông Nathanael nói: “Ở Nazaret có gì tốt đâu ?” (Ga 1,46) thì ngày nay khi nghe chúng tôi đi Thánh Địa cũng có người lắc đầu bảo: “Có gì thú vị ở Đất Thánh ? Đi du lịch thì phải đến những nước khác vui hơn.” Nhưng chúng tôi cứ đi để “xem” nơi Chúa ở.
Ngay từ lúc khởi đầu, Đức Giám Mục Giáo Phận đã định hướng rõ ràng cho chuyến đi này : đó là một cuộc hành hương chứ không phải chuyến du lịch. Vì thế mọi chuẩn bị và thực hiện đều hướng về mục đích thiêng liêng duy nhất đó.
8-9-2008.
Đúng 6g sáng, tại Tòa Giám Mục Dalat, Đức Cha Phêrô Nguyễn văn Nhơn cùng với 22 Linh Mục trong đoàn hành hương cử hành Nghi Thức khai mạc hành hương. Nghi thức này nói lên tất cả ý hướng của chuyến đi: lên đường theo chân Chúa Giêsu Kitô. Đây là cuộc hành hương thực sự, không có tính cách du lịch, tham quan, shopping. Cuộc hành hưong này là cơ hội tốt đẹp giúp chúng tôi đi đến tận nơi chiêm ngắm, suy niệm về mầu nhiệm cuộc đời Chúa Cứu Thế và cầu ngưyện với Ngài như thể đang thấy, đang nghe và đang sống với Ngài. Cuộc hành hương đã bắt đầu ngay từ lúc này. Tất cả mọi tâm tình, mọi sinh họat đều đã mang chất hành hương rồi. Do đó, cuộc hành hương Thánh Địa sẽ đem lại sức sống mới cho những người hành hương và nhờ đó ít nhiều giúp Giáo Phận thăng tiến để mừng Kim Khánh Giáo Phận vào năm 2010.
Xe bắt đầu lăn bánh. Tới đầu đèo Prenn, Đức Cha mời anh em Linh Mục cùng lần chuỗi với Ngài. Ngài chia sẻ: suốt 17 năm qua, mỗi khi qua đọan đèo này, Ngài luôn luôn lần chuỗi Mân Côi cầu nguyện cho đuợc bình an. Nhờ thế, dù chưa đặt chân đến Thánh Địa nhưng chúng tôi đã bắt đầu suy nghĩ về Đất Thánh. Chúa Giêsu đã từng cầu nguyện với các môn đệ trong mọi hòan cảnh. Khi hành hương, việc cầu nguyện được đặt lên hàng đầu.
Tới Đức Trọng, Đức Cha cùng vào ăn sáng với anh em Linh Mục. Xưa Đức Giêsu đã từng dùng bữa với các môn đệ. Việc ăn chung với nhau tạo nên sự hiệp thông. Hiệp thông là yếu tố cần thiết cho cuộc hành hương và cho Giáo Hội.
Xe dừng lại ở nhà xứ Bảo Lộc. Một số đông anh em Linh Mục Giáo Hạt Bảo Lộc đã tề tựu tại đây để chúc mừng phái đoàn lên đường. Các ngài muốn hiệp thông với phái đoàn. Nhiều vị cũng muốn đi hành hương chuyến này nhưng điều kiện chưa thuận lợi. Hiệp thông vốn là truyền thống tốt đẹp của Linh mục đoàn Giáo Phận và toàn thể Dân Chúa. Đức Cha cũng đã gửi một bức thư ngắn cho gia đình Giáo Phận nêu lên ý nghĩa cuộc hành hương mà Đức Cha và các Linh Mục thực hiện. Ngài xin giáo dân cầu nguyện cho đoàn hành hương và hứa sẽ cầu nguyện cho mọi người trong Giáo Phận trong chuyến hành hương này.
12g trưa, Đoàn dừng lại ăn cơm tại Dầu Giây. Chính Đức Cha một vài ngày trước đó đã đến đặt cơm tại đây cho anh em Linh Mục. Ngài muốn quan tâm cả đến sức khỏe của anh em Linh Mục vì cuộc hành trình rất dài và vất vả đòi hỏi một thể lực tốt. Ngã bệnh ở nơi đất khách quê người là một việc vô cùng đáng sợ cho tất cả mọi người không trừ ai. Do đó, mọi sự phải được chuẩn bị thật chu đáo để mang lại những điều tốt đẹp nhất.
Để chuẩn bị chuyến đi, đoàn đã chuẩn bị chu đáo : từ việc ký hợp đồng với công ty tổ chức đến việc chuẩn bị các tài liệu Phụng vụ, các tài liệu về những địa danh nơi Đất Thánh, đến việc phân bổ các Linh Mục chịu trách nhiệm về y tế, phụng vụ, thánh ca, thủ quỹ… cũng như chia thành các tổ để quan tâm giúp đỡ nhau. Thành thật mà nói thì tất cả những việc tổ chức đó nhằm nối kết mọi người sống tích cực, hòa mình, để không ai lạc lõng, thụ động trong những ngày thánh thiện được sống bên nhau .
15g tại Trung Tâm Công Giáo Saigon, đoàn gặp cha Nguyễn chí Thiết và Công ty Carnival, công ty đứng tổ chức hành hương. Các tham dự viên cuộc hành hương lần lượt được giới thiệu. Cha Chỉnh, linh hướng Đại Chủng Viện Cần Thơ cũng tham dự chuyến hành huơng này. Sau đó, Đại diện công ty Carnival thông báo những điều cần thiết cho chuyến đi xa từ việc chuẩn bị các hành lý mang theo đến cách thức trả lời khi làm thủ tục nhập cảnh vào các nước, từ việc luôn để túi xách bên mình đến việc coi chừng bị móc túi nơi đông người, từ việc đề phòng bị lạc lối đến cách thức tìm lại nhau… Sau đó cha Nguyễn chí Thiết cũng căn dặn ít điều khi tới các đền Hồi giáo, Do Thái giáo hay Kitô-giáo. Để chuyến đi mang lại nhiều kết quả tốt đẹp, Đức Cha đã mời Cha Nguyễn chí Thiết làm Linh Hướng cho đoàn. Cha Thiết là hướng dẫn viên Thánh Địa chuyên nghiệp. Ngài dẫn đoàn này là đoàn thứ 53 đến Đất Thánh. Cả đoàn chăm chú lắng nghe, để ý đến những điều chưa biết và ai ai cũng muốn thực hiện tốt để đừng có sự cố bất lợi nào xảy ra.
Thế là mọi người tranh thủ sắp xếp lại hành lý theo chỉ dẫn của công ty Carnival. Sau đó, Đức Cha cử hành Nghi Thức hành hương một lần nũa vì đoàn hành hương lúc này mới đủ người, đồng thời muốn chuẩn bị gần cho đoàn có tinh thần hành hương sâu đậm hơn. Sau khi cầu nguyện, mọi người lên xe ra phi trường. Mặc dù 20g30 máy bay mới cất cánh nhưng mọi người phải có mặt lúc 18 giờ để làm các thủ tục giấy tờ, lại còn phải tránh giờ cao điểm kẹt xe. Mọi sự càng chuẩn bị kỹ lưỡng càng đòi nhiều hy sinh. Tuy nhiên ai cũng hiểu rằng có chuẩn bị kỹ lưỡng và hy sinh, mọi việc mới thành công.
Tất cả xếp hàng làm giấy xuất cảnh. Có lẽ đây là lần đầu tiên anh em Linh Mục phải đứng xếp hàng trật tự cùng với nhiều người khác, ai đến trước đứng trước ai đến sau đứng sau. Sau đó người và hành lý đều phải kiểm soát. Người thì qua cửa an ninh dành cho người. Hành lý thì qua máy tự động dành cho hành lý. Thế mới biết “đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục”. Nếu ai chưa xuất ngọai hoặc không biết trước thì có thể “dị ứng”. Nhưng ở đây và rồi ở khắp mọi cửa khẩu, đâu đâu cũng sẽ diễn ra cảnh tương tự. Tôn trọng việc làm của các nhân viên an ninh và chấp hành những luật lệ công cộng giúp chúng tôi trở nên con người xã hội và cũng giúp chúng tôi hòa nhập vào các nền văn hóa và truyền thống của các nước chúng tôi sẽ đến. Đức Cha làm gương cho chúng tôi về sự khiêm nhường và lòng tôn trọng. Dù tuổi đã cao nhưng Ngài luôn nhanh nhẹn và nghiêm túc. Cứ trông thấy vị Giám Mục khiêm nhường xếp hàng làm giấy tờ, chịu những qui định về an ninh mà thương. Chúa Giêsu lại đã chẳng nói: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường” đó sao ?
20g30, máy bay cất cánh. Đoàn hành hương chỉ là con số nhỏ trong bụng máy bay khổng lồ hiện đại của công ty Qatar. Có nhiều người khác trên chuyến bay đi về Doha, thủ đô nước Qatar hoặc quá cảnh hay du lịch hoặc đi lao động hay đi du học. Chúng tôi sẽ quá cảnh một đêm tại Qatar và hôm sau sẽ bay tới Amman, thủ đô nước Jordanie.
Trên máy bay, các tiếp viên rất lịch thiệp. Họ luôn niềm nở và sẵn sàng phục vụ khách hàng từ miếng nước, bữa ăn cho đến việc chỉ cho khách hàng ghế ngồi hoặc cách xử dụng màn hình video. Họ thuộc về một phi hành đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên sự hòa hợp giữa họ và thái độ ân cần vui vẻ với khách hàng không những đã được mọi người quý mến mà còn quảng bá thành công cho công ty hàng không của họ. Đức Cha đã xuất ngọai nhiều lần và có lần ngài chân tình chia sẻ: lần kia khi xuất cảnh, Đức Cha cho người ta biết ngài không thông thạo tiếng Anh, thế là các nhân viên hàng không lo mọi thứ cho Ngài. Ngài nói: mình khiêm tốn thì được hưởng lợi.
Sau bữa ăn tối, mọi người đi vào giấc ngủ. Không một tiếng động, không một tiếng nói. Tiếng phi cơ êm nhẹ đều đều ru chúng tôi vào giấc ngủ ngon…
11g50 giờ Qatar (khoảng 3g50 sáng VN)
Sau hơn 7 tiếng bay, chiếc máy bay Qatar đã đáp xuống phi trường DOHA, thủ đô nước này. Cảm giác đầu tiên ra khỏi máy bay là không khí rất nóng nực, ngột ngạt dù trời đã về đêm. Cặp kính trắng bỗng nhòa đi vì hơi nóng. Phi trường còn rất đông người vừa dân bản địa vừa khách du lịch. Ai nấy đều có vẻ hối hả.
Riêng chúng tôi thì đang ngồi tập trung ở những dẫy ghế chờ làm giấy nhập cảnh Qatar. Cuộc hành trình dài trên máy bay vẫn còn làm cho chúng tôi đừ người, chỉ mong sớm về khách sạn mà ngả lưng cho thoải mái. Một vài người tranh thủ chụp hình trong phòng đợi. Nhân viên an ninh nhắc nhở. Dù không hiểu vì lý do gì, nhưng sau đó không ai chụp hình nữa vì người tự trọng không bao giờ để người ta nhắc đến lần thứ hai.
Anh hướng dẫn thuộc công ty Carnival đã hoàn tất giấy tờ nhập cảnh cho chúng tôi. Mọi người lên xe về khách sạn. Khách sạn vào loại 3 sao. Cứ hai người một phòng. Con số 2 như nhắc đến việc Chúa Giêsu sai các môn đệ đi từng 2 người. Đây là dịp tốt để 2 người sống bên nhau trong suốt cuộc hành hương này… Dù trời đã về khuya theo giờ địa phương nhưng chúng tôi vẫn tranh thủ tập trung ăn nhẹ tại khách sạn, lấy sức để mai bay tiếp… Sau đó không khí mát lạnh trong phòng ngủ đã làm cho chúng tôi cảm thấy như ở nhà mình và không phải chờ lâu, giường êm đã dễ dàng đưa chúng tôi vào giấc ngủ …
9-9-2008
Thiên Chúa thật tài tình. Ngài làm ra ngày và đêm. Ngày để làm việc và đêm để nghỉ ngơi. Phải nói rằng sau một đêm an giấc, lúc tỉnh dậy chào ngày mới, ai ai cũng cảm thấy khỏe khoắn. Mọi mệt nhọc đã biến mất. Riêng tôi thì khoảng 3g30 giờ địa phương đã thức dậy, nhưng cha bạn cùng phòng vẫn còn ngủ ngon. Chắc giờ này cũng có cha đã thức và cũng có cha đang ngủ. Tôi chỗi dậy và làm vài động tác thể dục rất nhẹ sợ đánh thức người anh em… Một hồi lâu, cha bạn cũng dậy và chúng tôi nghe thấy loa phóng thanh vang lên cung giọng rên rỉ kết thành âm điệu buồn buồn. Chúng tôi thắc mắc không biết là gì mãi sau mới đoán là từ nơi các Đền thờ Hồi giáo, người ta đang mời gọi tín đồ thức dậy cầu nguyện. Truyền thống của Hồi giáo mỗi ngày cầu nguyện 5 lần. Qatar là một nuớc mà Hồi giáo là quốc giáo…
Chúng tôi cũng cầu nguyện. Chắc hẳn các cha ở các phòng cũng đang cầu nguyện. Chúng tôi đọc kinh Phụng Vụ. Một cha trong đoàn đã công phu in lại gọn nhẹ phần Phụng Vụ Giờ Kinh để mọi người xử dụng trong những ngày hành hương… Xin cám ơn người anh em. Nhờ người anh em mà chúng tôi có sách Thần vụ để vang lên tới Chúa những lời chúc tụng, tôn vinh, tạ ơn và cầu xin ngay trên đất khách quê người.
Chúng tôi dần dần tập trung ở phòng ăn. Căn phòng rộng vừa, bầy biện những món ăn sáng theo kiểu tự-phục-vụ. Mỗi người tự lo cho mình và đồng bàn với bất kỳ ai. Bầu khí xem ra khác với ở nhà nhưng thật là vui, giúp chúng tôi ra khỏi nếp sống cũ để nếm điều mới mẻ thú vị: tự nhiên lại được ngồi với nhau tại đây, rất chân tình, rất thân tình. Vừa ăn vừa trò truyện nhưng dường như không gian quốc tế làm cho chúng tôi ý thức nhỏ nhẹ trong cả ngôn từ. Dù thế, chúng tôi rất thanh thản. Nhìn những thổ cẩm sặc sỡ với những nét hoa văn tỉ mỉ trưng bầy trong phòng ăn này, chúng tôi thấy có cái gì đó gần gũi với các anh em dân tộc ở quê nhà, những người mà Đức Cha và Giáo Phận đặc biệt quan tâm và yêu thương…
Ăn sáng xong vẫn còn nhiều thời giờ. Một số anh em bách bộ khám phá Doha nhưng đến 7 giờ thì ai nấy tập trung sẵn sàng lên xe ra phi trường. Ngồi trên xe, chúng tôi nhìn dòng xe hơi chạy dài trên đường phố, nối đuôi nhau, kín mít. Đây là giờ cao điểm. Thành phố thức dậy và hối hả tấp nập. Có thể nói không ngoa rằng không thấy xe gắn máy, chỉ có một vài người chạy xe đạp với tính cách thể thao, nhàn nhã. Sao ở đây người ta giầu thế nhỉ ? Người hướng dẫn cho biết Qatar là một nước giầu về dầu khí, có nhiều công nhân Việt Nam đang lao động tại đây và có nhiều sinh viên Việt Nam sang học ngành dầu khí tại Đại học Doha. Nhìn thấy người mà nghĩ đến mình. Chúng tôi cầu nguyện cho quê hương Việt Nam sớm phát triển và mau giầu có để mọi người mọi nhà có một đời sống cao hơn như mức sống của chính nước Qatar này. Tôi tin Thiên Chúa là Cha rất nhân từ.Ngài chẳng để dân tộc nào chịu thiệt thòi.
Tới phi trường, chúng tôi lại hối hả xếp hàng làm giấy xuất cảnh khỏi Qatar. Cái kiểu đứng hàng một rồng rắn theo nhau chờ đến lượt mình trình giấy đã dần dần trở nên quen thuộc. Tuy nhiên việc kiểm tra an ninh người và hành lý vẫn còn chưa quen. Mọi người đều phải cởi giầy, dây lưng, đồng hồ, điện thọai, máy ảnh, chìa khóa… và bỏ vào cái khay rồi đẩy qua máy. Đó là nghiệp vụ của người an ninh nhưng là bổn phận đối với du khách. Chúng tôi đánh đổi những thủ tục phiền hà này để sớm đuợc đặt chân nơi Đất Thánh và coi tất cả những gì bất tiện, trắc trở đều góp phần cho cuộc hành hương được sốt sắng và thánh thiện hơn. Thánh Phaolô lại chẳng nói: “Tôi coi mọi sự là rác rưởi miễn là tôi có được Đức Kitô” đó sao ?
10g52 giờ Qatar
Hối hả làm thủ tục giấy tờ rồi lại ngồi chờ chuyến bay là câu chuyện giống nhau tại các phi trường quốc tế. Chúng tôi lại ngồi chờ chuyến bay đi Amman vào lúc 13g. Phòng đợi mát mẻ, đông người nhưng không ồn ào. Gian hàng bán sản phẩm của nước chủ nhà sang trọng và quyến rũ. Những nhà vệ sinh sạch đẹp, lịch sự có bảng chỉ dẫn rất dễ tìm. Có hai phòng cầu nguyện riêng cho nam giới, nữ giới, những người theo đạo Hồi.
Chúng tôi tận dụng thời giờ chờ đợi còn dài. Người thì ngồi hồi tâm cầu nguyện, kẻ thì ngồi thanh thản suy tư. Người này thì ngồi đọc sách, người khác thì ngồi trò truyện. Có người ngồi thiu thiu ngủ, có người lại dõi nhìn kẻ qua người lại… Những người xung quanh chúng tôi thuộc đủ mầu da, tiếng nói. Ai ai cũng phải chờ máy bay giống như chúng tôi. Sốt ruột ở đây là vô ích, kiên nhẫn mới được bình tâm. Sự cởi mở, thân thiện chỉ có nơi những người đã biết nhau. Còn ngòai ra, trong môi trường xa lạ phức tạp này, thận trọng và cảnh giác vẫn là đường lối khôn ngoan của những người đầy kinh nghiệm về xuất nhập cảnh. Tuy nhiên, không phải vì thế mà con người không còn là người với nhau. Chúng tôi có rất nhiều cơ hội để bầy tỏ sự kính trọng và quan tâm đến những người xung quanh : nhường ghế cho những người già, nhường lối đi trước cho những phụ nữ và trẻ em…
Đã đến giờ vào phòng cách ly. Chỉ qua có một bức tường kính trong suốt mà tâm lý vẫn thấy khác. Vào được phòng cách ly, người ta cảm thấy chuyến bay đã gần. Tuy nhiên, chúng tôi lại tiếp tục ngồi chờ. Cuối cùng xe buýt chuyên chở ra phi cơ cũng đã đến. Mọi người nhanh chóng bước lên xe và sau ít phút chúng tôi đã tới chân cầu thang máy bay. Ai nấy cảm thấy nhẹ nhõm khi bước vào máy bay và gieo người xuống ghế. Chiếc phi cơ hôm nay lớn hơn chiếc hôm qua nhưng không đông người bằng. Nhìn đồng hồ mới biết là chúng tôi phải ngồi chờ mấy tiếng đồng hồ ở phi trường này rồi máy bay mới cất cánh vào khỏang 13giờ, giờ địa phương. Nhưng không sao, máy bay cất cánh là tốt rồi vì máy bay có cất cánh thì chúng tôi mới thu hẹp được khoảng cách, mới gần đến Đất Thánh hơn… Cuộc sống đâu có phải lúc nào cũng chiều chuộng mình..
Ôi, hôm nay bụng cảm thấy đói vì mới ăn được bữa ăn sáng mà giờ đã quá trưa rồi. Vừa nghĩ đến đó thì các tiếp viên hàng không bắt đầu phục vụ bữa ăn. Tôi thiết nghĩ chắc ai nấy đều ăn ngon miệng mặc dầu đồ ăn có hơi khác với khẩu vị quen thuộc ở nhà.
Làm gì cho hết 2 giờ bay ? Anh em chúng tôi cũng tận dụng để ngủ nghỉ, đọc sách, lần chuỗi hay tận dụng màn hình trước mặt để coi phim. Mỗi ghế có một màn hình nhỏ dành cho mỗi người. Người ta đã cài sẵn các loại phim hành động, tình cảm, hài huớc, cổ điển, chương trình âm nhạc, chương trình tin tức. Người giỏi tin học có thể xử dụng ngay. Còn người lơ mơ như tôi thì còn mò chán chê, tốt hơn là cầu viện cha bên cạnh giúp đỡ. Thế mới biết thế giới tiến bộ hàng ngày và con người cần phải cập nhật hóa thường xuyên. Dừng lại khi người khác tiến buớc là tụt hậu. Chuyến đi này đang dạy tôi và có thể cả các bạn tôi bài học đó. Làm sao hàng ngày hàng giờ người ta tiến bộ về các mặt đời còn chúng ta lại có thể lơ là hay chậm tiến về phương diện đạo ?...
Máy bay đáp xuống phi trường AMMAN, thủ đô nước Jordanie vào lúc 15g30. Bài học cũ lại phải ôn lại. Chờ… chờ… và chờ…! Thủ tục giấy tờ ở đây có vẻ khó hơn. Mấy anh an ninh làm việc có vẻ thờ ơ, dửng dưng. Chúng tôi hết đứng lại ngồi chờ gọi tên mình. Thú thật ai nấy đều thấy hồi hộp. Mãi lâu thật lâu họ mới gọi tên 4, 5 người trong đó có Đức Cha nhưng họ chỉ hỏi vài câu bâng quơ mà chẳng giải quyết gì. Rồi hồi lâu họ lại gọi một vài người khác nhưng cũng không giải quyết gì. Khi chúng tôi chờ mỏi mắt, sốt cả ruột thì họ mới giải quyết cho đi nhưng đến lần anh hướng dẫn viên của công ty Carnival lại không được họ giải quyết. Chúng tôi ra khỏi dẫy nhà phi trường chờ anh nhưng càng chờ càng biệt tăm. Không thấy anh mà cũng không liên lạc được với anh. Không biết cách nào hơn là chúng tôi ngồi chờ anh ở các ghế ngoài hiên. Không ai biết lý do tại sao anh không ra được đang khi xe buýt công ty anh hợp đồng chở chúng tôi đi đến biên giới đang nổ máy chờ sẵn. Chúng tôi lại chờ đợi. Dù lâu, dù trục trặc nhưng chúng tôi vẫn tin là Chúa sẽ cho xuôi chảy. Chúa đã từng dậy là những ai bền đỗ đến cùng mới được cứu độ. Chúng tôi phải kiên trì, phó thác, tin tưởng. Chúng tôi nhìn Đức Cha. Ngài ngồi im lặng rất lâu, không bồn chồn, không than thở. Sự hiện diện thân tình và gương mẫu của Ngài nâng đỡ tinh thần chúng tôi. Hành hương chứ đâu phải đi du lịch.
Quả thế, anh hướng dẫn đoàn lại đã xuất hiện. Anh bị trục trặc với an ninh vì người ta thấy anh qua lại cửa khẩu này nhiều lần nên sinh nghi. Nghi ngờ là quyền của an ninh. Nhưng lúc này chúng tôi rất vui vì cuộc hành trình được tiếp tục. Trời đã về chiều. Lộ trình còn phải đi hơn mấy giờ xe nữa. Chúng tôi lần chuỗi trên xe. Nương tựa vào Thiên Chúa và Đức Mẹ luôn đem lại bình an và an ủi, ánh sáng và hy vọng…
Chẳng mấy chốc trời đã tối hẳn. Xe đã lên đèn và nhà cửa rải rắc bên đường cũng đã sáng lên.
Chúng tôi đang đi trên miền đất Jordanie, nhắm hướng Nazareth. Đi trên miền đất lạ chỉ còn cách tốt nhất là cậy vào những người dẫn đường. Đi xa, đi xa nữa. Hai bên đường, dưới những lùm cây dương, có những gia đình đang xúm xít ăn tối. Ở các nước Hồi giáo như Qatar hay Jor- danie này thì đây là tháng Ramadan, tháng ăn chay.
Trong suốt thời gian chay tịnh, người ta nhịn ăn từ sáng đến tối. Đang suy nghĩ miên man, đột nhiên người huớng dẫn địa phương nói chúng tôi xuống xe chuyển hành lý qua bót an ninh. Chúng tôi làm như thế rồi lại hối hả chất đồ lên xe. Đi được một quãng thì xe dừng. Ai nấy xuống xe làm thủ tục ra khỏi biên giới Jordanie. Chỉ có đoàn chúng tôi, chẳng thấy ai khác. Lại xếp hàng. An ninh nhận diện. Mọi người lăn tay. Mọi việc xảy ra thật chậm. Dù ai có muốn mau cũng chẳng được. Sau cùng tưởng rằng mọi người đều được giải quyết, ai ngờ lại có cha bị trục trặc. Họ cho rằng vân tay trong Chứng minh nhân dân của Ngài không hợp với vân tay vừa lấy. Thế là cứ nhì nhằng mãi. Sau cùng phải chịu nộp tiền họ mới cho đi. Chiếc xe búyt chở chúng tôi từ Amman tới biên giới này kể như đã làm xong nhiệm vụ. Phần chúng tôi, chúng tôi lệ khệ lôi hành lý vào đồn kiểm tra của người Do Thái gần đấy. Cũng như các điểm an ninh khác, ở đây cũng phải rà soát người và hành lý. Các nhân viên an ninh, hải quan ở đây đa số là nữ. Ngạc nhiên chưa! Ở Israel, nam nữ đều phải đi làm nghĩa vụ quân sự. Đừng tưởng là nữ mà họ dễ hơn nam. Họ nhìn mặt để so sánh với hình trong hộ chiếu. Họ bắt một vài cha phải mở túi xách hành lý cho họ khám. Họ khám rất kỹ nhưng chúng tôi có gì xấu đâu! Họ hỏi cha này có luôn để hành lý bên mình không, hỏi cha khác xem có ai trên đất Jordanie gửi gì trong giỏ hành lý không. Sau cùng, họ đóng dấu cho chúng tôi nhập cảnh Israel.
Một chiếc xe khác mang biển số Israel chờ sẵn đưa chúng tôi đi Nazareth. Cha Linh hướng giới thiệu người hướng dẫn mới, người địa phương. Anh này là một người Ả Rập theo đạo Chính Thống. Anh hứa sẽ giúp đoàn một chuyến đi tốt đẹp. Anh dặn mọi người phải uống nước nhiều, đi đâu cũng phải có nước bên mình để kịp bổ sung khi thấy khát. Anh giúp chúng tôi quên đi những thử thách vừa qua khi nói rằng các Thánh sử đã viết 4 cuốn Tin Mừng về Chúa Giêsu Kitô, nhưng phái đoàn hành huơng của các Linh Mục đây sẽ thực hiện cuốn Tin Mừng thứ năm! Chúng tôi vỗ tay tán thưởng. Đúng hơn, chúng tôi đến đây là để đọc Tin Mừng Đức Giêsu Kitô một cách sống động, thực tế, không phải chỉ bằng chữ viết mà còn được tận mắt nhìn thấy những nơi Chúa đã sống, chính chân mình đi qua những con đường Ngài đã đi và chính tâm hồn mình sốt sắng suy niệm những lời Ngài rao giảng cho dân tộc này… Lúc này trên xe, chúng tôi đọc kinh Mân Côi với nhau. Dường như sự mỏi mệt và buồn ngủ đã làm cho lời kinh vốn dĩ phải đều đặn lại trở nên lỗ mỗ.. Hình như tai không còn thính và miệng không còn nhanh nhảu nữa. Xin Chúa thông cảm cho những yếu hèn của thân phận con người chúng con !
24g, chúng tôi đến Nazareth. Khách sạn Galilee Hotel sáng trưng mở cửa tiếp đón. Chúng tôi sẽ ở đây 2 đêm. Bữa ăn tối đầu tiên trong khung cảnh Thánh Địa với những món ăn mà xưa kia Chúa Giêsu đã từng ăn với các môn đệ nhiều lần đã làm chúng tôi xúc động. Dường như Ngài đang đồng bàn với chúng tôi, những người môn đệ muộn màng, vô danh. Thật là hạnh phúc! Niềm hạnh phúc thánh thiện ấy đang trào dâng trong tâm hồn chúng tôi và sau đó không lâu đưa chúng tôi vào giấc ngủ êm đềm…

10-9-2008
3g30, tôi thức dậy như thói quen. Cả vùng Thánh Địa vẫn còn ngủ yên. Đây không phải là vùng 100% Hồi giáo. Ở đây có những dấu tích Kitô-giáo. Đây là Đất Thánh, cái nôi của Kitô-giáo chứ đâu có phải ở Qatar hay Jordanie. Thế mà chẳng bao lâu sau, chúng tôi lại nghe rõ những tiếng gọi mời cầu nguyện rên rỉ phát đi từ các loa phóng thanh ở các Đền Thờ Hồi giáo như đã nghe ở Doha. Theo sử liệu, tại Nazaret này vào thế kỷ 12, người Hồi Giáo đã thống trị suốt 400 năm. Dường như họ vẫn còn muốn tiếp tục thống trị vùng đất này. Cụ thể là ngày ngày họ vẫn còn đang làm chủ cái không gian lịch sử và thánh thiện này bằng những lần phát thanh mà những người không theo đạo Hồi phải miễn cưỡng lắng nghe.
Trong bối cảnh như thế, hai chúng tôi đọc kinh sáng, mặt hướng ra khu dân cư, có ý muốn cầu nguyện cho tất cả mọi dân đang sinh sống trên miền đất này, nhất là những Kitô hữu lúc nào cũng “thấp cổ, bé miệng” và lép vế! Thánh ý Chúa ra sao về vùng đất này ? Ngài đã nhập thể, sinh ra, lớn lên, rao giảng, làm phép lạ, chịu chết, sống lại, lên trời tại đây ? Thánh ý Chúa thế nào khi đã sai các môn đệ đi rao giảng Tin mừng cả 2000 năm trước ? Chỉ có một câu trả lời: Thánh ý Chúa thật nhiệm mầu, vượt trên tất cả những suy đoán, lý luận loài người.



Sau khi điểm tâm, chúng tôi bắt đầu tìm những vết chân của Chúa Giêsu trên Thánh Địa. Truớc tiên chúng tôi đến viếng NHÀ THỜ THÁNH GABRIEL và GIẾNG ĐỨC MẸ bên trong. Ở đây có mạch nước ngầm trong vắt. Giếng sâu chừng 2m. Cả làng Nazareth chỉ có một giếng duy nhất này. Đức Mẹ đã từng đến múc nước ở đây.
Chắc hẳn Đức Giêsu cũng đã từng theo Mẹ đến giếng nước này. Sau này, khi xin nước với người phụ nữ Samaria ở giếng Jacob, Đức Giêsu tuyên bố: “Ta là nước hằng sống. Ai uống nước Ta ban sẽ được sống muôn đời”…
Nhà Thờ Thánh Gabriel do Chính Thống giáo coi sóc, vì Chính Thống giáo cho rằng Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ khi Đức Mẹ đi lấy nước ở giếng này. Có nhiều người trong chúng tôi uống nước giếng Đức Mẹ ở đây để cầu Đức Mẹ ban ơn phước.



Trên đường đi Nhà Thờ Truyền Tin, chúng tôi tạt vào nhà thờ HỘI ĐƯỜNG DO THÁI. Đây là một ngôi nhà rất nhỏ bằng đá. Chính nơi Hội đường Do Thái nào đó tương tự như hội đường này, Chúa Giêsu đã đọc sách tiên tri Isaia: “Thần Khí Chúa ở trên tôi… Ngài sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó…”. Chúng tôi trầm tư suy niệm về biến cố này.
Chúa Giêsu đã khởi đầu sứ vụ của Ngài trong Thần Khí Chúa. Chúng tôi cũng bắt đầu sứ vụ linh mục nhờ Thần Khí Chúa thánh hóa qua việc đặt tay của Giám Mục. Chúng tôi phải đem Tin Mừng cho người nghèo khó. Đó là điều ưu tiên trong công việc truyền giáo của Giáo Phận mà Đức Cha thường nhắc nhở.
Chúng tôi đến VƯƠNG CUNG THÁNH ĐUỜNG TRUYỀN TIN.
Nhà Thờ hai tầng rất đồ sộ được xây dựng ngay trên ngôi nhà Đức Mẹ đã ở năm xưa. Tầng phía dưới có tấm đá nơi Đức Mẹ quỳ thưa “xin vâng”, bên cạnh có hàng chữ: Verbum caro hic factum est (Ngôi Lời đã trở thành xác phàm ở đây) Sở dĩ có ngôi nhà thờ này vì theo truyền thống Công giáo, Sứ Thần hiện ra lúc Đức Mẹ đang cầu nguyện hay đang làm việc nội trợ tại nhà. Đức Cha và chúng tôi kính cẩn quỳ xuống cầu nguyện hồi lâu trong thinh lặng. Dưới tầng hầm đang có Linh Mục cử hành Thánh Lễ với đoàn hành hương của mình. Chính nơi đây Thiên Chúa đã bắt đầu thực hiện chương trình cứu thế qua lời xin vâng của cô thôn nữ trinh khiết, thánh thiện. Chúa Giêsu đã bắt đầu được cưu mang từ lúc ấy…


Rất tiếc là chúng tôi không được dâng lễ tại đây vì thời khóa biểu dành cho các đoàn hành hương đã kín. Do đó chúng tôi đến viếng NHÀ THỜ THÁNH GIUSE đối diện với Nhà Thờ Truyền Tin và không cách Nhà Thờ Truyền tin bao xa.. Đây là xưởng mộc của Thánh Giuse xưa kia : nghèo nàn, chật chội! Nhưng chính nơi này Thánh Giuse đã lao động để nuôi gia đình Thánh Gia. Và cũng chính nơi này Đức Giêsu đã học nghề thợ mộc với Cha và ẩn dật suốt 30 năm trước khi lên đuờng rao giảng Tin Mừng. Nhà thờ được xây trên chính xưởng mộc của Thánh Giuse. Chúng tôi dâng Thánh Lễ tại đây, Thánh lễ đầu tiên trên Đất Thánh. Có một điều đặc biệt là sau khi dâng Thánh Lễ, Đức Cha đã để lại bản văn phụng vụ chính thức bằng Việt ngữ về Lễ Truyền Tin cho Nhà Thờ này để từ nay các đoàn hành hương người Việt có bản văn cử hành Thánh Lễ. Bản văn này Đức Cha Giáo Phận đã có ý sửa sọan ngay khi còn ở nhà .
Sau khi ăn trưa, chúng tôi tới CANA. Đây là nơi Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ đầu tiên khi biến nuớc hóa thành rượu. Ở đây có Nhà Thờ tương đối lớn do Chính Thống giáo quản lý. Rất tiếc là chúng tôi không được vào trong Nhà Thờ vì hôm ấy Nhà Thờ đang bận…
Do đó thật là cảm động khi chúng tôi đứng ở ngoài đường cạnh bức tường khuôn viên Nhà Thờ, giữa trời nắng chói chang, đọc đọan Tin Mừng về phép lạ ở Cana và cầu nguyện đặc biệt cho các gia đình được sống thánh thiện và hạnh phúc. Sau đó chúng tôi đến cửa hàng bán đồ lưu niệm. Ông chủ tiệm và những người bán hàng đon đả mời uống thử rượu Cana. Nhiều cha đã nếm thứ rượu này. Đức Cha cũng khen rượu ngon. Nhưng chắc hẳn rượu mà Chúa Giêsu đã làm phép lạ còn ngon hơn.
Đã nếm thứ rượu thì chúng tôi cũng phải đáp lại bằng việc mua hàng. Cửa hàng bỗng ồn ào cả lên vì hỏi giá, trả giá…Thực ra, chúng tôi cũng đang cho chủ tiệm uống một thứ rượu mới đó là chúng tôi làm vui lòng họ vì Kinh Thánh đã nói : rượu làm vui lòng người.
Rất gần với nhà thờ Chúa biến nước thành rượu, ở Cana còn có một Nhà Thờ kính thánh Bartôlômêô vì Cana cũng chính là quê hương của Thánh Bartôlômêô (Nathanael), người môn đệ Chúa khen là không có gì gian dối. Trong tâm trí chúng tôi lại hiện về hình ảnh Đức Cha Bartôlômêô Nguyễn sơn Lâm, vị Giám Mục thẳng tính: chân lý trong yêu thương.
Chúng tôi rời Cana đi xe lên núi TABOR. Hai bên đường người ta trồng nhiều cây ôliu. Ôliu là sản phẩm chính của Israel. Khi quân thù đánh chiếm Israel thì điều đầu tiên họ làm là triệt hạ các vườn ôliu để làm kiệt quệ nguồn lực của Israel. Cũng có vườn chuối, vườn cam. Núi Tabor cao lắm cho nên các du khách phải sang xe chuyên dùng leo núi. Đường ngoằn ngòeo trôn ốc rất nguy hiểm. Hôm nay các đoàn hành hương đổ về đây rất đông. Chúng tôi đã tới đỉnh núi nơi có Nhà Thờ Chúa biến hình với tường bằng đá và nhất là các cột đá tròn trĩnh rất to. Cha con lại cầu nguyện với bài Tin Mừng nói về vịêc Chúa hiển dung. Chúa đã cho các Tông đồ Phêrô, Gioan, Giacôbê được an ủi và vững tin sau khi các ông buồn bã nghe Chúa nói về cuộc Thương khó Chúa sắp chịu. Chúng tôi được hạnh phúc vì được lên tới núi này, Chúa cũng đang an ủi, củng cố sức mạnh cho chúng tôi vì dưới gian trần chúng tôi cũng còn gặp rất nhiều đau khổ thử thách cần được Chúa bồi bổ đức tin..



Xe chuyên dùng đưa chúng tôi xuống núi. Chúng tôi hết sức khâm phục khi nhìn những đoàn hành hương khác, trong đó có cả người khuyết tật, đang đi bộ xuống núi. Đức Cha cũng khen họ : họ thật là những người hành hương đích thật! Mình chẳng chịu nắng giỏi như người ta đâu!



Tới chân núi, chúng tôi lên xe tạt qua thành NAIM. Ở đây Chúa đã làm phép lạ cho con bà góa thành Naim đuợc sống lại. Có vài bức ảnh trong nhà thờ diễn tả sự kiện ấy. Chúng tôi cầu nguyện với bài Tin mừng thích hợp. Phải nói rằng chúng tôi rất xúc động khi cầu nguyện tại đây. Không xúc động sao được khi chứng kiến một Naim quá nhỏ bé, nghèo nàn : một vài thiếu niên gần đó xòe tay xin tiền! Xưa kia bà góa thành này khóc thương con mình đã chết thì lúc này chúng tôi lại như muốn khóc thương chính thành Naim đã “chết” dù đã chứng kiến con trai bà góa sống lại.
Không thương sao được khi ngôi nhà nguyện này bơ vơ lạc lõng giữa những gia đình Hồi giáo mà lại vắng bóng những gia đình Công giáo.Cha xứ lâu lâu mới tới một lần và phải nhờ vài gia đình Hồi giáo ở đây trông coi nhà nguyện giùm. Thêm vào đó, một ngôi đền Hồi Giáo sừng sững bên kia đường ngay trước mặt ngôi nhà nguyện này…Ai ai trong chúng tôi cũng xót xa khi tận mắt thấy một quang cảnh như thế! Hãy khóc thương thành Naim! hãy khóc thương thành NAIM!
Chúng tôi lên xe về mà lòng man mác buồn. Sự thật trước mắt khác hẳn những gì chúng tôi tưởng nghĩ nơi quê nhà mỗi khi có dịp rao giảng về phép lạ thành Naim. Chúng tôi cứ nghĩ là sau khi chứng kiến phép lạ nhãn tiền cách đây 2000 năm thì giờ này dân thành Naim phải đông người theo Chúa Kitô lắm rồi! Nào ngờ…
Thiên Chúa khác loài người! Xin vâng theo thánh ý Chúa! Chừng nào Chúa sẽ cho thành Naim được “phục sinh”, điều đó hoàn toàn tùy theo ý Chúa .
Sau bữa tối, chúng tôi ngồi lại với Đức Cha để chia sẻ những hồng ân Chúa qua một ngày. ..xem chân chúng tôi đã đặt lên bao nhiêu vết chân của Chúa Giêsu trên miền Thánh Địa này…xem tâm hồn chúng tôi đã sốt sắng ra sao khi cảm nghiệm sự hiện diện rất xa xưa nhưng cũng rất hiện sinh của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ duy nhất trần gian…
11-9-2008

Xe đưa chúng tôi lên NÚI TÁM MỐI PHÚC THẬT. Theo tương truyền đây là nơi Chúa Giêsu công bố Hiến chương Nước Trời. Chúng tôi cùng đồng tế với Đức Cha trong Nhà Thờ này. Trong Thánh Lễ, trước sự hiện diện quyền bính của Đức Cha, chúng tôi lặp lại những lời tuyên hứa khi chịu chức Linh Mục.
Các Tông đồ xưa kia đã nghe Chúa công bố Hiến chương Nước Trời trên núi này. Những mối phúc thật đảo lộn cả trật tự trần thế! Chúng tôi thật diễm phúc khi được ở đây. Hiến chương Nước Trời chúng tôi đã tuân giữ ra sao ?

Sau đó chúng tôi đến viếng NHÀ THỜ TỐI THƯỢNG QUYỀN ngay bên biển hồ Galilê. Gọi như thế vì ở đây Chúa trao quyền chăm sóc đàn chiên cho Thánh Phêrô. Trong Nhà Thờ có một tảng đá lớn mầu hồng trắng, tương truyền rằng Chúa đứng ở đây để ban quyền tối thượng cho Phêrô. Đức Cha đeo dây Stola đứng phía trên trước tảng đá. Cha Linh hướng sốt sắng qùy xuống.
Chúng tôi không ai bảo ai đều quỳ xuống. Những người quỳ gần tảng đá giơ tay chạm vào phiến đá. Bài Tin Mừng được đọc lên. Đức Cha hướng dẫn cầu nguyện. Chúng tôi cầu nguyện cho Đức Thánh Cha và xin ơn luôn vâng phục Ngài. Chúng tôi cũng thầm thĩ cầu nguyện cho Đức Cha và tự hứa luôn vâng phục Ngài… Trên đường ra xe, tôi thưa với Đức Cha như vậy và Ngài rất cảm động. Ngài khiêm tốn cám ơn.
Ngay bên hông nhà thờ là bãi biển Galilê. Bãi biển lởm chởm đá. Mặt nuớc biển hồ phẳng lặng trong xanh. Xa xa có vài con thuyền đang lờ lững nhẹ trôi. Chính nơi đây có nhiều vết chân truyền giáo của Chúa. Mọi người đều cùng muốn lấy một tấm hình chung kỷ niệm. Một số chúng tôi nhặt mỗi người một viên đá mang về để kỷ niệm. Đức Cha cũng không quên làm việc đó… Bao giờ chúng tôi mới có cơ hội đến Thánh Địa một lần nữa ?
Gần đấy là làng Tabgha, có nhà thờ BÁNH HÓA NHIỀU. Nơi này xưa kia Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều nhờ 5 chiếc bánh và 2 con cá của một em bé tự nguyện kính dâng. Dưới chân bàn thờ, trên nền nhà, có một bức tranh mosaic vẽ môt giỏ bánh và 2 con cá. Trong giỏ chỉ có 4 tấm bánh thay vì 5. Tấm bánh còn lại ở đâu ? Cha Linh hướng giải nghĩa: tấm bánh còn lại chính là Chúa Giêsu. Ngài là tấm bánh bẻ ra cho thế gian được sống. Chúa Giêsu đã trao quyền cho chúng tôi để hàng ngày khi dâng lễ, chúng tôi làm cho “bánh hóa nhiều” trong Bí Tích Thánh Thể. Chúng tôi cũng được mời gọi để trở nên như một tấm bánh tinh tuyền, thánh thiện, thơm tho, ngọt ngào dâng lên Chúa để đem lại sự sống cho tha nhân…
Xe chở chúng tôi đến CAPHARNAUM. Một đám đông rất đông những khách hành hương đang chen nhau ngay trước cổng vào Capharna- um. Chúng tôi cũng phải len lỏi giữa rừng người mới vào được bên trong. Việc đầu tiên là chúng tôi vào xem di tích một HỘI ĐƯỜNG DO THÁI.

Hội đường này lớn hơn hội đường chúng tôi đã xem hôm qua. Hội đường chỉ còn lại những bước tường trống trải, những hàng cột điêu khắc hoa văn quanh năm dãi dầu mưa nắng. Cảnh tượng hoang phế. Nhưng trước đó hơn ngàn năm, Hội đường này đã là nơi người ta lui tới, sum họp cầu nguyện, học hỏi Kinh Thánh. Chắc hẳn mỗi lần có dịp đi qua vùng này, Chúa Giêsu không quên bước vào Hội đường. Nhưng chúng tôi phải suy nghĩ rất nhiều lời Chúa Giêsu nói về thành Caparnaum: “Còn nguơi nữa, hỡi Capharnaum, ngươi tưởng sẽ được nâng lên tận trời xanh ư ? Không, người sẽ phải nhào xuống tận âm phủ!”. Họ vẫn lọai trừ Chúa Giêsu!

Trước mặt Hội đường là di tích của làng Capharnaum, trong đó có NHÀ CỦA PHÊRÔ. Chỉ còn lại những phiến đá tạo nên cái hình bóng của một làng vang bóng một thời. Trên nhà của Phêrô, nay là một nhà thờ đủ rộng luôn luôn tấp nập kẻ ra người vào. Chúng tôi rất tiếc không vào được bên trong nhà thờ vì đã đến giờ đóng cửa.

Đi bộ ra một quãng có bức tượng Phêrô rất to và rất đẹp. Chúng tôi mời Đức Cha đứng chụp riêng một mình vì Thánh Phêrô chính là Bổn Mạng của Đức Cha. Chúa Giêsu đã chọn Phêrô làm Tông Đồ và là người đứng đầu Nhóm Mười Hai. Chúa Giêsu cũng đã chọn Đức Cha Phêrô vào hàng kế vị các Tông Đồ và làm đầu Hội đồng Giám Mục Việt Nam. Phêrô chăn dắt Giáo hội Giêrusalem, Đức Cha Phêrô chăn dắt Giáo phận Dalat…

Rời Capharnaum, chúng tôi xuống thuyền đi một đoạn trên BIỂN HỒ GALILÊ. Chúa Giêsu xưa kia cũng đã xuống một chiếc thuyền, thuyền của ông Phêrô. Và Ngài bảo ông chèo ra xa một chút và Ngài bắt đầu giảng dậy dân chúng. Chúng tôi xuống một trong hai chiếc thuyền đang đậu sẵn gần bờ. Những người chủ thuyền nổ máy cho thuyền trôi trên mặt nước. Hôm nay trời êm ả, nắng đẹp. Nhưng nghe đâu cũng có phái đoàn đến đây gặp lúc biển hồ sóng to gió lớn. Có Cha nói đùa: có ai nhảy xuống biển hồ, đi trên mặt nước không ? Chẳng ai dám vì đó là việc không cần thiết phải làm và có thể lại trở nên hành động thử thách Thiên Chúa!… Việc đáng phải làm hơn, đó là tất cả đứng lên nghe một đọan Tin Mừng trên thuyền và cầu nguyện. Hôm nay Chúa Giêsu như nói với chúng tôi: hãy ra chỗ nước sâu mà đánh cá. Chỗ này đây, chỗ con thuyền đang dừng lại ? Và Chúa cũng như thể nói với chúng tôi: hãy theo Ta. Chúng tôi có bỏ mọi sự mà theo Chúa không ?... Những người chủ thuyền phát cho chúng tôi một giấy chứng nhận đã đi thuyền trên biển hồ Galilê. Nhưng đối với chúng tôi, cái giấy chứng nhận tốt hơn cả là từ nay chúng tôi ý thức hơn việc chính mình đã trở nên những kẻ “chài lưới người”.
Chúng tôi vào nhà hàng ăn trưa để thưởng thức món CÁ PHÊRÔ. Chắc khi còn đương thời, Chúa Giêsu cũng đã nhiều lần thưởng thức món CÁ PHÊRÔ. Cá đánh bắt ở biển hồ Galilê. Nhà hàng bên ngòai trông thường thôi nhưng bên trong thì khá sang trọng. Nhiều đoàn người các quốc tịch khác nhau cũng đang ăn tại đây. Chúng tôi ăn món cá Phêrô. Đó là một con cá tương đối to đã được chiên giòn đặt trong đĩa. Mỗi người một con cá. Nếu cứ bình thường thì con cá này phải 2 hoặc ba người ăn mới hết. Không biết tất cả cá ở đây có phải là từ hồ Galilê không, tuy nhiên cái thương hiệu CÁ PHÊRÔ thực sự hấp dẫn và làm cho nhiều người háo hức đến ăn. Nó gợi đến một nhân vật thuyền chài đã được Chúa gọi làm Tông đồ. Ông đã bỏ chài lưới mà theo Chúa Giêsu…
Được tiếp sức bởi bữa ăn trưa và nhất là món cá Phêrô, chúng tôi khỏe khoắn hăng hái lên đuờng.
Chúng tôi tới YARDENIT ngay bên đường, ghé vào khúc sông YORDAN, con sông mà Gioan làm phép rửa.

Con sông này chạy dài từ biển hồ Galilê tới Biển chết. Nó nhỏ như một kênh đào. Thật khó xác định đuợc Gioan đã làm phép thanh tẩy cho Chúa Giêsu ở khúc sông nào. Tuy nhiên người ta tổ chức vây hàng rào an toàn mấy chục mét bờ sông để cho các đoàn hành hương có thể lội xuống nước mà nhớ tới phép rửa mình đã lãnh nhận. Đức Cha và chúng tôi cởi giầy, lội xuống nước, vừa đi vừa hát : một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha. Cử chỉ này nhắc chúng tôi nhớ tới thân phận tội lỗi, hèn kém của mình mà tri ân cảm tạ Thiên Chúa đã cho chúng tôi trở nên con cái của Ngài… Cũng có những người thuộc đoàn Chính thống giáo mặc áo trắng sắp dìm cả mình xuống nước sông… Đức Cha lấy một viên đá trắng bên bờ sông Yordan. Tôi cũng bắt chước Ngài… Một số trong chúng tôi mua nước sông đóng chai sẵn, một số khác thì lấy trực tiếp từ dòng sông… Tướng Naaman bị phong cùi thời tiên tri Elisê tắm 7 lần nơi dòng sông Yordan vẩn đục này mà được khỏi. Những người Do Thái thời Gioan lội xuống sông nỏ bé này mà được lòng sám hối ăn năn. Ai tin thì sẽ được.
Xe chở chúng tôi xuôi miền nam, nhắm hướng Giêrusalem… Dọc đường, chúng tôi thấy có những giải đất khác nhau. Có nơi xanh tươi mầu mỡ. Người ta trồng chuối, cam, xoài. Vườn chuối trông rất bắt mắt. Mỗi cây chuối có một lý lịch. Cây nào cần phải tưới mới tưới, cây nào không cần tưới thì thôi. Cây này tưới ngày nào, cây kia tưới ngày nào. Những cây chuối có buồng đều được bao lại để tránh sâu đục và chim rỉa. Có những nơi toàn sỏi đá sa mạc cát bỏng, chẳng thấy có sức sống!
Chúng tôi đến NÚI CÁM DỖ. Vì không có thời giờ nên chúng tôi không lên núi, chỉ đứng xa xa mà nhìn. Có một vài toa cáp treo đang đưa du khách lên núi. Ngọn núi trọc, không cây cối, cao và dài. Phía dưới có thung lũng cây cối xanh tươi. Ông hướng dẫn viên Ả Rập kể về cuộc cám dỗ của Chúa : Sau khi ăn chay 40 đêm ngày trên núi, Chúa Giêsu cảm thấy đói. Ngài nhìn xuống thung lũng nhiều hoa quả có thể ăn được. Bụng đang đói nên Chúa Giêsu bị cám dỗ thèm ăn… Nhưng Ngài đã chiến thắng! Xin cho chúng con chiến thắng những cám dỗ trong cuộc sống.
Bỏ núi Cám Dỗ, xe chở chúng tôi đi một quãng và dừng lại ở một nhà bán hàng lưu niệm. Người chủ Ả Rập đon đả mời chúng tôi vào. Ông thật giẻo miệng đến nỗi dù chúng tôi đã quyết tâm chỉ mua đồ lưu niệm tại Giêrusalem cho rẻ thế mà cả cha lẫn con vẫn bị “cám dỗ và sa ngã” thay nhau mua hết cái này đến cái khác. Họ lại còn dẫn Đức Cha đi ra bằng cửa khác, qua một gian hàng bán trái cây. Đức Cha lại bị “sa ngã” phải mua trái cây. Nhưng đây là là một cơn cám dỗ “thánh thiện”, vì nhờ thế mà lên xe chúng tôi được thưởng thức những quả mận to bằng 1/3 nắm tay. Cha con vui đùa, ước gì đây là “cơn cám dỗ cuối cùng”….
Xe đưa chúng tôi đi đến CÂY SUNG ở GIÊRICÔ. Cây này lớn bằng 2 người ôm, đã 700 tuổi. Chắc hẳn không phải là cây sung ông Gia kêu đã leo lên nhìn Chúa, nhưng dù sao cũng là cây sung đồng chủng. Chúng tôi phải cầu xin cho chính mình luôn hướng thượng để có thể nhìn rõ Chúa hơn…

Từ đây đến Giêrusalem, chúng tôi chỉ thấy toàn hoang mạc. Thế mà những người bê-đu-anh du mục vẫn sống được tại đây. Nhà nuớc Israel xây nhà cho họ ở nhưng họ không thích. Họ thích sống từng nhóm trong những căn nhà xiêu vẹo, trống trải, nghèo nàn. Có một đàn dê đang chậm bước trên sa mạc trùng trùng điệp điệp. Chúng lấy cỏ đâu mà ăn, nước đâu mà uống ? Tôi không trông thấy đàn chiên. Ở đây “con chiên của Chúa” cũng rất hiếm, chỉ có “đàn dê thế gian” thì đông!
Trời đã về chiều. Chúng tôi tới Giêrusalem sau khi bỏ Giêricô vài giờ đồng hồ. Đường phố rất nhiều xe hơi qua lại. Xe gắn máy không thấy có trên đường phố. Chúng tôi về khách sạn HOLYLAND EAST HOTEL và ở đây 3 đêm. Khách sạn này rất gần Thành cổ Giêrusalem…
18g30 ăn cơm tối, sau đó chúng tôi cũng có 45 phút chia sẻ về những tâm tình của một ngày đã qua… rất bổ ích. Từng phòng đọc kinh tối và đi ngủ…

12.9-2008
Chúng tôi hăm hở lên xe với niềm vui hôm nay được đến những nơi quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu. Thật là một dịp may hiếm có trong đời. Xe rời khách sạn đưa chúng tôi đi gần một phần tường thành cổ Giêrusalem, phía cửa David. Đường sá chật ních xe cộ và người đi bộ .
Chúng tôi đến BÊLEM, trước tiên viếng CÁNH ĐỒNG CHIÊN. Nơi đây các Thiên Thần đã loan báo Tin Mừng vĩ đại cho các mục đồng. Thấy chúng tôi xuống xe, một số người bán hàng lưu niệm bám sát chúng tôi. Chúng tôi cứ làm ngơ vì nếu tỏ ý quan tâm đến lời mời chào thì khó mà dứt ra được. Vào trong cổng, một quang cảnh yên tĩnh đến lạ thường! Đức Cha và tôi chợt bàn với nhau một chút về Trung Tâm Mục Vụ của Giáo Phận. Ước gì Giáo Phận cũng tạo được một khung cảnh thánh thiện cho những người được đào tạo ở Trung tâm này.
Một nhóm hành hương đang cử hành Thánh Lễ tại một cái rạp ngoài góc sân. Lúc đầu chúng tôi cũng chuẩn bị dâng lễ ở một cái rạp khác vì Nhà Thờ đang bận. Nhưng Đức Cha nói mình cố gắng tìm một cái hang động để dâng lễ cho có bầu khí hơn. May mắn thay có một cái hang nhỏ vừa đủ chỗ cho đoàn hành hương chúng tôi dâng lễ. Tạ ơn Chúa. Chúng tôi dâng lễ rất sốt sắng trong bầu khí Giáng Sinh. Đang khi chúng tôi dâng lễ thì trong một hang động khác kề bên vang lên những bài ca giáng sinh quốc tế bất hủ… Sau lễ, chúng tôi tham quan cái hang động kề bên. Hang này rộng hon so với cái hang chúng tôi vừa dâng lễ. Có một đống củi với những nồi niêu nấu ăn bên cạnh gợi nhắc đến các chú mục đồng đã từng ăn ngủ tại đây… Chúng tôi lên thăm Nhà Thờ Cánh đồng chiên, có mái hình tròn như lều của mục đồng. Ánh sáng từ trên chiếu xuống gợi nhắc luồng sáng khi các Thiên Thần đến báo tin cho họ.

Chúng tôi đến NHÀ THỜ GIÁNG SINH và HANG GIÁNG SINH.

Nhà Thờ do Chính Thống giáo quản lý. Trong Nhà Thờ Chính thống giáo, treo rất nhiều bình hương to nhỏ. Những buổi phụng vụ Chính thống ngào ngạt huơng khói. Đốt hương, xông hương là hành vi tôn thờ. Chúng tôi sẽ ý thức hơn khi xông hương trong các buổi phụng vụ Công giáo… Dưới nền nhà thờ có hàng chữ DOMUS PANIS – PANIS VITAE (Nhà bánh, bánh sự sống) vì Bethleem có nghĩa là nhà bánh. Hôm nay khi chúng tôi tới đây thì không trúng ngày có lễ tại Nhà Thờ này. Nếu tham dự được buổi lễ Chính thống giáo thì rất hay, nhưng rất tiếc! Tuy nhiên ở đây có hang Giáng sinh do Chính thống giáo quản lý. Khách du lịch, hành hương chờ đợi được hôn lên ngôi sao, nơi có đánh dấu việc Chúa giáng sinh. Chúng tôi phải đợi rất, rất lâu mới có thể nhích bước. Mỗi nguời đều phải chui xuống hầm, qua một cánh cửa rất nhỏ. Cầu thang hẹp và dốc. Có người trượt té! Đến mặt bằng, phía tay phải có một khung phủ vải đỏ trang trọng. Dưới gầm, trên nền nhà có hình một ngôi sao giáng sinh. Mỗi người đều cung kính mầu nhiệm Chúa Giáng sinh và muốn bầy tỏ ra bằng việc nằm bò xuống nền, đặt môi hôn lên ngôi sao đó. Hình như ai cũng làm thế! Nghe đâu trong hang này có một cánh cửa chỉ mở ra mỗi năm một lần vào dịp Chúa Giáng sinh. Cửa này ăn thông qua phần nhà thờ Giáng sinh của công giáo! Đến bao giờ thì Giáo Hội mới hiệp nhất ? Đến bao giờ thì cánh cửa đó sẽ được mở ra thường xuyên ?
Chúng tôi sang viếng NHÀ THỜ THÁNH CATARINA do các cha Phanxicô phụ trách. Nhà Thờ này nằm ngay bên Nhà Thờ Giáng sinh. Ở đây hàng năm lễ đêm giáng sinh được truyền đi đến khắp nơi trên thế giới. Ngay giữa tiền sảnh của Nhà Thờ này có tượng đài Thánh Hiêrônimô. Thánh nhân đã sống ở đây vào thế kỷ thứ 5 và chuyên tâm dịch Kinh Thánh từ tiếng Hy lạp ra tiếng Latinh. Bản dịch này được gọi là Bản Phổ Thông (Vulgata).

Xin Chúa cho chúng con biết mộ mến Lời Chúa, học hỏi Lời Chúa, sống theo Lời Chúa và truyền rao Lời Chúa. Xin cho chúng con biết rao giảng Lời Chúa chứ không rao giảng lời mình. Buổi chiều, xe chở chúng tôi đến Ein Karem, quê hương của Gioan Tẩy Giả, ở về phía Tây Giêrusalem.
Trước hết chúng tôi leo đồi lên NHÀ THỜ THĂM VIẾNG.

Vào trong cổng, chúng tôi nhận ra ngay những bản văn Kinh Magnificat bằng 41 ngôn ngữ khác nhau, trong đó có bản tiếng Việt, được khắc vào bức tường khuôn viên nhà thờ. Ngoài vườn hoa, có tượng Thăm viếng rất đẹp diễn tả Đức Maria và bà Isave gặp nhau. Trong nhà thờ có một vài phù điêu diễn tả biến cố này. Nhà thờ 2 tầng được các xây dựng trên khu vực bà Isave mang thai Thánh Gioan Tẩy Giả và Mẹ Maria đã đến viếng thăm Bà sau khi đi 90km từ Nazaret đến đây. Chúng tôi đọc Tin Mừng và cầu nguyện tại đây. Từ nay, khi đọc kinh “Linh hồn tôi tung hô Chúa”, chúng tôi sẽ sốt sắng hơn khi đã được đến tận nơi này…và yêu mến tha nhân, không quản nhọc nhằn…
Chúng tôi trở lại, thăm NHÀ THỜ THÁNH GIOAN TẨY GIẢ.

Nhà Thờ lớn xây phủ lên trên nơi Gioan đuợc sinh ra. Có những bậc thang dẫn xuống hang động. Có một ngôi sao dưới gầm bàn thờ ghi dấu nơi Gioan được sinh ra. Chúng tôi đọc đọan Kinh Thánh và cầu nguyện tại đây. Chúng tôi muốn mặc lấy tâm tình của Gioan tẩy Giả: trở nên người dọn đường cho Chúa đến. Bức tường khuôn viên ngoài Nhà Thờ có bài ca Benedictus bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau đuợc khắc vào đá.
Cũng có một bảng đá khắc bằng tiếng Việt Nam có đề tên cha Linh Hướng và một gia đình người Việt thực hiện. Có khi nào trong tương lai sẽ có một bản kính bằng tiếng Kơho nơi đây không ?
Chúng tôi đi viếng NHÀ NGUYỆN CHÚA THĂNG THIÊN Nhà nguyện này nằm ở ngọai thành Giêrusalem trên đỉnh núi CÂY DẦU. Có một viên đá in dấu bàn chân Chúa khi lên trời. Sách Tông đồ công vụ kể lại rằng Chúa Giêsu đưa các Tông đồ lên NÚI CÂY DẦU. Sau khi chúc lành cho các ông, Chúa lên trời.. Hàng năm vào dịp Lễ Thăng Thiên, các Giáo Phái vẫn tổ chức các lễ nghi tại đây. Xin cho chúng con ái mộ những sự trên trời.


Chúng tôi đến NHÀ THỜ KINH LẠY CHA. Nhà Thờ nguyên thủy đã có từ thế kỷ thứ tư. Nhà Thờ hiện nay xây trên cái hang nơi Chúa Giêsu dậy các Tông Đồ Kinh Lạy Cha, hiện nay do các nữ tu dòng Kín phụ trách. Kinh lạy Cha đã được khắc vào tường Nhà Thờ bằng 60 ngôn ngữ khác nhau, trong đó có bản tiếng Việt. Chúng tôi đã cầu nguyện tại đây và hát Kinh Lạy Cha. Xin cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến…

Đi qua nghĩa địa khá rộng, chúng tôi viếng NHÀ NGUYỆN CHÚA KHÓC.

Gọi như thế vì từ chỗ này, Chúa đã khóc thương Thành Giêrusalem sẽ không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào! Nhìn qua cửa sổ chúng tôi thấy rõ Thành Giêrusalem. Bức phù điêu bên hông Bàn Thờ là hình gà mẹ đang xòe cánh che chở gà con. Thiên Chúa đã muốn che chở chúng ta như gà mẹ ủ con dưới cánh… Nhà nguyện có hình giống như một giọt nước mắt! Chúa vẫn còn thương khóc nhân loại tội lỗi …
Rời Nhà nguyện Chúa khóc, chúng tôi xuống dốc đi xuống chân núi cây dầu. Đường rất dốc. Có Cha cũng trượt té ở đây. Dọc đường có Nhà Thờ Maria Magdala của Chính Thống Nga rất lớn, đóng kín cổng.
Chúng tôi tới VƯỜN CÂY DẦU. Ở đây chỉ còn lại 8 cây dầu rất lớn bằng mấy vòng tay. Có cây 1.500 năm. Có cây đã hơn 2.000 năm.Chúng tôi xúc động vì Chúa Giêsu đã vào vườn Cây Dầu để cầu nguyện cùng Chúa Cha trước cuộc Thương Khó của Ngài. Những cây dầu còn lại phải chăng đã chứng kiến những giậy phút trọng đại đó ?
Bên khu vườn Cây dầu là NHÀ THỜ CHÚA HẤP HỐI cũng còn gọi là NHÀ THỜ CÁC DÂN TỘC vì nhiều quốc gia đã đóng góp tiền của để xây nên Thánh Đường này.
Trong Nhà Thờ có một tảng đá lớn, có hàng rào như chiếc mão gai bao quanh. Chúa Giêsu đã quỳ gối cầu nguyện đến đổ mồ hôi máu tại đây. Chính tại nơi này, Chúa Giêsu bị bắt vì Giuđa bội phản. Chúng tôi thinh lặng cầu nguyện hòa nhập vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu…
Trên đường về, chúng tôi ghé vào NHÀ THỜ MỘ CỦA ĐỨC MẸ do Chính thống giáo quản lý. Mộ của Đức Mẹ nằm hơi sâu dưới Nhà Thờ nơi Đức Maria được mai táng và lên trời.
Xe đưa chúng tôi về khách sạn. Đây là giờ cao điểm. Tình trạng kẹt xe cũng diễn ra. Xe hơi nối đuôi nhau, giành nhau lấn đường để đi, bóp còi inh ỏi. Gần tới Thành cổ, sắp quẹo vào đường dẫn vào Hotel, những người Hồi giáo từ Đền ra về chật ních. Chúng tôi phải xuống xe, đi bộ về khách sạn, hòa vào dòng người đang đi lại trên lề đường. Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con một ngày đầy ý nghĩa…

Chúng tôi nghỉ ngơi, ăn tối và ngồi lại chia sẻ về một ngày đã qua…
13-9-2008
Hôm nay chúng tôi đổ bộ vào thành cổ Giêrusalem. Thành có 8 cổng vào. Những con đường thành đều lát bằng đá. Hai bên đường nhà nhà đều bằng đá. Chúng tôi đến NHÀ THỜ ANNA do các Cha Dòng Trắng quản lý.

Đang khi vào bên trong thì có một cha người Pháp, cựu giáo sư của cha Hội và cha Lâm cũng đang sang làm việc tại đây. Ngài đàm đạo với Đức Cha. Ngài gọi tên các học trò của mình… Đức Cha cho biết các Ngài rất quý các cha học trò thuộc Giáo Phận vì các học trò rất uy tín và đẹp lòng các Ngài. Điều chúng tôi nhận ra ở đây là Ngài đã gọi tên học trò, dù đã nhiều năm không gặp học trò. Tình thương chân thành không hề phôi phai với thời gian.
Chúng tôi đứng bên hồ BETHESDA. Đây là hồ mà Chúa Giêsu đã chữa người bất toại trong ngày Sabbath. Hồ này nằm trong một tổng thể di tích của một làng cổ xưa.
Chúng tôi được các Cha Dòng Trắng cho phép dâng lễ trong chính nhà nguyện riêng của các Ngài. Tình nghĩa anh em Linh Mục làm cho các Ngài không còn tiếc gì với chúng tôi.
Các Ngài cho chúng tôi vào tận nội vi của Dòng để chúng tôi sốt sắng dâng lễ. Các Ngài còn mời chúng tôi buổi chiều quay lại để dâng lễ tại chính Nhà Thờ Anna vì hôm nay là chiều thứ bảy. Chúng tôi sẽ dâng lễ thay ngày mai Chúa Nhật.
Chúng tôi bắt đầu đi ĐÀNG THÁNH GIÁ, con đường Thương Khó.
Chúng tôi đi một số chặng. Có chặng thì còn có chỗ vào trong, có chặng thì đứng ngòai đường. Đối với kitô hữu thì đây là nơi thánh, là con đường Thập Giá chúa đã đi qua, rất linh thiêng, rất lịch sứ. Nhưng những nguời Do Thái, những người Hồi giáo ở đây thì không coi trọng. Con đường cứu độ ngay ở bên mà họ không nhận ra. Tuy nhiên họ lại sống nhờ con đường này vì đâu đâu cũng thấy họ bày biện bán hàng lưu niệm : tràng hạt, Thánh Giá, Thánh Gia… đủ lọai. Có Cha trong đoàn trong buổi tối chia sẻ đã nói rằng: Dân Do Thái là dân riêng của Chúa. Xưa Chúa đã nuôi họ bằng manna, nay Chúa vẫn còn nuôi họ bằng du lịch!
Đặt từng bước chân trên con đường này, chúng tôi như nhìn thấy được những bước chân nặng nề Chúa Giêsu đi qua với cây Thập Giá nặng trên vai. Chúng tôi mới cảm thông được những lần Chúa ngã quỵ trên đường lên núi Sọ. Chúng tôi mới thấy được những tiếng hò hét dữ tợn của đám đông chen lấn, những tiếng roi sắt quật trên thân thể của Chúa Giêsu… Dù nền đường bằng đá có bị xói mòn với mưa nắng thì con đường Thập Giá vẫn luôn còn đó. …
Sau cùng chúng tôi tới NÚI SỌ (Golgotha). Phải nói rằng những gì chúng tôi thấy trước mắt thì khác hẳn với những gì chúng tôi suy nghĩ trước khi đặt chân tới đây. Chưa tới đây chúng tôi hình dung một núi sọ đồ sộ, lộ thiên và ít nhất cũng còn lại cây Thánh Giá làm dấu. Tới đây rồi thì không còn thấy núi sọ đâu nữa. Thay vào đó là những ngôi nhà thờ đồ sộ của Công giáo, Chính thống giáo Hy Lạp và Arménien bao trùm cả núi sọ này. Chúng tôi đến nơi Chúa bị đóng đinh, tắt thở trên Thập Giá, và nơi hạ xác Chúa Giêsu xuống. Nơi này có một tảng đá được coi là nơi liệm xác Chúa Giêsu.
Nhiều người quỳ gôi hôn lên tảng đá này. Tôi cũng quỳ xuống tôn kính làm như thế. Một cảm xúc lạ chạy khắp cả người tôi. Chúa đã chết cho tôi, Chúa đã chết cho mọi nguời. Chúa đã chết để cho con người được sống.


Chúng tôi tới MỘ THÁNH. Một quang cảnh hết sức cảm động diễn ra. Từng đoàn người hành hương đang chen lấn nhau, xích lên từng bước để đến lượt được vào phía trong mà nhìn thấy mộ phần của Chúa Giêsu. Đây chính là nơi an táng Chúa Giêsu và cũng là nơi Chúa đã phục sinh. Đây cũng chính là nơi mà bà Maria thành Magdala đã đến khóc thương Thầy mình và đã được Chúa sai đi loan báo Tin Mừng Phục sinh cho các Tông Đồ của Chúa. Chúng tôi không có cách nào có thể chen lấn với đám dân chúng nồng nhiệt đó. Muốn vào phần mộ Chúa, chúng tôi phải đợi ít nhất là 2 giờ nữa. Chúng tôi tạm rời Mộ Chúa với ý định sẽ quay lại vào buổi chiều sau khi đã ăn trưa và tranh thủ tham quan những nơi thánh khác. Ở đây cha con chúng tôi chụp môt tấm hình chung để giữ lại trong lòng những tâm tình sốt sắng khi đến Mộ Thánh.
Chúng tôi đi bộ tới NHÀ THỜ ĐỨC MẸ NGỦ hay cũng còn gọi là Đức Mẹ Sion. Nhà Thờ này được xây trên núi Sion. truyền thống giải thích rằng Đức Mẹ đi vào giấc ngủ đời đời. Ở đây có một bức tượng Đức Mẹ đang nằm như ngủ vậy, rất thánh thiện, rất mẫu mực. Chúng tôi quỳ gối xung quanh mà cầu nguyện. Đức Mẹ ngủ thì sẽ thức dậy. Ngài sẽ sống lại hồn xác lên Trời. Ngài là niềm hy vọng của Hội Thánh, của mỗi người chúng ta.

Chúng tôi đến NHÀ TIỆC LY, một căn phòng trống trải, rất nhiều người qua lại. Có dấu vết của một bàn thờ Hồi giáo bên trong vì vào thời Hồi giáo chiếm Thánh Địa, họ dã dùng nơi này đặt biểu tượng Hồi giáo. Nay thì nhà Tiệc ly thuộc quyền của Do Thái giáo. Nơi đây chỉ còn lại một cung thánh nhỏ có cây nho bằng xi măng ở giữa. Một nơi thánh thiện và cao cả như thế mà nay phải chịu cảnh tục hóa ! Chúng tôi âm thầm cầu nguyện tại đây và chụp một tấm hình lưu niệm vì chính ở nơi này Chúa Giêsu đã thiết lập Thánh Thể, đã khai sinh chức Linh Mục. Chính nơi đây chúng tôi cảm nghiệm được sự liên kết chặt chẽ của chúng tôi, các Linh Mục, với Chúa Giêsu, Vị Thượng Tế duy nhất. Phía dưới Nhà Tiệc ly là “Phòng Rửa chân”, nơi Chúa Giêsu đã đổ nước vào chậu mà rửa chân cho các môn đệ. Lời Chúa vẫn văng vẳng : Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu mến nhau. Như Thầy đã yêu mến các con, các con cũng hãy yêu mến nhau.

Chúng tôi xuống MỘ DAVID. Một người thanh niên mặc y phục truyền thống đang lắc lư thân mình đọc Kinh Thánh, tay chạm đến phần mộ vua David. Chúng tôi thinh lặng nghĩ đến nguồn gốc loài người của Chúa Giêsu : Ngài thuộc dòng dõi Vua David.
Chúng tôi đến thăm BỨC TƯỜNG THAN KHÓC. Đây là nơi cực thánh của người Do Thái. Người Do Thái đến đây cầu nguyện. Người ta nhét đầy những mảnh giấy xin ơn vào các khe đá. Chúng tôi đến đây vào ngày Sabbath nên rất đông người. Ai đến đây phải mặc quần áo chỉnh tề, không mặc quần cụt, áo không cổ, đầu đội mũ. Ngày Sabbath, cấm chụp hình. Mọi người đều phải chấp hành nếu không muốn tự gây phiền hà cho mình. Đức Cha đến trước bức tường này. Ngài nhét miếng giấy vào khe đá. Ngài thông báo trước cho chúng tôi lời cầu nguyện của Ngài: cầu cho Giáo Hội, cho Quê hương Đất nước, cho thế giới được hòa bình… Chúng tôi cũng chạm tay vào bức tường lịch sử này để cầu nguyện. Chúng tôi không khóc thương thành Giêrusalem hoang tàn như nhũng nguời Do Thái nhưng chúng tôi tiếc thương người Do Thái vì cho đến nay vẫn không nhận ra Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế. Trong số 6-7 triệu dân Do Thái mới chỉ có 78 người tin nhận Đức Giêsu Kitô. Một con số quá ít ỏi!
Chúng tôi trở về Nhà Thờ Thánh Anna để dâng Thánh Lễ thay Chúa Nhật. Đây là Nhà Thờ tuởng nhớ tới việc Đức Maria được sinh ra tại nhà ông Bà Gioakim và Anna. Một nhà thờ lớn toàn bằng đá trông có vẻ mộc mạc. Chiều nay là chiều thứ bảy, lần đầu tiên từ khi bước vào Thánh Địa, chúng tôi nghe tiếng chuông vang lên từ một ngôi Nhà Thờ công giáo nào đó trong Cổ Thành. Chúng tôi hết sức vui mừng và được an ủi. Chúng tôi dâng Thánh lễ tại đây cầu nguyện đặc biệt cho các Gia trưởng, Hiền mẫu, các gia đình trong Giáo Phận.
Sau Thánh Lễ, chúng tôi trở về khách sạn nghỉ ngơi, chuẩn bị ngày mai hồi hương…
Ăn tối xong, chúng tôi lại ngồi chia sẻ những hồng ân đã nhận được của ngày hôm nay. Nhân dịp này, chúng tôi dâng lên Đức Cha tất cả những tâm tình chân thật của chúng tôi. Chúng tôi cám ơn Ngài vì nhờ Ngài mà chúng tôi mới đến Thánh Địa này, mới được dõi theo những dấu chân cứu thế của Chúa Giêsu, mới được nhìn tận mắt, sờ tận tay những thánh tích của cuộc đời Chúa Giêsu. Chúng tôi hức với Ngài khi về lại Giáo Phận chúng tôi sẽ chăm chuyên học hỏi nghiên cứu Kinh Thánh, dọn bài giảng chất luợng hơn và nhất là sống theo Lời Chúa dậy. Chúng tôi cũng ý thức hơn đến bổn phận phải trở nên thánh thiện hơn trong cuộc sống. Chúng tôi cũng hứa với Đức Cha sẽ cùng với Đức Cha nỗ lực canh tân đổi mới bản thân, giáo xứ và Giáo Phận.
Chúng tôi cũng cám ơn Cha Linh Hướng đã nhiệt tình giúp đoàn chúng tôi trong những ngày này…

14-9-2008

Chúng tôi lên đường hồi hương. Chiếc xe buýt chở chúng tôi rời khách sạn. Chỉ ở đây mấy ngày thôi mà Thánh Địa đã trở nên thân thiết. Những hình ảnh cuối cùng trên đường đi như tô đậm thêm những tình cảm tốt đẹp đó. Xe chở chúng tôi đến QUMRAN. Ở đây chúng tôi được nhìn thấy dấu vết một Tu viện cổ xưa, nơi các ẩn sĩ Esseni sinh sống. Các vị này có công chép các bản văn Kinh Thánh rất cổ xưa. Năm 1947, hai chàng chăn cừu đã tình cờ tìm thấy 7 cái bình chứa những bản văn kinh Thánh chép tay trong các hang động trên núi và đem đi bán. Những nhà khảo cổ Do Thái đã mua lại toàn bộ. Những nhà chuyên môn và những người nghiên cứu Kinh Thánh đều rất quý những tài liệu giá trị này. Chúng tôi không phải là những người chuyên môn Kinh Thánh, nhưng chúng tôi phải là những người chuyên sâu về Lời Chúa. Ước gì trong những điều khám phá hàng ngày, chúng tôi có lòng thao thức khám phá kho tàng Lời Chúa để có thể truyền đạt Lời Chúa một cách sâu sắc hơn và tinh ròng hơn.
Xe chở chúng tôi đến BIỂN CHẾT. Hai bên đường hàng hàng lớp lớp những cây chà là. Quả chà là ở đây ngọt lịm vì hợp đất. Biển Chết hàng ngày tiếp nhận những dòng nước từ sông Jordan và các sông khác đổ về. Nước ở đây rất mặn, mặn hơn muối thường gấp 6 lần. Không sinh vật nào có thể sống ở đây. Trước khi ra đây, chúng tôi đã được bảo trước những gì phải giữ khi tắm ở biển này : tuyệt nhiên không được cho nước vào mắt cũng như vào miệng. Chúng tôi xuống nuớc, bồng bềnh trên mặt nước. Dưới chân có bùn và bùn ở đây rất tốt. Nghe nói người ta lấy bùn ở đây rôi đem đi bán ở nhiều nơi. Do đó chúng tôi tận dụng xoa bùn lên thân thể hy vọng sức khỏe có gia tăng chăng. Người ta cũng lấy muối ở biển này đi bán cho những người có nhu cầu hòa tan trong bồn nước để tắm chữa bệnh, nhất là những bệnh ngòai da, bệnh thấp khớp. Dù nuớc biển có tốt như thế nhưng không nên tắm lâu, 10 phút họăc 20 phút là đủ. ..
Sau khi đã đến được Qumran và ngâm mình nơi Biển chết, chúng tôi lại vội vã lên đường cho kịp các chuyến bay. Ai cũng sợ rằng chậm trễ sẽ rất phiền phức đến những chuyến bay đã được ấn định. Những bót an ninh vẫn thế, chẳng dễ hơn chút nào: lúc nào cũng hối hả, lúc nào cũng chờ đợi… và những trục trặc vẫn xảy ra. Nhưng rồi sau cùng chúng tôi đã tới phi trường Amman và lên máy bay rất sớm. Máy bay cất cánh lúc 17g20 và về tới phi trường Doha là 19g55. Sau khi ăn tối, chúng tôi đi ngủ sớm để mai về quê nhà…

15-9-2008
Chúng tôi ra phi trường từ sáng sớm để làm thủ tục và đáp chuyến bay lúc 7g30 giờ Qatar về Thành Phố Hô chí Minh. Về tới sân bay Tân sơn Nhất lúc 19g giờ Việt Nam. Trời đã tối. Phi trường đã lên đèn. Sau khi lấy hành lý, chúng tôi đóng dấu nhập cảnh. Thủ tục tối nay ở đây rất nhanh kể cả việc xét hành lý. Có điều là phi trường này tối nay sao vắng người thế hay là vì chúng tôi đã quen mắt với cảnh du khách tấp nập ở các phi trường khác ở nước ngòai ?
Tạ ơn Chúa đã cho chúng tôi đi về bình an. Chuyến đi này chúng tôi đã học được biết bao điều tốt đẹp. Chúng tôi mong ơn Chúa sẽ không trở nên vô ích cho chúng tôi….
Phaolô Lê-đức-Huân


ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ

Trong chuyến hành hương đến Đất Thánh dịp Năm Thánh 2000, tôi có rất nhiều cảm xúc và ấn tượng về những địa điểm ghi dấu các biến cố liên hệ đến cuộc đời của Chúa.
Trong chuyến hành hương lần này 8 năm sau, những cảm xúc và ấn tượng ấy, tuy vẫn còn, nhưng không mạnh mẽ và sâu xa như lần trước. Cũng phải thôi. Một nơi đã biết, đã từng đi qua, dường như trở thành quen thuộc, không làm cho người ta ngỡ ngàng, tất cũng mất đi vài phần hấp dẫn, cho dù chuyến đi này luôn được nhấn mạnh và nhắc nhở là chuyến đi hành hương thuần túy, không phải du lịch. Có lẽ tôi phải thú nhận như Lamartine sau một lần đến Thánh Địa, là: “Tôi đã du hành bằng cặp mắt, bằng ý nghĩ, bằng tâm trí, mà không du hành bằng tâm hồn và con tim”. Sách Gương Phúc viết rằng: “Chỉ có ít người thánh hóa mình bằng những cuộc hành hương thường xuyên” (I,23,4). Tôi chưa phải là người trong số ít đó. Mea culpa!
Dầu sao, có những yếu tố khác, thuộc tôn giáo đạo đức hẳn hoi, nhưng là của chính thống giáo và hồi giáo, đã gợi ra cho tôi đôi điều suy nghĩ.
Đất này là Đất Thánh, chan hòa sự thiêng thánh của 3 tôn giáo độc thần: kitô giáo, hồi giáo, do thái giáo. Kitô giáo và hồi giáo dễ nhận ra qua những giáo đường với ngọn tháp cao vút.
Kitô giáo phát xuất từ đây, đã ghi đậm dấu ấn của mình qua 2000 năm lịch sử. Do chia rẽ thành nhiều Giáo hội nên những địa điểm hành hương cũng do nhiều Giáo hội coi sóc: công giáo la tinh, chính thống giáo Hy lạp, chính thống giáo Nga, Copte, Arménie tông truyền, Tin lành..
Những nơi do công giáo coi sóc (qua các dòng tu, nhất là dòng Phan sinh) thì cảm thấy quen thuộc, nhưng những nơi do chính thống giáo coi sóc thì là cả một sự lạ: từ con người, lễ nghi đến cách xây dựng bài trí một nơi thánh. Trước, chỉ biết đến qua sách vở. Nay thì thấy tận mắt. Bách văn bất như nhất kiến. Trăm nghe không bằng một thấy.
Tôi đặc biệt để ý đến cách xây dựng và bài trí một nơi thánh, chẳng hạn Nhà thờ Mồ Thánh ở Giêrusalem hoặc Nhà thờ Giáng Sinh ở Belem.
Bước chân vào một nhà thờ chính thống giáo, có thể nhận ra ngay là tối nhiều hơn sáng, và sáng là nhờ ánh đèn điện, nhất là ánh sáng của những ngọn nến lung linh, hơn là ánh sáng tự nhiên. Đập vào mắt là những hình ảnh rậm rịt: các icônes, tranh khảm đan xen với các đồ phụng tự như bình hương (treo lơ lửng), đèn nến. Trần nhà, nền nhà, tường vách, bàn thờ dường như không còn chỗ trống. Trông hoa cả mắt. Hoành tráng, âm u, huyền bí khá tương phản với cách bài trí của công giáo la tinh. Có thể thấy dễ dàng sự tương phản này giữa hai chặng Đàng Thánh giá kế cận nhau trong Nhà thờ Mồ Thánh: chặng thứ 11 (công giáo la tinh) và chặng thứ 12 (chính thống giáo), hoặc giữa Thánh đường Giáng sinh (chính thống giáo) với Thánh đường Catarina (công giáo la tinh) sát bên.
Tôi chợt nghĩ: phải chăng khung cảnh và bầu khí đó diễn tả thực tại tôn giáo hơn ? Tôn giáo mạc khải tự thân là huyền bí, mầu nhiệm, nên những cung cách và hình ảnh diễn tả cũng cần có những nét mầu nhiệm, huyền bí. Lấy thí dụ icône, được coi là phản ánh nguyên mẫu trong thế giới thiêng liêng, để đưa người chiêm ngắm đi vào trong thế giới ấy. Icône không rập theo nguyên hình của thế giới thụ tạo, nhất là theo khuynh hướng lý tưởng hóa vẻ đẹp như đa phần các ảnh đạo Tây phương, nhưng theo những quy tắc thần học chặt chẽ. Còn sự hoành tráng, phải chăng là muốn diễn tả khung cảnh mà Gioan đã thị kiến, được ghi lại trong sách Khải huyền (Kh 4 tt) ?
Tôn giáo cũng cần được thể hiện bằng tình cảm. Tây phương nặng về lý trí, sáng sủa rạch ròi, nên cách thể hiện tôn giáo hơi khô. Chính thống giáo, cũng như các tôn giáo Đông phương nói chung, với những nét hoành tráng rậm rịt, có phải muốn nói lên tình cảm dào dạt của con người, phù hợp hơn với con người muốn dùng cả tình cảm để tiếp xúc với những gì là thiêng thánh ?
Tại các nơi do chính thống giáo coi sóc, ai nấy còn có thể nhận ra điều này: muốn vào những nơi tôn nghiêm nhất, ghi dấu biến cố đặc biệt nhất, khách hành hương không thể đứng thẳng, nhưng phải cúi mình. Cửa vẫn còn chỗ để có thể mở rộng, nhưng người ta đã thu hẹp lại, cả chiều cao lẫn chiều rộng. Lấy lý do để ngựa và kỵ binh Ả rập khỏi đi vào, như ở Nhà thờ Giáng sinh, nếu có là cho ngày xưa thôi. Chứ ngày nay làm gì còn những chuyện tương tự, nên nếu muốn mở rộng, đâu có khó!
Chắc hẳn người thiết kế xây dựng đã cố tình làm như vậy. Cửa hẹp lại để ngăn cách hai chốn thiêng và tục. Cũng giống như bức màn ngăn và che nơi cực thánh trong Đền thờ. Người ta không thể từ nơi này qua nơi kia với một thái độ nhâng nháo. Phải biết mình sắp bước vào một thế giới khác, sắp đối diện với một Đấng khác. Chuyện xếp hàng nối đuôi nhau không chỉ vì đông người, mà còn giúp cho khách hành hương chuẩn bị tâm hồn…

Giáp mặt một Thiên Chúa như hiển hiện qua các dấu chỉ biểu thị, con người phải hạ mình xuống, phải khiêm tốn, như Mosê trụt giày trước Bụi gai cháy (Xh 3,5), như Phêrô sấp mặt xuống và kêu lên: “Lạy Chúa, xin tránh xa con..” (Lc 5,8). Cái thiêng thánh không chỉ fascinans, mà còn tremendum. Giacóp ngày xưa, chỉ gặp Chúa trong giấc mộng thôi, vậy mà ông đã đâm ra sợ cái chỗ mình đang ở, “terribilis est locus iste”, đã cải tên cho nó thành Bethel, nhà của Thiên Chúa (St 28,17-19). Yếu tố tremendum này có lẽ cần được nhắc nhở khi mà nhiều người chúng ta, bước vào những nơi thiêng thánh, nếu không ý thức thì lắm khi đánh mất đi sự kính sợ cần thiết.
*
Điều suy nghĩ thứ hai liên hệ đến hồi giáo.
Hồi giáo đã có mặt trên phần đất này từ thế kỷ VII, tất nhiên để lại những dấu ấn đậm nét. Đâu đâu cũng thấy những ngọn tháp (minaret) của đền thờ, ở đó có đặt những chiếc loa sắt, cứ đến giờ thì cả tiếng ngân nga lời cầu kinh. Chuyện này làm tôi nhớ đến những làng theo đạo Hòa hảo ở vùng Long Xuyên, Châu Đốc trước năm 1975.
Cầu nguyện là một trong 5 điều cơ bản buộc mọi tín hữu hồi giáo phải giữ, mỗi ngày 5 lần (rạng đông, trưa, chiều, lúc mặt trời lặn, đêm). Riêng trưa thứ sáu thì phải dự buổi cầu nguyện chung ở đền thờ. Chúng tôi đến đây vào tháng chay ramadan nên sự cầu nguyện càng được coi trọng.
Cầu nguyện thì tôn giáo nào cũng có. Nhưng cái kiểu hướng dẫn cầu nguyện oang oang qua loa, mỗi ngày 5 lần, mỗi lần hơn 10 phút, giữa chỗ thị tứ văn minh có nhiều người theo tôn giáo khác nhau, dễ làm cho khách thập phương khó chịu khi nghe lần đầu. Tôi đã có cái cảm giác ấy vào một buổi chiều ở Giêrusalem, lúc ngồi trong khách sạn.
Nhưng khi cảm giác khó chịu lúc đầu qua đi, ngẫm lại thì thấy: phải chăng đây là một trong những phương thế tốt nhất duy trì đức tin của người hồi giáo ? Thời kitô giới (chrétienté) trước đây, tại các nhà thờ công giáo, ngoài tiếng chuông sớm tối còn có tiếng chuông trưa (Angelus). Thong thả như chuông chùa hay giục giã như chuông nhà thờ đều có tác dụng như mời như gọi con người hướng về cõi tâm linh, cõi hư không hay cõi siêu việt. Nay thì chuông trưa chuông tối tắt tiếng. Có phải mất tiếng chuông thì việc cầu nguyện vào lúc ấy cũng mất theo ?
Bỏ cầu nguyện đi thì không còn tôn giáo. Nhưng cầu nguyện theo lối năm thì mười họa, ảnh hưởng tôn giáo trong tâm hồn và đời sống của một người tín hữu phỏng còn được bao lăm ? Còn đàng này là cầu nguyện hằng ngày, vào những thời khắc nhất định, thực hành suốt đời, hẳn sẽ làm cho tâm hồn người hồi giáo gắn chặt với Đấng Allah, bởi lời cầu nguyện mỗi lần đại khái là một lời tuyên tín: “Allah là Đấng vô cùng cao cả… Không có Chúa nào khác ngoài Allah…”
Một việc cầu nguyện như trên không chỉ làm ở nhà hay trong đền thờ, mà ở bất cứ chỗ nào. Có thể trong một prayer room như tại phi trường Doha, thủ phủ Qatar. Có thể giữa chỗ đông người qua lại, như một lần bắt gặp tại phi trường Amman, thủ phủ Jordan. Một công nhân đang làm việc, đến giờ cầu nguyện, anh tìm một chỗ sát vách, trải tấm vải ra, trên đó có vẽ hình tượng trưng cho đền thờ, hướng về Mecca, phủ phục cầu nguyện rất thành kính.
Tôi bỗng nhớ tới câu của Pascal: “Nếu bạn muốn có lòng tin, hãy quỳ xuống và cầu nguyện” (Si vous voulez avoir la foi, mettez-vous à genoux et priez). Tôi cũng ước mong cho các kitô hữu, trong đó có chính tôi, không ngại tỏ mình ra là tín hữu nếu không có gì phiền phức. Chuyện làm dấu thánh giá trước bữa ăn trong hàng quán dọc đường chẳng hạn, nhiều người đã không có can đảm thực hành như vẫn làm ở nhà. Thật khác xa với hành vi của người hồi giáo trên đây.
*
Những suy nghĩ lan man coi vậy mà cũng nhắc nhở cho tôi ít nhiều về một vài thái độ của một người kitô hữu. Âu đó cũng là một điều tốt, bù lại những thiếu sót trong một chuyến hành hương đích danh. Không phải vậy sao ?
Lm Micae Trần Đình Quảng

VỀ “MỘT GIỌT NƯỚC MẮT”
Chút gẫm suy hành hương Thánh Địa 2008

Chuyến hành hương đã khép lại, nhưng trong tôi vẫn đọng mãi giọt nước mắt, “Giọt Nước Mắt của Chúa”…
Đây không hề là cách nói cho ra vẻ lãng mạn, nhưng là câu chuyện thực về một nguyện đường cheo leo trên núi Cây Dầu, đối diện với thành Giêrusalem, bên kia thung lũng Kidron.
Thực tình, tôi không ngờ lại có một nguyện đường như thế, dù câu chuyện xảy ra thì tôi cũng như bao kitô hữu khác đều như thuộc nằm lòng:
Khi đến gần Giêrusalem, và trông thấy thành, Đức Giêsu khóc thương mà nói: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi…Thật vậy sẽ tới những ngày quân thù đắp lũy chung quanh, bao vây ngươi tư bề, chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không còn hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết giờ ngươi được viếng thăm” (Lc 19,41-44)
“Dominus Flevit” (Chúa Khóc) đó là tên của nguyện đường, một tác phẩm kiến trúc của Antionio Barluzzi, hoàn thành năm 1956, trước khi ông nhắm mắt. Tác phẩm cuối đời và có lẽ cũng là tác phẩm để đời. Tuy là nhà nguyện mới nhưng thực ra nó được xây dựng trên nền đổ nát của một ngôi nhà thờ Byzantin cổ, có từ thế kỷ thứ V.
Sở dĩ tôi dừng lại thật lâu, hay nói đúng hơn, tâm hồn cứ nấn ná mãi với “Dominus Flevit”, trước hết vì chưa bao giờ tôi thấy một nguyện đường lại mang hình dạng như thế : hình dáng của giọt nước mắt chảy dài, hay chảy xuôi. Bên trong lại thật tối, chỉ để rực một khoảng sáng nhìn về thành Giêrusalem trước mặt, bên kia thung lũng Kidron. Và cái khoảng sáng mở rộng, mở toang như thể bị kéo căng từ mọi phía, lại như hình một con mắt, mà hoa văn là những giọt nước lăn tròn. Còn chính giữa là bàn thờ với bức phù điêu : “Gà mẹ đang xòe cánh ấp ủ đàn con”.
Tôi đã được diễm phúc nhìn ngắm thật nhiều đền thánh hay thánh đường từ Âu đến Á, nhưng dù khác biệt đến mấy, tất cả đều nhắm đến việc làm sao cho mắt phàm có thể nhìn lên Thiên Chúa hay những biểu tượng thánh thiêng. Còn ở đây thì khác hẳn, “Dominus Flevit” không cho tôi ngắm nhìn gì cả, ngược lại, mời gọi tôi hãy nhìn bằng cái nhìn…của Chúa, đặt đôi mắt tôi vào trong Con Mắt Chúa, để nhìn về Giêrusalem, nhìn về con người và thế giới.
Tôi chợt nhớ tới lời của Đức Giêsu nói với thánh Tôma sau khi Ngài phục sinh :
“Con hãy đặt ngón tay con vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy” (Ga 21,28).
Nhưng ở đây còn có điều hơn thế nữa :
“Hãy đặt đôi mắt con và trong mắt Thầy !”
“NhưngThầy ơi, con mắt là cửa sổ của tâm hồn, làm sao con biết…!”
Tôi thảng thốt muốn thưa lại. Nhất là vì, hôm đó Chúa đã nhìn về Giêrusalem, về tất cả…không phải như mọi lần, mà là qua làn nước mắt, nghĩa là trào ra từ những gì mãnh liệt nhất, sâu thẳm nhất của tâm hồn.
Thực tình tôi chỉ dám và cũng chỉ có thể nhìn về Giêrusalem như tôi có thể : Giêrusalem hôm đó thật đẹp, trải dài trên ngọn đồi cao với những ngôi nhà bằng đá vôi trắng rực rỡ dưới ánh mặt trời, lại điểm thêm một nốt vàng chói lọi là mái vòm của ngôi đền Omar, một đền thờ Hồi Giáo.
Nhưng đàng khác, chỉ cần thay đổi chút góc nhìn, Giêrusalem lại xuất hiện như một đống gạch ngổn ngang, như thể những ô hình bằng nhựa mà các em nhỏ vẫn dùng để đùa chơi, thậm chí như câu chuyện rối tung của một anh hề kể lại, một tấn kịch ngổn ngang trăm mối, chưa biết bao giờ mới đến hồi kết thúc.
Tôi thốt nhìn về Cánh Cổng Vàng ngay trước mặt, mà theo truyền thuyết Chúa sẽ bước vào khi Ngài quang lâm, cánh cổng thành duy nhất của thành Giêrusalem cho đến nay vẫn còn bịt chặt và chung quanh là cánh đồng Josaphat với ngàn vạn nấm mồ vẫn im lặng đợi chờ…
Quả thật sau hai ngàn năm, Giêsusalem vẫn mang nét đẹp muôn thuở của một Thành Đô vươn cao trên các ngọn đồi, đồng thời vẫn in hằn những vết thương chưa thể nguôi ngoai, như khuôn mặt còn đầy nước mắt… Các phiến đá một thời rời rã nay lại lại nằm cạnh nhau, lại chồng chất lên nhau, nhưng như một cuộc cờ lịch sử hơn là lời hứa đến hồi thành tựu : khu Do Thái Giáo, khu Hồi Giáo, khu Công Giáo, rồi Chính Thống, rồi Tin Lành Luther, rồi Copte, rồi Arménie… xen giữa là các chốt kiểm soát Do Thái, chốt kiểm soát Palestine và những mê lộ vừa đầy ắp hàng hóa vừa đầy nghẹt tín đồ, nườm nượp tuôn về đền thờ Hồi Giáo, vì là tháng chay Ramadan, và dòng người khác lại rẽ lối đi về hướng khác, về Bức Cổ Thành Giêrusalem còn sót lại, để gục đầu, để khóc than… Và hôm đó có cả đoàn hành hương của chúng tôi, cố len lỏi đi Đàng Thánh Giá.
Nhưng quả thật, chưa bao giờ Đàng Thánh Giá đối với tôi lại thực và thấm thía đến như vậy. Trăm vạn con người qua lại mà ánh mắt như không hề giao nhau, như thể một thứ biên giới vô hình ngăn cách người với người. Thế nhưng bất chấp tất cả, Thánh Giá ai đó vác đi vẫn lặng lẽ nối lại những con đường phân rẽ, và bên trên vẫn y nguyên một bầu trời xanh, vẫn rực rỡ, nóng cháy như bao giờ…
Tôi chợt nhớ lời của ai đó :
“Một giọt nước mắt có thể chứa đựng cả đêm tối…”.
“Có lẽ như vậy thật !”, tôi thầm nghĩ.
“Nhưng chứa đựng đêm tối của ai, và phải chăng đó là “giọt nước mắt của Chúa” ?
Câu hỏi khiến tôi thực sự xao xuyến, bởi biết rằng câu trả lời về nước mắt giả thiết câu trả lời về tâm hồn. Và hơn nữa, liên quan đến Đức Giêsu, câu hỏi về tâm hồn của Ngài cũng đồng thời là câu hỏi về tấm lòng của Thiên Chúa!
Trí tôi như câm lặng, chỉ thoảng nhớ rằng, khoảng 20 năm sau cái chết của Đức Giêsu, cả một đoàn người đã dám ca hát về một điều mà không một trí óc phàm nhân nào dám nghĩ tới : hát về một vị Thiên Chúa là tất cả nhưng đã hủy mình ra không… (Pl 2,6-9).
Đang miên man suy nghĩ thì bỗng có ai dục giã, tiếp tục cuộc hành hương. Tôi chỉ kịp nhặt lấy một viên đá nhỏ, để nhớ mãi về Một Giọt Nước Mắt không hề tan bay. Một Giọt Nước Mắt vẫn lặng lẽ chạy dài, như để chịu đựng tất cả, ôm ấp tất cả, hy vọng tất cả…
Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm


HÀNH HƯƠNG ĐẤT THÁNH
Là linh mục, tu sĩ hay giáo dân, nếu được một lần hành hương Đất Thánh thì sẽ là một niềm vui vô tận, một dấu ấn không quên, và một kỷ niệm mãi mãi gợi nhớ trong từng phút giây của cuộc đời.
Ngày 8 tháng 9 năm 2008 là một ngày hồng ân đối với con, vì được tham gia vào phái đoàn hành hương Đất Thánh của các linh mục trong Giáo phận Đà Lạt. Cùng đồng hành với phái đoàn có Đức cha Phêrô, Giám mục Giáo phận. Sự hiện diện của ngài giữa phái đoàn đã làm cho cuộc hành hương Đất Thánh có ý nghĩa lại càng thêm ý nghĩa hơn, như Chúa Giêsu năm xưa ở giữa các Môn đệ và đồng hành với các ông trên mọi nẻo đường truyền giáo, trải dài từ bắc chí nam, từ Nazaret qua Zericho tới Jerusalem, nơi Ngài đã tận hiến cả cuộc đời trên Thập giá để ban ơn cứu rỗi cho mọi người, trên khắp mọi nơi.
Hành hương Đất Thánh 2008 sẽ mãi mãi là một dấu ấn của tình yêu và ân sủng, vì nó đưa ta trở về với thời gian của Chúa Giêsu hơn hai ngàn năm trước đây; trở về với Chúa Giêsu trong cuộc đời trần thế của Ngài ba mươi năm sống ẩn dật tai Nazaret, trở về với Chúa Giêsu khi Ngài rảo bước trên khắp nẻo đường truyền giáo từ Galilê tới Judea để loan báo Tin Mừng Nước trời cho mọi người, trở về với Chúa Giêsu trong những giây phút đau đớn cuối cùng của Ngài tại Jerusalem, và trở về với cuộc đời của các Môn đệ tại làng Capharnaum, nơi các ông đã từ bỏ mọi sự: gia đình, tiền bạc, của cải, nghề nghiệp để đi theo Chúa Giêsu trong từng bước đi trên con đường truyền giáo.
Hành hương Đất Thánh 2008 sẽ mãi mãi là kỷ niệm không phai mờ trong cõi lòng mình, vì đã một lần được đặt chân lên miền đất mà Chúa Giêsu, Đấng cứu thế đã sinh ra và lớn lên, miền đất mà mọi nơi, mọi thời, hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn gọi nó là miền Đất Thánh.
Nơi miền Đất Thánh này, đoàn hành hương đã được đi lại con đường mà Chúa Giêsu đã đi. Con đường này không phải chỉ là con đường đất, cát hay sỏi đá mà ngày nay sau hơn hai ngàn năm đã được đúc bằng bê tông nhựa nóng hay được lát bằng những miếng đá xanh, được cưa, được cắt rất vuông vắn và bằng phẳng; nhưng là con đường cứu độ. Con đường này được lát bằng những phiến đá của nghèo khó, của hy sinh, của phục vụ và của khổ đau.
Con đường cứu độ là con đường của nghèo khó; con đường này được khởi đi từ hang đá Belem, cách thành phố Jerusalem về hướng nam khoảng chừng 10 km, nơi hạ sinh của Đấng cứu thế. Belem tọa lạc trên một mảnh đất sỏi đá, khô cằn, hoang vắng, cách xa làng mạc, ít người biết tới ngoại trừ một số các mục đồng chăn chiên gần đó. Dù rằng ngày nay nhà cửa đã được xây kín và Belem đã trở thành một thị trấn sầm uất, một tỉnh lị đông dân cư, nhưng nơi Chúa sinh ra vẫn còn là một hang hầm bé nhỏ, chật chội, lối vào chỉ vừa cho hai người.
Trở về với Nazaret, làng quê của Chúa Giêsu. Tuy ngày nay là một thị trấn đông dân cư, với ngôi thánh đường Truyền tin nguy nga và đồ sộ, nhưng thời xưa, thời của Chúa Giêsu, Nazaret chỉ là một ngôi làng nhỏ bé, nghèo nàn, xa xôi, hẻo lánh ít ai biết tới; đúng như lời Nathanael nói với Philip: "Nazaret có gì lạ!". Nazaret ngày xưa là như thế, vậy mà Chúa Giêsu, Đấng giàu có vô cùng đã chọn để sống cuộc đời ba mươi năm tại thế trong nghèo khổ và thiếu thốn.
Con đường cứu độ là con đường hy sinh, dấn thân và phục vụ. Rời làng Nazaret, phái đoàn đi xuôi về phía nam tới biển hồ Galilea, cũng còn gọi là hồ Tiberia, hay hồ Gienezaret. Trên đỉng đồi hướng về biển hồ là nhà thờ Bát Phúc, gần đó là nhà nguyện Chúa hóa bánh ra nhiều nuôi năm ngàn người ăn no nê không kể đàn bà, trẻ con. Xa hơn một chút, ngay trên bờ hồ là nhà nguyện Chúa trao quyền chăn dắt đoàn chiên cho Phêrô và làng chài Capharnaum. Tất cả những địa danh đó đều đã in đậm dấu chân của Chúa Giêsu, Ngài đã đến và đã đi. Ngài đến để loan báo Tin Mừng, Ngài đến để kêu gọi các Môn đệ đi theo Ngài. Ngài đến để bầy tỏ tình thương của Ngài cho dân chúng. Ngài đến để mở ra con đường hạnh phúc cho những ai tin và theo Ngài. Cuộc đời của Ngài đã được hiến dâng trọn vẹn cho Thiên Chúa và hoàn toàn cho con người. Để chu toàn sứ mênh cứu rỗi, Ngài đã lên đường ra đi, ra đi đến với mọi người và ở khằp mọi nơi, cho dù đường dài nóng cháy, cho dù vất vả mệt nhọc, cho dù đói khát lương thực, Ngài đã đi và đi hoài miễn sao con người được yêu thương, được phục vụ, được lắng nghe Lời Ngài, vì Lời Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.
Con đường cứu độ là con đường khổ đau. Từ giã miền Galilea, phái đoàn đi về trung tâm của nước Do Thái là Jerusalem. Nơi đây, phái đoàn được viếng thăm nhà thờ Chúa lên Trời, nhà thờ Chúa khóc. Chúa khóc thương thành Jerusalem vì họ đã không đón nhận Ngài, là hồng ân vĩ đại mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Chúa khóc vì nhìn thấy sự phản bội không những của người Do Thái mà còn của biết bao thế hệ tương lai đã, đang và sẽ tiếp tục chối từ Ngài. Chúa khóc vì Jerusalem sẽ bị phá đổ tan hoang, không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Chúa khóc vì giờ cứu chuộc trong chối từ phản bội, trong đau thương tủi nhục, trong hất hủi cô đơn sắp đến.
Rời ngôi nhà thờ Chúa khóc, phái đoàn viếng thăm nhà thờ Hấp hối, bên cạnh đó là những cây dầu Olive cổ xưa còn lại, nơi mà Chúa Giêsu, sau khi cùng với các Môn đệ ăn bữa tiệc ly, đã đến đó để cầu nguyện suốt đêm, và cũng tại nơi đây Ngài đã bị Giuda, một Môn đệ phản bội dẫn quân lính Do Thái đến bắt Ngài, đánh đập Ngài và đã đóng đinh Ngài trên Thập giá trong đau đớn và tủi nhục. Cả môt đời hiến thân quên mình, cả một đời quảng đại trao ban. Cả một đời yêu thương tha thứ, thế mà con người vẫn không nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa, vẫn không tìm đến với Ngài là Đấng cứu thế, vẫn không đón nhận Ngài là món quà vĩ đại mà Thiên Chúa Cha đã ban cho họ. Ngược lại, họ đã phản bội, chối từ, bắt bớ, đánh đập, triệt hạ và đóng đinh Người. Tình yêu cứu độ là thế, nhưng con đường đau khổ mà Chúa Giêsu đã đi qua lại là con đường dẫn tới sự sống vinh quang đời đời.
Con đường cứu độ của Chúa Giêsu được dệt bằng những phiến đá của nghèo khó, hy sinh, phục vụ và khổ đau, cũng là con đường của mỗi người chúng ta, nhất là của những linh mục và tu sĩ
Cuộc hành hương Đất Thánh 2008 thật là một niềm vui, một hồng ân,một món quà thiêng liêng và một kỷ niệm mãi mãi khắc ghi trong tim lòng không bao giờ quên.
Một vài chia sẻ xin được ghi lại nhân chuyến hành hương Đất Thánh, từ ngày 8 tháng 9 đến ngày 15 tháng 9 năm 2008
Giuse Tạ Đức Tuấn sdb

ISRAEL
MIỀN ĐẤT CỦA NGHỊCH LÝ
Khi máy bay bay trên vùng Trung Đông, nhìn ra cửa sổ máy bay, tôi chỉ thấy một bãi sa mạc mênh mông, không một mái nhà, không một cây cối nào cả. Khi máy bay gần đến thủ đô Amman của nước Jordanie, là đất nước nằm sát bên cạnh nước Do thái, tôi cũng chỉ thấy toàn là sa mạc khô cháy, không một rãnh nước, không một hồ ao nào cả. Tôi tự nghĩ: một mảnh đất khô cằn, mênh mông trọc lóc, không một bóng cây, làm sao người dân vùng này có thể sống được.
Cây ôliu

Thế nhưng, qua những ngày sau đó, ở trên đất nước Do thái, tôi mới nghiệm ra được những điều nghịch lý đầy kỳ diệu. Đất đai ở vùng này là đất sa mạc, khô cằn, không có nước, nên rất khó mà trồng trọt. Vậy mà Chúa lại sinh ra một loại cây rất thích hợp với thổ nhưỡng ở đây: đó là cây ôliu. Cây ôliu là loại cây sống khỏe và thích hợp với loại đất khô cằn, có đá vôi. Còn nếu chúng ta mang nó đi trồng ở các mảnh đất tốt, màu mỡ, thì nó lại không hợp, và năng xuất cho trái cũng giảm đi.
Ở trên một vùng đất khô cằn mà cây ôliu vẫn sống được, nên cây này được coi là cây kinh tế chủ lực của vùng miền này. Vì vậy, theo như hướng dẫn viên du lịch cho biết, thì ngày xưa, khi quân thù muốn làm kiệt quệ một đất nước ở vùng này, họ phá hết các cây ôliu. Tuy nhiên, có một điều lạ là cây ôliu sống rất khỏe. Người ta chặt ngang nó đi, thì các chồi mới lại mọc ra từ gốc của cây. Nhờ đó mà tôi mới hiểu được rõ hơn câu Kinh Thánh Ysaya 1,1: “một chồi sẽ xuất từ gốc Ysai, và từ rễ nó, lộc sẽ mọc lên”.
Năm 1995, tôi có dịp đi Pháp để học hỏi về Thánh Vinh Sơn. Tôi có dịp xuống miền nam nước Pháp, đến ở nơi Thánh Vinh Sơn sinh ra xưa kia. Tại đây, có một cây sồi to cao, già cỗi mà người ta nói là có từ thời của Thánh Vinh Sơn, nghĩa là cách đây hơn 300 năm. Khi đó, tôi nghĩ: như vậy, đây là cây sống lâu năm nhất mà tôi được tận mắt nhìn thấy. Thế nhưng, ở vườn Giethsemani tại Giêrusalem, tôi được nhìn thấy cây ôliu mà người ta nói là đã sống đến 1500 năm. Và ở vùng ven biển Địa Trung Hải, là vùng đất người ta trồng rất nhiều cây ôliu, người ta nói: có cây sống từ 2000 đến 3000 năm, và chu vi quanh thân cây đo được đến 10 mét.
Có điều nghịch lý là cây ôliu lại là cây sống tốt và cho năng xuất cao trên những mảnh đất sỏi đá, khô cằn, nóng bức hơn là trên những mảnh đất phì nhiêu, màu mỡ. Vậy mà từ những mảnh đất khô khan và sỏi đá đó, cây ôliu lại cung cấp cho loài người 1 thứ dầu quý nhất. Thật vậy, các nhà nghiên cứu nói rằng: dầu ôliu và dầu cây cải là hai thứ dầu tốt hơn hết các loại dầu khác. Người ta chứng minh cho thấy là dân ở đảo Crêta trong vùng biển Địa Trung Hải không có bị nhồi máu cơ tim, đó là nhờ họ thường dùng dầu ôliu và các thức ăn tốt cho sức khỏe.
Nước
Tôi không biết ở Việt Nam chúng ta, thứ gì được coi là thiết yếu nhất, quan trọng nhất. Tuy nhiên, khi đến đất nước Do thái, chúng tôi được căn dặn kỹ là phải uống nước thường xuyên, vì trời rất nóng, và con người của mình dễ bị thiếu nước. Và quả thật, đến vùng sa mạc này, đi đâu, người du khách cũng phải kè kè ôm chai nước đi theo, để uống vài ngụm khi khát. Và tại Bêlem, tôi còn thấy có một em người Palestine đưa một kết chai nước khoáng ra lề đường, và em rao bán cho du khách, cứ một đôla một chai, chai loại 1 lít rưỡi.
Ở vùng sa mạc này, người ta nói một lít nước ngọt còn mắc hơn là giá một lít xăng. Và cũng vì nước ở đây quý giá như vậy mà từ thời xa xưa, tổ phụ Abraham cũng đã từng xích mích với người cháu của mình là ông Lót, vì gia nhân của hai gia đình tranh chấp nhau, giành lấy những giếng nước cho đoàn súc vật của mình. Và ngay đến ngày nay, các cuộc chiến tranh ở vùng Trung Đông cũng như tại đất nước do thái, là để tranh giành nhau những con sông, những ao hồ có nước ngọt. Cũng vì nước ở đất nước Do thái thiết yếu như vậy mà có lần, Chúa Giêsu đã tuyên bố trước mặt đám đông dân chúng: “Ai khát thì hãy đến với Ta và hãy uống kẻ tin vào Ta, như Kinh Thánh đã nói: Tự lòng Ngài có những sông tuôn chảy nước sinh sống” (Yn 7, 37-38).
Ở giữa vùng sa mạc khô cháy, cây cối không thể mọc lên. Vậy mà người do thái đã biết dùng những ống cao su, đục lỗ nhỏ để tưới từng giọt nước cho các cây trồng. Nhờ vậy, mà họ đã thành công và trồng được những vườn cây cam, cây chuối, cây chà là nổi tiếng, và họ còn xuất cảng sang Âu Châu. Tiếp đến, khi đến gần Giêrusalem, chúng ta thấy cây cối xanh tươi mọc trên các sườn đồi khô cằn, sỏi đá. Bởi vì người ta có chiến dịch: mỗi người dân trồng một cây xanh để xanh hóa đất nước, và ngay cả những người do thái sống ở nước ngoài cũng gửi tiền về để trồng cho mình một cây xanh trên quê hương của mình. Họ đã làm được điều đó là nhờ họ tìm được phương cách tưới nước một cách tiết kiệm cho các cây trồng.

Khi đi thăm biển hồ Galilê, chúng tôi được lên thuyền và đi một vòng để cảm nghiệm cuộc sống của các tông đồ làm nghề chài lưới khi xưa. Và theo sự cắt nghĩa của cha Nguyễn Chí Thiết, vị hướng dẫn viên của chúng tôi, thì hôm nay chúng tôi may mắn gặp lúc biển lặng, không một gợn sóng. Vì ở đây, lúc trời nổi lên bão táp, người ta cũng không dám bước xuống thuyền ra khơi. Vì bão ở đây dữ dội gấp nhiều lần các thứ bão ở ngoài biển. Vì hồ Galilê nằm ở trong một lòng chảo, xung quanh là núi cao, nên khi gió thổi đến làm dậy sóng, nó không có lối để thoát ra. Vì chung quanh toàn là núi cao. Cũng vì vậy mà chúng tôi hiểu được phần nào nỗi khiếp sợ của các tông đồ, trong câu chuyện họ cùng đi thuyền với Chúa Giêsu sang bờ bên kia, và gặp sóng to gió lớn.
Rồi khi đến tắm ở Biển Chết, chúng tôi được căn dặn kỹ: vì nước biển ở đây mặn gấp chín lần nước biển thường, nên chúng tôi không được để cho nước biển bắn vào mắt, hay để cho mình uống nước biển. Nếu có thì phải báo ngay cho vị hướng dẫn viên, để tìm cách cứu chữa. Mang tiếng là tắm ở Biển Chết, nhưng thật ra chúng tôi chỉ ngâm mình dưới nước mà thôi, không được phép bơi lội, vì sợ làm tung tóe nước vào mắt của những người khác. Và vì nước biển ở đây mặn hơn nước biển thường, nên chúng ta không sợ chìm, chúng ta có thể nằm ngửa ra mà đọc báo.
Chúa Giêsu
Đến với đất nước Israel, tôi thấy miền đất khô cằn đá sỏi này đã tạo nên những con người bất khuất. Bất khuất ở chỗ là tôi đã thấy tại đây những người Hồi giáo cầu nguyện mỗi ngày năm lần: họ cầu nguyện ngay nơi làm việc, hay là ngay cả trên đường xa lộ. Tôi cũng thấy những người Do thái cầu nguyện chân thành trước Bức Tường Phía Tây (Bức Tường Than Khóc) hay trước mồ của vua Đavít. Tín đồ Hồi giáo cũng như tín đồ Do thái giáo, họ rất nhiệt tình với đạo của mình, không ai chịu thua ai. Cũng vì vậy mà họ giữ được bản sắc tôn giáo của họ, và họ cũng đã đối nghịch với nhau suốt mấy nghìn năm. Cũng vì vậy, mà việc truyền giáo ở đất nước này thật là khó khăn. Suốt bao nhiêu năm, vậy mà hiện nay, con số người Do thái theo đạo công giáo chưa được 100 người, và mới chỉ có một người Do thái làm linh mục công giáo mà thôi. Vì vậy mà tôi hiểu được phần nào cái khó khăn của Chúa Giêsu khi xưa, khi Ngài phải chạm trán với những người do thái giáo quá khích, đầy nhiệt thành với tôn giáo của mình. Chính vì vậy mà họ phải khử trừ Chúa, giết chết Chúa.
Mặt khác, vì được sinh ra từ mảnh đất đầy nghịch lý này, mà Chúa Giêsu cũng trở nên một con người bất khuất, nhiệt thành đối với Thiên Chúa Cha. Chúa cũng ra đi rao giảng một cách không mệt mỏi. Chúa cũng đã kiên định trong đường lối giáo lý của Chúa Cha. Và Chúa cũng đã thích nói những kiểu nói đầy nghịch lý của người Do thái, nên Chúa đã gây sốc cho họ. Chẳng hạn: “Bánh sự sống chính là Ta. Ai đến với Ta sẽ không hề đói, và kẻ tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ” (Yn 6, 35), hay là “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào được Nước Trời” (Mt 19, 24), hay là: “vì kẻ nào muốn cứu lấy sự sống mình thì sẽ mất; còn kẻ nào mất sự sống mình vì Ta, thì kẻ ấy sẽ cứu nó” (Lc 9, 24), hay là: “Phàm ai nói lời nghịch đến Con Người, điều đó sẽ tha được; nhưng với kẻ phạm thượng đến Thánh Thần, thì sẽ không được tha” (Lc 12, 10), hay là: “Nhưng Ta bảo các ngươi, những kẻ đang nghe Ta: Hãy yêu mến thù địch và làm ơn cho những người oán ghét các ngươi” (Lc 6, 27), và vv…
Hiện nay, cha Nguyễn Chí Thiết, năm nay 70 tuổi, là vị linh mục Việt Nam hướng dẫn viên duy nhất ở Đất Thánh. Ngài đã hướng dẫn 53 đoàn hành hương đến viếng thăm Đất Thánh. Ngài nói : mặc dù Ngài đã đi đến đây 53 lần, nhưng lần nào Ngài cũng cảm nghiệm được những điều mới mẻ thú vị. Israel là một đất nước bé nhỏ, là nơi gặp gỡ giữa ba lục địa: Phi Châu, Á Châu và Âu Châu. Đây cũng là nơi hành hương của ba tôn giáo lớn, đó là Do thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Vì thế, đất nước này vẫn còn tiếp tục thu hút nhiều khách hành hương đến, để khám phá những điều mới lạ cũng như để nhận ra những điều nghịch lý kỳ diệu nơi miền đất khô cằn sỏi đá này.
Paul Trị cm



CẢM NHẬN HÀNH HƯƠNG ĐẤT THÁNH
1. NẮNG NÓNG VÀ GIÓ CÁT.
Xuống phi trường Doha, thủ đô Qatar, thì trời đã quá tối, chẳng có ấn tượng gì mấy với những trang thiết bị tối tân và văn minh của một phi trường quốc tế, dù đây là lần đầu tôi được đi máy bay ra ngoại quốc: Tân Sơn Nhất của ta có lẽ chẳng kém cạnh gì. Thế nhưng: khí nóng! Chính không khí nóng ngoài trời làm tôi giật mình khi bước ra khỏi nhà ga (có máy điều hoà), và hơi nóng đó làm tôi càng sửng sốt hơn vào sáng hôm sau khi mở cửa ban công khách sạn lúc mặt trời vừa lên. Cùng với nắng là hơi nóng hừng hực... Không tập thể dục, không cần làm gì...mồ hôi cũng bắt đầu rịn ra! Nếu phải đi bộ không ngừng trong cái nóng này, ngày và đêm cứ thế mà rong ruổi... thì người ta sẽ ra sao nhỉ? Thế mà : hình như vùng đất này cũng rất gần với Thánh Địa (Do Thái), và biết đâu xưa kia các tổ phụ của dân Cưu Ước cũng từng đi qua đây. Liệu tổ phụ Abraham và hậu duệ các đời sau khi đi theo lời mời gọi của Chúa có để lại vết chân nơi đây ? Có thể là không, nhưng một điều chắc chắn là phải có những giọt mồ hôi rịn ra, rơi xuống, trong hành trình tìm kiếm của các Ngài. Gần đây thôi! Và rất gần ...vì dù chúng ta ở trong khách sạn có máy điều hoà, dù chúng ta di chuyển bằng xe có máy lạnh, nhưng hành trình Đức Tin vẫn đòi chúng ta nỗ lực, cố gắng và có khi phải gồng mình hứng chịu : không thể không đổ mồ hôi khi tìm kiếm và đi theo Chúa.
Sau ăn sáng chúng tôi có khoảng 2 tiếng đồng hồ nhàn rỗi trước khi phải ra phi trường làm thủ tục bay đi Amman (thủ đô của Jordan): Làm gì nhỉ ? Nóng thật đấy vì mặt trời đã lên cao, nhưng cũng phải đi quanh quẩn xem sự phát triển của Doha chứ! Những toà nhà cao tầng (thường là 5-7) đang được xây dựng, nhiều lắm... Đường thì rộng và bằng phẳng... nhưng thấy rất ít người và ít xe, không thấy xe 2 bánh. Không nhìn ra xa được vì vướng các toà nhà và hơn nữa là gió và cát. Gió sa mạc chăng? Có lẽ thế! Gió đưa cát mịn bay tứ tung, chạy dọc những con đường, những dãy nhà đang xây dựng... và cát cũng bay cả vào mắt nữa. Không mở mắt một cách thoải mái được vì sợ gió cát, vì nắng chói và cũng chằng có gì ở gần đây thực sự có ấn tượng để mà thích xem. Còn ở xa ư, phía biển? Cuối một con đường thấy có biển. Nhìn không rõ trong cái ánh sáng mù mịt không biết do hơi nước, khí nóng hay cát bay trong gió! Liên tưởng tới chặng đường chinh phục Đất Hứa của Dân Chúa xưa, của tổ phụ Abraham : đúng là đi liều thôi vì đâu nhìn xa được. Cứ đi trong gió cát, không thấy gì, vì thực sự ai có thể nhìn thấy "vô biên"? Đấng Vô Biên gọi, và Đức Tin đáp trả mà đi. Thật kính phục các bậc tiền bối trong Đức Tin, các Ngài "đã thấy" dù "xem chẳng thấy". Hình như chúng ta cũng phải như thế khi tìm và đi theo Chúa.
2. VẾT TÍCH
Thăm miền bắc Do Thái
Giếng Đức Mẹ : bao nhiêu phần trăm chắc chắn? Người ta cho biết đó là nguồn nước duy nhất từ bao đời nay, có thể là từ hồi Đức Mẹ còn đến đó kín nước, nhưng còn cái giếng? Chắc không phải của Đức Mẹ đâu!
Nhà Đức Mẹ: cũng vậy thôi! Một mẫu nhà thời đó và quanh quẩn đâu gần đó là cùng.
Cana: Rượu bây giờ bán mắc lắm vì là thành quả của lao động và tiếp thị chứ không từ nước lã mà ra. Người ta đóng chai nhỏ để bán, không thấy chứa trong chum 80 hay 120 lít...Liệu có ngon hơn rượu chum 2000 năm trước không vậy ?
Chàng thanh niên sống lại, đứng dậy và đi rồi, nên Naim chỉ còn ngôi nhà thờ nhỏ do các cha dòng Phan sinh nhờ một gia đình Hồi giáo trông coi hộ!
Núi Tabor, cao nhất vùng này: Chúa biến hình trên núi này hay trên ngọn núi khác? Đâu cần phải là cao nhất thì Chúa mới chọn để biến hình phải không?
Núi "bát phúc": vì là bát (8), nên Nhà Thờ bên ngoài vuông nhưng phần cung thánh có 8 cạnh và bàn thờ ở giữa. Không phải trong nhà thờ này, mà ở ngoài kia, trên con đường đến đây, nơi những sườn đồi thoai thoải mùa này cỏ cháy vàng nhưng vẫn tuyệt đẹp, lại nghe nói: vọng âm rất tốt, Chúa đã công bố Hiến Chương Nước Trời. Có thể là vậy, và như thế mới hoành tráng!
Cũng trên những sườn đồi này mà ngồi túm tụm với nhau những hơn 5000 người, thưởng thức bánh và cá "free", không mất tiền mua, trong bầu khí mênh mông của yêu thương chia sẻ thì còn gì bằng. Chắc là thú vị hơn ăn cá thánh Phêrô (poisson saint-pierre) trong nhà hàng...
Hội đường Caphanaum: của thời kỳ sau. Hàng đá đen dưới cùng may ra liên hệ gần gũi với nền đá đã được gót chân Chúa Giêsu đứng trên đó khi Ngài giảng dạy nơi đây?
Người ta bảo nhà thánh Phêrô nằm dưới ngôi Nhà Thờ. Nhà Thờ hiện tại hình vuông, tròn, lục hay bát giác, vì không vào được; bây giờ khi xem lại hình trong sách mới biết nó hình bát giác. Nhưng dưới ngôi Nhà Thờ này thì hình như là nền ngôi Nhà Thờ trước đó, và trước đó nữa... Hàng đá nào, viên đá nào là nền nhà đích thực của vị tông đồ nhỉ?
Những gì cố định và bất đông kể trên thì lại di dời biến đổi, vết tích mù mờ. Còn nơi đây, thật may mắn, thời gian đi qua nhưng nó vẫn hiện diện rõ ràng, không thay tên đổi họ, không xoá mờ quá khứ, vẫn sống động lung linh trong nắng, trong gió...vẫn sống và trao ban sự sống cho cây cỏ, cá chim, muông thú và cả con người nơi đây: Hồ Tibêríat và dòng sông Giócđan. Nước trong xanh ngọt ngào (vì tôi đã vô tình uống nó trong chai Cha Liêm lấy về để trên bàn khách sạn mà tưởng là nước uống đóng chai) không chỉ làm đã cơn khát thể lý, mà còn thức tỉnh tâm hồn, bởi chắc chắn trên dòng nước này Chúa đã đi (bộ), trong dòng nước này Chúa đã dìm mình chịu rửa...ấy là theo Kinh Thánh. Người ta còn có thể tưởng tượng mà không sợ sai: Thế nào mà Chúa chẳng bơi lội, tắm rửa, vui đùa với bạn hữu nơi bờ nước này mỗi khi trời oi bức, hay sau một ngày vất vả bôn ba. Dòng nước vẫn chảy, vẫn biến đổi trong tự thân, nhưng vẫn giữ lại cho mình và cho nhân thế bóng hình của Đấng Vô Biên khi Ngài chấp nhận làm Người Hữu Hạn.
Hành trình về Nam
Giêrusalem không như tôi tưởng! Bùng nổ các công trình : đường xá, khách sạn, cơ quan, và cả những đền đài đan xen nhà ở... để phục vụ hành hương, hay du lịch? Sẽ khó tìm đây, những vết tích thực sự giúp ta gần được Chúa!
Hang Bêlem... có lẽ "giả cổ", nhưng bù lại tôi chợt nhìn thấy dưới thung lũng và nơi sườn đồi bên kia có những đàn chiên dê nhỏ. Thấp thoáng bóng người chăn ... "Cánh đồng chiên" đây à? Không bằng phẳng và thẳng cánh cò bay như cánh đồng Việt Nam thường xanh um bờ bến, mà vằn vện những con đường mòn, lơ thơ vài bờ bụi, cỏ vàng khô lụi tàn trong đất đá... vẻ nghèo nàn, chân chất đơn sơ hình như còn lưu lại từ 2000 năm trước. Chúa sinh nơi đây.
Vườn cây dầu: Nếu bây giờ Chúa còn đến đây cầu nguyện, chắc cũng khó cầm lòng cầm trí ngay cả là ban đêm, vì nó không còn um tùm và yên ắng. Vài cây nghe nói có tuổi cả ngàn năm trăm năm; nhưng cũng rất xa để chúng được diễm phúc chứng kiến những giây phút run rẩy lo âu của Con Thiên Chúa Làm Người.
Ôi đồi Xion! Ôi thành Thánh Giêrusalem! Nhà và nhà, người và người ... tấp nập, đông vui, có lẽ từ muôn phương, muôn nước... nhưng đập vào mắt ta trước hết vẫn là chiếc vòm sáng choá màu vàng của đền thờ Hồi giáo, và quanh ta vẫn rất nhiều những chiếc áo choàng dài và khăn đội đầu, đen của nữ và trắng của nam : sự hiện diện sinh động của tín đồ Hồi giáo Ả rập. Tháng chay Ramadan: nhịn ăn suốt ngày, nghiêm trang trong đi đứng , đàn ông cao to mạnh mẽ, đàn bà đằm thắm hiền hoà và thiếu nữ đẹp "dịu dàng"... Có người đã thốt lên: thảo nào nổi tiếng "Đêm Ả rập"! Người Do Thái nước da sáng hơn , giàu hơn, nhà ở và khu phố bán buôn sạch sẽ hơn, và thiếu nữ cũng đẹp và tươi tỉnh hơn... Chắc chắn Mẹ Maria phải đẹp nhất thôi: "Cô gái Xion tuyệt vời"! Nhưng nghe nói Do Thái "gin" còn rất ít : đa phần là người Ảrập hoặc Âu Mỹ gốc Do Thái.
Đàng Thánh Giá : chủ đích của cuộc hành hương. Đáng nhẽ bắt đầu từ dinh Philatô chứ nhỉ? Nhưng hình như không phải thế. Theo Cha Linh Hướng chỉ dẫn thì dinh Philatô, nhất là chỗ "nền đá" mà Chúa được dẫn ra "này là Người", thì được nhìn thấy rất rõ từ ngoài thành khi đi trên xe. Ở trong thành, tôi chẳng định hướng được phía nào và bắt đầu từ đâu, cứ theo người hướng dẫn (Neder Mascobi?) mà đi: chui vào vài căn phòng nhỏ, chui ra và đi theo lòng đường lát đá mòn bóng, kẹp hai bên bởi những hàng quán và nhà ở, chỗ nào có số chặng thì dừng lại... chui cả vào hội đường Do Thái, vào lòng Nhà Thờ Chính Thống... cứ thế mà đi... đường lên Golgotha thật lạ lùng! Chắc ngày xưa Chúa đi Núi Sọ trong cơn lốc quay cuồng chóng mặt và mệt mỏi hơn thế này nhiều, nhưng liệu Ngài có mất định hướng? Chắc chắn là không. Bởi Ngài đã lên tới đỉnh và bị treo thân trên thập tự giá. Chân thập tự giá của Chúa đã cắm xuống nơi đây chăng? Người ta xếp hàng để vào nơi đó kính viếng: hình như dưới gầm một bàn thờ thì phải, hay chỉ là cái khung thành bảo vệ cái gì bên dưới. Lúc đầu tôi chẳng biết là cái gì, thấy những người đi trước nằm bò ra chui vào thì mình cũng làm như vậy : tìm một cái gì đấy để hôn, nhưng chẳng nhìn thấy gì, tối quá! Và chỉ khi chui ra và đi về phía bên kia, nhìn qua lớp kính tôi mới biết đó là một tảng đá gồ ghề, khá to. Tảng đá diễm phúc đã giữ cho Thập Tự Giá đứng thẳng treo Đấng chuộc tội cho con người. Mong sao bản thân chúng ta giữ vững và dựng thẳng được thập tự đời mình.
Hơi ngạc nhiên khi thấy người ta bu quanh một mặt đá bằng phẳng màu hơi hồng hồng dài hơn cái giường đơn. Xưa nay vẫn tưởng hạ xác Chúa xuống khỏi thập tự thì đôi tay của Mẹ, Đức Maria, là nơi Chúa nằm, hoá ra người ta đặt Chúa nơi đây: chắc để tắm rửa, xức dầu thơm và khâm liệm.
Mồ Chúa: To khác thường, một màu đen... khói hương và ánh nến...Mầu nhiệm hay thần bí? Trong đó có gì nhỉ? Chắc là Niềm Tin thôi! Chúa đã ra khỏi đó, Ngài đã phục sinh. Chợt nhớ lời thiên thần: "Sao lại tìm Người Sống nơi kẻ chết " (Lc 24,5).
3. BIỂN CHẾT
Kết thúc hành trình là đi tắm Biển Chết : nổi tiếng nhưng hình như không dính dáng gì đến Tân Ước và có lẽ Chúa Giêsu cũng không đi tới đây thì phải (hay mình chưa đọc kỹ Tân Ước)? Không thể chìm trong làn nước nhơn nhớt và rất mặn này. Người ta có thể không nói được vì cứng họng nếu uống nó, cũng có thể không nhìn được gì nữa nếu để nó rơi vào mắt, nhưng không dễ chết đuối nơi đây. Trái lại, người ta được thanh tẩy (hết ghẻ lở nhé), được nâng lên (nổi lềnh bềnh nằm ngửa đọc báo thoải mái) và trong ý nghĩa linh thiêng, nơi đây có thể biểu tượng cho "sự chết đi" để được phục sinh với Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta: Cái chết của Ngài đã đẩy chúng ta lên!
Hành hương thật tốt đẹp!
Jos Khấn


VỀ NGUỒN BƯỚC THEO ĐỨC GIÊSU
1. Dẫn nhập
Tôi nhớ không rõ trong một tạp chí văn hóa tôi đã từng đọc nói đến hạn từ “Về Nguồn” như sau : nguồn là nơi xuất phát một thực thể, được hiểu là chỗ bắt đầu, nơi phát sinh, nguyên nhân chủ yếu của một hiện tượng, là gốc gác, là nền tảng…Ý niệm về nguồn (returning to the source) được hình thành từ lâu bởi các nhà triết học, xã hội học, tôn giáo học đề xướng. Và về nguồn người ta thường hiểu là sự trở về cái gốc, cái nguyên lý ban đầu.
Với tôi, về nguồn lần theo bước chân Đức Giêsu là điều không mơ ước nhưng lại trở thành hiện thực, đó là một lần đặt chân lên Đất Thánh (Holy Land). Đất nước Do Thái nơi chính Chúa Giêsu sinh ra, đã từng lớn lên và đi rao giảng Tin Mừng tình thương của Chúa Cha.
Với tôi, cũng là lần đầu tiên xuất ngọai trong sự may mắn, quan phòng của Chúa, qua chương trình đón mừng kim khánh của Địa Phận. Để rồi tôi có cơ hội ra khỏi chính mình nhìn ra một phần thế giới thuộc các nuớc Trung Á, thấy mình thấy ta rõ hơn, thực tại hơn.
Với tôi, có thể là lần duy nhất về nguồn tìm theo bước chân Đức Giêsu qua những dấu tích còn âm vang theo thời gian lịch sử cứu độ. Một sự trải nghiệm bằng cảm nghiệm khi bản thân tôi cùng đoàn hành hương trong đó có Giám Mục Địa Phận, Cha Tổng Đại Diện, Cha Giám Đốc Chủng Viện, quý cha giáo và quý cha trong Địa Phận thuộc triều và dòng. Tất cả là 23 vị, cộng thêm hai cha : Cha Nguyễn Chí Thiết với tư cách là thuyết trình viên hành hương, và cha giáo Chỉnh thuộc Đại Chủng Viện Thánh Quý – Cần Thơ.
Chân thành mà nói sau chuyến hành hương Đất Thánh, tôi muốn ghi lại đôi điều cảm nhận về hồi ức khi lần theo bước chân Đức Giêsu, chứ tôi không có mục đích và không khả năng viết về lịch sử Israel, lịch sử địa lý từng nơi địa thánh hoặc là chiều kích thần học sâu xa của từng biến cố mà Chúa Giêsu đã đặt chân. Điều đó xin nhường lại cho các bậc tiền bối, các cha giáo cũng như sách vở đã từng nói đến.
2. Bước theo chân Đức Giêsu
a. Hãy đến mà xem
Cũng như hai môn đệ trong Tin Mừng theo Thánh Gioan 1,35-39 khi nghe ông Gioan Tẩy Giả giới thiệu Đức Giêsu “Đây là Chiên Thiên Chúa”, hai môn đệ đã đi theo, “đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người”. Đòan hành hương cũng đã đến nơi, xem và ở lại với Người ít ngày. Để cảm nghiệm Con Thiên Chúa làm người thật, sống như một con người tại thế với cung cách là một vị Thiên Chúa. Thật là diễm phúc đoàn hành hương đã phấn khởi lên đường “Đến mà Xem” nơi Chúa Giêsu đã từng sinh ra và sống.
Bản thân tôi đi trong niềm vui pha chút lo âu về tình trạng an ninh nước Israel, tôi trộm nghĩ rủi ro có chuyện bất trắc xảy ra thì sao; Địa Phận sẽ ăn nói làm sao khi Đức Cha cùng các đấng vị vọng trong Giáo Phận gặp sự cố. Tôi thóang thấy khuôn mặt Đức Cha trầm tư như muốn nói lên điều lo lắng này, biểu lộ cụ thể là trong nghi thức khởi hành ngài đã xin quý cha cầu nguyện cho chuyến đi được mọi sự bình an; và trong suốt hành trình ngài luôn nhắc lại điều đó.
Một cuộc “ xuất hành” theo đúng nghĩa hành hương, đoàn đã tiến về miền “Đất Hứa” trong tình huynh đệ tuyệt vời, trong tinh thần đạo đức cầu nguyện chứ không mang màu sắc du lịch. Tới danh tích nào Đức Cha cùng đoàn đều đọc một đọan Thánh Kinh diễn tả về nơi ấy, và dành đôi phút thinh lặng cầu nguyện.
Đức Cha cùng qúy cha trong đoàn sống với nhau rất tình anh em, giúp đỡ nhau trong hành trình, cùng ăn chung, ngủ chung và tôn trọng tính kỷ luật. Vâng, chỉ như thế thôi cũng đủ nói lên tinh thần hành hương trong hy sinh, lắng nghe, đón nhận và phục vụ lẫn nhau. Bởi con người ai cũng thích tự do thỏai mái…
b. Bắt đầu từ Nazaret (ngày 10/9/2008)
Khởi đầu đoàn đã đến thăm làng Nazaret, một làng quê nghèo ở miền Bắc, nơi Đức Maria, Thánh Giuse và Đức Giêsu đã từng sống ẩn dật 30 năm trước khi Đức Giêsu đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. Tương truyền dấu tích nền nhà Gia Đình Thánh Gia xưa ở vẫn còn, một vài cửa hang, vật dụng bằng đồ đá còn lưu lại. Chắc chắn Gia Đình Thánh Gia xưa kia đã sống một cuộc sống nghèo, đạm bạc và đơn sơ; và cũng không thể sống giàu sang giữa một làng nghèo khổ Nazaret. Phải chăng là thế, nên Đức Giêsu luôn đề cao tinh thần nghèo khó, đơn sơ, khiêm tốn trong Tin Mừng của Ngài.
Nơi đây có nhà thờ Truyền Tin do các thầy dòng Phanxicô chăm sóc. Có một tấm đá nơi Đức Mẹ quỳ gối nói lời “Fiat”, xin vâng như lời Sứ Thần truyền, để mầu nhiệm Nhập Thể được thực hiện qua cung lòng Mẹ. Chính giữa bàn thờ có khắc hàng chữ “Et verbum caro hic factum est” (Ngôi Lời đã trở thành người tại nơi đây). Có thể nói chính mầu nhiệm Truyền Tin, Nhập Thể này mà Con Thiên Chúa đi vào lịch sử nhân loại trong nhiệm cục Cứu Chuộc và Phục Sinh.
Tại làng Nazaret có một giếng nước nằm ở trung tâm làng, gọi là giếng nước Đức Mẹ. Tương truyền xưa kia dân làng Nazaret đã đến đây kín nước về sinh họat, và Đức Mẹ đã từng đến đây kín nước.
Đoàn đã đến thăm Hội Đường Do Thái, nơi Đức Giêsu vào đọc sách ngôn sứ Isaia (Lc 4,16-22), và người ta kinh ngạc về sự hiều biết Sách Thánh của Người. Chỉ tiếc rằng nơi này do người Chính Thống Giáo quản coi. Đến đây tôi hiểu thêm rằng, Đức Giêsu đến Hội Đường đọc Sách Thánh không chỉ với tư cách là Con Thiên Chúa, là Đấng Messia, là Đấng Cứu Độ. Nhưng Ngài còn đến với tư cách là một công dân Do Thái bình thường quen đọc Sách Thánh trong ngày Sabat. Vì theo tục lệ Do Thái, trẻ em 12 tuổi phải được giáo dục học hỏi và đọc Sách Thánh trong những ngày sabat. Các thầy tư tế cũng như vị trưởng lão đưa Sách Thánh cho các em đọc và cắt nghĩa cho các em hiểu, dường như đây là điều bắt buộc với các em nam người Do Thái trong các ngày lễ, hiểu nôm na giống như trẻ em Việt Nam buộc phải học giáo lý trước khi xưng tội và thêm sức. Điều này có lý khi nói người Do Thái thường xuyên đọc Sách Thánh và Đức Giêsu là người say mê đọc Sách Thánh.
Đoàn đi băng qua khu chợ Nazaret nằm hai bên dọc đường, ngày nay chợ Nazaret khá sầm uất bán đủ thứ các mặt hàng, nhiều nhất là hàng lưu niệm của Thánh Địa. Có thể nói làng Nazaret ngày nay đã và đang phát triển trở thành một thành phố du lịch hoành tráng miềm Bắc Israel.
Đòan hành hương rời Nazaret đi về Cana cách khỏang 7-10 km. Cana là một làng quê nhỏ bé, là quê hương của vị Tông Đồ Nathanael hay còn gọi là Batôlômêô. Chứng tích còn lại là một ngôi nhà thờ nhỏ mang tên vị Tông đồ này tọa lạc ngay trên đường đi vào làng.
Cana là nơi Đức Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên hóa nước thành rượu (Ga 2,1-12). Theo trình thuật Thánh Kinh tại nơi đây Đức Giêsu còn chữa lành con một sĩ quan cận vệ của nhà vua (Ga 4,46-54). Điều Đức Giêsu muốn là mặc khải quyền năng Thiên Chúa qua các dấu lạ để dân ở đây tin vào Thiên Chúa.
Rất tiếc đoàn đến đây vào dịp nhà tiệc cuới Cana đang trong dịp sửa chữa và nhà thờ Thánh Nathanael, cả hai đều đóng cửa. Thật là cảm động đoàn đã đứng bên ngòai đường giữa trời nắng hướng vào để đọc Lời Chúa và cầu nguyện cho các gia đình đang sống đời hôn nhân.
Chiều, đoàn hành hương lên Núi Tabor, hay còn gọi núi Chúa Hiển Dung (Mt 17,1-19). Xe đưa đòan tới chân núi, rồi chuyển sang xe Bus chuyên dụng của dân địa phương, vì “đất có thổ công, sông có hà bá”. Không ai được phép tranh giành “nồi cơm bát gạo” của họ, như một quy luật ngầm hiểu là anh đưa khách tới đây cũng phải cho tôi sống với chứ.
Núi Tabor cao khỏang độ 600m, đường dốc ngoằn ngoèo nhìn xuống thung lũng Jezre’el rất đẹp. Tương truyền chính ngọn núi này Đức Giêsu đã mạc khải vinh quang Thiên Chúa cho ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan. Cùng với sự xuất hiện hai ngôn sứ lớn trong Cựu Ước là Môsê và Êlia, như là chứng nhân của cuộc hiển dung. Điều Đức Giêsu muốn mạc khải cho các môn đệ về thập giá và vinh quang song hành với nhau: “phải trải qua thập giá mới tới vinh quang”. Con đường đi của Thầy Giêsu là thế và các môn đệ của Ngài cũng trải qua như vậy.
Có một số cha nói vui với Đức Cha Phêrô, ngọn núi cao thế mà Đức Giêsu cùng ba môn đệ leo lên thật là sức mạnh. Có thể leo tới đỉnh các ông mệt quá, hoa mắt, và nhìn xuống thấy cảnh thiên nhiên đẹp, rồi ngại không muốn xuống nữa, nên nói chúng con xin làm ba lều ở đây thì tốt quá. Và chúng tôi thấy một số người Châu Âu vì lòng đạo đức họ đi bộ xuống, gần tới chân núi nhiều người phải dìu nhau do cuồng chân hoặc bị vọp bẻ chăng ?
Trên núi Tabor có nhà thờ Hiển Dung do các cha dòng Phaxicô đảm trách trông coi, có di tích nền thành cổ hay một đan viện thời Thập Tự Chinh.
Trên đường về, thăm làng Nain, nơi Đức Giêsu đã chữa con trai bà góa thành Nain sống lại (Lc 7,11-17). Làng Nain nằm trên một quả đồi, ngày nay vẫn còn nghèo khổ, khi đoàn hành hương đến có một số trẻ em ùa ra xin tiền. Chính đất nơi Đức Giêsu cứu sống con trai bà góa là một ngôi nhà nguyện nhỏ, bên trong rất đơn sơ, một vài cái ghế băng lỏng chỏng, một bàn thờ nhỏ cũ kỹ, bụi bám dường như đã lâu không ai đến dâng lễ. Ấn tượng nhất là hai bức tranh lớn của một họa sĩ nào đó vẽ Đức Giêsu cứu sống con trai bà góa và trao cho bà. Nhà nguyện này do một gia đình Hồi Giáo trông coi, đối diện với nhà nguyện là một nhà thờ lớn Hồi Giáo, họ đọc kinh phát thanh ra loa vang rộng cả một vùng; vì đang trong tháng ăn chay Ramadan của Hồi Giáo.
Bản thân tôi khi nghe một cha trong đoàn đọc đọan Tin Mừng này, tôi cảm thấy ngẹn ngào xúc động, vì nơi đây chỉ còn lại dấu chân Đức Giêsu qua phép lạ cứu sống người con trai duy nhất của bà góa. Làng này không có ai tin theo Kitô Giáo. Theo trình thuật Tin Mừng, Đức Giêsu cùng các môn đệ đi ngang qua thành, trông thấy đám tang, trông thấy bà khóc lóc thảm sầu “Chúa chạnh lòng thương” và đã cứu sống con bà, chứ chẳng liên quan gì đến bà. Điều đó nói lên Đức Giêsu có quyền trên tử thần, chiến thắng tử thần. Với bà góa Nain, gia tài duy nhất, niềm vui lớn nhấn là đứa con trai đã chết. Đức Giêsu đã cứu sống và trao lại vào tay bà, như là trao lại sự sống cho bà, niềm vui, gia tài mà bà tưởng chừng đã mất…
c) Vượt biển hồ Galilê (Tiberia) tới sông Giođan
(ngày 11/9/2008)
Sang ngày thứ hai, 8g00 đoàn khởi hành đi vế phía bắc hồ Galilê. Trước tiên đoàn dừng chân thăm núi Bát Phúc, nơi đây Đức Giêsu đã giảng bài “Hiến Chương Nước trời” cho đám đông dân chúng đi theo Người (Mt 5,1-12).
Đoàn đã đồng tế tại nhà thờ Bát Giác, trên trần nhà mỗi một đôm giác có ghi một mốt phúc tượng trưng cho Bát Phúc, tám mối phúc Chúa Giêsu đã dạy như một phương châm sống để chiếm hữu lấy Nước trời. Ở bên ngòai nhà thờ Bát Phúc có nhiều khu sân rộng, và có nhiều đoàn đã làm lễ ngòai trời với nhiều ngôn ngữ khác nhau nhưng trong cùng một đức tin, một phép rửa và một mối hiệp thông trong tình yêu mến Chúa.
Sau thánh lễ Đức Cha Phêrô, Cha Tổng Đại Diện và một số cha đã ký vào sổ lưu bút để nói lên đã từng đến Thánh Địa và lưu lại.
Rời núi Bát Phúc, đoàn thăm nhà thờ Tối Thượng Quyền Phêrô, nơi đây Đức Giêsu đã trao quyền bính cho Phêrô chăm sóc đàn chiên của Chúa (Ga 21,15-19). Bên trong nhà thờ vẫn còn lưu giữ tảng đá lớn, nơi Đức Giêsu Phục sinh ngồi ăn cá cùng các môn đệ. Cũng chính nơi này Đức Giêsu đã hỏi về lòng mến Phêrô theo nghĩa Agapê, còn Phêrô lại trả lời với Đức Giêsu về lòng mến theo nghĩa tình bạn. Tới lần thứ ba Đức Giêsu hạ mình xuống, không còn đóng vai sư phụ nữa, mà bằng tình bạn hữu để hỏi Phêrô. Lúc đó Phêrô mới nhận ra tình yêu của Thầy Giêsu dành cho mình, và Chúa đã trao quyền bính cho Phêrô.
Điều thâm sâu bản thân cảm nghiệm là Thiên Chúa luôn hạ mình trong khiêm cung để yêu thương, tha thứ và cảm thông, ngay cả khi con người đầy yếu đuối, bất tòan và tội lội. Thiên Chúa không chấp nhất, Ngài cần sự cộng tác và yêu mến Ngài hơn tất cả.
Có giây phút làm tôi rất cảm động, là đoàn phủ phục quỳ dưới chân tảng đá như là biểu tượng quyền bính Phêrô. Để nói lên sự vâng phục Thiên Chúa, vâng phục Đức Thánh Cha và Giám Mục Địa Phương. Đức Cha Phêrô đã đứng trên đá tảng ban phép lành cho đoàn linh mục như muốn đồng cảm sự hiệp thông.
Gần đó, đoàn ghé thăm nhà thờ hóa bánh ra nhiều, nơi đây Đức Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng (Mc 8,1-10). Ý cầu nguyện tại nhà thờ nơi dưới chân bàn thờ còn lưu giữ tấm đá tương truyền Đức Giêsu đã để 07 chiếc bánh và mấy con cá nhỏ làm phép lạ. Chính Đức Giêsu là tấm bánh bẻ ra cho mọi người, là tấm bánh hằng sống cho những ai tin vào Ngài.
Đoàn ghé thăm dấu tích hội đường Caphacnaum, không xa hội đường bao nhiêu có một nhà thờ Chính Thống Giáo với mái ngói đỏ hồng nổi bật.
Tiếp đến đoàn đi xuống biền hồ Galilê, nơi đây Đức Giêsu đã để lại nhiều dấu tích như trong Thánh Kinh thuật lại (x. Mc 1,16- 18; Mc 4,39; Mt 14,25; Ga 21,1-25...). Đòan du thuyền trên hồ nhìn qua Caphacnaum và ngắm cảnh trời mây xanh nước. Đoàn đã đọc đoạn Thánh Kinh (Mt 14,22-33) Đức Giêsu đi trên mặt nước. Cầu nguyện xong có cha nói đùa : Thưa Đức Cha và qúy cha ai có đủ lòng tin xin cứ việc bước xuống mặt nước, chẳng ai dám bước xuống vì sợ chìm…
Sau đó, đoàn trở lại bờ đi ăn trưa tại nhà hàng cá Phêrô. Tại nhà hàng này du khách ăn rất đông, phải chăng là nó gắn liền với chứng tích biển hồ Galile, nơi các Tông Đồ xưa kia hay đánh bắt cá.
Chiều đến cùng ngày, xe đưa đoàn chạy dọc biền hồ Galilê đến dòng sông Giodan nơi con suối nhỏ này Đức Giêsu đã hòa cùng mọi người lãnh nhận phép rửa của ông Gioan Tẩy Giả.
Tới sông, Đức Cha Phêrô cùng linh mục đòan nhắc lại nghi thức Thánh Tẩy, tuyên xưng đức tin và cùng nhau lội bước xuống dòng sông, vừa đi vừa hát để xin ơn tha tội, ơn thánh hóa bản thân nhờ nước và máu của Đức Giêsu.
Trước khi bước xuống sông Giodan, bất kỳ đoàn hành hương nào cũng phải đi qua một cổng vào (Enter), khi đã dìm mình xuống dòng sông rồi, thì chỉ có một cổng ra (Exit) là đi qua cửa hàng bán đồ lưu niệm lớn, ai mà chẳng bị cám dỗ mua. Đó cũng là một hình thức tiếp thị (marketing) du lịch.
d) Đến Bethlem thờ lạy Hài Nhi Giêsu
(ngày 12/9/2008)
Sang ngày thứ ba, 7g30 đoàn hành hương lên đường hướng về phía Nam thăm Bethlem, nơi Đức Giêsu sinh ra. Đây là lãnh thổ của người Palestin quản trị. Đoàn đã đến Cánh Đồng Chiên, nơi các mục đồng ban đêm canh gác chiên cừu được Thiên Thần báo tin Đấng Cứu Thế đã được sinh ra. Đòan đã đồng tế trong hang đá nơi các mục đồng trú nắng, mưa và ban đêm, trước cửa hang có gắn hàng chữ “Gloria in excelsis Deo”. Các mục đồng là những người đầu tiên đã đến thờ lạy Đấng Cứu Thế mới sinh ra.
Theo cha thuyết trình viên hành hương trong tiếng Hipri từ Bet Lehem có nghĩa là nhà Bánh. Đức Giêsu sinh ra được hiểu như là tấm bánh cho mọi người.
Tiếp đến, đoàn đến thăm Thánh Đường Giáng Sinh, nơi có hang Belem nằm dưới Cung Thánh của Thánh Đường, và có ngôi sao bằng bạc biểu tượng cho Đức Giêsu.
Thánh Đường Giáng Sinh hiện nay ba tôn giáo chia nhau quản lý : Chính Thống Giáo Hy Lạp – Chính Thống Giáo Armenia. Đoàn đã đi xuống hang từng người một, vì lối xuống rất hẹp vừa một người đi, lần lượt từ Đức Cha đến từng cha nằm xuống hôn kính ngôi sao bằng bạc, nơi ghi dấu Đức Giêsu sinh ra.
Rời động Giáng Sinh, đoàn đi một cửa khác thăm nơi các Thánh Anh Hài. Thăm một nhà nguyện nhỏ tương truyền Thánh Giêrônimô đã sống nhiều năm ở đây để dịch Thánh Kinh tứ tiếng Hipri, Aram sang tiếng Latinh (bản Vulgata).
Buổi chiều, đi thăm Ein Karem, quê hương của Gioan Tẩy Giả, thăm nhà thờ Đức Mẹ thăm viếng, nơi Đức Mẹ đã ở lại với người chị họ Elisabet và Dacaria; có ghi bản kinh Magnificat bằng tiếng việt.
Sau đó, đoàn đến núi Cây Dầu.
Thăm nhà thờ Thăng Thiên, nơi còn ghi dấu chân Chúa Giêsu Thăng Thiên. Hiện nay nhà thờ không còn hình thù rõ ràng, bên ngoài chỉ còn tường bao quanh và nền nhà cũ, duy chỉ còn một đôm tròn với một cửa ra vào để lưu giữ bàn chân Chúa. Theo Thánh Kinh, không nói rõ ở một địa danh cụ thể nào ( x. Lc 24,49 -51 ; Cv 1,12 ; Ga 20,17).
Thăm nhà thờ Kinh Lạy Cha, do các soeurs dòng kín Cát Minh chăm sóc. Trong cung nguyện có Kinh Lạy Cha bằng tiếng Việt, đoàn đã quỳ gối cầu nguyện với Kinh Lạy Cha. Bên ngòai tiền sảnh nhà thờ có rất nhiều Kinh Lạy Cha bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Từ đây nhìn phóng qua Thành Giêrusalem rất rõ.
Đến vườn Cây Dầu (Giệtsimani) nơi Đức Giêsu đã cầu nguyện cùng Chúa Cha trước khi chịu khổ hình thập giá. Còn lưu lại một phiến đá nơi Đức Giêsu đã quỳ cầu nguyện. Trong vườn có nhiều gốc cây Ôliu cổ thụ, có một gốc cây lớn tương truyền khỏang 2000 năm. Bên cạnh vườn Cây Dầu có nhà thờ các Dân Tộc, do nhiều quốc gia đóng góp xây dựng, nhiều nhất là Hoa kỳ. Bên trong cũng như bên ngòai nhà thờ được trang trí rất đẹp với nhiều hình ảnh độc đáo.
e) Tiến lên Giêrusalem đi đàng thánh giá (13/9/2008)
Sáng sớm, đoàn đi bộ vào trong thành Giêrusalem đến thăm nhà thờ Gioakim và Anna, đây là một nhà thờ thời Thập tự chinh còn giữ lại nguyên vẹn không bị tàn phá. Đòan đã đồng tế ở đây. Bên ngòai khuôn viên nhà thờ, khảo cổ còn giữ lại hình ảnh nền thành cổ và hồ Bethesda, nơi Đức Giêsu đã chữa người bất toại 38 năm nằm chờ (Ga 5,1-18). Đoàn hành hương đọc lại đoạn Tin Mừng này thật cảm động, khi Đức Giêsu nói với người bất toại “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại khốn hơn trước” (c.14). Đức Giêsu muốn nói với anh bất toại, hãy tin vào Thiên Chúa, một mình anh không thể cứu lấy mình, cần đến Đức Giêsu. Đừng thờ thần ngoại, kẻo khốn khổ hơn trước.
Tiếp đó, đoàn đi đàng thánh giá ôn lại cuộc khổ hình của Đức Giêsu. Hiện nay chỉ còn nơi thứ nhất, ba, bảy, mười một, mười hai, nơi táng xác Chúa và mộ Chúa Giêsu còn dấu tích lưu giữ, còn lại những chặng khác chỉ còn dấu số Lamã gắn trên tường nhà.
Hai bên đường lên Núi Sọ xưa kia, nay người ta đã xây nhà cửa và buôn bán sầm uất. Điều làm tôi mất hứng khởi khi cùng đòan hành hương đi đàng thánh giá giữa chợ trời, chợ đời như thế. Bởi tôi không thể cầm trí được khi đường lối chật trội, người qua lại mời chào mua hàng. Dù là thế, nhưng có rất nhiều đoàn hành hương, họ đạo đức đến nỗi vác cả cây thập giá bằng gỗ đi đàng thánh giá.
Kể từ chặng thứ 10 đến thứ 14 đều nằm trong Vương Cung Thánh Đường Mồ Thánh, do nhiều Giáo Hội quản lý. Rất tiếc đoàn đã không vào được mồ Chúa Phục Sinh, vì hôm đó đông khách hành hương với lại xếp hàng tốn nhiều thời gian.
Chiều cùng ngày, đoàn thăm nhà Tiệc Ly, làm lại nghi thức tuyên hứa khi lãnh nhận chức Linh Mục. Gần đó có nhà thờ Đức Mẹ an giấc, đoàn ghé quỳ cầu nguyện với Đức Mẹ. Có hình “Đức Mẹ nằm an giấc vĩnh viễn”.
3. Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Về nguồn tìm lại dấu chân Chúa Giêsu nơi Đất Thánh, tôi nghe kể rằng dân số Israel khoảng 7.000.000 người, nhưng chỉ có hơn 80 người tin theo Kitô Giáo, một con số không thể ngờ. Đất nước Israel đa tôn giáo, bao gồm Hồi Giáo, Kitô Giáo và Do Thái Giáo… Ứng nghiệm lời Thánh Kinh “Người đã đến nhà của Người mà người nhà không nhận ra Người” (Ga 1,11); “không một tiên tri nào được trọng vọng nơi quê hương mình”. Người Do Thái xưa và nay vẫn chưa tin vào Đức Giêsu, dù họ không phủ nhận về lịch sử tính của Người. Thiên Chúa đã chọn Dân Israel làm dân riêng nhưng họ đã luôn bội ước và chạy theo các thần khác. Thật là xót xa! Nhưng từ đông chí tây khách hành hương vẫn đến thờ lạy Chúa.
Tôi cảm nhận dường như Giáo Hội Công Giáo địa phương mờ nhạt trong đất nước Israel, những dấu tích nơi Đức Giêsu đã từng đi qua, từng làm nhiều dấu lạ là do Chính Thống Giáo hoặc Hồi Giáo quản lý, trừ một vài nơi do các thầy, các cha dòng Phanxicô quản coi. Còn dân Israel xem ra có vẻ thờ ơ với địa thánh của mình, họ có biết chăng chính Thiên Chúa đã nuôi họ bằng nguồn đô la qua khách du lịch, được hiểu như là sữa và mật. Bởi tất cả các dấu tích địa thánh đều thương mại hóa du lịch, và ngành du lịch Israel đã ra sức bao có thể để móc túi khách du lịch đến Thánh Địa, đồng thời tâm lý của khách hành hương một lần đặt chân lên Đất Thánh đều bị cám dỗ mua kỷ vật về làm quà cho người thân và bè bạn. Chúng tôi gọi vui là “cơn cám dỗ cuối cùng” trước khi rời Đất Thánh. Trong tương lai không biết các dấu tích Thánh Địa có còn được bảo tồn, lưu giữ như hiện nay, hay bị mai một theo thời gian như chuyện cổ tích mà thôi. Tôi mong ước điều đó không xảy ra.
Thay lời kết
Chắc chắn dư âm về Đất Thánh sẽ còn âm vang mãi trong tôi như một hồi ức khó quên, bởi tôi đã một lần đụng chạm đến thực tại đất nước Israel, nơi chính Đức Giêsu đã được sinh ra và lớn lên.
Về nguồn Đất Thánh, tôi đã tìm bước theo chân Người, cảm nghiệm như Đức Giêsu vẫn còn hiện hữu, vẫn còn nói và họat động như Tin Mừng đã thuật lại. Điều sâu xa trong tâm khảm là tôi không chỉ cảm tạ Thiên Chúa, tri ân Đức Cha Phêrô, mà sau chuyến đi tôi cảm thấy Lời Chúa gần gũi với thực tế cuộc sống, thấy mình hiểu rõ hơn về Lời Chúa, yêu mến Lời Chúa hơn, tin vào Ngài mãnh mẽ hơn, thấy Ngài đáng yêu quá sức. Vì Ngài là Ngôi Lời (Logos), là chính Thiên Chúa làm người thật, sống rất người với cung cách của một vị Thiên Chúa siêu việt.
Giuse Nguyễn Mạnh Khoa, ICM

***